Tuesday, September 27, 2016

TÂM LINH VÀ TƯ DUY

Thực ra tôi không thích từ "tâm linh" nó dễ chuyển sang chuyện bói toán, ma quỷ và linh hồn. Những thứ này, tôi không hiểu, không thấy cần thiết hiểu. Trong cuộc sống của tôi không có nhu cầu biết mấy thứ đó, biết trước được số phận thì chán ngắt, chưa nói chuyện tin hay không tin. Nhìn thấy ma quỷ, linh hồn chắc không có gì thú. Nếu quả có luân hồi tôi sẵn sàng thành một con gà ngon, cho một cô hoa hậu ăn thịt, để báo ứng kiếp sau nữa cô ta lại biến thành một miếng rare beefsteak tuyệt hảo chan sốt nấm thượng hạng bên cạnh một ly rượu đỏ để tôi chén. Trò hoán đổi vòng tròn đó mãi mãi cũng vui và công bằng, tại sao phải cắt đứt.
Điều tôi thấy lý thú trong giáo lý nhà Phật, thậm chí trong Nho, Đạo Lão hoặc các thứ triết lý Á Đông, là một phương pháp luận để phát triển nhân cách (chủ yếu là phát triển tâm lý và trên cơ sở đó là phát triển thể chất) khá hoàn thiện mà tâm lý học của phương Tây còn xách dép chạy theo. Các trạng thái tinh thần khi tu tập, tinh tiến đều rất cụ thể advanced và có thể trải nghiệm, chứng nghiệm. Do đó, có thể sánh với tư duy khoa học phương Tây. Tôi tin ở những giai đoạn đó và thấy có thể cũng đáng công tu tập nếu biết chắc đi đến đích. Tất nhiên để chém gió hay xem tướng vượng phu ích tử cho mấy cô hay ông quan to nào đó, thì không bõ công với tôi. Có điều đó là một đầu tư khá mạo hiểm, không đảm bảo đến đích, thậm chỉ có nguy cơ phải bỏ qua bao điều hấp dẫn khác trên đời. Quá nhiều thầy rởm mà tôi đã gặp. Mặt khác, tôi chưa tin là có cơ hội được sống qua lần nữa trên cuộc đời hết sức thú vị này.
Tâm linh (lý) phương Đông không có quy trình loại bỏ và phân biệt chính học và tà thuyết. Nguyên nhân chính là do trình độ tư duy khoa học kém, chứ không phải là holistic hay nhất nguyên gì. Những loại tư biện kiểu "kiên bạch" hay "ngựa hươu" gì đó, lừng lẫy trong bách gia chư tử Á Đông là loại thứ phẩm hạng bét của suy lý Hy Lạp cổ. Không phải là do tôi lười nghiên cứu thích nói xằng. Tôi cũng đọc văn bản gốc chữ Hán, tra cứu từ nguyên được như ai, đọc bản dịch cũng thấy được chỗ sai, tối nghĩa. Nghĩa là về những trò này cũng trên trung bình. Kinh Dịch tôi lùng kiếm và có trong tay từ khi Hà Nội chỉ có vài cuốn. Sách về Thiền Phật trong nhà cũng không thiếu. Nếu muốn chém gió tù mù hoặc coi số mạng kiếm cơm chắc cũng ổn, ít ra cũng khó phân biệt với các dị nhân thời nay. Nhưng quả tình là không đi đến đâu. Nói là tôi phải cố gắng hơn nữa mới hiểu được, hoặc tôi không hiểu gì cả về Dịch, Thiền, thì cũng được. Năng lực trên trung bình như tôi, cũng đã mất công tìm hiểu không ít mà cũng không hiểu nổi một điều gì đó, dù là hay ho, nhưng ích lợi không rõ ràng, thì mọi người có nên theo không. Tất nhiên, nâng được 2 tạ hay chạy 100 m trong 9s cũng là có ích. Nhưng có nên bỏ cả đời ra để theo mỗi chuyện đó không, nếu mình đã có nghề kiếm cơm và các thú vui tinh thần khác rõ ràng hơn.
Đối với một số người đi tìm chân lý cao hơn tư duy khoa học và đức tin, có lẽ tôi cũng là một người như thế, tôi muốn chia sẻ một cách nhìn. Nếu ai đó thấy có ích xin chúc mừng. Ai không tin cũng không sao cả. Chữ Tư duy ở đây là tôi muốn nói về tư duy khoa học. Đối với tôi không có tư duy nào khác. Đức tin là thể chất về tâm linh. Ai không đồng ý có thể tạm cho là quy ước dùng từ khác nhau.
Đức tin và tư duy là hai thành phần của nhận thức chân lý. Ở trình độ hiện nay của loài người, không thể nhận thức mọi sự nhờ tư duy do vậy ắt phải có đức tin trợ giúp để đi tiếp. Đức tin cũng vẫn phải nhờ tới tư duy để tồn tại, suy nghĩ, trước khi ta nhập được vào Niết Bàn, trở nên toàn năng thấu thị mọi sự như mô tả trong kinh bổn. Tôi không nghĩ cái nào thay thế được cái nào. Đang nói tư duy khoa học mà trộn sang Đức tin là bố láo, đang nói đức tin mà nhằng nhịt quá đà sang năng lượng, entropy là loạn. Cố nhiên ở một mức độ nào đó có thể tạm dùng các khái niệm vay mượn cho dễ hiểu với một số người. Nhưng thực tế, đó đều là các món chay mang tên "Cầy nhựa mận", "Dê tái" hay "Ngẩu pín hầm" mà thôi. Chứa đựng đầy mâu thuẫn và tiềm tàng sự nực cười.
