Trước mắt có mấy lưu ý sau
1. Chữ Đường trong tên Đường Lâm (trong sách vở ta tàu có đầy, không phải lăn tăn đặt câu hỏi) không có bộ "mễ" không có nghĩa là "sugar", nên chẳng liên quan gì đến mật, mía, bánh kẹo, ngọt.... Đường Lâm là nơi ở của Đường nhân, kiểu như China Town. Nghĩa gốc thế nào sẽ bàn sau.
2. Đường Lâm có một cụ chống Tàu nổi tiếng là cụ Giang Văn Minh. Có một dòng họ Tây học rất hách là họ Phan. Chừng đó cũng đủ làm rạng rỡ cho làng.
3. Không biết thế nào mà làng này lại giữ được các di tích, nhà cổ, văn hóa qua thời chiến tranh, đặc biệt là Cải cách ruộng đất (có lẽ Đội ở đây kém giác ngộ).
4. Cụ Trần Quốc Vượng là người thông minh kiệt xuất, nhưng là bằng chứng cho việc làm khoa học cẩn trọng quan trọng hơn nhiều so với chỉ cậy vào thông minh. (Tất nhiên không thể không thông minh).
Đường Lâm là Đường Lâm nào?
- TRẦN NGỌC VƯƠNG, NGUYỄN TÔ LAN, TRẦN TRỌNG DƯƠNG
- Thứ tư, 11 Tháng 5.2011
“Đường Lâm ở Sơn Tây” là kết luận cuối cùng được đưa ra bởi Trần Quốc Vượng[1] năm 1967, kết luận này chấm dứt giả thuyết của nhóm Đào Duy Anh về một châu Đường Lâm cũ vào các thế kỷ VII-X được ghi chép trong các cổ thư Trung Hoa.
Từ bấy đến nay, địa danh Đường Lâm - Sơn Tây đã nổi tiếng khắp năm châu bốn biển như một vùng đất thiêng địa linh nhât kiệt; một ấp hai vua: Phùng Hưng- Bố Cái Đại Vương và Ngô Quyền –“vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc” (chữ dùng của Phan Bội Châu). Đường Lâm là quần thể di tích cấp quốc gia, được nhà nước đầu tư trọng điểm về văn hóa và du lịch, rồi từng được đề cử trước Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đường Lâm- Sơn Tây trải qua gần 50 năm, giờ đã trở thành chân lý không cần bàn cãi. Giả thuyết của các bậc cựu học thuở nào đã đi vào quên lãng.
Thế nhưng, điểm cốt tử nhất trong chứng cứ của Trần Quốc Vượng năm xưa không hẳn nằm ở chỗ ông đã dùng phải một văn bia ngụy tạo mà ở chỗ ông đã dùng các cứ liệu cấp hai, “cấp ba” ấy... để phủ định lại các cứ liệu cấp một. Trong bài “Đường Lâm- Sơn Tây: một chặng huyền sử thế kỷ XX?”, chúng tôi đã khảo cứu được phần nào về tư liệu và phương pháp của Trần Quốc Vượng. Bài này, chúng tôi tiếp tục đi theo hướng mà Đào Duy Anh đã sử dụng khi viết cuốn chuyên luận bất hủ Đất nước Việt Nam qua các đời, đó là hướng đi tìm và khảo cứu về quê quán châu Đường Lâm của Phùng Hưng và Ngô Quyền qua những tư liệu được viết trong chính thời đại hoặc gần nhất với thời đại của hai vị vua này. Một điều lạ, mà trước khi khảo cứu chúng tôi không thể tưởng tượng, là tất cả các cổ thư từ đời Trần đổ về trước đều trùng khít với nhau, và tạo thành một thế lô gic liên hoàn sáng rõ. Để tiện theo dõi, chúng tôi trước tiên sẽ khảo cứu về địa danh Đường Lâm qua các thư tịch thường dùng hiện nay- mà ở đây tạm gọi là “hậu sử”.
1. Đường Lâm - từ những ghi chép của sử gia triều Lê
Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書trước nay vẫn được coi là bộ sử chính thống, quan phương, cổ nhất, có giá trị nhất may mắn còn giữ lại được. Bộ sử này là sự lũy tích văn hiến qua nhiều triều vua Lê, khởi từ các vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, mà văn bản chúng ta may còn lại được đến nay là bản in vào cuối thế kỷ XVII (1697). Bộ sử ấy có ghi mấy dòng đề cập đến địa danh Đường Lâm như sau: 姓 吳 諱 權 唐 林 人 世 為 貴 族 父 旻 為 本 州 牧 “Họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức châu mục ở bản châu”[2].
Thiên Nam ngữ lục天南語錄[3] – trường ca về lịch sử Việt Nam ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII, ghi lịch sử từ thời Hồng Bàng tới thời Lê Trung Hưng. Đây là một tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu dùng làm tư liệu cơ sở để đối chiếu với các sách sử cổ khác. Sách này cũng biên chép một cách khá chừng mực như sau: “Quyền cũng Đường Lâm con dòng, cha làm Thái thú[4] lĩnh trong Nam thành (c.3141); Đường Lâm sinh có anh hùng, bấy chừ một đạo quân hùng trỗi hơn, Thằng Nguyễn Chính Bình Lam Sơn[5], Ở ra những nết đa đoan hại người. Bèn bảo em là Phùng Cai, anh hùng ta cũng chí trai tang bồng (Phùng kỷ, c3041); Cùng Dương Tam Kha toan rằng: Đường Lâm trở lại thửa chưng trong đời (c.3254).”
ĐVSKTT cũng như Thiên Nam ngữ lục khi dẫn địa danh Đường Lâm không chú rõ Đường Lâm là ở đâu đã gây lúng túng cho sử gia đời sau khi tìm hiểu quê hương của Ngô Quyền, mặt khác, điều này cũng thể hiện sự cẩn trọng của sử gia Việt Nam đối với những thông tin họ chưa thể kiểm chứng, đối chiếu, nhất là ở thời kì Việt Nam còn chưa có nhà nước, chưa có biên chép sử, những thông tin về thời kì này, phần lớn dựa vào thư tịch cổ Trung Quốc. Điểm quan trọng nhất ở đây không phải bản thân địa danh Đường Lâm mà là thông tin cha Ngô Quyền là người Đường Lâm và làm chức châu mục ở bản châu. Như thế, Đường Lâm có thể là tên một châu, mà Ngô Mân làm châu mục. Vậy, câu hỏi đặt ra là châu Đường Lâm này là châu Đường Lâm nào[6]? Nó khác gì không so với xã Đường Lâm Sơn Tây (ngày nay)?
2. Đường Lâm ở Sơn Tây: kết luận của các sử gia nhà Nguyễn thế kỷ XIX
Từ những thông tin cẩn trọng trong các bộ sử của triều Lê, các sử gia đời Nguyễn thế kỷ XIX đã tiến hành khảo cứu sâu hơn về địa danh này. Sự khảo cứu ấy được trình bày như dưới đây.
Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) trong Đại Việt địa dư toàn biên大 越 地 輿 全 編, Địa chí loại, quyển 5, tỉnh Sơn Tây, phủ Quảng Oai, huyện Phúc Thọ, tr. 402 có viết: "Xét huyện Phúc Thọ là đất Phúc Lộc đời xưa. Cựu sử chép rằng: Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc. (Mà) Xét Đường địa lý chép rằng: châu Phúc Lộc có ba huyện Nhu Viễn, Phúc Lộc và Đường Lâm. Từ Hoan Châu đi về phía đông hai ngày đến huyện Ninh Viễn (tức Nhu Viễn) châu Đường Lâm. Đi về phía nam qua sông Cổ La hai ngày đến nước Hoàn Vương... Lịch triều hiến chương lại chép rằng:... ‘Nhu Viễn bây giờ là huyện Gia Viễn. Đường Lâm nay là đất huyện Hoài An, huyện Mỹ Lương...’ Nay xét sử cũ chép: Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có hai đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông-1390) mùa xuân tháng 2, ngày 18 làm bia này. Thì Đường Lâm là Phúc Thọ ngày nay, nên lấy sử cũ cũng như văn bia là đúng (văn bia thời Trần ở Sơn Tây). Xét lời chú trên này (của Đường địa lý) là thuyết sai lầm, xem Đường thư có một câu: ‘Phúc Lộc tiếp Hoan Châu’ có thể biết là lầm. Trí Châu có sông Trí, tức là xã Phúc Lộc đất Hà Thanh, Cầu Dinh ngày nay[7]"[8]. Nay tự đầu cõi huyện Hương Sơn đi thẳng đến thượng đạo Quảng Bình tức là châu Phúc Lộc cũ.
