Cảm nhận quê nhà (5) – Từ cần câu đến củi gộc
(Tiếp theo)
Khi CNXH sụp đổ ở Đông Âu cuối 1989 thì Trung Quốc đã có kinh tế tư nhân„Mèo trắng-Mèo đen“ từ lâu rồi. Ba nước Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn loay hoay tìm lối thoát. Đảng CS Việt nam đã chọn „Đổi mới“, chấp nhận kinh tế tư nhân. Điều này đã khiến xã hội Việt Nam thay đổi, giúp cho chế độ tồn tại. Giả sử Việt Nam chọn con đường XHCN kiên định của Cuba hay chủ nghĩa CS đồ đá của Bắc Hàn thì nhà nước này đã sụp đổ từ lâu, vì không có đủ tiềm lực kinh tế, xã hội như hai nước bạn.
Ngược lại, nếu Cuba mở cửa như Việt Nam thì có thể La Habana nay đã như Miami. Người Cuba văn hóa Tây Ban Nha vốn không ưa sự „nhờ nhờ“, sẽ mở toang cửa để đâu vào đó! Có người từng khuyên Cuba học tập Việt Nam. Nhưng bạn không theo và nay mừng húm vì vẫn giữ nguyên chế độ. Dân khổ là tội của bọn cấm vận!
Cha con nhà Kim thì biết chắc kinh tế nhà nước sẽ không có cơ sống sót với tư bản. Chỉ cần một khe hở thì làn sóng TBCN từ Nam Hàn đã phá toang cánh cửa từ lâu. Thế nên họ cự tuyệt mọi cải cách. Nhờ công nghiệp hóa sâu hơn Việt Nam nên cả Cuba và Bắc Hàn dù đóng cửa nhưng vẫn sống sót. Dân Cuba khổ nhưng không chết đói, vẫn tự hào vì xuất khẩu bác sỹ. Trẻ em Bắc Hàn suy dinh dưỡng thì đã có UNICEF lo. Đảng chỉ chuyên tâm làm bom các loại.
Xem ra „Chủ nghĩa Duy vật Lịch sử“ của Marx cũng có lý, nếu đem soi quá trình phát triển ở ba nước này.
Chấp nhận kinh tế tư nhân tức là mở cửa cho CNTB. Muốn có tư bản thì phải có tích lũy. CNTB phương tây xuất hiện trên nền tảng tư hữu nên các nhà tư bản cạnh tranh, tước đoạt, nuốt chửng nhau để tích lũy. Đó là cạnh tranh khốc liệt nhưng tự do. Ở Việt Nam tich lũy phải lấy từ công hữu, xưa nay do đảng và nhà nước nắm, để biến thành tư bản. Lấy từ công chuyển sang tư rất dễ thành tham nhũng. Do vậy tích lũy TBCN do nhà nước chỉ đạo đã tạo ra tiền đề cho tham nhũng.
Ở đâu cũng có tham nhũng, vì lòng tham và thói tư hữu nằm trong mỗi con người. Nhưng nếu nhà nước không làm kinh tế, tức là không có nhiều tiền chùa, nếu có sự kiểm soát của các lực lượng chính trị khác nhau, có pháp chế độc lập, có tự do báo chí để người dân lên tiếng, có một xã hội dân sự thì tham nhũng sẽ bị chế ngự ở một mức độ nhất định. Ở Việt Nam cái không cần là tiền chùa thì lại quá nhiều, vì nhà nước nắm kinh tế. Còn các cơ chế kiểm soát và chế tài nói trên thì không có. Mô hình „Công nghiệp hóa XHCN“ thì đã biến mất theo Liên Xô, chỉ còn cách tư bản hóa để phát triến. Tham nhũng vô hình trung trở thành con đường tất yếu để „công hữu“ chảy sang „tư bản“.
Các công cụ: „Công tác cán bộ“, „Nâng cao đạo đức“, „Phê và tự phê“ chỉ là những ước mong giáo điều, duy ý chí.
