Đạo Phật, trong bản chất sâu xa nhất, là một con đường dẫn đến sự giác ngộ và giải thoát, nhưng không phải thông qua việc dựng lên một câu chuyện lớn lao mới về vũ trụ, thế giới hay sự sống và cái chết. Điều làm cho Đạo Phật trở nên đặc biệt chính là việc nó không cố gắng đưa ra những câu trả lời tuyệt đối về nguồn gốc hay ý nghĩa cuối cùng của mọi thứ. Thay vào đó, Đạo Phật mời gọi chúng ta nhìn sâu vào tâm thức của chính mình, để nhận ra cách mà chính ta đã dựng nên những câu chuyện ấy thông qua cấu trúc nhận thức, hay còn gọi là vikalpa.*
Cấu trúc nhận thức, theo Đạo Phật, là cách mà tâm trí chúng ta phân chia, diễn giải và dán nhãn các trải nghiệm bằng hình ảnh và ngôn từ. Thay vì nhìn thế giới một cách trực tiếp và không bị che mờ bởi tưởng, chúng ta tạo ra những câu chuyện, hình dung, và khái niệm để cố gắng hiểu và kiểm soát thực tại. Những cấu trúc này về bản chất không thực; chúng là công cụ để tâm trí vận hành. Tuy nhiên, khi chúng ta đồng nhất mình với những câu chuyện do tâm trí tạo ra, chúng ta rơi vào mê lầm và khổ đau. Chính sự bám chấp vào những cấu trúc nhận thức này làm nảy sinh khổ đau, bởi chúng ta không còn thấy rõ thực tại như nó là.
Chúng ta thường tạo ra những câu chuyện về bản thân—rằng ta là ai, ta cần gì để hạnh phúc, và thế giới nên như thế nào để phù hợp với mong muốn của ta. Về căn bản chúng ta gán nhãn mọi hiện tượng bằng cách gọi tên nó, cho nó một tính chất, hình thành một tri kiến giả lập về nó, vận hành theo quy luật giả lập này, để chúng thành định mệnh của chúng ta. Khi những câu chuyện này bị thách thức hoặc không thành hiện thực, tâm trí chúng ta phản ứng bằng cách chống đối, lo sợ hoặc thất vọng. Từ đây, khổ đau xuất hiện, không phải từ thực tại khách quan, mà từ cách chúng ta diễn giải và phản ứng với nó. Đạo Phật chỉ ra rằng, để thoát khỏi khổ đau, ta không cần thay đổi thế giới bên ngoài, mà cần giải phóng tâm thức khỏi sự ràng buộc bởi những cấu trúc nhận thức sai lầm này.
Điều này dẫn đến một hiểu biết sâu sắc hơn về giải thoát trong Đạo Phật. Giải thoát không phải là đạt đến một nơi nào đó xa xôi, hay một trạng thái tồn tại vĩnh cửu nào đó. Nó là sự buông bỏ những câu chuyện và cấu trúc mà tâm trí ta dựng lên. Khi tâm trí không còn bị vướng bận bởi những hình dung sai lệch, ta có thể trải nghiệm thực tại một cách trong sáng và tự do. Sự giác ngộ, vì thế, không phải là một mục tiêu siêu nhiên, mà là một sự trở về với chính mình, thấy rõ cách mà tâm thức tạo ra thế giới và vượt qua nó.
Đạo Phật không dựng lên một "đại tự sự" để thay thế những câu chuyện đã có. Thay vào đó, nó giải thích tại sao chúng ta lại cần những câu chuyện đó, và làm thế nào để vượt qua sự phụ thuộc vào chúng. Sự độc đáo này làm cho Đạo Phật trở thành một con đường không chỉ dành cho người tìm kiếm chân lý siêu hình, mà còn cho những ai muốn hiểu sâu về chính tâm trí mình và tìm thấy sự tự do trong cuộc sống thường nhật. Con đường đó có thể tìm thấy bằng cách quan sát ngược tâm trí của chúng ta từ định mệnh đến định luật, định kiến, định tính, định danh và cả định hình.
Trong một thế giới đầy những mâu thuẫn và đau khổ do tâm trí tạo nên, sự tự do này có lẽ là món quà lớn nhất mà Đạo Phật mang lại.
* Hầu hết kinh sách đều dịch Vikalpa là tâm phân biệt, riêng Hòa Thượng Thích Nguyên Giác trong tác phẩm Thể Nhập Chánh Pháp Lăng Già dịch là "cấu trúc nhận thức." Theo tôi đây là cách dịch làm rõ nghĩa nhất việc tâm thức tạo nên các giả lập, tương tự khái niệm schema trong tâm lý học phương tây, đặc biệt theo nghĩa CBT (Judith Beck) chứ không chỉ theo nghĩa của Jean Piaget.
Note: chiêm nghiệm nhân ngày Phật thành Đạo.
Ngô Tiến Nhân (ELTE.vidi72)
share từ FB-Lê Nguyên Phương
No comments:
Post a Comment