Wednesday, June 13, 2018

Great people of our time: MARIA MONTESSORI (1870-1952)

Tự do học hành


Ngày nay chúng ta đã quen với ý nghĩ rằng những đứa trẻ phải được tự do. Chúng phải có những thầy giáo giỏi nhất với những phòng học vui vẻ và đầy ánh sáng. Họ luôn lắng nghe những đứa trẻ trò chuyện, dành cho chúng  thời gian để chơi, cho phép chúng được chọn những điều muốn làm. Chúng sẽ vẽ một bức tranh ư? Chơi với cát và nước? Đóng giả người bán hàng, bác sĩ, nhũ mẫu ư? Họ biết rằng những đứa trẻ sẽ học được nhiều nhất khi chúng thích thú với việc chúng đang làm và "thưởng thức" những bài học dành cho chúng.

Nhưng đó không phải là điều tất nhiên lúc Montessori còn trẻ. Khi lần đầu tiên đến thăm các trường học ở Ý, quê hương bà, và những nước châu Âu khác, bà đã nhìn thấy những đứa trẻ ngồi cạnh những cái bàn tối tăm, bận đồ đen, viết mực đen. Đối với bà, điều ấy cũng giống như một đám tang, "Những đứa trẻ phải được sống trong những xứ sở đẹp. Nó phải được tự do đi lại và diễn đạt những suy nghĩ của riêng nó", bà đã nói vậy. Và ngày nay, những đứa trẻ có rất nhiều cách để sinh hoạt thoải mái dễ chịu trong nhà trường. Đó là nhờ những thành quả của công việc Motessori đã làm...

Maria sinh năm 1870 ở Bắc Ý. Cha bà là một quân nhân, và cả cha mẹ bà đều là những người được giáo dục tốt. Khi đứa con gái của họ cảm thấy thích học khoa học, nhưng ở trường nữ sinh người ta không dạy, họ liền gửi cô tới trường nam ở Rome.

Rồi, cô tiếp tục nghiên cứu sinh vật và y học ở trường Đại học Rome, ngược với nguyện vọng của cha cô. Các nam sinh viên đã gây rất nhiều khó khăn cho cô gái mắt đen xinh đẹp. Họ nghĩ rằng nghề y là không thích hợp với phụ nữ. Khi họ đến phòng thí nghiệm mổ xác chết để nghiên cứu, Maria phải tự làm lấy một mình. cô thường về rất khuya, sau khi các nam sinh viên đã trở về nhà.

Dù vậy, cô vẫn trở thành bác sĩ và là giáo sư ở Đại học. Hồi còn là sinh viên, có một lần cô đi dạo trong công viên, một người phụ nữ trẻ, nghèo, kéo theo một đứa trẻ hai tuổi đi cùng, dừng lại hỏi xin tiền. Đứa bé thật đáng thương, trông dơ dáy và gần như ở truồng, quần áo rách tả tơi, và Maria không thể rời mắt khỏi cô bé. Cô bé dường như quá lãnh đạm với thế giới khủng khiếp bao quanh nó. Nó đang mải nhìn một mẩu giấy màu với niềm vui hồn nhiên, say sưa trong cái thế giới của chính nó.

Tình cảnh của đứa bé khiến cô sinh viên trẻ hiểu ra cái bản năng đặc biệt trong tư duy của trẻ con. Hình như điều đó khác biệt với những suy nghĩ của người lớn - nó kỳ diệu hơn nhiều. Hình như bọn trẻ khao khát tự do để trưởng thành và phát triển theo định hướng riêng của chính bản thân chúng - tự do để học.

Người bác sĩ trẻ bắt đầu làm việc với những đứa trẻ chậm tiến, những đứa trẻ vì nhiều lý do không có khả năng để học hành. Bà phát hiện ra những đứa trẻ như vậy trong một bệnh viện cổ lỗ, chúng bị nhốt cùng với những người lớn bị điên. Chúng bị đối xứ thậm chí còn tồi hơn những bệnh nhân là người lớn, như thể chúng chỉ là những con vật nhỏ bé. Chúng không có gì để chơi, và hầu hết thời gian trong ngày, chúng la lết trên sân, chơi với những mẩu vụn thực phẩm vương vãi dưới gầm bàn.

Bác sĩ Montessori quan tâm đến cái cách bọn trẻ nhặt những mẩu bánh mì. Hình như chúng không đói. Bà tin rằng chúng tìm kiếm cái gì đó để nắm trong tay và cảm giác về nó. Chúng muốn sờ mó và xem xét cái đó. Bà nhận thấy, nếu đứa trẻ được học, thì nhất thiết chúng phải có một vật thể gì đó để sờ mó. Chúng phải xem xét hình dáng, kích thước, trọng lượng và màu sắc, chúng phải "cảm" được điều chúng đang làm, chúng phải đặt những vật thể ấy cùng với nhau.

(còn nữa)

1 comment:

  1. Những cải cách của châu Âu cùng với những phát minh là những gì từ thực tế để giúp con người có được cuộc sống tốt hơn. "Những người thành công hỏi những câu hỏi hay hơn. Và kết quả là họ có được câu trả lời hay hơn." (Tony Robins)

    ReplyDelete