Thursday, April 7, 2022

CẢI TIẾN CHỮ QUỐC-NGỮ: NHỮNG DỰ ÁN TẦM PHÀO, VÔ BỔ

Tiếng Việt và chữ Việt cần thay đổi và phát triển là điều tự nhiên bởi ngôn ngữ là yếu tố quan trọng hàng đầu để truyền tải thông tin và giáo dục. Nó cũng thể hiện văn hoá và truyền thống của 1 dân tộc hoặc của từng cá nhân trong giao tiếp hàng ngày.

Nhưng cải cách ngôn ngữ thì ko thể bát nháo được. Chỉ có những người uyên bác trong lĩnh vực này, những người xứng đáng với danh xưng bác học với kiến thức sâu rộng am hiểu tường tận văn hoá & ngôn ngữ Đông Tây từ cổ chí kim mới có thể làm được.

Tôi cho rằng: So với thế hệ vàng đại diện cho tầng lớp tinh hoa của các học giả VN trước đây, dù có tư tưởng cách tân nhưng thiếu khả năng nên hiện nay người ta càng làm càng sai do thiếu cái nền tảng cơ bản mà các bậc tiền bối đã có.

------------

 Thời gian gần đây, một số người gây chú ý trong dư luận bằng những dự án cải tiến chữ Quốc-Ngữ.

Đầu tiên là ông Bùi Hiền với dự án mà tôi tạm gọi là «Chữ Việt Bùi Hiền». Ý tưởng của ông Hiền là làm sao để các văn bản tiếng Việt tận dụng hết được tất cả các ký tự của bảng mẫu tự La Tinh. Hiện nay, trong chính tả Quốc-Ngữ của các từ thuần Việt và Hán Việt không có các mẫu tự F, J, W và Z. Với việc tận dụng thêm bốn mẫu tự vừa nêu, «Chữ Việt Bùi Hiền» ánh xạ được mỗi âm-vị phụ-âm tiếng Việt tiêu chuẩn (phương ngữ Hà Nội) vào một mẫu-tự phụ-âm La Tinh duy nhất, trong khi ở chữ Quốc-Ngữ truyền thống hiện hữu có những âm-vị phụ-âm được thể hiện bằng hai hoặc thậm chí ba mẫu-tự. «Chữ Việt Bùi Hiền» vẫn tiếp tục sử dụng các mẫu-tự nguyên-âm «La Tinh mở rộng» (Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư) cùng hệ thống dấu thanh-điệu (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) của Quốc-Ngữ.

Dự án «Chữ Việt Song Song 4.0» mà nhóm ông Trần Tư Bình đang ra sức quảng bá thì đặt vấn đề khác với Bùi Hiền: họ nhất quyết ghi chép các văn bản tiếng Việt chỉ bằng 26 mẫu-tự La Tinh tiêu chuẩn, không sử dụng bất cứ mẫu-tự La Tinh mở rộng và ký-hiệu thanh-điệu nào của hệ văn-tự Quốc-Ngữ hiện kim. Tuy nhiên, vì số lượng âm-vị phụ-âm và âm-vị nguyên-âm của ngữ âm tiềng Việt lớn hơn số lượng âm-vị của tiếng La Tinh khá nhiều, nên «Chữ Việt Song Song 4.0» buộc phải sử dụng các tổ-hợp mẫu-tự để thể hiện các âm-vị phụ-âm, nguyên-âm đơn, nguyên-âm đôi và nguyên-âm ba tiếng Việt. Nhiều tổ-hợp mẫu-tự được lựa chọn một cách khiên cưỡng, dẫn đến hậu quả nhãn tiền là văn bản Việt khi ghi chép bằng «Chữ Việt Song Song 4.0» RẤT KÉM GỢI NHỚ về phương diện NGỮ ÂM. (Nhớ rằng, GỢI NHỚ NGỮ ÂM là tiêu chuẩn bắt buộc của mọi hệ thống văn tự ghi âm.)

Cần khẳng định dứt khoát rằng cả hai dự án cải tiến chữ Quốc-Ngữ của Bùi Hiền và của nhóm Trần Tư Bình đều không phải là những công trình khoa học gì ghê gớm. Chúng thực chất chỉ là những PHƯƠNG ÁN KHÁC của CHỮ QUỐC NGỮ, thông qua những ánh xạ chuyển đổi mà thôi. Một quy tắc chuyển đổi (ánh xạ) thuần tuý từ ký tự sang ký tự thì chỉ là những thao tác tư duy đơn giản, có hàm lượng sáng tạo gần bằng zero. 

