1. Người chiến thắng là người viết lịch sử. Tuy vậy, viết khéo mấy cũng có điểm không khớp nếu không trung thực. Có nghĩa là nếu như có nhiều điểm sẽ chìm xuồng, thì cũng có những điểm không hợp lý sẽ lộ ra. Tôi không phải người ngây thơ cho rằng lịch sử phải là một khoa học hoàn toàn. Sẽ có những vấn đề không bao giờ ngã ngũ, và vì thế người ta luôn viết lại sử, không phải để cho nó khoa học hơn, mà để truyền tải một thông điệp về thời đại người viết sử sống, qua cách nhìn nhận lịch sử.
2. Tôi thích Hạng Vũ hơn Lưu Bang. Nhưng điểm thích nhất không phải là "võ công trác tuyệt" hay sức mạnh "bạt núi cử đỉnh". Các sử gia phong kiến hay mô tả Hạng Vũ như một anh chàng võ biền, đầu đất, tốt tính kiểu đàn bà, sử dụng nhân sự vụn vặt. Tất nhiên hình tượng Hạng Vũ đã bị bóp méo bởi ý thức hệ của nhà Hán.
3. Nhưng có một điểm mâu thuẫn lớn là chi tiết về thời thơ ấu của Vũ. Chi tiết này kể rằng "Chú của Vũ là Lương dạy chữ cho Vũ, học chẳng nên. Lương bèn dạy võ nghệ cho Vũ, học cũng chẳng nên. Lương nổi giận. Vũ nói "Học chữ thời này chỉ cần viết được họ tên là đủ. Võ nghệ dẫu giỏi cũng chỉ đánh được vài người, nhiều lắm là vài chục người. Tôi muốn học cái đánh được vạn người kia." Lương giật mình lấy làm lạ. Bèn dạy binh pháp cho Vũ. Vũ mừng lắm. Nhưng cũng chỉ học đại khái qua loa cho biết ý nghĩa chứ không chuyên sâu."
4. Câu chuyện trên chứng tỏ Vũ là một người có suy nghĩ lớn, không phải là thất học hay võ biền. Chắc chắn, Vũ học chữ không dở, nói là "chỉ cần đủ viết tên họ" chỉ là một cách nói, ý nói thời chiến tranh loạn lạc cần gì học theo lối hủ nho, thơ phú, trường ốc. Nếu Vũ chỉ biết dăm chữ làm sao đọc được binh pháp. Việc Vũ chểnh mảng học võ, có vẻ mâu thuẫn với việc Vũ chỉ giỏi đem quân và tự mình lao vào đâm chém. Thực ra Vũ quan tâm tới điều binh khiển tướng hơn. Thậm chí, bày binh bố trận cụ thể Vũ cũng chỉ cần có các tướng và mưu sĩ lo, chỉ cần ra quyết định.
5. Một người như thế là có tầm suy nghĩ lớn, vượt thời đại, không thể võ biền, thiếu suy nghĩ. Thắng thua còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nhưng chắc chắn, tư tưởng "học cái đánh vạn người" mới là điểm hay của Vũ, cái gọi là "bạt núi cử đỉnh" có thể chỉ là hư cấu.
6. Gần đây có nhiều người đưa ra chứng cớ về việc mô tả Lã Bố là "hữu dũng vô mưu", "thất học" có vẻ không đúng. Lã Bố vốn là quan văn, gặp thời thế trở thành quân phiệt chữ không phải là loại không có chữ nghĩa. Hay Trương Phi vốn vẽ rất đẹp, giỏi thư pháp, nho nhã và ... đẹp trai.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment