Sunday, September 25, 2022

Những nạn nhân của người TQ

 Đọc một bài viết quá buồn, khi vấn nạn nô lệ vẫn còn bao vây người Việt.

------------------------------------------------------------

“Xin chào anh. Tôi đến từ công ty Vietlott. Tôi thông báo anh trúng thưởng một giải đặc biệt. Xin làm theo các bước sau…”

Tuần trước, mình nhận cuộc điện thoại với lời nhắn như trên. Đầu bên kia, một giọng nữ, chừng 18 tuổi.

Mình nhận ra, trong lúc mình đang ngồi tự do, thong thả uống cà phê thì người đang cố tìm cách gọi để lừa đảo mình đang bị nhốt vào một khu phức hợp ở Campuchia.

Khi kết thúc cuộc gọi này nếu không lừa được mình sớm muốn gì bị chích điện hoặc bị đánh cho tàn phế.

Mình không thể nói trực tiếp rằng em đang gặp nguy hiểm. Vì tất cả cuộc gọi đều được theo dõi từ hệ thống máy chủ do người Trung Quốc quản lý. Họ sẽ nhận diện ra những từ khoá có ý định trốn thoát qua giọng nói. Mình chỉ có thể gửi thông điệp nhỏ, vài cụm từ đơn giản: “Em ổn không? Em không cần trả lời câu hỏi của anh. Anh sẽ tắt máy. Hãy giữ liên lạc”.

Cô bé im lặng 5 giây rồi chủ động tắt máy. Đêm hôm sau, mình nhận tin nhắn qua ứng dụng Telegram. “Chú ơi. Bạn cháu đánh gãy tay nghĩ quẫn đã nhảy lầu. Cuối tháng này cháu không lừa được ai thì cũng bị đánh như vậy. Số điện thoại mẹ cháu 09.. chú gọi giúp dùm”.

Định vị cô bé gửi cho mình, đó là khu phức hợp Chinatown (Phố Tàu) tại đặc khu kinh tế Sihanoukville (Campuchia).

Nơi đây, mình đã từng đặt chân đến vào hồi tháng 6-2022. Ở đó, là tổ hợp gồm 20 toà nhà bao bọc bởi tường rào 4m, quấn thép gai. Xung quanh bảo vệ luôn đi tuần tra và trang bị nhiều thiết bị gây sát thương. Bên trong có chừng 5.000 người bị giam giữ làm nô lệ lao động, phần lớn đến từ Việt Nam, Laos, Thailand, Myanmar và Sri Lanka.

Ước tính, mỗi ngày từ 200-500 người Việt bị đẩy vào đây. Số khác đưa đi khu phức hợp khác vì không làm ra tiền. Họ sẽ đẩy đi ra các hòn đảo gần cụm Koh Rong Samloem hoặc đi vùng Tam Giác Vàng, biên giới Thái Lan. Khi đến nơi đây đồng nghĩa việc làm cho đến ngày không còn hơi thở nữa và mất tích một cách bí ẩn. 

Cũng tại nơi này mình đã đưa 3 thi thể về Việt Nam. Việc đưa về chỉ có thể nhờ hỗ trợ từ những mối quan hệ đặc biệt và khó có thể nhờ đến chính quyền sở tại (Câu chuyện này rất dài và nhạy cảm, xin không tiện nói ra).

Trong số 3 nạn nhân bỏ mạng ấy, 2 người bị đánh thuốc mê, một trường hợp vì thương ba mẹ bệnh đau mà nhắm mắt làm liều. 

Mình thực hiện thống kê nhỏ, trong 56 nạn nhân bị bán Campuchia mình có dịp tiếp xúc và đưa về Việt Nam có những con số giật mình. Gồm: 70% nạn nhân bị lừa qua Campuchia đều không biết sang Campuchia. Họ bị người thân dụ dỗ lên Bình Dương, Tây Ninh làm việc và sau buổi uống nước bị đánh thuốc mê; 80% nạn nhân xuất phát từ hoàn cảnh gia đình ba mẹ ly dị; 95% học hành chưa qua tốt nghiệp phổ thông...

Một câu chuyện cụ thể. Uyên (17 tuổi, quê Đắk Lắk) bị bán sang Campuchia rồi đẩy qua Thái Lan chuyển đi Philippines. Em giao chỉ tiêu mỗi ngày phải lừa đảo 60 triệu đồng. Đến giờ cơm không đạt doanh số phải uống nước cầm hơi.

Ngày em trở về xương hàm dưới bị lệch, tay chân em chi chít vết thương. Điều kiến em ám ảnh nhất khi chứng kiến 2 người bạn của mình bị rời bỏ cuộc sống này. Một trường hợp không nghe lời từ quản lý Trung Quốc họ đã sẵn sàng nả súng trước mặt. Trường hợp khác, sau khi nói lời từ biệt đã nhảy từ tầng lầu cao xuống nền đất. Đến giờ Uyên không biết thi thể bạn mình đang nằm ở đâu trong cánh rừng ở biên giới Campuchia – Thái Lan. 

Tờ The Sydney Morning Herald (Úc) họ thực hiện cuộc điều tra và nhận thấy có 40 khu phức hợp do người Trung Quốc điều hành tại Campuchia. Trên 30.000 người bị cưỡng bức, trong đó phần lớn người Việt Nam.

Những nạn nhân ấy ngày ngày đang tìm kiếm chúng ta để trở thành nạn nhân lừa đảo. Họ phải đối mặt hai việc, lừa đảo để tồn tại hoặc ngược lại. Họ gọi điện, nhắn tin với chúng ta với nhiều thông điệp để moi tiền và trong tâm trí họ luôn muốn gửi một thông điệp S0S. Nhưng không thể nào nói ra.

From FB Phong Bụi.

No comments:

Post a Comment