Đi tới chân lý, như Phật nói, có thể thông minh như Ca Diếp hay có đức tin mạnh mẽ như A Nan Đà. Học trò cụ Khổng cũng có người nặng về đức hạnh như thầy Nhan Uyên hay tư duy như thầy Tử Lộ, dám nghi ngờ cả thầy mình. Đi đến chân lý vượt tầm đức tin và tư duy, như Phật hay cụ Khổng cụ Lão dạy có thể theo hai đường Đạo hay Đức. Tuy nhiên, theo tôi điều đó chỉ đúng ở thời các cụ, khi chân lý các cụ muốn đạt tới chưa xa. Chân lý là một khái niệm thay đổi theo thời gian, một trạng thái quán triệt hết tinh hoa nhân loại. Ngày nay quán hết được lý thuyết dây màng, lỗ đen, bổ đề nọ bổ đề kia, CNTT, các loại triết học Đông Tây phải có chặng đường dài hơn.
Có thuyết cho rằng, cứ học Dịch Lý, Thiền thật kỹ, rồi lướt qua Khoa học một tý khéo Lý thuyết Vạn Vật sẽ quán thông, cười vào mũi cả tá Fields và Nobel như bỡn. Thuyết khác lại cho là cứ đến đỉnh cao khoa học rồi hãy bàn chuyện tâm linh, đức tin. Biết bao giờ cho đến cùng mà có đến được hay không và đến rồi ta còn muốn làm chuyện đó hay không thì vẫn còn vô khối điều cần bàn.
Trong tâm lý học và xã hội học có mô hình Zeemann về hai thành phần "kỹ năng" và "ý tưởng". Mô hình này có thể mở rộng cho rất nhiều lĩnh vực với hai cặp phạm trù có vẻ đối lập hay sinh ra tranh cãi kiểu "quả trứng con gà". Tuy nhiên "ý tưởng" có thể tạm xem như "tâm linh", "kỹ năng" như tư duy khoa học. Có nhiều điểm cũng nhang nhác, nhưng chủ yếu để cho các nhà tâm linh không thấy bị xúc phạm vì bị hạ ở mức "kỹ năng". Các nhà khoa học thực sự thì không lo lắm, họ không quan tâm tới chữ nghĩa.
Ý tưởng của Zeeman là: Tại sao có những người về cả "kỹ năng" và "ý tưởng" đều không thua gì thiên tài, nhưng không nên cơm cháo gì, đôi khi còn phải điều trị trong dưỡng trí viện? Ông đã đưa ra mô hình trong hình vẽ sau để giải thích. Nếu phát triển tư duy và tâm linh theo một con đường phù hợp sẽ đến được nhánh trên (chân lý). Nếu đi sai được sẽ húc đầu vào bức vách, không thể tiến lên và mắc kẹt ở nhánh dưới. Bức vách này là do tính chất của diện Zeemann có điểm rẽ nhánh.
Theo tôi, ngày xưa chân lý của các cụ là ở nhánh dưới, nên đi kiểu gì cũng tới được. Ngày nay, phải rèn luyện tư duy, tất nhiên không quên đức tin (nếu muốn tìm chân lý gì đó, còn nếu thấy happy thì học lâp trình và uống bia là đủ), thì mới lên được nhánh trên. Tư duy Á Đông, theo tôi, mắc kẹt ở nhánh dưới do kém tư duy khoa học (Lý do thì xin hỏi Ngô Tùng Phong). Muốn thay đổi đường lên nhánh trên như phương Tây, phải lùi lại, nghĩa là phải đập một số thứ về tâm linh (mặc dù rất có giá trị và đau) để tìm đường lên nhánh trên.
Ngày nay, người Việt là còn bo bo với các giá trị Á Đông như Dịch, Lão hơn cả người Trung Quốc là người đã du nhập TRỞ LẠI các giá trị đó vào Việt Nam. Nếu ai theo dõi văn học mạng TQ sẽ thấy trí thức, thanh niên TQ đang đập phá các giá trị đó không thương tiếc. Không phải họ không biết giá trị của những thứ đó, nhưng họ biết rằng muốn tiến lên phải quay lại, bắt đầu là hy sinh những thứ phương Tây đang thấy rằng quý giá. Nhưng phương Tây đang ở nhánh trên, chỉ họ mới dùng được các giá trị đó để tiến lên.
PS: Một ví dụ cho vui là việc chiếu diện Zeemann lên một mặt phải làm người ta có thể lẫn lộn bộ mặt một chính khách nghiêm trang với một cô nàng khỏa thân. (Xem hình tự hiểu). Nhầm lẫn giữa tư duy và tâm linh cũng gây ra các ví dụ tương tự như thế

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

1 comment:

  1. Do Xuan Phuong: Nhân loại không giống nhau về năng lực ý tưởng và kỹ năng, vì thế xét cơ hội cho từng cá nhân theo quy tắc Zeemann thì dễ, nhưng áp dụng vào xã hội thì khó.

    Phật nói có 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu tập để thành chính quả (dĩ nhiên con số đó chỉ ngụ ý là rất nhiều). Tư duy khoa học có thể hiện diện trong một nửa số đó chăng :)

    ReplyDelete