Thursday, February 22, 2018

Ngôi sao Hạnh Phúc (1)

Bạn có nằm trong số những người luôn may mắn? Hay bạn là người sinh ra với ngôi sao hạnh phúc?
Nhưng nếu bạn không thuộc về những người trong số họ thì cần vun đắp hạnh phúc theo nhiều cách khác nhau để tìm thấy những điều tốt lành và trau dồi chúng để trở nên là người có một cuộc sống đáng sống.

1. Hãy nâng niu mối quan hệ giữa người và người
Hạnh phúc đến từ vật chất, sắc đẹp và sự nổi tiếng chỉ là phù du, do đó không bảo đảm một sự thỏa mãn lâu dài.
Tình bạn, tình yêu sẽ bền lâu suốt đời. Con người là chủ thể phụ thuộc vào mối quan hệ với người khác. Chúng ta cảm thấy an toàn khi có nhiều người ở bên cạnh. Bạn bè và người thân trong gia đình ủng hộ chúng ta đối mặt với những khó khăn. GS Karl-Heinz Ruckriegel, nhà kinh tế học thuộc Đại học Nuremberg, Đức, khuyên: "Các bạn hãy đầu tư vào mối quan hệ giữa người và người. Cảm giác hạnh phúc của một lần mua sắm chỉ kéo dài khoảng 10 giây. Ngược lại, viếng thăm bạn bè, người thân mang đến cho bạn sự lạc quan, tự tin lâu dài".
GS Wilhelm Schmid, triết gia, tác giả của nhiều cuốn sách về nghệ thuật sống được dịch ra nhiều ngôn ngữ, hiện sống tại Berlin và dạy tại ĐH Erfurt, giải thích: "Ngày nay, muốn bền vững, mọi quan hệ đòi hỏi nhiều nỗ lực. Ngay cả những mối quan hệ gần gũi nhất cũng có thể dễ dàng tan vỡ. Nhiều người mong muốn có quan hệ thân tình với tha nhân nhưng vẫn giữ được tự do. Điều này, theo quan điểm triết học, tạo ra tình huống song đề (dilemme) rất khó xử vì phải chọn một trong hai". Ông nhấn mạnh: "Trong mối quan hệ vợ chồng, bạn bè, phát sinh rất nhiều va chạm, xích mích do vô ý, thiếu ân cần". Từ đó ông đưa ra lời khuyên giúp duy trì mối quan hệ thân thiện và bền vững hàng ngày: "Hãy lưu ý đến nhu cầu của người mà bạn thương yêu. Hãy chú ý đến những gì họ quan tâm hay lo lắng".
Điều này đòi hỏi phải chấp nhận gần gũi, chăm chút nhau vào những thời điểm khác nhau của cuộc sống. Khi nhận thấy khoảng cách giữa 2 người quá lớn, bạn phải hành động. GS Schmid nêu rõ: "Đây là lúc phải thể hiện rõ ràng bạn quan tâm và muốn điều tốt đến với đối tác".

2. Chăm sóc bản thân
Hạnh phúc có tác động đến sức khỏe của chúng ta. GS Karl-Heinz Ruckriegel cho biết: "Ngoài việc cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu khi hạnh phúc, bạn còn thấy cơ thể tràn đầy sinh lực, hệ miễn dịch mạnh hơn và tuổi thọ dài hơn". Điều ngược lại cũng đúng: chăm sóc cho cơ thể khỏe mạnh giúp nâng cao tinh thần.
Anne Umgelter, nữ bác sĩ khoa thể thao, thừa nhận vận động thể chất là hết sức cần thiết đối với sức khỏe. Vị nữ bác sĩ 48 tuổi cho biết: "Vận động làm giảm tỷ lệ hormone gây căng thẳng, có tác dụng chống trầm cảm và kích thích cơ thể sản xuất hormone hạnh phúc". Anne cảm thấy vận động có tác dụng rất tốt đến cơ thể khi chị thực hiện chạy bộ 3 lần mỗi tuần và cho biết: "Vận động thể chất giúp tôi đạt sự cân bằng nội tại, trả lại sự bình lặng cho tâm hồn".
Với những người vẫn sống nhàn rỗi, xa rời vận động, nữ bác sĩ khuyên họ nên bắt đầu tập luyện 3 lần mỗi tuần, 20 phút mỗi lần như đi bộ nhanh, chạy chậm, khiêu vũ hay bất cứ loại hình vận động an toàn nào mà bạn cảm thấy thích thú. Tốt nhất là nên vận động với bạn bè. Cô khuyến khích: "Mỗi bước, mỗi nỗ lực là một sự khởi đầu đầy ý nghĩa".
Sự chuyên cần mang tính quyết định. Bác sĩ Anne nhận xét: "Với thời gian, bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong luyện tập thể thao". Rút kinh nghiệm từ thực tế, cô mạnh dạn tuyên bố: "Hầu hết mọi người cảm thấy thích thú đến độ họ nghĩ rằng sẽ không thể bỏ qua bất kỳ cữ tập nào".
Thời gian nghỉ ngơi cũng không kém phần quan trọng vì giúp cơ thể hồi phục. Cố gắng ngủ đủ giấc, ăn uống cân bằng. Được vậy, cơ thể và tâm trí của bạn sẽ rất "hài lòng". Điều này đã được Christophe André, bác sĩ khoa tâm lý bày tỏ: "Hãy tôn trọng cơ thể của bạn như mọi người tôn trọng thiên nhiên. Cơ thể không thuộc sở hữu của chúng ta. Chúng ta là những người thuê cơ thể làm nhà ở".

