1. Tôi cho rằng nghiên cứu để hiểu Ý thức và tu tập vận dụng Ý thức là hai việc khác nhau về cả phương pháp và mục tiêu. Cũng như nhà nghiên cứu kim loại không chắc đã là một bác phó rèn tốt. Nói như thế không có nghĩa là tôi coi thường tu tập, nhưng quả tình tôi không có thời gian và cũng không muốn mạo hiểm với khả năng Ý thức mà người ta muốn vận dụng không hề tồn tại. Vì thế tôi sẽ dành thời gian rất ngắn ở kiếp này để hiểu và biết về sự tồn tại của Ý thức. Tu tập vận dụng ở thế giới bên kia và kiếp sau, thời gian còn vô lượng.
2. Đạo Phật nói riêng và triết lý Ấn Độ nói chung tôi coi là một trong các cơ sở dữ liệu thực nghiệm lớn nhất mà ta có để tìm hiểu. Có lẽ các Tạng: Kinh, Luận, (Luật) hàm chứa những điểm chung quan sát thấy lặp đi lặp lại mà hàng tỷ cuộc tu đã tổng kết được. Tuy vậy, chắc chắn là "tạp niệm" cũng rất nhiều, bao gồm các định kiến chủ quan, ngộ nhận. Điều đó không phải là báng bổ, mà hiển nhiên mâu thuẫn có rất nhiều. Làm thế nào chắt lọc được dữ liệu cần thiết. Muốn như vậy xử lý dữ liệu phải có hàng lối, chiến lược nhất định.
3. Trước hết, chúng ta hãy xem mục đích của Đạo Phật là gì? Đạo Phật quan niệm Ý thức là Tâm bao gồm Tâm Sinh Diệt và Tâm Chân Như. Tôi cho rằng Đức Gautama cũng là con người trần thế, ông cũng tiếp thu văn hóa nơi ông sinh ra và lớn lên. Vì vậy giáo lý của ông phải dựa vào các khái niệm có sẵn. Vì vậy tôi cho rằng Tâm Sinh Diệt là Chân Ngã (Atman), Tâm Chân Như là Hồng Phạm (Brahman). Tôi sẽ luôn cởi mở để kiểm chứng, vì có thể Tâm Chân Như sẽ hơi khác Brahman, Tâm Sinh Diệt hơi khác (Atman). Điều đó rất có thể bởi vì ngay trong Upanishads, Atman và Brahman cũng đã có các quan niệm khác nhau. Tuy nhiên bản chất chính của chúng vẫn là các cách chia cặp phạm trù tâm thức cá thể đến toàn thể. Tu tập theo Đạo Phật chính là từ Tâm Sinh Diệt của mỗi cá nhân tiến nhập vào Tâm Chân Như. Đạo Phật cho rằng do vạn vận đều có phật tính, nên quá trình tiến nhập đó là khả thi. Đạo Phật cũng cắt nghĩa rằng tiến nhập sở dĩ khó vì Tâm Chân Như bị vô minh che khuất.
3. Cách tu tập được gọi là Pháp. Pháp là những cách thức, ví như một con đường dẫn tới Chân Như. Vì Chân Như là nơi các Pháp khác nhau hội tụ, nên Pháp Chân Như chỉ là một. Điều đó có nghĩa là "các con đường đều dẫn tới Roma". Có vạn pháp nhưng chỉ cần theo một đường là đủ, bởi vì pháp chỉ là phương tiện để tới Chân Như. Tôi sẽ phân biệt các "pháp" với Pháp hay Pháp Chân Như duy nhất.