Đại Nam nhất thống chí大南ー統志 được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ 1865 đến 1882 ghi huyện Phúc Thọ: “Đời Hán là đất huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ; đời Lê Quang Thuận gọi là Phúc Lộc, trước lệ phủ Quốc Oai; đời Cảnh Hưng đổi lệ phủ Quảng Oai; đời Tây Sơn đổi là Phú Lộc; bản triều, đầu đời Gia Long lại đổi là Phúc Lộc; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi tên hiện nay, thuộc phủ Quảng Oai thống hạt.” Và “Xét sử chép: ‘Đường lâm ở huyện Phúc Lộc. Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm’ . Nay là xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ có đền thờ Bố Cái Đại vương và đền thờ Ngô vương, có văn bia đại lược nói: ‘bản xã đất ở rừng rú, xưa gọi là Đường Lâm, thời thuộc Đường có Phùng húy là Hưng, đến thời Ngũ đại có Ngô Vương húy là Quyền, hai vương cùng ở một ấp, việc ấy từ trước chưa có bao giờ…’ Cuối bài bia chép: ‘phụng mệnh làm văn bia năm Quang Thái thứ 3’. Như thế thì huyện Phúc Thọ xưa kia có Đường Lâm, Đường Lâm là tên xã không phải tên châu. Ngô Thì Sĩ nói: ‘Đường Lâm ở vào quãng huyện Hoài An và huyện Mỹ Lương’. Dư địa chí của Phan Huy Chú (1782- 1840) nói: ‘Nha Viễn nay là Gia Viễn, Đường Lâm nay là đất hai huyện Hoài An và Mỹ Lương.”[9]
Đặng Xuân Bảng (1828越史綱目節要ghi: “Tân mùi, [791] (Đường Đức Tông, Trinh Nguyên năm thứ bảy). Mùa hạ, Phùng Hưng ở Đường Lâm, Phong Châu (Đường Lâm là tên xã; nay là xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, không phải là huyện Đường Lâm, châu Phúc Lộc [chú của dịch giả: nay là xã Cam Lâm, huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây] )”[10] - 1910) trong Việt sử cương mục tiết yếu
Có thể thấy dường như Nguyễn Văn Siêu là học giả đầu tiên[11] ấn định địa danh Đường Lâm thuộc về Sơn Tây, sau đó thông tin này đã được chính sử nhà Nguyễn công nhận (1882). Kể từ đây, Sơn Tây đã tồn tại như một mảnh đất hai vua. Đặng Xuân Bảng tiếp thu thành tựu của người đi trước, khi viết cuốn Việt sử cương mục tiết yếu ông đã chua thêm hai chữ Phong Châu vào sau địa danh Đường Lâm. Tư liệu đáng chú ý nhất là văn bia đời Trần được Nguyễn Văn Siêu dẫn lại. Tiếc rằng, đây là một văn bia ngụy tạo như chúng tôi chứng minh ở mục “4. Đường Lâm Sơn Tây: một chặng huyền sử thế kỷ XX” trong bài viết này[12]. Thứ hai, Nguyễn Văn Siêu đã không đặt sách mà ông gọi là Đường địa lý[13] (sic) đó trong hệ thống tư liệu đồng đại hữu quan quan trọng khác như Tân Đường thư, Cựu Đường thư, Việt điện u linh, An Nam chí lược v.v… (cụ thể xin xem mục 5 của bài này). Từ kết luận ban đầu của Nguyễn Văn Siêu tiến tới sự đồng thuận của các sử gia của triều Nguyễn, Đường Lâm - Sơn Tây đất hai vua, trải qua gần 150 nay đã trở thành chân lý, hơn nữa là tín niệm.
Người đầu tiên tỏ ý nghi ngờ về kết luận trên là học giả Đào Duy Anh trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, ông viết: “chúng tôi rất nghi ngờ những ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có thể người ta đã lầm Đường Lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc Lộc (Phúc Lộc châu có huyện Đường Lâm) thành tên xã Đường Lâm ở huyện Phúc Thọ”[14]. Sự nghi ngờ của Đào Duy Anh là khá thận trọng và tinh nhạy về cảm giác của một người lão thực về trong lĩnh vực cổ sử Việt. Dưới đây, chúng tôi tiến hành khảo cứu diên cách xã Đường Lâm (huyện Phúc Lộc, Sơn Tây), để phần nào vén dần bức màn của lịch sử.
3. Đường Lâm - Sơn Tây: lịch sử diên cách
Xét về địa lí, xã Đường Lâm ngày nay thuộc thành phố Hà Nội, trước đó thuộc Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Một dải các tỉnh Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc ngày nay thuộc các huyện Tây Vu, Mi Linh, Chu Diên của quận Giao Chỉ thời Tây Hán. Thời Đông Hán, chia huyện Tây Vu làm hai huyện Phong Khê, Vọng Hải. Thời Tấn, các huyện Tây Vu, Mi Linh, Chu Diên đều thuộc các quận Vũ Bình, Tân Xương[15]. Đến đời Lý thuộc phủ Đại Thông[16]. Đời Minh là huyện Long Bạt châu Đà Giang lộ Tam Giang[17]. Đào Duy Anh cũng cho một lịch trình diên cách hơi khác như sau: “Trấn Sơn Tây: Cương mục (Chb, q.21) chú rằng: đời Đinh Lê Lý là đạo Đà Giang; đời Trần chia làm các lộ Tam Giang, Tam Đới, Quảng Oai, Quốc Oai; năm Quang Thái thứ 10 (1397 ) đổi lộ làm trấn; thời Lê Sơ làm các lộ Quốc Oai thượng, trung, hạ, thuộc Tây đạo; năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đổi làm Thừa tuyên Quốc Oai; năm thứ 10 (1468) đặt làm thừa tuyên Sơn Tây; năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi làm xứ; trong đời Hồng Thuận làm trấn; đời Nguyễn đầu đời Gia Long lệ vào Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi làm tỉnh Sơn Tây, trích huyện Từ Liêm lệ vào tỉnh Hà Nội, huyện Tam Nông lệ vào tỉnh Hưng Hóa… Huyện Phúc Lộc: Nhất thống chí (Sơn Tây) chép rằng đời Cảnh Hưng đổi lệ vào phủ Quốc Oai; đời Tây Sơn đổi làm Phú Lộc, đầu đời Gia Long đổi làm Phúc Lộc; năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi làm Phúc Thọ. Hiện nay là Phúc Thọ tỉnh Hà Tây.”[18]
Ngay từ đời Lý, đã có ghi chép về việc người ở Cam Giá dâng hươu đen cho vua Lý Nhân Tông[19]各鎮總社名備覽 [20]), nhưng 60 năm sau đã thấy tên Cam Lâm xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí 大南一统志. Thế nhưng Cam Lâm này chữ Hán là 甘霖, chứ không phải là lâm 林 (rừng) trong Đường lâm 唐林. . Cho tới tận đầu thế kỉ 19, đất Cam Lâm hiện nay còn có tên là Cam Tuyền (theo Các trấn tổng xã danh bị lãm
Theo Thông điển[21] thì một dải từ Hà Nội, Bắc Ninh về phía tây đến Hà Tây, Phú Thọ khá ổn định nội thuộc Phong Châu thời Đường. Không có châu Đường Lâm nào trong vùng đó. Còn huyện Phúc Lộc của Sơn Tây chỉ là địa danh được lập vào đời Lê Thái Tông, cuối Lê đổi là Phú Lộc, đến đời Nguyễn địa danh này chỉ tồn tại từ năm 1803- 1821, khác hoàn toàn với châu Phúc Lộc/ hay châu Đường Lâm (có các huyện dưới cấp là huyện Nhu Viễn, huyện Phúc Lộc và huyện Đường Lâm) thế kỷ VII- VIII – IX (như chúng tôi chứng minh qua các sử liệu ở mục 5.2).
4. Châu Đường Lâm (Phúc Lộc) qua tư liệu cổ sử
Tuy nhiên, đối với người làm công tác nghiên cứu lịch sử và nhất là nghiên cứu văn bản học chuyên sâu. Những nghi ngờ đã le lói đâu đó trong các chuyên luận (như của GS Đào Duy Anh, Văn Tân[22]Dưới đây, chúng tôi tiến hành khảo sát sơ bộ các tài liệu cổ sử Việt Nam và Trung Quốc về địa danh này với tư cách một đơn vị hành chính là châu. hay Bùi Văn Nguyên[23], Nguyễn Huệ Chi chẳng hạn), đã để lại nhiều gợi mở cho người đi sau tiếp tục tìm hiểu và giải mã. Với việc công nhận thông tin Khuông Việt Ngô Chân Lưu là hậu duệ của Ngô Thuận Đế (Ngô Quyền), thì đương nhiên quê hương Đại sư ắt là quê hương của tổ tiên ông, gần thì ông nội Ngô Quyền, xa hơn chút là cụ nội Ngô Mân là ở châu Đường Lâm.
