Sunday, September 4, 2016

ÂU HÓA VÀ TIẾNG VIỆT CÓ TRONG SÁNG HAY KHÔNG? (1)

Phải nói trước là tôi ủng hộ việc học chữ Hán. Nếu mỗi người nhận dạng được và biết nghĩa của 1000 chữ Hán, sẽ có sự thay đổi chất lượng trong cách suy nghĩ của người Việt. Có người sẽ hỏi: bọn Âu Mỹ có biết chữ Hán đâu mà nó vẫn phát triển. Ta chỉ cần học tiếng Âu Mỹ, khoa học, lập trình như nó, là đủ có việc làm, đủ sướng. Xin thưa, bọn Âu Mỹ sướng không chỉ vì chúng nói tiếng Âu Mỹ, mà quan trọng nhất là chúng sống trong một xã hội có nền tảng văn hóa Âu Mỹ. Nền văn hóa này rất diệu vợi, rắc rồi, mà học để hòa nhập vào đó không dễ. Đừng tưởng ngồi uống rượu vang, ăn pho mai, trứng cá, nói tiếng Anh cắc bụp, nói chuyện chính trị, văn hóa tào lao tức là đã xong công việc Âu hóa. Âu hóa thực sự đối với một dân tộc là phải đủ sức để tầng lớp elite gia nhập vào tầng lớp elite của Âu Mỹ. Tầng lớp đó nó có những điển tích của nó, mà muốn nắm được uyển chuyển chứ không lên gân giật cục, trưởng giả quê mùa, là phải có vốn từ, điển tích, danh ngôn latin kha khá, rành về văn hóa Hy La, thuộc vài ngàn đoạn Shakespeare, Voltare, Russeau, Montesquieu, biết phân biệt tranh của Leonard de Vinci với Rafael, đã đọc qua Tân Cựu Ước. Tóm lại văn hóa Âu Mỹ cũng không phải là món mì ăn liền, mà phải rèn luyện rất gian nan. Bản thân tôi, sinh trong một gia đình Tây học, 7 tuổi đã được bà thân sinh nhồi nhét tiếng Pháp, đọc thơ Paul Verlene, Victor Hugo bằng nguyên bản, dịch thơ ra tiếng Việt, ở với Tây hơn 23 năm tổng cộng, cố nhồi nhét văn hóa Âu-Mỹ hàng tuần, nhưng rút cuộc thấy vẫn chưa ăn thua gì. Không bao giờ tôi thấy mình thuộc về nền văn hóa đó, trong khi yêu nó xót xa và điên cuồng xiết bao. Mỗi khi quan chiêm các lâu đài thực tế và tinh thần ở Âu Mỹ, là lòng tôi chợt quặn thắt khi nhớ tới công cuộc Âu hóa dang dở của tiền nhân. Và tôi cũng thấy cô đơn xiết bao, vì trên hành trình phiêu lưu thăm thẳm không có một cộng đồng đồng hành hậu thuẫn.
Ý tưởng Âu hóa không phải là mới lạ mà đã được các sĩ phu có căn bản Nho học và có tầm suy nghĩ lớn từ thời đầu thế kỷ 20 cổ súy. Nhưng đều thất bại vì vấp phải trở lực quá lớn từ xã hội, đến mức có nhiều người thân bại danh liệt. Không ai thấu hiểu được ý nghĩa trọng đại của Âu hóa, nhiệt thành với nó và có những ý tưởng sâu sắc về Âu hóa như Ngô Tùng Phong. Số phận của ông cũng là biểu tượng của Âu hóa thất bại. Trước đó, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Châu Trinh cũng là những nhà cổ động cho Âu Hóa, nhưng không thể thoát được ra khỏi sự cô lập trong giấy mực và tầng lớp của mình. Dường như có một bức tường hay vỏ sò bao vây các trí tuệ bừng sáng như vậy. Ông nội tôi là một nhà Nho, nhưng ông đã tự học tiếng Pháp, soạn từ điển Hán-Việt-Pháp, nhưng rồi ông cũng chỉ đi đến bất mãn với thực tại. Nói theo một cách nào đó, Hồ Chí Minh cũng là một nhà Âu Hóa với một sự uyển chuyển của một nhà chính trị bậc thầy. Nhưng chính sự uyển chuyển đó, cộng với áp lực thời thế loạn lạc làm các tư tưởng Âu hóa của ông đã bị hòa tan. Âu hóa đòi hỏi một sự quả cảm, kiên trì và thời điểm phù hợp. Mục đích cuối cùng của Âu hóa, thực chất là một cuộc Phục Hưng để dẫn tới Bừng sáng, đập phá những điều hủ lậu là căn nguyên bất hạnh triền miên của dân tộc đầy ngộ nhận của chúng ta. 
