Wednesday, June 7, 2023

Giữa 2 cuộc chiến tranh

Câu chuyện lịch sử: 

Con đường tự do 1954

Điều khoản 14(d) của Hiệp Định Geneva thỏa thuận cho phép người dân hai miền Nam-Bắc được tự do di chuyển và cư ngụ trong vùng kiểm soát của hai bên quốc gia và cộng sản trên lãnh thổ Việt Nam, được ngăn đôi tạm thời bởi vỹ tuyến 17 cho đến khi tổng tuyển cử vào năm 1956.

Điều khoản này có hiệu lực trong 300 ngày, bắt đầu từ mùa Hè 1954 cho đến ngày 18 tháng 5 năm 1955.

Các dự đoán ban đầu từ chính phủ Thủ tướng Ngô Đình Diệm và Pháp cho rằng sẽ chỉ có vài chục ngàn người sẽ quyết định di cư, phần lớn là những người làm việc cho Pháp. Tuy nhiên con số cuối cùng đã lên đến gần một triệu người Bắc đã di cư vào Nam và khoảng 100 ngàn người Nam tập kết ra Bắc, theo các số liệu từ các nhà sử học Pháp. 

Ba phần tư người di cư vào Nam là công giáo vì lo sợ việc đàn áp tôn giáo và hầu hết người tập kết ra Bắc từng là Việt Minh lo sợ sẽ bị trả thù.

Hải quân Hoa Kỳ đã tham gia giúp đỡ người di cư miền Bắc, đưa được hơn 300 ngàn người vào Nam và số còn lại do Pháp, Anh và một số quốc gia đồng minh thực hiện. Cũng có khoảng trên dưới 100 ngàn người đã tự vào Nam, không thông qua các chương trình di tản.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã viện trợ cho chính phủ Nam Việt Nam nhằm giúp tái thiết cho đồng bào miền Bắc.

Người Mỹ đã giúp người tị nạn Việt Nam vào năm 1954, giúp người tị nạn 1975 và rồi giúp đỡ cho hàng triệu người Việt vượt biển, qua các chương trình nhân đạo trong những năm sau này. 

Hành trình tự do của người Việt xem ra không tách rời với người Mỹ trong câu chuyện lịch sử. 

Đinh Yên Thảo (Trang Văn chương Miền Nam)

No comments:

Post a Comment