Giả sử như tài sản công bị biến thành các cơ sở sản xuất tư nhân thì có thể gây ra những hỗn loạn ban đầu, nhưng chúng sẽ giúp hình thành một tầng lớp tư sản mới, tạo công ăn việc làm, của cải cho xã hội. Không may, ngồi ở các vị trí lãnh đạo, có quyền chia chác bòn rút tài sản, đa số là bọn bất tài, cơ hội. Chúng chui vào đó vì biết sẽ có đặc quyền. Tiền bòn rút bị biến thành các sân golf, các lâu đài nữa gotic, nửa hiện đại, những tài khoản kếch sù ở trời tây… Tiếng lành đồn xa, rất nhiều người ít tài, nhưng nhiều tham vọng nhìn thấy ở cái „cần câu cơm“ cơ hội đổi đời. Thế là ở tất cả các cấp, từ cấp thôn, xã lên đến trung ương, bọn bất lương nhung nhúc chui vào đảng. Rồi chúng phát hiện ra một điều: Tham nhũng quyền lực là ngon nhất, vì không dính đến hình sự. Chỉ cần tập trung vào „Công tác cán bộ“, thâu tóm cho đồng bọn, cho gia đình các vị trí ngon nhất là họ sẽ làm việc đó hộ mình.
Không phải tất cả đảng viên đều xấu, nhưng cái đặc quyền đặc lợi họ được hưởng khiến bọn xấu trong họ rất đông. Khi một kẻ nham hiểm đầy âm mưu ngồi bên một ông hiền lành thì hắn sẽ đè đầu ông, dìm ông chìm nghỉm.
Cứ như vậy, một lớp váng càng ngày càng dày nổi lên ngự trị xã hội. Và cũng cứ như thế, những cái „cần câu“ to dần lên. Đến lúc nào đó nó to quá, gây khó chịu, sẽ thành cây củi. Càng lên cao, củi càng to.
Tôi không quan tâm đến chuyện đốt lò, dù nó làm không ít người hả dạ và cũng bị đàm tiếu rất nhiều. Khi đã coi là củi thì người đốt phải hiếu rõ nguyên tắc „Tre già măng mọc“. Sẽ không có cái kết.
Điều tôi quan tâm là tham nhũng ở ta đã thành căn bệnh toàn dân.
Ở Đức cũng có tham nhũng. Nhưng tham nhũng chỉ xảy ra ở những dự án đầu tư của nhà nước từ hàng chục triệu EUR trở lên. Ở châu Phi đen tôi từng đến cũng vậy, tham nhũng chỉ xảy ra ở cấp cao nên cuộc sống của dân ít bị ảnh hưởng. Ở Việt Nam nạn tham nhũng xảy ra tràn lan, ở mọi nơi, mọi cấp. Cứ dính đến nhà nước thì từ trường học, bệnh viện, ra phường, lên thôn, xã, đến công an, công chứng, chỗ nào cũng khó. Người dân cùng cực.
Tôi hay dính đến bệnh viện vì có cha mẹ già. Vậy chỉ dám kể về nó. Đây là khâu gây nhiều nhức nhối cho dân, nhất là người nghèo ở xa về tp. Nhức nhối này được nhân đôi, nhân ba, vì chăm sóc người bệnh là việc của bao người nhà đi theo.
Theo Worldbank Việt Nam chi hàng năm 5,25% GDP cho y tế, Thailand chi 3,97%, Singapore 4,08%. Việt Nam có 2,6 giường bệnh/1.000 dân, Thailand có 2,1 và Singapore 2,5 [1]. Còn nhiều con số khác cho thấy y tế Việt Nam tương đương với mức độ của khu vực. Nếu kể cả số tiền khổng lồ mà người dân phải bỏ ra mỗi khi đến bệnh viện, từ lót tay y tá đến tiền mổ, tiền chụp chiếu v.v thì có lẽ phải 7-8% GDP của dân ta đổ vào ngành y.
Tôi không biết về miền Nam, chỉ biết nền „Y tế ba cấp ở miền Bắc“ trước 1975 tuy nghèo nhưng vẫn là một điểm sáng ở Đông Nam Á. Nay thì người Việt có tiền toàn chạy sang Sing hoặc Thailand để chữa. Nếu kể cả số tiền đó, có lẽ người Việt mất đến 9% GDP cho chữa bệnh. Với 40 tỷ USD/năm, một nhà nước mạnh sẽ tạo ra một nền y tế nghiêm chỉnh.