Học ngoại ngữ, biến tiếng Anh thành sinh ngữ thứ hai là một bước đột phá có tính cách mạng. Những ai làm được việc đó sẽ phải được tôn vinh, trong đền Thánh của dân tộc. Đó là việc đầu tiên phải làm để chặt đứt cái nút thắt Gordias của sự lạc hậu và nghèo đói đã xiềng xích dân ta hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, giải pháp mì ăn liền không thể thay đổi số phận của nạn dân bị thiên tai, địch họa và chính đồng bào của họ làm khổ triền miên. Đừng tưởng rằng học thuộc English 900, có điểm TOEFLE trên 100 là số phận đã khác. Nói như vậy để cho những đứa trẻ sơ sinh lớn tuổi cả thèm chóng chán đang chiếm đa số đừng vội bỏ trò chơi này tìm trò chơi khác, nếu điều diệu kỳ không thể đến trong một sớm chiều, khi được người Âu Mỹ xoa đầu khen nói tiếng Anh hay. Ngôn ngữ chỉ tương thông được với văn hóa khi đạt một mức độ phức hợp nhất định. Giống như ẩm thực phải đạt đến một mức độ tinh tế, chứ không phải để xoa dịu cơn đói cho nạn dân, hay lương tâm của những kẻ may mắn hơn đang đóng vai trò ban phát. Giới elite của Việt Nam đang ngập lụt bởi công nghệ mì ăn liền trí tuệ. Đọc dăm ba cuốn sách ông chằng bà chuộc, chẳng cần chiêm nghiệm suy nghĩ, cố lược lấy những ý nào phù hợp với kinh nghiệm, khẩu vị của mình, nhào nặn đẽo gọt cho vừa chân, vừa não, pha thêm một chút tinh thần tự hào dân tộc, là có ngay một luận thuyết đủ choáng tai đám đông, đẹp ý tầng lớp quan quyền để rao giảng. Phục Hưng Bừng Sáng dễ thế ư? Cần gì đợi Voltaire, Descartes, Newton,... Có thể thấy các luận thuyết như vậy có đời sống đoản hạn, mặc dù ra đời khá thường xuyên. Sau vài năm lại có một luận điệu mới. Điều đó không sao. Kết quả chẳng có gì, mệt óc và làm những điều minh triết hiếm hoi chìm nghỉm mới là cái đáng nói. 
Đúng là biết tiếng Anh ở tầm đọc báo, sách best seller sẽ chỉ mang lại trái đầu mùa như thế. Ngọt đắng là tuy người nếm và phán quyết, nhưng số phận dân tộc chưa thể thay đổi. Chưa phải là toàn bộ công việc Âu Hóa. Hãy nghe Ngô Tùng Phong nói cách đây hơn nửa thế kỷ
"Nên chia lĩnh vực văn hóa làm hai phần: phần thứ nhất là phần văn hóa hấp thụ, và phần thứ hai là phần văn hóa sáng tạo. Phần hấp thụ sẽ thu nhận văn hóa Tây phƣơng và chịu Tây phƣơng hóa. Nhƣng phần sáng tạo chắc chắn sẽ giữ đặc tính của dân tộc vì chịu ảnh hƣởng đặc thức suy tƣởng cổ truyền. Nhƣ vậy chúng ta có thể tin rằng công cuộc Tây phƣơng hóa sẽ không làm mất tính chất dân tộc, nếu chúng ta, sau khi chế ngự đƣợc các kỹ thuật của Tây phƣơng, lên đến mức độ sáng tạo với những phƣơng tiện kỹ thuật đó." 
"Khi nào chúng ta còn thấy tự mãn sau khi đã hấp thụ đƣợc kỹ thuật và khoa học của Tây phƣơng, thì công cuộc Tây phƣơng hóa đã bắt đầu thất bại. Trong thực tế bao giờ mà các chuyên viên của chúng ta gởi đi du học ngoại quốc còn lấy làm tự mãn sau khi vừa hấp thụ xong các kỹ thuật và khoa học của ngành mình, thì công cuộc Tây phƣơng hóa của chúng ta còn ở vào một mức độ thấp và lúc nào cũng bị sự thất bại đe dọa. Chỉ khi nào các chuyên viên của chúng ta, sau khi đã hấp thụ đƣợc các kỹ thuật và khoa học của ngành mình, lại ý thức rõ rệt rằng, chỉ vừa bƣớc đi qua một giai đoạn sơ khởi, và còn cần phải nỗ lực để đạt đến chỗ chế ngự đƣợc khả năng sáng tạo trong ngành của mình, thì lúc bấy giờ cuộc Tây phƣơng hóa của chúng ta mới đi đúng đƣờng và có hy vọng thành công. Sự kiện trên đây giải thích cho chúng ta hiểu vì sao, trong thời kỳ Pháp thuộc khối ngƣời mới vừa Tây phƣơng hóa đƣợc đến một mức độ rất thấp, chiếm đƣợc vài cái bằng cao cấp, đã lấy làm tự mãn, và từ đó sự tiến bộ đã ngừng hẳn. Sự kiện này chứng minh một cách rõ ràng rằng công cuộc Tây phƣơng hóa của chúng ta ở thời kỳ Pháp thuộc, không đƣợc hƣớng dẫn, không có lãnh đạo cho nên những ngƣời “theo mới” không biết đi đến mức nào là đúng. Chưaa chi đã lấy làm tự mãn thì làm sao còn có ý chí để thực hiện một công cuộc Tây phương hóa đến mức độ đủ cao, đòi hỏi nhiều nỗ lực và nhiều hy sinh." (Còn tiếp)