4.1. Châu Đường Lâm qua cổ sử Việt Nam
Sử Tàu không chép “trực tiếp” về quê hương của Ngô Quyền cũng như các cụ tổ nhà Ngô Chân Lưu. Khảo xét thư tịch cổ Việt Nam thì tài liệu đáng lưu ý nhất là An Nam chí lược 安南志略[24] của Lê Tắc 黎崱soạn năm 1335 có ghi như sau: 五季間愛州人吳權領交阯 “Qua đời Ngũ-Đại (907-959), người đất Ái-Châu là Ngô Quyền, chiếm giữ quận Giao Chỉ”. Sách này một đoạn khác ghi: 呉權愛州人廷藝牙将也殺公羡而自立子昌岌弟昌濬繼之. Nghĩa là: “Ngô-Quyền:người Châu Ái, nha tướng của Đình Nghệ, giết Công Tiễn, tự lập làm vua, con là Xương Ngập với em Xương Tuấn kế noi ông”. Đến đây, thiết nghĩ cũng nên điểm qua vài nhân vật lịch sử có quê ở châu Đường Lâm.
Sách An Nam chí lược ghi: “Kịp thời Ngũ Đại, các người thổ hào ở các châu Giao, Ái là Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn… thay nhau dùng võ lực cướp quyền.”[25] Sách này cũng ghi: 楊廷藝愛州人“Dương Đình Nghệ: người châu Ái”[26]黎桓愛州人有志畧得志丁璉委以兵權因簒丁氏自稱交州三使“Lê Hoàn người Ái châu, có chí lược, được Đinh Liễn giao binh quyền, nhân soán ngôi họ Đinh, tự xưng Giao châu Tam sứ”. Lại chép: “Niên hiệu Thiên Phúc nhà Tấn năm thứ 2 (Ngụy Hán, Đại Hữu thứ 10) (937), Ngô Quyền cử binh Ái Châu vây Công Tiễn”[27], lại chép: “Ngô Quyền, người Châu Ái, nha tướng của Đình Nghệ, giết Công Tiễn, tự lập làm vua.”[28] Cũng ghi
An Nam chí lược quyển 1 mục Cổ châu danh có ghi nhận châu Đường Lâm: 古州名峯州呉曰新昌長州武峩州唐林州 . Nghĩa là: “Tên các châu cổ: Phong châu (đời Ngô là Tân Xương), Trường châu, Vũ Nga châu, Đường Lâm châu”[29]
Nhiều ý kiến cho rằng có lẽ ghi chép này đúng bởi soạn giả Lê Tắc sống vào thế kỉ XIII, lại là người cùng quê[30], khả năng chính xác là cao[31].
Sách Việt Điện u linh tập 粵甸幽靈集do Lý Tế Xuyên 李濟川 soạn năm 1329: 按趙公交州記。王姓馮名興。世為唐林州夷長。號郎官。王豪富有勇力。能搏虎。。。王用唐林人杜英翰之計。以吳兵襲唐林州[32] “Xét sách Giao châu ký của Triệu công, Vương họ Phùng tên Hưng, đời đời làm di trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan lang. Vương giàu có, lại có dũng lực, có thể đánh hổ… Vương dùng kế của người châu Đường Lâm là Đỗ Anh Hàn, đem quân ngô đi đánh châu Đường Lâm.”
Như vậy, các ghi chép về châu Đường Lâm qua hai thư tịch được coi là cổ nhất còn lại do người Việt biên soạn là An Nam chí lược và Việt điện u linh, chúng ta bước đầu có một sự mường tượng như sau về mảnh đất này. Châu Đường Lâm (xuất nhập hoặc cận kề với Châu Ái) vào thế kỷ VIII- IX là nguyên quán của hàng loạt các thủ lĩnh như Phùng Hưng, Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ (con là Dương Tam Kha), Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền (con: Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập; cháu: Ngô Chân Lưu, Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh). Ngoài ra, còn có Đinh Bộ Lĩnh đóng đô ở Hoa Lư (thuộc Thanh Hoa ngoại trấn sau này). Trần Công Lãm một sứ quân từng chiếm cứ Đường Lâm[33]. Thêm nữa, Lê Hoàn là người Trường Châu (cũng thuộc Thanh Hóa). Điểm diện để “cắm cờ” cho các quân doanh và địa bàn hoạt động thì có thể thấy những mối liên hệ về gia tộc, hôn nhân, quyền lực, tôn giáo của các thế lực này, từ đó có thể vạch ra một sơ hồ tổng quan hệ của các nhân vật lịch sử. Cho nên, vùng Ái châu, Trường châu, Hoan châu và châu Đường Lâm xưa có thể coi là trung tâm chính trị của nước ta vào giai đoạn đó. Vấn đề này đến nay dường như chưa được quan tâm đúng mức, cần có những khảo sát sâu hơn, rộng hơn và nhiều chiều hơn nữa[34]. Tạm không nêu ở đây.
4.2. Châu Đường Lâm qua cổ sử Trung Hoa
Khảo thư tịch cổ Trung Quốc đồng đại và hậu đại, có một số thông tin về châu Đường Lâm - Phúc Lộcnhư sau[35]:
1. Thông điển 通典 do Đỗ Hữu杜佑 (735 - 812) đời Đường soạn xong năm 801, quyển 184 ghi: 福禄郡東至里南至里西至北至里東南到里西南到里西北到里東北到里去西京里去東京里户口福禄州土地與九真郡同大唐為福禄州或為福禄郡領縣二柔遠唐林文陽郡長州土地與九真郡同大唐為長州或為文陽郡領縣四銅蔡長山其常文陽今理安遠縣東至里南至里西至里北至里東南到里西南到里西北到里東北到里去西京里去東京里户六百三十口三千四十今理文陽縣日南郡東至福禄郡界一百里南至羅伏郡界一百五十里西至環王國界八百里北至九真郡界六百里東南到海百五十里西南到當郡界四百里西北到靈䟦江四百七十里東北到陵水郡五百里去西京陸路一萬二千四百五十里水路一萬七千里去東京陸路一萬五百九十五里水路一萬七千二百二十里户九千六百二十九口五萬三千八百一十八. Nghĩa là: “Quận Phúc Lộc, phía đông... phía nam... phía tây... phía bắc... phía đông nam... phía tây bắc... phía đông bắc... cách Tây Kinh[36]... cách Đông Kinh[37]... hộ... người. Châu Phúc Lộc, sở trị ở huyện An Viễn. Đất đai giống với quận Cửu Chân. Nhà Đại Đường đặt ra châu Phúc Lộc, hoặc là quận Phúc Lộc. Lĩnh hai huyện: Nhu Viễn. Đường Lâm. Quận Văn Dương, phía đông... phía nam... phía tây... phía bắc... phía đông nam... phía tây nam... phía tây bắc... phía đông bắc... Cách Đông Kinh... cách Tây Kinh... Sáu trăm mười ba hộ, ba nghìn bốn mươi người. Trường Châu, sở trị ở huyện Văn Dương. Đất đai giống với quận Cửu Chân. Nhà Đại Đường đặt ra Trường Châu, hoặc là quận Văn Dương. Lĩnh bốn huyện: Đồng Thái, Trường Sơn, Kì Thường, Văn Dương. Quận Nhật Nam, phía đông đến địa giới quận Phúc Lộc một trăm dặm. Phía nam đến địa giới quận La Phục một trăm năm mươi dặm. Phía tây đến địa giới nước Hoàn Vương tám trăm dặm. Phía bắc đến địa giới quận Cửu Chân sáu trăm dặm. Phía đông nam đến biển một trăm năm mươi dặm. Phía tây nam đến địa giới quận Đương bốn trăm dặm. Phía tây bắc đến sông Linh Bạt bốn trăm bảy mươi dặm. Phía đông bắc đến quận Lăng Thủy năm trăm dặm. Đi Tây Kinh theo đường bộ một vạn hai nghìn bốn trăm năm mươi dặm, đường thủy một vạn bảy nghìn dặm. Cách Đông Kinh đường bộ một vạn năm trăm chín mươi lăm dặm, đường thủy một vạn bảy nghìn hai trăm hai mươi dặm. Chín nghìn sáu trăm mười chín hộ, năm vạn ba nghìn tám trăm mười tám người”.
