Tuesday, October 8, 2024

Chuyện U80: Trở lại hồi ức tuổi thanh niên (tiếp theo)

 Về Königs Wusterhausen (2)

Thời kỳ đầu của thanh niên Việt nam ở Đông Âu, đa số các vụ kỷ luật, thậm chí bị đuổi về nước là do tội trai gái. Các tội hình sự, kinh tế, buôn lậu sau 1980 mới xuất hiện, khi Việt Nam xuất khẩu ồ ạt lao động sang đây. Thời chúng tôi, ai cũng ngoan đạo, „căm thù địch“ nên không có tội chính trị. Suốt bốn năm ở Đức tôi chỉ biết một vụ. 

Trong chuyến tàu hỏa 14 ngày từ Việt  Nam sang Đức chúng tôi đi cùng các đội khác. Khi đi qua Trung Quốc, anh Chương trong đội kỹ thuật dây cáp nói tiếng Hoa rất thạo. Té ra chàng trắng trẻo, đẹp trai, vui tính và hay giúp mọi người này là người gốc Hoa. Sau này sang Đức thỉnh thoảng tôi lại gặp anh trong các đợt sinh hoạt chính trị do sứ quán tổ chức. Vậy mà đùng một cái, chúng tôi được thông báo là anh Chương bị bắt, giải về nước về tội phản quốc. Anh bị bắt khi trốn vào đại sứ quán Nam-Tư (Yugoslavia) ở Berlin để xin chạy sang phương tây.

Người Việt sinh ra sau 1980 chắc không biết Nam-Tư là nước nào. Nhưng Liên bang Cộng hòa XHCN Nam Tư từng là một quốc gia hùng mạnh ở châu Âu, với hơn 20 triệu dân và 7 nước cộng hòa. Chủ tịch là ông Tito, người có tầm cỡ như Hồ Chí Minh ở Việt Nam hoặc Ghandi ở Ấn Độ. Nam Tư tự hào là quốc gia duy nhất đã tự giải phóng đất nước mình khỏi ách phát xít Hitler mà không nhờ một người lính đồng minh nào. Sau 1945 ông cộng sản Tito xây dựng quê ông thành nhà nước XHCN cởi mở, khác hẳn các nước khác theo mô hình Stalin. Tuy Liên đoàn Cộng sản Nam Tư độc quyền lãnh đạo, nhưng kinh tế thì không bao cấp, các xí nghiệp quốc doanh tự quản, lãi hưởng lỗ chịu. Báo chí tư nhân vẫn có và công dân được tự do đi lại khắp thế giới. Nam-Tư có quan hệ lãnh sự mở với tất cả các nước tư bản cũng như các nước XHCN. Thế là dân các nước XHCN muốn chạy đi Tây đều tìm cách sang Nam-Tư du lịch rồi đến các sứ quán Phương Tây ở Belgrad xin visa, khỏi cần vượt biên. Dân chúng Đông Đức, Tiệp khắc, Ba-Lan… ai cũng có hộ chiếu nên việc đó không nguy hiểm lắm.

Tụi chúng tôi sang đến Đức là bị sứ quán thu hộ chiếu ngay và chỉ trả lại một ngày trước khi lên tàu về nước. Trong suốt bốn năm tôi chỉ có mảnh bìa xanh của Đông Đức chứng nhận là đang học nghề ở đây. Vì vậy nên chàng Chương khi vào đến sứ quán Nam Tư thì kẹt luôn trong đó, không ra được nữa. Cuối cùng thì sứ quán Nam-Tư phải trao anh công dân không xác đinh được tổ quốc (vì không có hộ chiếu) này cho công an Đông Đức. Sứ quán Việt Nam áp giải về nước.

Kể như vậy chỉ để người đọc hiểu bối cảnh khi đó. Bọn chúng tôi từ Việt nam đói khổ sang đến Đông Đức thì coi như lên thiên đàng, đâu có suy nghĩ như anh Chương. Mà người dân ở Königs Wusterhausen thì thương chúng tôi lắm. Ngày nghỉ cuối tuần các thầy cô giáo đều đón về nhà riêng chơi, chăm bẵm đủ kiểu. Bà Inge Lanzke dạy tiếng Đức lúc đó ngoài 30, là dân chính gốc ở đây. Bà thường kéo cả 12 đứa trong nhóm về nhà bà. Đó là một cái nông trại nhỏ của bố mẹ bà, lúc nào cũng có mùi phân gà, phân lợn, vườn toàn là táo, mơ, anh đào. Bà Inge không lấy chồng nên ở chung với bố mẹ. Chúng tôi gọi hai cụ là Opa, Oma (ông,bà ngoại). Trong sách „Hai Quê Hương“ tôi có kể về đoạn ông cụ mang gà nhà nuôi, đã mổ sẵn đến ký túc xá tặng cho tụi con Việt Nam.