3. Hãy thể hiện lòng biết ơn
Nhiệt huyết thời còn trẻ thường khuyến khích mọi người tin rằng tất cả đều do chính bản thân làm ra. Wilhelm Schmid, 62 tuổi, nhìn vấn đề khác hẳn: "Với tuổi tác, con người hiểu ra rằng có ai đó đã tạo cơ hội cho chúng ta, đã yêu thương chúng ta, đã cho chúng ta sức mạnh. Chúng ta không đến với cuộc sống một cách đơn độc. Không có điều gì chỉ phụ thuộc một mình ta".
Đó là yếu tố để định được giá trị của lòng biết ơn. Nó giúp chúng ta tập trung vào khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống. Wilhem Schmid nói thêm: "Lòng biết ơn kích thích chúng ta yêu chuộng làm điều tốt lành cho cuộc sống, cho nhân loại".
Thiện chí trên đưa chúng ta trở về với mặt tích cực của sự việc. Wilhelm Schmid cho biết: "Cách chúng ta nhìn cuộc sống thường méo mó, sai lệch. Cuộc đời là trái ngọt của di sản sinh học từ những giờ khắc đầu tiên của nhân loại. Trước đây những người sống sót là những người biết thừa nhận những điều tiêu cực, khắc ghi và phòng tránh chúng. Hậu quả: sợ hãi và lo lắng, đau đớn và thống khổ tiếp tục tạo ấn tượng lên não bộ mạnh hơn các khía cạnh tích cực".
Tuy nhiên, bi quan không đưa ra một nhận thức thực tế hơn về cuộc đời. Hay như Boris Cyrulnik, nhà tâm lý-thần kinh học nói: "Bạn phải hiểu rằng bi quan hay lạc quan không liên quan gì với thực tế. Chúng phụ thuộc vào sự biểu hiện điều có thật".
Để thực hành nghệ thuất sống lạc quan, GS Ruckriegel khuyên ghi lại hàng ngày những kinh nghiệm tích cực vào "sổ nhật ký về lòng biết ơn".
Amina Steiner, nữ sinh viên 19 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành du lịch và khách sạn tại Áo, đã thử nghiệm khái niệm trên. Trong kỳ thi, tâm trí của Amina dường như bị quay cuồng bởi bài vở, Amina cho biết: "Quyển nhật ký đã giúp tôi tập trung vào những giây phút hạnh phúc nho nhỏ hàng ngày, duy trì sự lạc quan và cho tôi sức mạnh". Suốt 3 tuần, Amina viết nhật ký và chia sẽ cảm tưởng của mình trên blog. Amina giải thích: "Thời gian đó tuy ngắn ngủi, nhưng đủ để giúp tôi nhận thức rõ ràng hơn về những thời khắc tốt đẹp của cuộc sống".
Bất cứ ai trải qua kinh nghiệm này đều nhanh chóng nhận ra rằng họ có rất nhiều khoảnh khắc thú vị với những người khác. Điều này cũng được triết gia Wilmhelm Schmid trải qua. Cách đây 20 năm, ông cảm nhận lòng biết ơn sâu sắc với mẹ mình, nay đã qua đời. Wilhelm cho biết: "Tôi cảm thấy hạnh phúc vô vàn vì đã nhiều lần nói lời cảm ơn mẹ mình". Wilhelm đã đền đáp lại mẹ niềm hạnh phúc mà người đã mang đến cho mình. Trải nghiệm có thể được thể hiện bằng lời nói. Lời "cảm ơn" mang đến hạnh phúc cho người mà anh muốn gửi đến và cho cả chính anh!

(còn nữa)

Đăng lại từ bài "Đường đến hạnh phúc" của Hòa Duy (KTNN No.991)

2 comments:

  1. Không phải kỹ năng sống nào cũng phục vụ cho tham vọng của con người. Dù nỗ lực đến đâu chúng ta cũng không thể làm cho tất cả trở nên tốt hơn. Bằng chứng là chúng ta phải chấp nhận sự thật, những điều vẫn sẽ xảy ra ngoài ý muốn và nhiều khi trở nên tệ hơn: phải già yếu, bệnh tật, đau khổ rồi chết...

    ReplyDelete
  2. Điều cần nhận rõ và làm vì chính mình, liên quan đến sinh mạng của mình là không được tàn phá/hủy hoại cơ thể một cách tùy tiện, thiếu ý thức hoặc bị lệ thuộc/chi phối vì một lẽ nào đó. Nếu phản kháng sự tận diệt nhiều giống loài cũng như tàn phá môi trường sống trên Trái Đất thì hãy thực hiện với cơ thể của mình trước hết.

    ReplyDelete