2. Cựu Đường thư 舊唐書 do người thời Hậu Tấn là Lưu Hú 劉昫(887- 946)khởi soạn vào năm 945, quyển 41 ghi: 岭南道福禄州下土俗同九真郡之地后為生獠所据龍朔三年智州刺史謝法成招慰生獠昆明北楼等七千餘落總章二年置福禄州以處之天宝元年改為福禄郡至德二年改為唐林郡乾元元年复為福禄州領縣二無户口及两京道里四至州郡 柔遠州所治與州同置本名安遠至德二年改為柔遠也 唐林“Đạo Lĩnh Nam, châu Phúc Lộc: Đất đai phong tục giống với đất quận Cửu Chân, sau bị người Sinh Liêu chiếm. Năm thứ ba niên hiệu Long Sóc (663)[38], Trí Châu Thứ sử Tạ Pháp Thành chiêu dụ bảy nghìn lạc[39] dân thổ Côn Minh, Bắc Lâu[40]. Năm Tổng Chương thứ hai (669)[41], đặt ra châu Phúc Lộc để cai trị họ. Năm đầu niên hiệu Thiên Bảo đầu tiên (742)[42], đổi làm quận Phúc Lộc. Năm thứ hai niên hiệu Chí Đức (757), đổi làm quận Đường Lâm. Năm đầu tiên niên hiệu Càn Nguyên (758), đặt lại làm châu Phúc Lộc. Lĩnh hai huyện, không tính số hộ, người và số dặm đường đến hai kinh đô[43], bốn phía đến châu quận. Nhu Viễn: sở trị của châu, cùng lập ra với châu, vốn tên là An Viễn, năm thứ hai niên hiệu Chí Đức, đổi tên là Nhu Viễn vậy. Đường Lâm.”
Cựu Đường thư, Quyển tứ thập nhất khảo chứng: 福祿州領柔遠一縣。新書多唐林福祿二縣 “Châu Phúc Lộc lĩnh một huyện Nhu Viễn. nay mới chép thêm hai huyện Đường Lâm, Phúc Lộc.”
3. Thái Bình hoàn vũ kí 太平寰宇記 (quyển 171) soạn vào đời Tống Thái Tông 宋太宗trong những năm Thái Bình Hưng Quốc 太平興國(976 - 983)ghi: 福禄州福禄州福禄郡今理安遠縣土俗同九眞郡之地後為生獠所據唐龍朔三年智州刺史謝法成招尉生獠昆明比樓等七千餘落總章三年置福禄州以處之天寳元年改為福禄郡至德二年改為唐林郡乾元元年復為福禄州元領縣三柔遠唐林福禄土産貢白蠟紫緋騏麟竭無名異柔逺縣一鄉州理本名安遠唐至德二年改為柔逺唐林縣一鄉福禄縣一鄉已上三縣與州同置 “Phúc Lộc châu (Phúc Lộc quận): nay sở lị ở huyện An Viễn, đất đai và phong tục gần với quận Cửu Chân, sau bị dân Sinh Liêu chiếm cứ. Đời Đường, năm Long Sóc thứ hai (662), Trí châu Thứ sử Tạ Pháp Thành chiêu dụ vỗ về được dân miền núi là Côn Minh, Tỉ Lâu[44] vân vân hơn bảy ngàn lạc. Năm Tổng Chương thứ 3 (670) đặt châu Phúc Lộc để cai quản dân này. Năm Thiên Bảo thứ nhất, cải làm quận Phúc Lộc. Năm Chí Đức thứ 2 (757), cải làm quận Đường Lâm. Năm Càn Nguyên thứ nhất (758), cải lại làm châu Phúc Lộc. Châu này vốn lĩnh ba huyện là Nhu Viễn, Đường Lâm, Phúc Lộc. Thổ sản: cống bạch lạp (sáp trắng), tử phi[45], sừng tê, và nhiều thứ lạ không biết tên. Huyện Nhu Viễn một hương: vốn tên là An Viễn, đời Đường Năm Chí Đức thứ 2 (757) cải làm Nhu Viễn. Đường Lâm huyện một hương. Phúc Lộc huyện một hương. Trở lên là ba huyện được đặt ra cùng với châu”.
4. Tân Đường thư 新唐書 do Âu Dương Tu 歐陽修 và Tống Kì 宋祁 biên soạn năm 1060, quyển 43 thượng ghi: 福禄州唐林郡下本福禄郡總章二年智州刺史謝法成招慰生獠昆明北楼等七千餘落以故唐林州地置大足元年更名安武州至德二載更郡曰唐林乾元元年复州故名土貢白蠟紫穀户三百一十七縣三柔遠本安遠至德二載更名唐林唐初以唐林安遠二縣置唐林州后州縣皆廢更置福禄下“Quận Đường Lâm của châu Phúc Lộc, vốn là quận Phúc Lộc, năm thứ hai niên hiệu Tổng Chương (669), Trí Châu Thứ sử là Tạ Pháp Thành chiêu dụ hơn bảy nghìn lạc người thổ Côn Minh, Bắc Lâu, cho nên đất Đường Lâm đặt ra. Năm đầu tiên niên hiệu Đại Túc đầu tiên [46] đổi tên là châu An Vũ, năm thứ hai niên hiệu Chí Đức[47] đổi thành quận đặt tên là Đường Lâm, năm đầu tiên niên hiệu Càn Nguyên[48], đặt lại tên châu như cũ. Đồ cống nạp của đất này: bạch lạp, tử cốc[49]. Ba trăm mười bảy hộ. Ba huyện: Nhu Viễn, vốn là huyện An Viễn, năm Chí Đức thứ hai đổi tên; Đường Lâm, đầu thời Đường lấy hai huyện Đường Lâm, An Viễn đặt ra châu Đường Lâm, sau châu, huyện đều bỏ, đổi đặt lại; Phúc Lộc.”
Tân Đường thư, quyển 43 hạ: 岭南道 一路自驩州东二日行至唐林州安遠縣南行經古羅江二日行至環王國之檀洞江又四日至硃崖又經单补鎮二日至環王國城故漢日南郡地也 “Đạo Lĩnh Nam: Một đường từ phía đông Hoan Châu[50] đi hai ngày, đến huyện An Viễn của châu Đường Lâm, đi về phía nam qua sông Cổ La, đi hai ngày đến sông Đàn Động của nước Hoàn Vương[51]. Lại đi bốn ngày đến Chu Nhai[52]. Lại đi qua Đan Bổ Trấn, đi hai ngày đến thành nước Hoàn Vương, thời Hán xưa gọi là đất quận Nhật Nam vậy.”
5. Dư địa quảng kí 輿地廣記, do Âu Dương Văn 歐陽忞 soạn vào đời Tống Huy Tông 宋徽宗福禄州自隋以前地理與福禄郡同後為生獠所據唐龍朔三年智州刺史謝法成招慰生獠昆明北樓及生獠等七千餘落總章二年置福禄州以處之天寶元年改為福禄郡至德二載改為唐林[53]郡乾元元年復為福禄郡 Nghĩa là: …châu Phúc Lộc từ đời Tùy về trước, địa lý cùng như quận Phúc Lộc, sau bị dân thổ chiếm. Đời Đường, năm Long Sóc thứ 3, Trí châu Thứ sử Tạ Pháp Thành úy lạo hơn bảy ngàn lạc dân thổ Côn Minh, Bắc Lâu. Năm Tổng Chương thứ 2 đặt châu Phúc Lộc để quản dân ấy. Năm Thiên Bảo thứ nhất, đổi làm quận Phúc Lộc. Năm Chí Đức thứ 2 đổi làm Đường Lâm quận. Năm Kiền Nguyên thứ nhất lại đổi thành Phúc Lộc quận.trong những năm Chính Hòa 政和(1111-1117), quyển 38 có đoạn :
6. Đại sự ký 大事記do Lã Tổ Khiêm 吕祖謙 (1137-1181) đời Tống soạn, quyển 12: 交趾今安南國交峯陸州之地九眞郡今化外愛驩長演山福禄州之地日南郡今化外林景州之地朱崖郡今朱崖萬安軍瓊州之地… “Giao Chỉ, nay là nước An Nam: Giao châu, Phong châu là đất Lục châu xưa. Quận Cửu Chân nay vốn là đất của châu Ái, châu Hoan, châu Trường, châu Diễn, châu Sơn, châu Phúc Lộc xưa. Quận Nhật Nam nay vốn là đất của châu Lâm, Cảnh. Quận Chu Nhai nay vốn là đất của Chu Nhai, Vạn An, Quân, Quỳnh châu xưa”
7. Quý Châu thông chí 貴州通志, do Trần Quân (? - ?) người đời Minh biên tập, quyển 3 ghi: 總章二年智州刺史謝法成招慰生獠以故唐林州地置福禄州…古州福禄州俱隸嶺南採訪使唐末皆没於蠻. Nghĩa là: “năm Tổng Chương thứ 2, Trí châu thử sử Tạ Pháp Thành úy lạo dân thổ, cho nên châu Đường Lâm được đặt ra… châu Cổ và châu Phúc Lộc đều thuộc Lĩnh Nam, tìm trong sử thấy cuối đời Đường đều mất về tay người man[54].