Hè 1967 ở nhà bà Inge Lanzke, cậu bé Volker đứng trước mặt bà ngoai. Mẹ cậu, bà Ursula đứng bên phải bà ngoại, rồi đến ông ngoai và tôi

Mỗi lần chúng tôi đến chơi là gia đình bà Ursula, chị gái bà Inge, ở gần đó cũng kéo sang. Ông Schmidt, chồng bà Ursula là một ông công an tốt bụng, vui tính. Cậu Volker, con trai bà Ursula lúc đó mới 8 tuổi thì luôn bám theo tôi. Bà Inge còn có cô em gái út tên là Judith, xinh nhất nhà. Judith là cảnh sát hình sự ở tận Schwerin cách xa 200km. Mỗi khi Judith về Königs Wusterhausen thăm bố mẹ là gia đình lại mời tụi tôi đến. Tôi coi cả đại gia đình đó như người thân. Năm 1971 sau tôi về nước thì Judith mới sinh cậu con đầu lòng tên là Uwe.

Mấy chục năm sau tôi quay trở lại đây, ông bà cụ đã mất, cả ba chị em đều đã về hưu. Bà Inge sau khi dạy chúng tôi thì không làm ở ngành giáo dục nữa mà chuyển sang làm nhân viên văn phòng huyện ủy thị trấn. Bà Ursula cũng làm nhân viên ở đó. Mỗi lần tổ chức liên hoan gặp mặt, tôi đều mời bà Ursula Schmidt cùng dự. Chúng tôi đã đến thăm căn hộ mới của bà, thấy bà thỏa mãn với cuộc đời.

Bà Ursula Schmitz

Năm nay bà Inge mất rồi, chỉ còn bà Matter là cô giáo cuối cùng còn sống. Tôi mời bà Ursula và cả cậu con trai là Volker đến gặp mặt cho vui, nhân dịp có chị Hiền từ Việt nam sang thăm lại trường cũ. Địa điểm tôi chọn là quán ăn „Riedels Gasthof“, một quán ăn nổi tiếng ở Königs Wusterhausen từ thế kỷ 18. Sau 1945 quán này trải qua thời kỳ XHCN với cái tên gọi quốc doanh „HO Gaststätte Neue Mühle“. Sau khi nước Đức thống nhất, quán lại lấy tên cũ và ông chủ hiện tại không phải ai khác, chính là thằng bé Uwe, con trai của Judith, em út trong gia đình. Lâu nay tôi và Uwe vẫn liên hệ với nhau. Uwe coi tụi Viêt Nam chúng tôi là một loại keo dính, vì đã có vài cuộc gặp gỡ thầy cô được tổ chức ở quán cậu ta.

Cậu bé Uwe, cháu bà giáo Inge Lanzke, chủ quán ăn

Nâng cốc mừng hội ngộ

Lần này tôi gọi cả Volker, anh họ Uwe đến đây vì tôi muốn tìm hiểu một sự thật: Tại sao thanh niên Đông Đức ủng hộ bọn cực hữu AfD và tay đồ tể Putin?

Uwe cưới cô Alla, con gái một cựu sỹ quan Hồng quân Liên Xô từng đóng quân ở Königs Wusterhausen. Từ trẻ Alla đã giúp mẹ buôn bán các đồ hàng hiếm từ doanh trại Liên Xô ra ngoài cho dân Đức (giống như lính Mỹ đem hàng PX ra bán chợ đen ở Sài Gòn trước 1975). Sau khi Liên Xô rút quân về nước 1994, Alla ở lại và cưới chàng Uwe. Từ đó hai vợ chồng mở quán ăn Nga, rồi quán ăn truyền thống Đức. Câu chuyện nhà Uwe chỉ là một trong những mối liên hệ chằng chịt Đông Đức-Nga mà không phải ai cũng thấy. Uwe khoe với tôi: „Còn lâu mới cấm vận được Nga. Gia đình bên đó cần gì, tao mua, chở xe hơi qua Ba-Lan,  Litva rồi mang sang Nga.“

Chuyện Uwe ta thần tượng Putin không có gì khó hiểu. Mỗi lần gặp hắn là tôi hay tranh luận về Nga, về bọn cực hữu AfD. Cuối cùng hắn luôn xoa dịu bằng câu: „Mẹ tôi vẫn nhắc đến ông, bà ấy quý ông lắm.“

Cậu anh họ Volker thì chất phác hơn, vốn là công nhân cơ khí đường sắt, nay đã về hưu và cũng có cuộc sống dễ chịu với dàn cháu nội ngoại. Cậu ta cũng happy vì ông bố công an và bà mẹ làm công tác đảng đều trải qua quá trình chuyển đổi chế độ một cách êm ấm.

Chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng. Volker và Uwe tuy là anh em họ nhưng ít có dịp gặp nhau. 

Thằng bé Volker sau 57 năm

Trong khi bà Ursula ngồi nói chuyện với bạn Nga và chị Hiền thì Volker và bà Matter trao đổi một số chuyện liên quan Trường Bưu điện. Königs Wusterhausen là một thị trấn nhỏ nên có vẻ ai cũng biết ai. Kể chuyện một lúc thấy hai người dừng lại ở một cái tên: Ông Paris. Thì ra đó là một cán bộ của Trường Bưu điện từng làm mật vụ cho STASI. Ông Paris ở cùng nhà với bố mẹ Volker và về sau này họ biết là ông ra đã theo dõi và báo cáo về họ. Thì ra bà cán bộ đảng và ông cảnh sát cũng không thoát khỏi tầm ngắm của STASI. Volker bức xúc lắm.

Tôi hỏi: 

- Vậy mà cậu sẽ bầu cho AfD, những kẻ muốn đưa những điều tồi tệ như vậy quay lại Đông Đức?

- Nước Đức giờ tệ lắm rồi, không thể tệ hơn nữa. Dân thất nghiệp không đủ ăn mà tiền thì chi cho bọn ngoại quốc vô đây làm loạn. 

- Mấy chục năm trước, khi nạn thất nghiệp ở mức 8-9%, người ta tiên đoán là sẽ đến lúc một nửa dân sô thất nghiệp. Giờ đây khủng hoảng chính của Đức là không có người làm, là thiếu nhân lực. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% đâu có phải là vấn đề chính. Mày bị nhiễu thông tin rồi. Còn dòng người tỵ nạn là vấn đề của cả nhân loại, của cả châu Âu. Cứ chiến tranh, loạn lạc thế này người ta càng nhào vô chỗ yên ấm. Vụ này thì chính phủ nào cũng sẽ loay hoay thôi, đừng nghĩ là AfD lên là có thể dùng súng máy chặn người ta ở biên giới. 

- Nhưng ông thấy bọn cầm quyền bây giờ đang để cho kinh tế Đức đi xuống. Xuống đến mức mà cái gì cũng thua đồ Tàu.

- Ngày xưa khi tôi cầm cái kìm, cái tuốc nơ vít của Đông Đức về Việt nam, cả cơ quan tròn mắt nhìn, ai cũng thèm. Bây giờ chả nói gì Trung Quốc ,mà nước nghèo nào cũng làm ra được những dụng cụ tốt như thế, giá lại rẻ hơn gấp 10 lần. Tàu cao tốc Trung Quốc giờ chạy nhanh hơn tàu Transrapid của Đức. Cái điện thoại di động mày cầm trên tay là sản xuất ở Việt nam đấy. Điều đó không có nghĩa là nước Đức kém đi, mà là các nước khác đã và đang giỏi lên. Đó là một thực tế mày phải chấp nhận. Vì vậy chớ có hy vọng bằng cái trò Make Germany Great Again hay MAGA có thể giúp mình ngồi trên bọn khác được. Tất nhiên Đức, Mỹ hay Pháp vẫn là các quốc gia đi trước và muốn không bị vượt thì đừng quay lại làm những trò đã khiến bọn đuổi theo lạc hậu mất cả trăm năm. Dân chủ và Tự do luôn tạo ra sự ưu việt. Xe Mercedes, BMW đã thắng xe Trabi nhờ điều đó. Giờ đây Mercedes, BMW thất thế vì thời đại đã thay đổi. Vậy hãy tìm ra con đường mới chứ đừng quay lại xe Trabi.

Bà Matter ngồi cạnh nghe vậy cười khúc khích. Tôi hỏi: Tuần tới bà bầu ai?

Nhún vai: Khó quá, bọn nào cũng trì trệ. Nhưng chắc chắn không phải là AfD!

Volker và Uwe thì quyết bầu cho AfD. 

Hè 2024,từ trái sang: Hồ Nga, bà Ursula Schmitz, chị Hiền, bà Matter, Thọ và Volker Schmitz

Nguyễn Xuân Thọ

No comments:

Post a Comment