Vào lúc 3:10 phút sáng nay, Đại tá Bùi Văn Tùng đã thanh thản ra đi, hưởng thọ 94 tuổi.
Tuyên bố đầu hàng mà ông soạn cho Đại tướng Dương Văn Minh đọc vào trưa 30-4-1975 là một trong những văn kiện quan trọng nhất, đánh dấu sự khép lại trang sử đau thương, kéo dài 30 năm, của người Việt.
Trong giờ phút này mà nhắc tới tên tuổi trung tướng Phạm Xuân Thệ thì thật là xúc phạm vong linh ông, nhưng cũng vì sự kính trọng ông, chúng ta, có lẽ, cũng không nên né tránh.
Hình ảnh của đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó Trung đoàn 66, và trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203, được Borries Gallasch, phóng viên tạp chí Tấm Gương của Cộng hòa Liên bang Đức, người châu Âu duy nhất có mặt bên trong Dinh Độc Lập vào thời điểm đó, mô tả cực kỳ đối lập. Đại úy Thệ thì rất võ biền, trung tá Tùng thì đàng hoàng đĩnh đạc.
Borries Gallasch viết: “Tay Thệ cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, Thệ rất phấn khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh. Nhưng tướng Minh không muốn đi… Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân Giải phóng, Chính ủy Bùi Văn Tùng, xuất hiện... Ông Tùng quyết định cho đưa vị tổng thống bị bắt giữ đến đài phát thanh”.
Trong cuốn sách Borries Gallasch là chủ biên, xuất bản tại Tây Đức vào tháng 9-1975 không nhắc gì thêm về Thệ. Trong khi, mô tả rất rõ việc Chính ủy Bùi Văn Tùng “thảo lời đầu hàng trên một tờ giấy màu xanh”.
Borries Gallasch viết điều mà ông chứng kiến ngay trong ngày 30-4-1975, ông mất năm 1981, khi chưa biết cái ngày bên thắng cuộc lại có một “Lý Thông” xuất hiện.
Cũng trong sáng nay, khi nghe tin Đại tá Bùi Văn Tùng trút hơi thở cuối cùng, tôi mở lại Hồi ký của Thượng tướng Trần Văn Trà. Trong tập “Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm” xuất bản năm 1982 (bắt đầu viết 1978), đoạn tiến vào Dinh, không thấy chỗ nào Danh Tướng này nhắc đến Thệ hay Trung đoàn 66. Trong khi, ông cho biết một điều rất quan trọng: “Khi Lữ 203 xe tăng của Quân Đoàn II đến cầu xa lộ Đồng Nai thì bộ binh vẫn còn ở xa chưa đến kịp”.
Không thể chờ bộ binh, Lữ 203 phải nhờ vào Trung đoàn 116 đặc công biệt động. “Trừ 2 đại đội ở lại giữ cầu, toàn bộ Trung đoàn 116 ngồi lên xe tăng của Lữ 203 cùng hợp đồng chiến đấu”. Từ đấy vào đến Dinh Độc Lập cả Lữ 203 và Trung đoàn 116 còn phải đổ máu rất nhiều.
Các chỉ huy của Trung đoàn 116 có mặt trong xe tăng thứ 3 vào Dinh nhưng chưa từng có ai lên tiến tranh công với đồng đội.
Lịch sử không thấy nói ở thời điểm chiếc xe Jeep mà Trung đoàn 66 thu được do chiến sỹ Đào Ngọc Vận lái chở trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chạy vào Dinh, Trung đoàn 66 đang ở đâu.
Và, lịch sử sẽ dành trang nào cho một chỉ huy có hành động bỏ quân, bỏ đơn vị “xông lên” cái nơi chỉ còn “mâm cỗ” ấy.
Trong thập niên 1990s và 2000s, tôi phỏng vấn Đại tá Bùi Văn Tùng không ít lần. Ông là một người lính quả cảm, trí tuệ nhưng giản dị và vô cùng trung thực. Có thể nói, ông là một trong những sĩ quan QĐND Việt Nam mà tôi kính trọng nhất.
Những người thực sự anh hùng hoặc đã chết trong chiến tranh, hoặc vô danh, hoặc lặng lẽ, không màng tới một hào quang nào, như ông.