8. Độc sử phương dư kỉ yếu 讀史方輿紀要do người đời Thanh là Cố Tổ Vũ 顧祖禹soạn trong 30 năm, hoàn tất năm 1692, quyển 112 ghi: 福禄城在府西南唐武德中所置羁縻唐林州也貞觀初廢總章二年智州刺史謝法成招慰生獠昆明北楼等七千餘落以故唐林州地置福禄州大足元年更名安武州神龍初复故天宝初曰福禄郡至德二載改曰唐林郡乾元初仍為福禄州后廢又桑遠廢縣唐福禄州治也本曰安遠至德二載改曰桑遠兼領唐林福禄二縣廢長州與福禄州相近唐置領文阳銅蔡長山其常四縣亦曰文陽郡,后為蠻廢。 Nghĩa là: “Thành Phúc Lộc tại phía tây nam phủ. Giữa năm Vũ Đức thời Đường đặt ra châu Đường Lâm ki mi vậy. Đầu năm Trinh Quán bỏ. Năm thứ hai niên hiệu Tổng Chương, Trí Châu Thứ sử Tạ Pháp Thành chiêu dụ hơn bảy nghìn lạc dân thổ Côn Minh, Bắc Lâu, cho nên đất châu Đường Lâm đặt ra châu Phúc Lộc. Năm đầu tiên niên hiệu Đại Túc, đổi tên là châu An Vũ. Đầu năm Thần Long, đặt lại như cũ. Đầu năm Thiên Bảo, gọi là quận Phúc Lộc. Năm thứ hai niên hiệu Chí Đức, đổi tên là quận Đường Lâm. Đầu năm Càn Nguyên, vẫn đặt ra châu Phúc Lộc. Sau đó bỏ. Lại bỏ huyện Tang Viễn, là sở trị của châu Phúc Lộc thời Đường vậy, vốn tên là An Viễn, năm thứ hai niên hiệu Chí Đức, đổi tên là Tang Viễn; kiêm lĩnh hai huyện Đường Lâm, Phúc Lộc. Bỏ Trường Châu, gần với châu Phúc Lộc, lĩnh bốn huyện Văn Dương, Đồng Thái, Trường Sơn, Kì Thường, cũng gọi là quận Văn Dương, sau bị người Man bỏ”.
Còn khá nhiều sử liệu đời sau khác cũng biên chép về châu Đường Lâm - Phúc Lộc nhưng phần lớn dẫn dụng các tài liệu cổ sử như đã nêu trên, vì vậy chúng tôi không trình bày tiếp ở đây.
Tổng hợp sử liệu đã nêu, có thể tạm thời nhận xét rằng: Đường Lâm/ Phúc Lộc là tên một đơn vị hành chính là châu (trong đó gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc, lại có thêm thành Phúc Lộc), được thành lập trong khoảng những năm Vũ Đức (từ 619 - 627 nhà Đường), đến sau đời Đường địa danh này bị bỏ. Nguyên do là Đường Lâm nằm gần Trường Châu[55], hai vùng này sau bị người miền núi chiếm cứ không thuộc sự quản lý của nhà Đường. Sau này không thấy khôi phục lại nữa.
Theo Độc sử phương dư kỉ yếu thì Đường Lâm thuộc tây nam châu Ái (vào đời Đường không thuộc châu Ái nhưng phong tục thì tương đồng). Dân cư châu Đường Lâm/Phúc Lộc tuyệt đại đa số là người bản địa gồm các dân Côn Minh, Bắc Lâu/Tỉ Lâu[56], do các tù trưởng nắm giữ[57], khu vực này cũng có dân Bắc[58], có hộ khẩu[59], nhưng đóng thuế rất ít chủ yếu là lâm thổ sản.
Có vẻ như Đại Việt sử kí toàn thư cũng căn cứ vào cổ sử Trung Quốc để liên kết hai địa danh Phúc Lộc và Đường Lâm khi chú giải cho sự kiện Phùng Hưng nổi dậy: 辛 未 唐 貞 元 七 年春 安 南 都 護 府 髙 正 平 為 政 重 歛夏 四 月 交 州 唐 林 人 唐林在福祿縣馮 興 起 兵 圍 府政 平 以 憂 子先 是 馮 興 豪 富 有 勇 力 能 排 牛 搏 虎於 唐 代 宗 大 曆 中 因 交 州 亂 與 其 弟 駭 相 率 復 諸 隣 邑 興 號 都 君 駭 號 都 保 與 正 平 相 攻 久 不 能 克至 是 用 . Nghĩa là: “Tân Mùi [791], (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng. Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-780] đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được.”[60]柔逺縣一鄉…唐林縣一鄉,福禄縣一鄉,已上三縣 Nhu Viễn huyện nhất hương… Đường Lâm huyện nhất hương, Phúc Lộc huyện nhất hương, dĩ thượng tam huyện. Rắc rối là ở các chữ “ huyện nhất hương”. “Nhất hương” ở đây là một cụm danh từ có kết cấu “số từ + lượng từ”, lượng từ “hương” không phải là một đơn vị hành chính, mà trỏ một vùng đất chung chung. Đơn vị hành chính trong cụm “Đường Lâm huyện nhất hương” đã nằm trong chữ huyện rồi. Các sử gia đời sau vì một lẽ nào đó chỉ ghi là “Đường Lâm nhất hương”, khiến cho nhiều thế hệ dịch giả dịch thành “Đường Lâm, một làng”. Có lẽ câu chuyện đi tìm làng Đường Lâm từ đây mà ra. Ghi chép trên của Đại Việt sử kí toàn thư nói một cách chính xác quê Phùng Hưng là ở huyện Đường Lâm châu Phúc Lộc[61]. Tuy vậy, Cựu Đường thư, Tân Đường thư ghi:
Dù thế nào thì Đường Lâm và Phúc Lộc gần như luôn đi kèm với nhau, nếu biết Đường Lâm chính xác ở đâu thì xác định được vị trí tương đối của Phúc Lộc và ngược lại. Xét sử kí Trung Hoa ghi chép các địa danh Phúc Lộc, có thể định vị được Phúc Lộc có thể nằm ở vị trí nào ngày nay[62].
Tổng hợp những tư liệu về châu Phúc Lộc cho thấy. Phúc Lộc vừa là tên châu vừa là tên một huyện. Địa danh Phúc Lộc luôn có sự xuất nhập với Đường Lâm trong khi Nhu Viễn (sau đổi là An Viễn, hay An Vũ) ổn định lệ thuộc một trong châu này. Phúc Lộc cũng như Đường Lâm gần với quận Cửu Chân, thổ tục giống như vậy. Với những sử liệu và lập luận được sử dụng, bước đầu có thể tin rằng Phùng Hưng, Ngô Quyền, cũng như Ngô Chân Lưu là người châu Đường Lâm/ Phúc Lộc. Đường Lâm này xuất nhập với châu Ái cho nên Lê Tắc mới cho rằng Ngô Quyền là người châu Ái. Vị trí chính xác của Đường Lâm này nằm ở đâu chúng tôi xin được đề cập đến trong bài viết khác, nhưng khả năng cao là châu Đường Lâm này khó có thể nằm ở Sơn Tây ngày nay, như chúng tôi đã chứng minh ở trên.
Qua những cứ liệu đã trình bày, chúng tôi tạm có một vài kết luận sơ bộ như sau:
Châu Đường Lâm- quê của Phùng Hưng Ngô Quyền vốn từng có tên châu Phúc Lộc (gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc), châu này nằm phía tây nam Ái Châu, gần gũi Trường Châu, về sau đã có lúc quy về Ái Châu.
Vị trí chính xác của châu Đường Lâm còn phải khảo chứng thực địa, bổ sung các cứ liệu về họ tộc, cư dân, phong tục, sản vật, ngôn ngữ bản địa, cũng như sự thờ cúng và tư liệu điền dã tại địa bàn Thanh Hóa ngày nay và các khu vực lân cận. Dù vậy, có thể khẳng định rằng quê Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa - Nghệ An[63] ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện Gia Ninh của Phong Châu) được.
Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm. Tên xã Đường Lâm tại Sơn Tây ngày nay mới xuất hiện từ năm 1964 (ngày 21 tháng 11).
Bài viết là một hành trình từ cổ sử Tàu qua cổ sử ta kết hợp với các tài liệu liên quan để có cái nhìn đồng đại và lịch đại nhằm soi tỏ vấn đề tưởng như đã không còn gì cần bàn cãi. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhận định rằng, dù quê Đại sư Khuông Việt ở đâu thì đó cũng không phải là ở Sơn Tây (ngày nay). Bài viết được hoàn thành một phần dựa trên những gợi mở chúng tôi có được từ các học giả trong và ngoài nước chính thức phát biểu qua những tham luận khoa học hay nhiều khi chỉ là câu chuyện lúc trà dư tửu hậu. Chúng tôi hi vọng trong thời gian sắp tới sẽ có dịp trở lại với chủ đề này.