Ở Việt Nam, được chữa bệnh không phải là quyền, mà là được ban ơn. Điều này đi vào tiềm thức của người dân nên họ sợ từ ông bảo vệ bệnh viện đến cô hộ lý bán nước sôi. Còn bác sỹ là thánh sống. Tôi chăm má tôi ở bệnh viện, phải làm tất cả mọi việc mà lẽ ra y tá, điều dưỡng phải làm. Y tá đến bảo đưa bà đi chụp phim, siêu âm. Tôi bế bà lên xe lăn, đẩy đi. Cô y tá cầm giấy tờ đi bên cạnh. Đến đâu cô cũng vào nói chuyện với bác sỹ, rồi kêu tôi vào nhấc bà lên giường siêu âm hay đỡ bà vào máy x-quang. Tôi vui vẻ làm thay cô, vì gì cũng là chăm má mình. Cô không đòi gì cả, nhưng má tôi cứ giục phải lấy tiền biếu cô. Đối với bà, lót tay là đương nhiên. Dù cô y tá không vòi tiền, nhưng việc bắt người nhà bệnh nhân làm công việc của mình chính là tham nhũng về đạo đức.
Lạ ở chỗ, không mấy ai khó chịu về điều đó.
-Lương thấp thì chỉ làm vậy thôi! Có người nói.
Thế mà phải mất nhiều tiền mới được nhận làm điều dưỡng, y tá ở bệnh viện. Nhìn vào cuộc sống của họ cũng vô vàn điều cám cảnh. Rốt cuộc họ cũng là nạn nhân.
Những chuyện ngành y tôi kể chỉ là một ví dụ cho cái thực trạng chấp nhận là nạn nhân để coi đó là cái cớ cho vô trách nhiệm. Ở nơi khác người ta có thể đình công phản đối để đòi lương xứng đáng. Dàn xếp xong lại làm việc tâm huyết. Ở ta đình công thì không được, nhưng lười và vô trách nhiệm thì thoải mái.
Cả xã hội chấp nhận cái thực trạng đó. Kinh tế vẫn tăng trưởng, các nhà đầu tư đang rút khỏi Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam. Đúng thế, vì chi phí nhân công và môi trường ở Việt Nam rẻ hơn bên đó, chứ không phải vì họ kém ta. Việt Nam vẫn tiến, nhưng vẫn tụt hậu. Người có tiền vẫn sang Sing, sang Thái chữa bệnh, cho con cái ra nước ngoài học. Hàng Thái vẫn thắng hàng Việt Nam trên thế giới, kể cả nông, hải sản.
Tụt hậu thì ai cũng thấy, nhưng không nói ra nữa. Cả xã hội cứ chậm rãi, ổn định tiến lên nhờ lối sống mà người ta gọi là „giòng chính“ (mainstream) này. Ở trên vẫn an tâm tung cái cần câu ra để giữ quyền lực, khi cần biến thì nó thành củi để chứng tỏ sự nghiêm minh. Người ở dưới thì vẫn chạy theo cái cần câu, bụng đinh ninh rằng ta đã tiến xa thời buổi bo-bo trộn bột mỳ Liên Xô.
Trước mắt tôi, cái mainstream đang lừ đừ chảy.
Nhưng tôi cũng nhận ra một thiểu số khác luôn tìm cách lội ngược giòng. Tuy lác đác, phải nhìn kỹ mới thấy, nhưng chúng làm cho bức tranh bớt đơn điệu.
Nguyễn Xuân Thọ
Con đường của VN ko sáng sủa bởi nó được làm từ ý tưởng và đội ngũ thi công yếu kém về nhiều tiêu chuẩn tối thiểu (cần được đào tạo bài bản mới có).
ReplyDeleteHiện tại, cả nước (từ cấp quản lý đến phó thường dân) chỉ đang kinh qua thời kỳ quá độ (ko biết đến bao giờ mới kết thúc) để tiếp cận những cái đó.