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

24 comments:

  1. Từ bé, bản chất của tôi đã không thích Tàu, nhưng lại rất thích Âu-Tây. Có lẽ vì thích những câu chuyện thần thoại Hy Lạp hơn những chuyện khác của Á Đông, và cứ thế cái thích và cái ghét lớn dần cho đến bây giờ.
    Kết cục, dù cuộc cách mạng ở VN có lớn mạnh ntn thì tôi vẫn là kẻ ngoài cuộc, và nếu bây giờ, muốn chống TQ/thoát Hoa thì tôi vẫn phải chống lại nhiều thế lực thù địch ngay trên đất nước mình.
    Nhưng trong cuộc chiến này tôi không phải trở thành đảng viên.

    ReplyDelete
  2. Nguyễn Việt Long: Hòa nhập Âu hóa đến mức cao như anh Việ đòi hỏi gần như bất khả, trừ phi được tắm trong nó từ bé. Mà có cần như thế không? Dân Nhật, dân Hàn đa số cũng không Âu hóa như vậy, nhưng họ vẫn dễ dàng làm công dân thế giới được mà.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Điều đó ngay cả người bản xứ còn khó. Nhưng đây là những gì mà tầng lớp tinh hoa tự hấp thu/chuyển hóa một cách tự nhiên để trở thành 1 lực lượng dù ít nhưng vẫn được thừa nhận về ảnh hưởng nhiều mặt trong xh và nhất là vai trò cung cấp những nhà lãnh đạo hàng đầu cho đất nước.

      Delete
    2. Nguyen Ai Viet: Âu hóa như Hàn Nhật là cao chứ. Như Ngô Tùng Phong nói: Âu hóa phải đến phần sáng tạo mới không thất bại. Nhưng ở ta qua thật khó. Khó không phải vì Âu hóa đòi hỏi quá cao, mà khó chính là do trở lực ở ta lớn hơn ở Nhật Hàn.

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: "Không khả thi" cũng là một mẫu hình chống lại cố gắng cải cách thông dụng trong giới quan quyền bảo thủ hiện nay.

      Delete
  3. Minh Quang Hà: Hay quá anh AV ơi. Ngóng phần tiếp của anh quá

    ReplyDelete
  4. Quang Harmony Nguyen Nhat: Thật tình mà nói, em cũng có quen biết một số người Tây, giáo sư cũng có, tiến sỹ, kỹ sư cũng có. Thậm chí một vài người có thể gọi là thân, nói chuyện với nhau cũng nhiều, trên trời dưới biển. Tuy nhiên chưa có duyên gặp được ông Tây nào "Tây" được như định nghĩa của anh Aiviet Nguyen. Câu hỏi đặt ra là liệu có cần phải lý tưởng hóa cái gọi là "Tây học" lên như vậy hay không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Tây nó có cái hay là rất tolerant. Nói chuyện với Việt Nam mình, nó chỉ nói chuyện của mình thôi. Đó chính là cái hơn của nó. Nhưng cũng như nó khen đồ ăn của mình ngon, nhưng vài ngày ăn đồ Á xem, nhốn nháo ngay. Người mình thì sang Tây, chuyên lùng thức ăn Tàu. Quang thử đọc Herodotus rồi nói chuyện với bọn nó xem nó có hào hứng hẳn lên không.