4. Nói đến pháp tức là nói đến tạng. Tạng là các kinh điển, có thể coi là các bộ dữ liệu, kiêm bộ xử lý chúng ta dùng để thực hành pháp. Do chúng ta đều xuất phát từ Tâm Sinh Diệt, nên tạng phải nói thành lời để thực hành pháp. Điều thú vị trong chữ Hán "tạng" vừa có nghĩa là kinh điển phật, vừa là kho chứa, vừa là nội tạng. Tức là tạng là tim gan phổi của nhà Phật. Chúng ta có Tam Tạng, tức là Kinh, Luận, Luật ngoài ra đều gọi là Tạp Luận. Theo tôi hiểu, Luật là giới Luật, nặng về tính tổ chức, thích hợp cho tu sĩ và giáo chúng, hơn cho những người muốn tìm hiểu. Đại khái cũng như sách hướng dẫn của bác phó rèn, có thể nhà kim loại học không thấy ích lợi. Kinh là để niệm và chú, Luận là để thuyết. Về cơ bản Kinh có thể cao hơn Luận, bởi Kinh được cho là gần Phật thoại và giáo lý gốc hơn.
5. Niệm dựa trên niềm tin, tác động lên tiềm thức và vô thức, vì vậy sẽ dẫn tới giác ngộ vừa lãnh hội được sự vận dụng, nói cách khác là có trí huệ nhờ niệm. Luận có nhược điểm là sử dụng từ ngữ, khái niệm tác động lên ý thức quá nhiều, do dùng logic mà phủ định khẳng định, thuyết nhiều dẫn đến tâm phân biệt, có tạp niệm dễ sai lạc. Nói như vậy, niệm cũng có tạp niệm. Tuy vậy, Đạo Phật cho rằng niệm mà không niệm, thuyết mà không thuyết, hàm ý cứ niệm nhiều, thuyết nhiều sẽ đến một cảnh giới gọi là "không niệm, không thuyết", tạp niệm sẽ biết mất và con đường tới Chân Như chợt mở. Các tạng đều hội tụ về Như Lai Tạng ("tim gan phổi của người đang tới"). Vì vật Như Lai Tạng là một khái niệm trừu tượng gốc của các tạng, không phải là một tạng cụ thể, không đồng nhất với Như Lai Tạng Kinh là một kinh tạng bàn về Như Lai Tạng. Do "các con đường đều về Roma" nên chọn Kinh hay Luận, niệm hay thuyết không phải vấn đề quyết định. Niệm có thể dễ với đa số người, nhưng khó với tôi. Có thể thôi, vì đa số người niệm không thể đến trạng thái "bất niệm". Tôi thì chắc chắn niệm sẽ không thể có ích lợi nếu chưa nắm được thuyết.
6. Như vậy có 2 vấn đề: Thứ nhất là chọn pháp nào, đọc bộ kinh hay bộ luận nào. Thứ hai là làm thế nào để niệm mà bất niệm, thuyết mà bất thuyết. Tức là làm thế nào nắm được bản chất. Nói và đọc dài như thế, trong tâm có hình thành được cái gì đó như là Như Lai Tạng để nhập Chân Như hay không.
7. Điều tinh túy của Đạo Phật nằm ở chỗ có hướng dẫn từng bước chứ không phải chỉ nói "cứ tin đi, tụng niệm đi" hay "cứ đọc đi, cứ thuyết đi". Các pháp có nhiều đường, nhưng cũng có những nguyên tắc chung như các kinh nghiệm sẽ dẫn người học đạo lạc đường vào Vô Minh: như ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên, thất tình, lục dục,... (chúng ta chỉ cần nắm được cốt lõi không cần nhập tâm cố định ở con số 5, 12, 6, 7) và có những nguyên tắc để khắc phục như là bát chính đạo. Trong quá trình này, người học đạo sẽ trả qua các thức khác nhau, tương ứng với một thành phần cấu trúc hay trạng thái của Ý thức. Nói một cách khác, đây là quá trình gõ cửa và thử tiến vào khám phá chiều sâu của Ý thức. Tất nhiên cũng kèm theo nhiều tạp niệm mà chúng ta phải loại bỏ với các nhận thức mới.
8. Đối với tôi, quá trình này sẽ làm bộc lộ cấu trúc của ý thức vốn tinh tế, phức tạp hơn chỉ nói về hai mặt đại thể Hồng Phạm-Chân Ngã, cho dù chúng ta chia cặp phạm trù này thế nào.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment