Về Königs Wusterhausen (1)
Thị trấn nhỏ Königs Wusterhausen ở phía đông nam Berlin là nơi tôi hay trở về, vì nó gắn bó với tuổi thanh niên của tôi (1967-1971).
Cứ mỗi lần tôi trở về, lại vắng thêm một thầy giáo cô giáo.
Đến hôm nay chỉ một cô giáo duy nhất còn sống, đó là bà Rosemarie Matter. Khi tôi 17 tuổi, bước vào học nghề vô tuyến điện tôi đã thích vẻ đẹp của bà giáo 27 tuổi mới về trường. Bà có khuôn mặt thanh tú, mái tóc bạch kim, cổ cao ba ngấn. Khiếu hài hước của bà khiến các bài giảng về kỹ thuật vi sóng trở nên dễ hiểu.
Năm 1971 chúng tôi về nước. Hai mượi sáu năm sau tôi trở về Königs Wusterhausen tìm lại các thầy cô. Lúc này thời thế đã đổi thay. Nước Đức thống nhất tiếp nhận toàn bộ số nhân viên cũ của trường Bưu điện CHDC Đức và mọi người tiếp tục được làm việc cho đến lúc về hưu. Năm 2006 các bạn Thái, Nga cùng tôi tổ chức một cuộc họp mặt các thầy cô cũ. Việc đó không đơn giản vì nhiều thầy cô không muốn gặp nhau. Bị quá khứ STASI ám ảnh, họ không muốn gặp lại những đồng nghiệp cũ từng theo dõi tố giác nhau.
Tuy bất đồng với nhau nhưng tất cả họ đều quý cái tình của đám trò VIệt chúng tôi và điều đó khiến nhiều cuộc gặp gỡ đã thành công. Tôi mừng nhất là dù trải qua mọi thăng trầm của lịch sử, tất cả đều có lương hưu tử tế. Đa số họ đều mạnh khỏe và sống khá giản dị.
Nổi bật trong số các ông bà giáo thanh đạm đó là bà Rosemarie Matter. Năm 2006, bà vẫn đẹp như xưa, lại cưỡi xe BMW mui trần đến dự liên hoan, giọng nói sang sảng. Là giáo viên giỏi lâu năm, lương hưu của bà khá cao, lại thêm lương hưu của ông chồng, vốn là đại tá Quân đội Nhân dân Quốc gia CHDC Đức, nay được hưởng hưu tương đương với đồng cấp Tây Đức nên ông bà sống khá giả lắm.
Năm đó bà có việc buồn là ông mới từ trần vài tháng trước, nhưng vẫn thu xếp đến gặp đám trò cưng của bà. Rồi bà tâm sự là tiền hưu của ông để lại dành cho bà góa nay chỉ được 86% so với viên quan năm Tây Đức. Tôi chẳng biết nói sao, chỉ an ủi bà rằng:
- Ngày trước ông nhà chỉ có nhiệm vụ là tiêu diệt người ta. Nay thời thế thay đổi ông được người ta chu cấp lương hưu cao như vậy rồi ông qua đời bà tiếp tục hưởng, tuy thấp hơn bên kia thì kể cũng buồn. Nhưng chắc chắn là không khổ như mấy ông sỹ quan Việt Nam Cộng hòa thua trận ở quê tôi. Họ đi tù mút mùa.
Bà nhìn tôi một lúc, không nói gì. Nhưng về sau bà và tôi trở nên thân thiết. Có chuyện gì buồn vui bà vẫn kể với tôi. Lần nào tôi về trường mở liên hoan với các thầy cô bà cũng đến dự.
Rồi bà rủ tôi tham gia nhóm „Nhà lưu niệm đài phát sóng Königs Wusterhausen“. Đài phát sóng trên đồi điện tín này chính là nơi khai sinh của ngành vô tuyến viễn thông Đức từ năm 1920. Nỗ lực của chúng tôi gìn giữ những chứng tích cũ trên nền đất của đồi điện tín đã thành công. Năm 2020 chính phủ Đức đã biến „Nhà lưu niệm đài phát sóng Königs Wusterhausen“ thành „Bảo tàng quốc gia về vô tuyến viễn thông“. Kinh phí đã đổ về để mở rộng diện tích. Vật trưng bày từ khắp mọi miền nước Đức được tập trung về đây. Rainer Suckow, người đang phụ trách dự án bảo tàng này cũng là trò cưng của bà Matter. Cậu ta vào trường bưu điện sau tôi 15 năm, khi ra trường làm ngay tại đài phát sóng. Cậu nói với tôi.
