Saturday, April 2, 2022

Lợi lộc và giáo dục

 MƯỜI SÁU NĂM HÀNH HẠ HỌC SINH. BAO GIỜ NGƯNG?.

.

Vào bài viết này tôi lấy cái mốc 16 năm, từ 2006 ngày một học sinh phổ thông trường Nguyễn Hữu Cầu TP HCM tự tử vì áp lực học hành đến vụ cháu bé chết ngày hôm qua Ở Hà Nội khi chán cuộc học hành này.

Mười sáu năm là quá dài cho một cuộc cải thiện nền giáo dục.

Nhưng hình như nó quá ngắn cho những mưu ma chước quỷ biến giáo dục thành thị trường, biến sách giáo khoa, sách ăn theo thành “kit test”, biến con em thành đàn phu chữ, biến phụ huynh thành lớp người thụ động và biến những thiếu niên có thể trưởng thành tốt thành mạng thí cho nền Giáo dục này.

.

Tôi cũng có lỗi trong việc này là can dự (Dù rất lâu, từ 1996) nhưng chỉ với tư thế một ký giả, đôi khi bức xúc quá đã bộc lộ ý tưởng GIẢI TÁN BỘ GIÁO DỤC. Đã gần 30 bài viết về GD, đã tham dự nhiều diễn đàn về GD nhưng tôi không tỉnh ra để nhận thức được một vấn đề : Không ai thắng được tiền bạc. 

.

Lợi lộc nó túm gáy những ông to bà lớn trong ngành này lôi đi tuồn tuột, không sức nào kéo lại được.

.

16 năm chưa phải giới hạn cuối cùng cho những chính sách hầm bà lằng, vô độ nảy nở.

Muốn làm, có hai cách.

.

Cách thứ nhất :

 Nhờ trời!.

Ví dụ như có một cuộc sụt đất, một chỗ nào đó có các Bộ, cục, vụ, viện (loại vô dụng) của GD bỗng hẫng một phát, tụt xuống tít dưới kia, các lực lượng cứu hộ bó tay.

Sau biến cố này nhưng người làm GD ngẫm ra ( ngẫm đúng hoặc chỉ do duy tâm) rằng “Có thể nào cứ cắm đầu vào làm việc phi nhân rồi phải trả giá không?. Và bây giờ ai nấy, từ cấp Sở trở lên tận tâm, tận tài tạo nên một nền giáo dục tốt, để phước cho con cháu và để công cho muôn dân.

.

Cách thứ hai: Chỉ ra một cách bài bản, từ tốn những vấn đề cốt lõi như:

1.Nguyên lý phá hoại xã hội bằng giáo dục.

2.Tính ỳ khi đã in đậm vào não bộ giới quản lý thì thay đổi bằng cách nào.

3.Có thể cắt bỏ, cắt không thương tiếc 40% chương trình dạy, thay đổi tận gốc cách dạy cách học, cắt 60% nội dung giáo khoa, thay vào đó những kiểu GD thực hành, hiệu quả, nhiều hứng khởi cho hs.

4.Cần cảnh giác cao độ bọn “Kit test GD” nảy nòi ra vô số loại “sáng tạo bỉ ổi” rối rắm, mờ mịt để thay thế cái mờ mịt rối rắm này. Chủ yếu là làm tiền XH.

5. Xoá bỏ "Trường chuyên lớp chọn".

.

6.Chỉ ra số tỷ USD quốc dân đang phải trả cho các hệ giáo dục “quốc tế” từ mẫu giáo đến sau đại học, cả từ lực lượng đi du học đến cuộc đổ bộ khổng lồ 20 năm  của “tây” hiện nay vào đất nước này , nó bằng, nhỏ hơn hay lớn hơn toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi khoản xuất khẩu ba bốn triệu tấn  gạo của Việt Nam trong khi nước ta dư thừa khả năng làm một nền GD tốt  thay cho “quốc tế”?

Thưa các bạn.

Trong một diễn đàn, tôi đã nói:

30 năm qua ngành có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhất là ngành Nông Nghiệp!.

Nhiều nông dân đã chế ra máy bay không người lái tham gia bảo vệ thực vật.

Có nông dân ở Đak Lak trình độ lớp sáu đã lai ghép thành công giống bơ có giá trị cao gấp bốn loại thường dụng.

.

Nhưng.

Ngành trì trệ nhất , tệ hại nhất chính là ngành Giáo dục.

Trì trệ như thế nào, tệ hại như thế nào thì có hai cách trả lời:

Cách thứ nhất là số học sinh hỏng mắt, học cũng như không, biến thái sức khoẻ, nhiễm nhiều thói hư tật xấu bởi học đường, cuối cùng là tự tử trong 16 năm qua.

Cách trả lời thứ hai, bài bản, rõ ràng, đâu ra đó, xin bạn đọc đón coi bắt đầu từ bài thứ hai sau bài này.

.

Để những trái tim to bên ngành GD khỏi thắc mắc tôi nêu một luận điểm và giữ đến cùng, làm rõ nhất, sâu sắc nhất điều này:

.

Lượng thông tin ép vào đầu một học sinh (lớp 4 chẳng hạn) năm 2021 nhiều gấp 20 lần năm 1985 với cùng đối tượng.

Tham số này nói nhẹ nhàng là phi khoa học, nhưng nhìn vào quan điểm ngu dân hoá thì đích thị là phản động.

Nếu ba bốn chục triệu thanh thiếu niên được giáo dục chuẩn chỉ, sẽ là động lực vàng son thúc đẩy kinh tế, xã hội VN tiến rất xa chứ không như hôm nay. 

Trong cái dư lượng 19 lần hơn đó, tôi có thể chứng minh rằng : 60% vô dụng!.

Từ bài sau, tôi làm rõ chuyện này.

2/4/2022

Nguyễn Huy Cường.

No comments:

Post a Comment