      Delete
    2. Nguyen Ai Viet: Chắc Quang chưa nói chuyện với Newton và Voltaire đúng không :) Khi được nhúng trong một nền văn hóa không cần là elite vẫn thừa hưởng được những thành quả của nền văn hóa. Nếu văn minh phương Tây không có Russeau, Descartes, thì có được như ngày nay không? Mặt khác GS, TS không chắc đã là elite.

      Delete
    3. Quang Harmony Nguyen Nhat: Em cũng hiểu Gs, Ts không phải là tiêu chí của elite. Vấn đề ở đây là elite rất hiếm, kể cả trong không gian cũng như thời gian. Quan niệm của em là tây tàu ta tiệp gì thì cũng đều là nhân loại cả. Cái gì mình thấy hay thì mình học thôi. Kiến thức thu thập theo kiểu như vậy đương nhiên là lộn xộn hơn. Học hành có bài bản, có trường phái chắc là đi được xa hơn, sâu hơn. Tuy nhiên sâu xa hơn chắc gì đã đúng hơn? Mà trên thực tế em thấy anh Aiviet Nguyen là người "đa hệ" đấy chứ, tây tàu gì cũng thích mà?

      Delete
    4. Nguyen Ai Viet: Quang Harmony Nguyen Nhat Để hôm nào rảnh mình nói công cuộc Âu hóa của người Hung ga ri, cũng là hàng xóm của Tiệp.

      Delete
  5. Nguyen Chuong: Bản chất của Âu hoá là giáo dục khai phóng đề cao tư do cá nhân và tôn trọng pháp luật dựa trên khế ước xã hội. VN chưa có thời điểm nào có điều kiện thực hiện được một trong 3 điều trên

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Lập luận "không khả thi" :)

      Delete
    2. Quang Harmony Nguyen Nhat: Ý kiến em là "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" trong điều kiện CNTT phát triển nhanh như hiện nay

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: Quang Harmony Nguyen Nhat, Cụ Phan Chu Trinh đã thử rồi có thấy ai theo đâu.

      Delete
    4. Quang Harmony Nguyen Nhat: Theo cái stt trước của anh về dân chủ thì ít người theo không có nghĩa là không đúng

      Delete
    5. Nguyen Ai Viet: Quang Harmony Nguyen Nhat, Anh có nói gì đúng sai? Mọi người đang nói về tính khả thi mà

      Delete
    6. Nguyen Chuong: Dạy chứ Hán bây giờ có khả thi không nếu không đưa cả hệ thông chính trị vào cuôc?

      Delete
    7. Nguyen Ai Viet: Nguyen Chuong, Đọc cả stt Chương chỉ thấy được mỗi ý dạy chữ Hán thôi à?

      Delete
    8. Nguyen Chuong: Vì thấy bác loay hoay tìm phương án khả thi cho việc Âu hoá cùng lúc với việc dạy đại trà Tam thiên tự nên em mới hỏi thêm.

      Delete
    9. Nguyen Ai Viet: Nguyen Chuong, Chương đọc thành như thế à. Có câu nào nói "loay hoay dạy đại trà Tam Thiên Tự"?

      Delete
  6. Nguyen Xuan Hoai: Hay quá anh Việt ah. Trước đây em cũng từng có suy nghĩ và phát biểu là vn còn chưa có phục hưng. Phản phong, phản đế chỉ là xây dựng cn thực dân phong kiến kiểu mới. Giờ đọc được nhận định của anh thấy chia sẻ :)

    ReplyDelete
  7. Ca Vu Thanh: Tôi thấy đoạn đầu bác viết về học chữ Hán không ăn nhập với đoạn sau lắm. Hoàn toàn đồng ý với bác học chữ là học cả một nền văn hóa, nhưng tôi thấy mình không nên học thêm văn hóa Tàu. Thực tế là tiếng Nhật là một thứ tiếng "củ chuối" vào bậc nhất, pha trộn lung tung và theo hướng Tây hóa, nhưng người Nhật vẫn giữ rất tốt bản sắc dân tộc, và tôi cũng không biết họ có đang cố gắng làm "trong sáng" tiếng nước họ không.
    Về phần Âu hóa thì hoàn toàn đồng ý với bác. Bác nhận định rất hay và tôi cho là rất đúng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Bác từ từ đọc các phần sau.

      Delete