PS: Tuyên bố đầu hàng của Đại tướng Dương Văn Minh Trung tá Bùi Văn Tùng viết ngắn gọn: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố Chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam”.
Tướng Dương Văn Minh đọc xong, Trung tá Bùi Văn Tùng đọc tiếp: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”.
Trương Huy San
1 người đến khi ra đi với cấp bậc đại tá, còn người kia là trung tướng (dù cấp bậc tại thời điểm lịch sử ko phải như vậy). Những gì diễn ra tại dinh Độc Lập và Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975 là một phần trong sự kiện lịch sử cho đến nay vẫn chưa được xác định sự thật một cách chính thức/rõ ràng.
ReplyDeleteNếu từ câu chuyện của "Hùm xám đường 4" Đặng Văn Việt (cho đến khi mất ông cũng chỉ ở cấp bậc trung tá), dễ thấy rằng: ở 2 thời kỳ, trong bối cảnh lịch sử khác nhau, đều giống nhau ở sự dối trá, phân biệt có chủ đích đối với những anh hùng thật sự vốn ko màng danh lợi hão huyền còn những kẻ tranh công giành lợi lại được cổ vũ/đề cao ngày càng nhiều trong xh hiện nay.
Chúng ta hãy đọc một đoạn hồi ức của trung tướng Phạm Xuân Thệ trên VietnamNet cách đây vài hôm: “...Tôi đến cửa, toàn bộ nội các của họ đứng dậy chào. Vẻ mặt ai cũng bồn chồn lo lắng, có người lúng túng sợ sệt. Tổng thống Dương Văn Minh chậm rãi: “Biết quân giải phóng đã vào thành phố, nội các chúng tôi đang chờ các ông để bàn giao”. Tôi nói dứt khoát: “Các ông phải đầu hàng vô điều kiện. Yêu cầu tất cả xếp hàng đôi ra khỏi ngôi nhà này”. Tổng thống Dương Văn Minh khẩn khoản: “Chúng tôi xin được ở đây. Ra ngoài bây giờ không an toàn”. Tôi ra lệnh: “Các ông phải ra ngay đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”. Sau đó tôi đưa ông ra đài phát thanh.
ReplyDelete(trích từ bài Nhân chứng đặc biệt - Kỳ 1: Trung tá Tùng hay đại úy Thệ?-đăng trên Tuổi Trẻ 28-04-2007)
Đó cũng là nội dung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại cho các nhà báo nhiều năm qua. Rất tiếc là lời tuyên bố đầu hàng mà ông Thệ cho rằng ông viết lại không khớp với nội dung ông Dương Văn Minh tuyên bố trên đài. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là những chuyện ông Thệ khẳng định do ông làm cũng là những chuyện ông Tùng khẳng định do ông Tùng làm. Cả hai ông đều cho rằng chính mình đã chấp bút bản tuyên bố đầu hàng. Vậy bản thảo đâu?
ReplyDeleteĐại tá Bùi Văn Tùng trả lời Tuổi Trẻ: “Do không ý thức được giá trị của nó, nên tôi đã vò bản thảo và đút vào túi quần. Sau đó, tôi đã trao lại cho cán bộ chính trị quân đoàn theo yêu cầu của họ”.
(trích từ bài Nhân chứng đặc biệt - Kỳ 1: Trung tá Tùng hay đại úy Thệ?-đăng trên Tuổi Trẻ 28-04-2007)
Trang sử đỏ (hay đen) là đề tài về cuộc chiến tranh VN mà tác giả của Bên Thắng Cuộc đã đặt ra khi viết cuốn sách tư liệu lịch sử với quan điểm khác với bên thắng cuộc của mình.
ReplyDeleteChiến tranh và tuyên truyền cho đến nay vẫn còn là khoảng cách xa với sự thật. Tất cả cần được ghi lại một cách trung thực và khách quan, điều mà Bên Thắng Cuộc đã cố gắng mô tả theo 1 cách mà tôi cho là gần với sự thật hơn.
Cuốn sách còn có những gì sai/sót hay ko rất cần những chứng nhân của lịch sử xác nhận (người thật, việc thật). Thế hệ này đang lần lượt ra đi và để lại những khoảng trống như những dấu hỏi lớn của thời đại...