Bản thảo tại Nam Ninh, ngày 21/2/2011, chính bản hoàn thiện tại Hà Nội, 3/ 2011
Địa chỉ liên lạc: Trần Trọng Dương, Viện NC Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội. Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.">trantrongduonghn@gmail.com
[1] Trần Quốc Vượng, Về quê hương Ngô Quyền, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 101, 8/1967, tr. 60 - 62.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書(T1). Ngô Đức Thọ dịch chú. Nxb KHXH, H., 1998, tr. 204. Nguyên văn Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr. 20b.
[3] Thiên Nam ngữ lục天南語錄, Nguyễn Thị Lâm phiên âm và chú giải. Nguyễn Ngọc San hiệu đính, Nxb. Văn hóa, H., 2001.
[4] Thái thú: Ý nói Ngô Mân làm chức “châu mục bản châu”.
[5] Nguyễn Chính Bình: một số sách sử khác như Tân Đường thư, Cựu Đường thư ghi là Cao Chính Bình.
[6] Quan điểm Ngô Quyền là người châu Đường Lâm được cố súy bởi nội chứng lịch sử Việt Nam ấy chính là vào thời Thập nhị sứ quân, một người bà con cùng họ của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh (người mà Việt sử lược chép lầm là Trần Nhật Khánh) đã nổi dậy chiếm cứ Đường Lâm. Thuận lẽ là người có thế lực ở đâu mới có thể nổi dậy tiếm quyền tại đó. Dòng họ Ngô đời đời làm chức mục bản châu thì những người họ hàng ắt ít nhiều có thế lực. Cha Ngô Quyền lĩnh chức mục châu Đường Lâm là cơ sở để Ngô Nhật Khánh sau này xưng hùng tại địa phương. Hơn nữa, Dương Đình Nghệ lĩnh Ái Châu đã gả con gái cho Ngô Quyền, dụng Ngô Quyền làm tâm phúc. Theo chúng tôi, giai đoạn này việc thông hôn đồng thời cũng là một hình thức củng cố thế lực, liên kết các tù trưởng/ hào trưởng địa phương. Không cơn cớ gì một châu mục lớn như châu mục Ái Châu lại gả con gái và dựa vào một người không tên tuổi, không thế lực ở mãi Sơn Tây (lúc ấy giờ thuộc địa giới Phong Châu). Quan điểm quê hương Ngô Quyền ở đâu đó gần châu Ái có lẽ là có cơ sở sử liệu của nó.
[7] Chỉ thời Nguyễn.
[8] Phương Đình Nguyễn Văn Siêu方亭阮文超, Đại Việt địa dư toàn biên大 越 地 輿 全 編,Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 1997, tr.402. Nguyên bản ký hiệu VHv.1709/1-3, bản khắc in năm 1900.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (1882), Đại Nam nhất thống chí大南ー統志 (tập 4) Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997. tr. 188 - 189.
[10] Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu 越史綱目節要, Hoàng Văn Lâu dịch chú giới thiệu, Nxb. KHXH, H. 2000. tr. 48.
[11] Sở dĩ nói ông là học giả đầu tiên vì lấy điểm mút cuối cùng là năm ông mất (1872) so với năm hoàn thành của Đại Nam nhất thống chí là 1882.
[12] Tập quán dùng văn bia hay cứ liệu khảo cổ học như một bằng chứng “không thể chối cãi” cho bất kỳ luận điểm lịch sử nào (ngay cả khi văn bia đó dựng hàng mấy trăm năm sau) là một phương pháp phổ dụng trong những năm qua. Hiện tượng này có thể thấy qua rất nhiều nghiên cứu lịch sử hiện nay. Ví dụ như, gần đây có một số nhà nghiên cứu căn cứ vào viên gạch đào được ở Hoa Lư có ghi mấy chữ “Đại Việt thành chuyên” để khẳng định nước ta vào đời Đinh chưa từng có tên nước là Đại Cồ Việt. Trong khi phương pháp C14 không thể cho biết chính xác khoảng thời gian trong vòng một hai trăm năm. Liệu đó có nhất thiết phải là gạch đời Đinh, Lê, tiền Lý hay là của các triều đại sau này trong rất nhiều lần trùng tu di tích? Những kết quả ở Hoàng thành Thăng Long cũng cần giám định lại.
[13] Chúng tôi tìm khắp trong Tứ khố toàn thư không tìm thấy quyển nào có tên là Đường địa lý. Có lẽ đây chỉ là cách gọi chung của Nguyễn Văn Siêu về những sách có biên chép về địa lý đời Đường. Hoặc giả có sách đó thật nhưng tại Trung Quốc từ lâu đã bị mất.
[14] Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 2005 (tái bản), tr. 110.
[15] Tân Đường thư 新唐书 chép: “Phong Châu có các huyện Gia Ninh, Tân Xương. Gia Ninh có núi Tản Viên. Tân Xương có Kim Khê”. Đặng Xuân Bảng sau khi dẫn đoạn trên đã chua: “Nay (tk XIX) các đất phủ Lâm Thao, Quảng Oai của Sơn Tây cùng phủ Yên Bình của Tuyên Quang, phủ Tòng Hóa của Thái Nguyên đều là đất Phong Châu xưa”, Đặng Xuân Bảng, sdd, tr. 46.
[16] H. Maspéro, La Géographie Politique de l’Annam Sous les Lý, les Trần et les Hồ ( Nghiên cứu về địa lý lịch sử thời Lý Trần Hồ). BEFEO. XVI, chuyển dẫn theo Đào Duy Anh,sđd. tr.120. Theo H. Maspéro, phủ Đại Thông bao gồm miền Sơn Tây, Hưng Hóa, ở phía Tây sông Hồng.
[17] Đào Duy Anh,sđd, tr.138 - 139. “Huyện Long Bạt: Nhất thống chí (Sơn Tây) chép rằng huyện Bất Bạt vốn là đất lộ Tam Giang, đời Trần về trước là huyện Lũng Bạt, nhà Minh vẫn theo. Nhưng Thiên hạ quận quốc chép rằng chính nhà Minh đổi Long Bạt làm Lũng Bạt.”
[18] Đào Duy Anh, sđd, tr. 180 - 181. Những khảo sát trên đây cho thấy những ghi chép diên cách địa lý về Sơn Tây cần phải hiệu chỉnh lại khá nhiều. Ví như: Sơn Tây quận huyện bị khảo ghi: “Huyện Phúc Thọ xưa là Đường Lâm, các triều Lý Trần cũng theo như thế”. Chuyển dẫn theo Huyện Phúc Thọ- làng xã và những di sản văn hóa (T1: Di sản Hán Nôm),Nguyễn Xuân Diện chủ biên, Nxb Hà Nội, H., 2010, tr. 34. Hay Sơn Tây tỉnh chí ghi: “Đền Bố Cái Đại Vương: ở địa phận xã Cam Lâm huyện Phúc Thọ, thời cổ gọi là Đường Lâm”. Chuyển dẫn theo Nguyễn Xuân Diện, sđd, tr. 31.
[19] “甘蔗甲人献玄鹿Đinh Dậu, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 8 [1117], (Tống Chính Hoà năm thứ 7)…người giáp Cam Giá dâng hươu đen.” [ĐVSKTT, tr.17a]
[20] Xin xem nguyên bản ký hiệu A.570/1-2. (Viện NC Hán Nôm). Xin xem thêm Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Các trấn tổng, xã danh bị lãm), Viên Nghiên cứu Hán Nôm - Dương Thị The, Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn – NXBKHXH Hà Nội – 1981.
