Monday, June 19, 2023

Câu hỏi của thế lực nào: Suy nghĩ từ một người bị hỏi

 NỖI SỢ

Họ hỏi tôi “ Nếu bây giờ chúng tôi bắt anh thì anh nghĩ thế nào?”

Tôi có nhiều mối quan tâm quan trọng hơn nhiều so với việc suy nghĩ rằng liệu mình có bị bắt hay không ? Hay nói cách khác hiện tại có biết bao nhiêu việc tôi phải làm trong khi quỹ thời gian của đời mình sắp hết, hơi đâu nghĩ về việc xảy ra với từ “sẽ” mà ngữ pháp Việt gọi là “phó từ”. Kinh Thánh cũng nói :

“Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: Ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

Nhưng nói như vậy thì có vẻ “lên gân” quá, nên tôi trả lời : “Tốt thôi, nếu vào tù thì tôi có thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ, để tổng kết đời mình. Biết đâu lại viết được mấy cuốn sách tôi đang ấp ủ nhưng vì bận rộn mà chưa viết được”. Một người nói : “Đó là với những người còn trẻ, nhưng anh già rồi, anh hơn 60 tuổi rồi ? Liệu anh có chịu nổi cuộc sống trong tù không?” Tôi trả lời : “Mình sẽ cố gắng, đến khi không thể chịu nổi thì...”  tôi đưa bàn tay gập lại thành hình khẩu súng, kề vào thái dương : “Bùm”. Anh ta nói : “Ở trong tù làm sao anh kiếm được súng?”. Suýt nữa tôi phá lên cười, cố nén, thở một hơi dài và nói một cách nghiêm túc : “Khi người ta muốn chết thì thiếu gì cách, hơn nữa, nếu một người muốn chết thì không ai có thể ngăn nổi anh ta, kể cả ông trời”. Anh ấy lắc đầu không tin : “Ai mà chẳng nói thế, nhưng đến lúc sắp chết thì lại sợ”. 

Lại bất khả tư nghị rồi. Trên đời có vô vàn nỗi sợ, người ta sợ bởi vì “nỗi sợ hãi” không có hình hài cụ thể, nó chỉ hiển hiện khi ta trực tiếp đối diện với nó và khi ấy anh ta phải tự mình quyết định, không ai có thể giúp được. Như cái chết, khi một người chọn cái chết (vì lý tưởng, vì đất nước, vì những người thân yêu nhất...thậm chí đơn giản chỉ muốn chấm dứt cuộc sống của mình) anh ta đã thực hiện một quyền tự do cá nhân bất khả thương lượng đến Thượng Đế cũng phải lắc đầu. Chẳng thế mà, trong các lớp giáo lý tân tòng, tự sát bị coi là một tội lỗi.

Người ta sợ ma vì hầu hết chẳng ai nhìn thấy ma bao giờ, những người “may mắn” gặp ma thì bỗng nhiên hết sợ ma, một nguồn thu nhập khổng lồ của công nghiệp điện ảnh là sản xuất những bộ phim ma kinh dị. Một cách để không còn sợ “nỗi sợ” là không quan tâm đến nó hoặc coi nó như là chuyện buồn cười. 

Lần bị tạm giữ ở Sài Gòn, tôi phải ngồi vật vờ hơn 6 tiếng đồng hồ chờ một cán bộ an ninh từ Hà Nội bay vào, vừa nhìn thấy tôi, anh đập bàn quát lớn : “Nói cho anh biết, ngay ở nước Mỹ, phạm vào ‘an ninh quốc gia’ thì lập tức bị tống vào Guantanamo, không có dân chủ, nhân quyền gì ráo. Tôi từng học ở Mỹ, theo chương trình của FBI và CIA, tôi không lạ gì” Tôi đành phải dành thời gian “chấn chỉnh” lại thái độ của anh ta cho đúng mực. Dịu xuống anh nói : “Tôi hơi nóng bởi vì tôi bị sốc, tôi không thể ngờ có lúc những người như tôi và anh lại đứng ở hai bên chiến tuyến”. Lại sai rồi, tôi chưa bao giờ coi anh hay những đồng nghiệp của anh là kẻ thù dù họ gây cho tôi và những người thân yêu của tôi không biết bao nhiêu phiền lụy. Anh nói tiếp : “Tôi theo dõi anh từ lâu, đọc tất cả những bài anh viết, rất ấn tượng với loạt phóng sự mà anh viết khi sang Trung Quốc đi tìm những cựu chiến binh từng đánh nhau với anh hồi chiến tranh biên giới”. Ồ, vấn đề là ở đây, tôi nói với anh ta : “Nếu anh đã theo dõi tôi thì anh biết, khi ở TQ, ban đêm cảnh sát đặc biệt vũ khí tận răng, đeo mặt nạ xông vào phòng tôi trong khách sạn, ban ngày đi đâu cũng bị mật vụ mặc thường phục theo dõi, thậm chí tôi có thể bị thủ tiêu mà không ai biết...tôi còn không sợ. Bây giờ ở đây, trên quê hương mình, nói với nhau bằng tiếng đồng bào mình, thế mà anh lại mang nhà tù ra dọa tôi và nghĩ rằng tôi sợ. Anh thấy nó có buồn cười không?”