- Có được cái bảo tàng này cũng nhờ công lao của bà Matter nhiều lắm. Vì bà ấy tập hợp được tụi mình.
Hôm rồi tâm sự qua Whatsapp bà có vẻ bi quan về sức khỏe và lo lắng rằng tuần sau sẽ phải đi mổ, Thế là tôi quyết sang thăm bà.
Tôi lại rủ bạn Nga, chị Hiền, những trò cũ của trường Bưu điện hiện đang ở Berlin cùng về đó.
Sáng thứ bảy 14.09 chúng tôi ghé nghĩa trang viếng mộ hai bà giáo đã mất trong những năm vừa qua. Hai bà Inge Lanzke và Inge Henk về già sống cô đơn trong nhà dưỡng lão nên khi qua đời gia đình chôn cất họ ở một khu mộ vô danh. Tất cả những người không có con cái thường xuyên đi tảo mộ được chôn ở đó, không ai có bia mộ. Ai đến thăm người thân thì mua hương hoa viếng cho tất cả.
Sau đó cả bọn lại đưa nhau về thăm trường cũ trên „Đồi Điện tín“. Trường Bưu điện đã trở thành trường dạy nghề của bang từ mấy năm nay. Chúng tôi không được vào, chỉ loay hoay đi bên ngoài chụp ảnh. Nói chung cảnh quan không thay đổi nhiều. May sao bỗng gặp tay quản lý đang loay hoay sửa xe ngoài sân sau. Anh ta nhìn là biết tụi tôi. Chuyện đám học sinh Việt Nam gần 60 năm trước hay quay về đây thì cả thị trấn đều biết. Thế là anh ta mở cửa tầng hầm để cho chúng tôi vào thăm lại bên trong.
Điên thoại di động được khởi động để live stream „sự kiện“ này về Việt Nam cho các vị về hưu bên đó „hồi xuân“. Ho Nga Hue quay camera vào từng cửa sổ: Đây là phòng chị Hien Nguyen, kia là phòng anh Trần Văn Thái...
Rồi điện thoại quét qua phòng bóng bàn trong hầm, dừng lại ở cánh cửa phòng cuối cùng, vốn là phòng tối in tráng ảnh (Fotolabor). Cả bọn cười bò ôn lại những bi kịch của thời kỳ „L..tù, cu hãm“.
Thời đó sứ quán cấm đoán mọi chuyện yêu đương. Nước CHDC Đức là cường quốc photo-kino nên chúng tôi ai cũng mua máy ảnh chụp lung tung. Nhà trường có phòng lab rửa ảnh dưới tầng hầm. Ai muốn in tráng phim, ảnh cứ đến lấy chìa khóa mà xài. Hóa chất và máy móc thì đảng bạn cấp cho miễn phí. Học sinh Đức ít xài phòng này hơn quân ta, vì họ còn có nhiều trò tiêu khiển khác. Quân ta thich chụp ảnh đã đành, nhưng cũng thích rủ nhau vào phòng tối, có khóa cửa được "chính quyền đảm bảo".
Thế là từ cái phòng tối có đèn đỏ đó đã xảy ra vài câu chuyện ái tình bi hài của đội chúng tôi.
Có người tố cáo bị ôm hôn, sờ soạng trái phép trong đó, ít nhất là hai vụ!
Thế là chi bộ tổ chức kiểm điểm anh nọ, chị kia. Mỗi cuộc họp kéo dài cả vài buổi. Tôi tức nhất là mất mấy trận bóng đá và các chương trình ca nhạc „DDR-Schlager“ để ngồi nghe các anh chị hành hạ nhau.
Nhưng nhiều người lại thích được họp để ép các đối tượng phải kể chi tiết các động tác của thủ phạm. Sống trong cảnh tù hãm, người ta thích đọc các tiểu thuyết khiêu dâm là vậy. Nay không được mua tiểu thuyết thì bắt chúng kể chuyện xảy ra trong phòng rửa ảnh. Chi bộ đã bắt thì kiểu gì cũng phải khai!
Giờ đây các cụ U80 live tream cho nhau, nghĩ đến những „vụ án phía sau cánh cửa cái phòng tối“ đó để hồi xuân. Cười vui vẻ chứ không còn bí bách như xưa.
(Còn tiếp)
Nguyễn Xuân Thọ
No comments:
Post a Comment