[21] Văn Uyên các Tứ khố toàn thư - Thông điển通典, quyển 184, Đài Bắc Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán, 1983, chép安南都䕶府東至朱鳶縣界水路五百里至朱鳶縣界阿勞江口水路百四十九里西至九真郡界水路四百一十六里北至武平縣界江源二百五十里東南到朱鳶縣界五百里西南到文陽郡水路一百五十里西北到承化郡嘉寜縣江鎮一百五十里東北到交趾縣十里去西京七千二百五十三里去東京七千二百二十五里户二萬四千七百三十口九萬九千六百六十安南府秦屬象郡漢交趾日南二郡界後漢因之兼置交州晉宋齊並因之宋又置宋平郡齊因之亦為交趾郡地梁陳因之隋平陳郡廢置交州煬帝初州廢置交趾郡大唐為交州後改曰安南都䕶府領縣七宋平朱鳶龍編太平交趾武平平道今理宋平縣今南方夷人其足大指開廣若並足而立其趾則交故名交趾領郡七理於此晉領郡七宋領郡五齊領郡九皆理於此宋置宋平郡在此吳軍晉縣地舊置武平郡鳶以専反漢舊縣漢龍編縣地吳舊縣齊置昌國縣 “An Nam Đô hộ phủ, phía đông đến cảnh giới huyện Chu Diên đường thủy đi 500 dặm. Phía nam đến cửa sông A Lao thuộc cảnh giới huyện Chu Diên đường thủy đi 149 dặm. Phía tây đến cảnh giới quận Cửu Chân đường thủy đi 415 dặm. Phía bắc đến nguồn sông của cảnh giới huyện Vũ Bình 250 dặm. Phía đông nam đến cảnh giới huyện Chu Diên 500 dặm. Phía tây nam đến cảnh giới quận Văn Dương đường thủy đi 150 dặm. Phía tây bắc đến Giang Trấn huyện Gia Ninh thuộc quận Thừa Hóa 150 dặm. Phía đông bắc đến huyện Giao Chỉ 10 dặm. Cách Tây Kinh 7,253 dặm, cách Đông Kinh 7,225 dặm. Hộ: 24,730, khẩu: 99,650. Phủ An Nam, nay trị ở huyện Tống Bình. Thời Tần thuộc Tượng Quận. Thời Hán là cảnh giới hai quận Giao Chỉ, Nhật Nam, nay là đất của người Di phương nam, chân của họ đại khái mở rộng ra, nếu đem chân đứng dậy, ngón chân liền giao nhau, cho nên tên là Giao Chỉ. Nhà Hậu Hán theo đó, đặt ra Giao Châu. Lĩnh 7 quận, trị ở đó. Nhà Tấn, Tống, Tề đều theo đó. Thời Tấn lĩnh 7 quận, thời Tống lĩnh 8 quận, thời Tề lĩnh 9 quận, đều trị ở đó. Nhà Tống lại đặt quận Tống Bình, nhà Tề theo đó, cũng là đất quận Giao Chỉ. Nhà Lương, Trần theo đó. Nhà Tùy dẹp nhà Trần, quận bỏ, đặt ra Giao Châu. Đầu thời Dương Đế, châu bỏ, đặt ra quận Giao Chỉ. Nhà Đại Đường là Giao Châu, sau đổi là An Nam Đô hộ phủ. Lĩnh 7 huyện: Tống Bình. Nhà Tống đặt quận Tống Bình tại đấy. Chu Diên. Thời Ngô là huyện Quân Bình. Trước đặt ra quận Vũ Bình. Diên, dĩ truyền phiên. Long Biên. Huyện cũ thời Hán. Thái Bình. Giao Chỉ. Thời Hán thuộc đất huyện Long Biên Vũ Bình. Huyện cũ thời Ngô. Bình Đạo. Nhà Tề đặt ra huyện Xương Quốc.
[22] “Ngô Quyền nhà quý tộc con Ngô Mân quê ở Hoan châu (có chỗ nói Ái châu) đã dấy quân từ Hoan châu tiến ra bắc phá quân Nam Hán ở cửa Bạch Đằng. Như vậy, Ngô Quyền phải là người huyện Đường Lâm châu Phúc Lộc (Hà Tĩnh) chứ không phải người xã Đường Lâm, huyện Phúc Thọ (Sơn Tây). Có thế mới phù hợp với tình hình xã hội hồi thế kỷ VIII, IX, X” [Văn Tân. Bdd. Tc Nc Lịch sử, số 93. tr.31-32]
[23] Giáo sư Bùi Văn Nguyên, chưa rõ căn cứ vào tài liệu nào, đã khẳng định rằng: “Tăng Thống Ngô Chân Lưu, họ Ngô, người Chân Định, Nam Chân”. Chuyển dẫn theo Hoàng Văn Lâu, bđd.
[24] Văn uyên các Tứ khố toàn thư – An Nam chí lược, Đài Bắc Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán, 1983.
[25] Lê Tắc, sđd, tr. 53.
[26] Lê Tắc, sđd, tr. 225.
[27] Lê Tắc, sđd, tr. 225.
[28] Lê Tắc, sđd, tr. 226.
[29] Lê Tắc, sđd, tr. 65
[30] “Tắc người An Nam, dòng dõi của Nguyễn Phu, Thứ sử Giao châu đời Đông Tấn. Đã nhiều đời ở Ái Châu, tằng tổ tên Khôn,… ông nội trên Trưng, cha tên Viễn Vọng…” Lê Tắc, An Nam chí lược, Tự tự, Nxb. Thuận Hóa, Huế., 2002. tr. 348; “Ông Lê Tắc, người Đông Sơn” Hứa Thiện Thắng (1307), An Nam chí lược tự, An Nam chí lược, sđd, tr.41; “Lê Cảnh Cao ở Đông Sơn, là người bản xứ” Hứa Hữu Nhâm (1339). An Nam chí lược tự, An Nam chí lược, sđd, tr.42.; “Cuối đời Nguyên có ông Lê Tắc, hiệu Cảnh Cao, người đất Ái Châu nước Nam Việt đã soạn bộ An Nam chí lược” Kishi Ginko (Ngạn Ngâm Hương), An Nam chí lược tự (1884), An Nam chí lược, sđd, tr.49; “Cẩn án bộ An nam chí lược, 19 quyển, do Lê Tắc đời Nguyên soạn. Tắc tự là Cảnh Cao, hiệu Đông Sơn, vốn người An Nam, con cháu của Nguyễn Phu làm chức Thứ sử An Nam hồi Đông Tấn, đời đời ở Ái Châu (tức tỉnh Thanh Hóa)” Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, An Nam chí lược, sđd, tr.49 ; “Chỉ biết ông vốn người họ Nguyễn, dòng dõi của Nguyễn Phu (người Đông Tấn, Trung Quốc), các đời cụ, ông, cha đều ở Ái Châu…” Chương Thâu, Lời nói đầu, An Nam chí lược, sđd, tr.9.
[31] Về luận điểm này, chúng tôi xin bàn thêm ở phần sau.
[32] 粵甸幽靈集。布蓋孚祐彰信崇義大王. A.47. (Viện NC Hán Nôm). Tr. 4b-5a. Bản dịch đã công bố ghi hơi khác: “Theo sách Giao Châu ký của Triệu Vương, thì Vương họ Phùng tên là Hưng. Đời đời cha truyền con nối làm Tù trưởng Biên khố ở châu Đường Lâm gọi là Quan lang…Theo kế của Đỗ Anh Luân (còn viết là Hàn), người đất Đường Lâm, họ Tuần đem quân đi tuần hành ở các châu Đường Lâm, Trường Phong, các nơi ai nấy đều theo.” [Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập粵甸幽靈, Đinh Gia Khánh- Trịnh Đình Rư dịch chú, Trần Nghĩa giới thiệu, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam(T1: dịch từ bản A. 751), Nxb Thế giới, H., 1997, tr. 60.]
[33] Việt sử lược 越史略, quyển thượng, Văn Uyên các Tứ khố toàn thư, Đài Bắc Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán, 1983, ghi: 十二使君矯三制名公桿據峯州阮太平名寛一名記據阮家陳公覽名日慶據唐林“Mười hai sứ quân: Kiểu Tam Chế, tên là Công Can, chiếm lấy Phong Châu. Nguyễn Thái Bình, tên là Khoan, một tên nữa là Kí, chiếm lấy Nguyễn Gia. Trần Công Lãm, tên là Nhật Khánh, chiếm lấy Đường Lâm”
[34] Điều này ít nhiều có thể “điểm danh chỉ mặt” qua các tư liệu văn hiến cổ nhất của Việt Nam còn lại đến nay đều thuộc về các hiện vật của Thanh Hóa, như văn bia Đại Tùy Cửu Chân đạo tràng, bia Thanh Mai, 40 kinh tràng trong số 200 kinh tràng do Đinh Liễn lập và Khuông Việt Ngô Chân Lưu làm chủ tế. Về bối cảnh văn hóa của một giai đoạn này xin xem thêm Trần Trọng Dương, Khảo về ĐẠI CỒ VIỆT- nước Việt- nước Phật giáo, Tạp chí Hán Nôm, số 02 năm 2009.
[35] Khi viết phần này chúng tôi tham khảo khá nhiều ở cuộc trao đổi của hai ông Lê Hải Nam và Tích Dã trên mạng Việt học về vấn đề quê hương Ngô Quyền, những chỉ dẫn của các ông đã giúp chúng tôi rất trong quá trình tư duy là khảo xét tài liệu. Nhân đây xin chân trọng cám ơn. Toàn bộ các sách trình bày ở dưới chúng tôi sử dụng bản in Văn Uyên các Tứ khố toàn thư, sđd.
[36] Trường An.
[37] Lạc Dương.
[38] Niên hiệu của Đường Cao Tông.
