Thursday, January 4, 2018

Thời kỳ Phục Hưng - Reneszánsz - Renaissance (1)

Ở Tây phương, khi nghệ thuật trở lại/vươn đến sự hoàn mỹ và hài hòa ở đỉnh cao trong thời kỳ Phục Hưng, thì trung tâm của nó là nước Ý, với Roma, thành phố của các Giáo hoàng, các nhà thờ, cung điện, và các kiệt tác mỹ thuật.
Mỗi nền văn hóa đều là một món quà quý giá mà Thượng đế truyền xuống cho nhân loại, mỗi nền văn minh đều khởi đầu nhờ sự dẫn dắt của sức mạnh Thần Thánh. Tôi muốn giới thiệu với các bạn thời kỳ huy hoàng này trong loạt bài viết tìm hiểu về nghệ thuật Phục Hưng đăng trên Trí Thức VN, khi nền văn hóa phương Tây ở thời kỳ đỉnh cao của nó – Thời kỳ Phục Hưng.
Nước Ý trong thời gian khoảng từ 1420 đến 1600, với những thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt mang lại sự phát triển thịnh vượng được coi là trung tâm của Thời kỳ Phục Hưng. Tại các nước còn lại của châu Âu là thời gian từ 1500 đến 1600. Bên cạnh sự mô phỏng theo nghệ thuật Cổ đại là việc nghiên cứu thiên nhiên tích cực hơn, một khía cạnh quan trọng trong lịch sử phát triển của nghệ thuật Phục Hưng.
Phục Hưng (tiếng Pháp: Renaissance, phát âm tiếng Pháp: [ʁənɛsɑ̃ːs], tiếng Ý: Rinascimento, từ ri- "lần nữa" và nascere "được sinh ra") là một phong trào văn hóa thường được xem là bao phủ giai đoạn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, khởi đầu tại Firenze/Florence (Ý) vào Hậu kỳ Trung Đại, sau đó lan rộng ra phần còn lại của châu Âu ở những quy mô và mức độ khác nhau. Người ta cũng dùng từ Phục Hưng để chỉ, một cách không nhất quán, thời kỳ lịch sử diễn ra phong trào văn hóa nói trên.


Florence, birthplace of the Renaissance

Là một phong trào văn hóa, Phục Hưng bao hàm sự nở rộ của các nền văn học tiếng Latinh cũng như các tiếng dân tộc, bắt đầu từ sự phục hồi việc nghiên cứu các tư liệu cổ điển, sự phát triển của phép phối cảnh tuyến tính và các kỹ thuật nhằm biểu diễn hiện thực tự nhiên hơn trong mỹ thuật, và một cuộc cải cách giáo dục tiệm tiến nhưng phổ cập.

Trong chính trị, Phục Hưng đã đóng góp vào sự phát triển những hiệp ước ngoại giao, và trong khoa học là một sự quan tâm lớn hơn tới quan sát thực nghiệm. Các sử gia thường lập luận những biến đổi về trí tuệ này là một cầu nối giữa Trung Cổ và thời hiện đại. Mặc dù Phục Hưng chứng kiến những cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực, cũng như những thay đổi chính trị-xã hội, nó vẫn được biết đến nhiều nhất bởi những thành tựu lớn lao về mỹ thuật và những cống hiến của những vĩ nhân đa tài như Leonardo da Vinci hay Michelangelo đã làm xuất hiện thuật ngữ Vĩ nhân Phục Hưng ("Renaissance Great Man"). Có một cuộc tranh luận kéo dài trong giới sử học về quy mô, phân kì của văn hóa và thời đại Phục Hưng, cũng như giá trị và ý nghĩa của nó. Bản thân thuật ngữ Renaissance, do nhà sử học Pháp Jules Michelet đặt ra năm 1855 cũng là đối tượng của những chỉ trích, rằng nó ngụ ý một sự mô tả thái quá về giá trị tích cực của thời kỳ này.

Có một sự đồng thuận rằng thời kỳ Phục hưng bắt đầu ở Firenze, Italia, trong thế kỷ 14. Nhiều giả thuyết khác nhau đã được đề xuất để giải thích cho nguồn gốc và đặc điểm của nó, tập trung vào một loạt các yếu tố bao gồm đặc thù xã hội và công dân của Firenze tại thời điểm đó, cấu trúc chính trị của nó, sự bảo trợ của dòng họ thống trị, nhà Medici, và sự di cư của các học giả và các bản văn Hy Lạp sang Ý sau sự thất thủ của Constantinopolis dưới tay người Thổ Ottoman.

Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BB%A5c_H%C6%B0ng

1 comment:

  1. Thuật ngữ Phục Hưng lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà phê bình, nghệ sĩ Giorgio Vasari (1511-1574) trong cuốn sách "Đời sống của Nghệ sĩ" (1550). Trong cuốn sách này Vasari đã nỗ lực định nghĩa cái mà ông mô tả là sự đoạn tuyệt với tính man rợ của nghệ thuật Gothic: Nghệ thuật đã suy tàn với sự sụp đổ của Đế quốc La Mã, và chỉ các nghệ sĩ Tuscana, khởi đầu từ Cimabue (1240-1301) và Giotto (1267-1337) tiến trình suy tàn mới đảo ngược. Theo Vasari, nghệ thuật cổ đại là trung tâm của sự tái sinh nghệ thuật Ý.

    Tuy nhiên, chỉ tới thế kỷ XIX từ tiếng Pháp Renaissance mới phổ biến rộng rãi để mô tả phong trào văn hóa tự ý thức dựa trên việc làm sống lại những hình mẫu La Mã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIII. Phục Hưng lần đầu tiên được định nghĩa bởi nhà sử học Pháp Jules Michelet (1798-1874) trong công trình Histoire de France (Lịch sử nước Pháp) của ông. Đối với Michelet, Phục Hưng là một sự phát triển về khoa học hơn là văn hóa nghệ thuật. Ông khẳng định rằng nó bao trùm thời kỳ từ Columbus tới Copernicus rồi Galileo; nghĩa là, từ cuối thế kỷ XV tới giữa thế kỷ XVII. Hơn nữa, Michelet phân biệt giữa cái mà ông gọi giữa tính chất "kỳ quái và gớm ghiếc" của thời Trung Cổ và các giá trị dân chủ mà ông, một người theo chủ nghĩa cộng hòa nhiệt thành, chọn như một đặc trưng của nó. Một người dân tộc chủ nghĩa Pháp, Michelet cũng tìm cách tuyên bố Phục Hưng là một phong trào của Pháp.

    Trái lại, nhà sử học người Thụy Sĩ Jacob Burckhardt (1818–1897) trong cuốn Die Cultur der Renaissance in Italien (Về Văn hóa Phục Hưng ở Ý, 1860) mô tả Phục Hưng là giai đoạn giữa Giotto và Michelangelo ở Ý, tức là từ thế kỷ XIV tới giữa thế kỷ XVI. Ông nhìn thấy trong Phục Hưng sự xuất hiện của tinh thần hiện đại về cá nhân tính, thứ đã bị đè nén ở thời Trung Đại. Cuốn sách của ông có một ảnh hưởng đậm nét lên sự hình thành lối diễn giải ngày nay về Phục Hưng ở Ý. Tuy nhiên, nhiều người cáo buộc Buckhardt là đã áp đặt một cái nhìn tuyến tính đơn giản khi xem Phục Hưng là nguồn gốc của thế giới hiện đại.

    Gần đây hơn, các nhà sử học ít còn theo đuổi chuyện định nghĩa Phục Hưng như một thời đại lịch sử, hay thậm chí một phong trào văn hóa mạch lạc. Randolph Starn, giáo sư sử học của Đại học California tại Berkeley, khẳng định: "Thay vì một giai đoạn với những điểm khởi đầu và kết thúc rõ ràng và nội dung nhất quán giữa chúng, Phục Hưng có thể (và trước kia đôi khi đã) được xem như một phong trào của các hành động và ý tưởng hướng tới những nhóm cụ thể và những con người có thể nhận diện được đáp ứng một cách đa dạng theo những thời điểm và không gian khác nhau. Theo nghĩa này nó sẽ là một mạng lưới những văn hóa đa dạng, đôi khi hội tụ, đôi khi mâu thuẫn, chứ không phải một nền văn hóa đơn nhất, gắn chặt về thời gian".

    (Wikipedia)

    ReplyDelete