.oOo.

Một NHƯỢC ĐIỂM ai cũng nhận ra ngay của cái gọi là «Chữ Việt Song Song 4.0» là nó đi ngược lại nguyên tắc GỢI NHỚ NGỮ ÂM của một hệ thống văn tự ghi âm.

Còn về lợi ích sử dụng nó mà ông Trần Tư Bình đang tranh thủ quảng bá khắp mọi nơi thì hoàn toàn vô nghĩa và vô dụng trước các công nghệ thông minh hơn gấp nhiều lần đã và đang được triển khai áp dụng: Ngay lúc này đây, công nghệ Speech-to-Text, hay Texting-without-Typing đang được nhúng vào rất nhiều ứng dụng (app) và thiết bị. Tôi đã nhập văn bản status này bằng tính năng Speech-to-Text nhúng ngay trong bàn phím ảo của iPhone.

Để bới lông tìm vết thì văn tự của rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới đều có nhược điểm. Bản thân văn tự tiếng Anh/Mỹ là một thí dụ điển hình: một âm-vị ngữ âm Anh/Mỹ có thể được ghi bằng nhiều ký tự hoặc nhóm ký tự, một ký tự có thể được đại diện cho hơn một âm-vị. Nhưng giới ngôn ngữ học tiếng Anh/Mỹ và giới công nghệ không ai đặt vấn đề cải tiến văn tự Anh/Mỹ ở trạng thái hiện nay hết. Có tối thiểu 3 lý do để cho những «sáng kiến» tầm phào như «Chữ Việt Song Song 4.0» hay trước đó là «Chữ Việt Bùi Hiền» là thứ vô bổ:

1. Lý do ngôn ngữ học: 

Ngôn ngữ nào cũng có những từ đồng âm khác nghĩa, chúng có cùng vỏ ngữ âm nhưng có chính tả (vỏ văn tự) khác nhau => chính tả là công cụ khu biệt ngữ nghĩa. Nếu quy tất cả các từ đồng âm vào cùng một chính tả duy nhất, sự khu biệt ngữ nghĩa lúc này phải căn cứ vào ngữ cảnh, một điều làm phức tạp cho các chương trình dịch máy.

2. Lý do văn hoá: 

Bất kỳ sự thay đổi văn tự nào đều gây nên một sự ĐỨT GÃY VĂN HOÁ. Khi bỏ chữ Hán/Nôm và chuyển sang văn tự Quốc Ngữ, người Việt đã chấp nhận một đứt gãy văn hoá: hầu hết người Việt hiện nay, trừ các chuyên gia Hán/Nôm, đều không thể tiếp cận bộ phận văn hoá vật thể được bảo tồn trong các thư tịch Hán/Nôm. Sự đứt gãy văn hoá do thay đổi hệ thống văn tự chắc chắn sẽ kèm theo những chi phí xã hội hữu hình và vô hình to lớn để khắc phục sự đứt gãy đó. Ai cũng có thể hình dung được điều này. Đây chắc chắn là lý do mà những quốc gia - dân tộc không sử dụng hệ thống chữ viết trên cơ sở mẫu-tự La Tinh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga không đặt ra vấn đề «cải tiến» chữ viết của họ.

3. Lý do công nghệ: 

Ông Trần Tư Bình nêu «lợi ích» của cái gọi là «Chữ Việt Song Song 4.0» là tiết kiệm thời gian nhập liệu. Sự tiết kiệm này chỉ có một chút công dụng khi nhập liệu thủ công (typing), nhưng phải đánh đổi bằng sự kém gợi nhớ ngữ âm. Với công nghệ nhập liệu Speech-to-Text hiện nay đã rất phổ biến, sự tiết kiệm thời gian và công nhập liệu mà ông Trần Tư Bình nêu là hoàn toàn vô nghĩa.

.:&:.

Trần Quốc Khánh

1 comment:

  1. Dù ko thể phủ nhận những gì thuộc về thành tựu mới trong cuộc sống hiện nay, nhưng hầu hết những cái đó là kết quả mang giá trị chung có tính toàn cầu.
    VN thiếu giá trị riêng với bản sắc/giá trị đậm nét của người Việt!

    ReplyDelete