Nhưng tại sao người ta vẫn sợ, có thể không sợ tù, không sợ chết nhưng vẫn sợ. Cái sợ ấy là những gì ? Có lẽ khá đầy đủ khi Havel liệt kê những nỗi sợ của người dân Tiệp Khắc dưới chế độ cộng sản trong lá thư gửi ông Gustav Husák - Tổng bí thư đảng cộng sản Tiệp Khắc lúc ấy :

“ Vì sợ mất việc làm, thầy giáo dạy trong trường học những điều họ không tin; vì lo lắng cho tương lai, học trò nhắc lại những điều thầy giáo giảng; vì sợ không được tiếp tục học tập, thanh niên gia nhập Đoàn thanh niên và tham gia mọi hoạt động cần thiết; vì sợ rằng trong hệ thống thang bậc chính trị quái gở này con cái sẽ không đủ tiêu chuẩn vào trường, các ông bố bà mẹ nhận đủ thứ trách nhiệm và “tự nguyện” tham gia mọi việc mà người ta yêu cầu. Vì sợ những hậu quả có thể, dân chúng tham gia bầu cử, bỏ phiếu cho ứng viên do người ta đề cử và vờ như cái nghi lễ đó là những cuộc bầu cử thật sự; vì sợ cho cuộc sống, địa vị hay tương lai, người ta đi họp hành, biểu quyết thông qua mọi thứ mà họ phải thông qua hay chí ít là im lặng; vì sợ mà họ làm những việc tự phê bình và sám hối nhục nhã, và điền vào không biết bao nhiêu bảng thăm dò ý kiến khác nhau một cách không chân thực; vì sợ có kẻ tố cáo, họ không dám thể hiện ý kiến thực sự của mình ở chỗ công cộng và nhiều khi trong cả chốn riêng tư. Đa số vì sợ những khó khăn về tài chính, do cố gắng cải thiện vị trí của mình và lấy lòng cấp trên mà người ta kí tên vào những “cam kết hoàn thành nhiệm vụ”; cũng từ động cơ đó, thậm chí nhiều khi người ta thành lập cả những tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa mà ai cũng biết trước rằng sứ mạng chủ yếu của chúng chỉ là để báo cáo lên cấp trên mà thôi. Vì sợ hãi, người ta tham gia tất cả những buổi lễ kỉ niệm, biểu tình và tuần hành của nhà nước. Vì sợ sẽ không được tiếp tục làm việc, nhiều nhà khoa học và nghệ sĩ đã thể hiện sự đồng tình với những tư tưởng mà trên thực tế họ không tin, viết những điều mà họ không đồng ý hoặc biết rõ là không đúng, gia nhập những tổ chức của nhà nước hoặc tham gia những công việc mà họ cho là chẳng có giá trị gì, hay tự cắt xén và bóp méo những công trình của mình. Để giữ thân, nhiều người thậm chí còn tố giác những người khác rằng người ta đang làm những việc mà chính bản thân họ đã gây ra cho người khác...

Về mặt nào đó, (nỗi sợ) thậm chí còn mang tính phổ quát hơn: trên đất nước ta, không công dân nào mà không bị ảnh hưởng đến đời sống (theo nghĩa rộng nhất) – mỗi người đều có gì để mất, vì vậy mà ai cũng có lí do để sợ hãi”

Hết trích.

Nỗi sợ không còn là những hình thức tàn bạo như thời quá khứ : Đấu tố hạ nhục người vô tội, bắt giam không cần lý do, hành quyết không cần xét xử vv...mà nó đã trở thành một thành tố trong việc xây dựng một hệ thống gây áp lực lên đời sống xã hội và trở thành phổ quát. Nhưng, hệ thống này không thể hoạt động hữu hiệu nếu như không có một lực lượng bảo đảm cho hệ thống có tính vạn năng, tính toàn diện, quyền hạn vô hạn và hiện diện khắp nơi. Khi mà, một công dân bình thường hoàn toàn không bị “mời làm việc”, không bị buộc tội, không bị xét xử hay kết án nhưng anh ta vẫn cảm thấy bị bao bọc trong một cái lưới không thể thoát ra - nó làm cho cuộc sống của anh ta mất đi tính tự nhiên chân thực biến nó thành một cuộc sống giả dối, đạo đức giả thường trực- không trừ một ai- từ anh xe ôm đến ông tổng bí thư. Nó là cái gì vậy ?

copy từ FB-Ngô Nhật Đăng

No comments:

Post a Comment