[39] Tân Đường thư và Cựu đường thư, Thái Bình hoàn vũ ký đều ghi là lạc 落, Lê Hải Nam dịch là “bộ lạc”. Theo ngữ âm Nam Choang (tiếng Choang chia làm hai loại là Bắc Choang và Nam Choang, Nam Choang gần với tiếng Nùng, Tày, Mường của Việt Nam, tiếng Thái hơn là Bắc Choang) thì chữ “lạc” này tương thông với chữ lạc viết là 雒 hoặc 洛, đều là cách dùng âm chữ Hán để ghi cổ âm Nam Choang, nếu đọc theo phiên âm quốc tế hiện giờ đọc là [luk] chỉ một tập hợp người sinh sống trong một thung lũng nơi có dòng nước chảy qua, quy mô tương đương với một thôn hoặc chưa đến một thôn bây giờ, khoảng năm bảy hộ mà thôi. Nếu hiểu như vậy thì có nghĩa 7000 lạc ở đây là 7000 nhóm dân cư thuộc về các bộ lạc như Côn Minh, Bắc Lâu. Theo chúng tôi con số này đáng tin hơn là có 7000 bộ lạc tại thời điểm bấy giờ vì trong hoàn cảnh một khu vực biên viễn xa xôi nơi thổ dân sinh sống, không lẽ trong một sớm một chiều mà Hán nhân có thể thu phục tới 7000 bộ lạc, không kể đến việc con số 7000 bộ lạc (dù bộ lạc theo quy mô nhỏ thời sơ sử đi nữa) là rất khó tin tại thời điểm dân số dân tộc thiểu số miền núi bấy giờ. Riêng về chữ Sinh Lão生獠, theo nghiên cứu của chúng tôi đây không phải là tên danh xưng của bộ lạc, theo ngữ âm Nam Choang và tập quán dân tộc này cho đến ngày nay thì chữ “lão獠” trong “sinh lão”生獠 là cách ghi âm bằng Hán ngữ âm [rau] có nghĩa là người, Sinh Lão không phải tên bộ lạc mà là những người thổ chưa gia phập hộ tịch. Như vậy câu trên có lẽ phải được dịch là “Trí Châu Thứ sử Tạ Pháp Thành chiêu dụ bảy nghìn lạc[39] dân thổ (tức dân miền núi) Côn Minh, Bắc Lâu”.
Phần luận giải liên quan đến ngữ âm Nam Choang chúng tôi căn cứ trên những thành tựu nghiên cứu của học giả Trung Quốc tại Khu tự trị dân tộc Choang, đặc biệt là qua nhiều trao đổi với Th.S Hứa Hiểu Minh, chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu dân tộc Choang, Viện Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Tây và Giáo sư Phan Kỳ Húc, nhà Choang học, Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây. Tiếc là đến nay, chưa có bộ từ điển Choang - Hán nào được thực hiện dựa trên tiếng Nam Choang nên chúng tôi không có căn cứ văn hiến để khảo xét mà chỉ kết hợp tri thức từ các học giả và kết quả nghiên cứu điền dã tại tỉnh Quảng Tây để đưa ra giả thuyết. Rất mong được các học giả ngôn ngữ học chỉ chính.
[40] Câu này ông Tích Dã và nhiều học giả trước đó thống nhất dịch là : “….chiêu dụ hơn bảy nghìn bộ lạc Sinh Liêu, Côn Minh, Bắc/Tỉ Lâu”. Xin xem thêm các cứ liệu trình bày ở dưới.
[41] Niên hiệu của Đường Huyền Tông
[42] Niên hiệu của Đường Huyền Tông
[43] Tức Thành Trường An và Lạc Dương.
[44] Tân Đường thư và Cựu đường thư đều ghi là Bắc Lâu. Hai chữ này tự dạng dạng dễ lẫn với nhau.
[45] Tân Đường thư chép là “tử cốc”.
[46] Năm 701 (Niên hiệu của Võ Tắc Thiên - Đường Võ Hậu).
[47] Năm 757 (Niên hiệu của Đường Túc Tông).
[48] Năm 758 (Niên hiệu của Đường Túc Tông).
[49] Tử cốc: có hai cách dịch là gạo đỏ, hoặc nhựa cánh kiến (theo Nguyễn Văn Siêu). Hiện tại chúng tôi chưa tìm được thêm cứ liệu khẳng định cách dịch nào là đúng nên tạm dùng nguyên tên phiên âm chữ Hán.
[50] Phía nam Nghĩa An (tức Nghệ An ngày nay).
[51] Hậu thân của nước Lâm Ấp ngày trước.
[52] Thuộc khu vực đảo Hải Nam.
[53] Nguyên bản viết lầm thành Đường Đỗ quận 唐杜郡.
[54] Người man cũng như người thổ đều chỉ dân miền núi, chưa nhập hộ tịch.
[55] Trường Châu nằm gần Ái Châu, có thổ tục giống Ái Châu nhưng ở gần phủ thành An Nam Đô hộ phủ hơn, dân cư chủ yếu là người man. Vào thời Đường thì đất đai Trường Châu và Đường Lâm nhập vào Ái Châu. Chính vì vậy nên Đại Việt sử kí toàn thư chép Lê Hoàn là người Ái Châu, còn Đại Việt sử lược lại chép Lê Hoàn là người Trường Châu. Chúng tôi đồng ý với lập luận của ông Lê Hải Nam (trong phần trao đổi về chủ để Quê hương Ngô Quyền thực sự ở đâu? Với ông Tích Dã trên mạng Việt học như đã nêu trên) thì qua Độc sử phương dư kỉ yếu, tài liệu đã dẫn có thể cho ta biết vị trí Phúc Lộc sau khi bị phế là huyện Nga Lạc (thời Minh, Thanh), là nơi "quan tuần kiểm Nga Lạc là Lê Lợi làm phản". Vậy huyện Nga Lạc này nằm ngay trên vị trí của cả Phúc Lộc và Trường Châu, quê của Lê Lợi tức bao gồm huyện Ngọc Lạc và Thọ Xuân hiện nay, vào thời Đường thì Nga Lạc phần bắc thuộc Trường Châu, phần nam thuộc Phúc Lộc (chú theo Lê Hải Nam).
Đặng Xuân Bảng thì xác định Trường Châu chính là phủ Yên Khánh và Nho Quan tỉnh Ninh Bình vào cuối thế kỷ XIX, Đặng Xuân Bảng, sđd, tr. 46. Tuy nhiên, thông tin này cần phải khảo lại một cách cụ thể.
[56] Đây có lẽ đều là tên do người Hán đặt để gọi các dân tộc bản địa này. Cụ thể là chỉ những dân tộc nào trong tương ứng với cách gọi hiện nay, thì cần phải tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
[57] Bản thân Đỗ Anh Hàn (có bản chép là Luân), thủ hạ của Phùng Hưng cũng là một dạng tù trưởng như vậy. Xin xem Tân Đường thư, quyển 170.
[58] Chỉ chung cho những tộc người từ phương Bắc (tức Trung Quốc) di cư xuống đây, không nhất thiết chỉ có dân tộc Hán.
[59] Có bản Tân Đường thư ghi các lạc ở đây là hộ, vùng này chỉ có 317 hộ, khoảng 1500 khẩu. Điều này cổ vũ thêm cho lập luận về chữ “lạc” của chúng tôi ở trên.
[60] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 6a.
[61] So sánh với sử liệu Trung Hoa như Cựu Đường thư, Tân Đường thư mà chúng tôi dẫn ở trên, thì thông tin này khá trùng khít. Các sách ấy đều ghi châu Phúc Lộc (có khi được đổi thành châu Đường Lâm) bao gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc.
[62] Học giả Đào Duy Anh cho rằng Đường Lâm thuộc Nghệ An ngày nay. Lập luận chủ yếu của ông như sau: “Theo Giã Đam ký (sic) thì từ Hoan Châu đi về phía Đông, hai ngày đến huyện Nhu Viễn châu Đường Lâm. Địa thế huyện Nhu Viễn và châu Đường Lâm như thế là ở miền Hoành Sơn. Châu Phúc Lộc phải ở về miền thượng du, phía Tây Hà Tĩnh. Thái Bình hoàn vũ ký nói từ Hoan Châu đi về phía đông theo dọc biển đến châu Phúc Lộc là 102 dặm. Có thể là châu Phúc Lộc gồm cả miền Nam Hà Tĩnh và miền Quy Hợp Ngọc Ma ở phía tây Hoành Sơn.” Xem Đào Duy Anh, sđd, tr. 102. “Giã Đam Ký” mà Đào Duy Anh trích có lẽ là sách Trinh Nguyên thập đạo lục 貞元十道錄củaGiả Đam 賈耽và La Chấn Ngọc 羅振玉, sách in năm Dân Quốc thứ 2 (1913).
Hơn nữa, ngay trong cũng trong Đại Việt sử kí toàn thư có kể chuyện Ngô Nhật Khánh sau chạy sang Chiêm Thành, tới cửa Nam Giới (Hà Tĩnh ) đã đuổi vợ về (vợ Khánh là con gái Đinh Tiên Hoàng), điều này chứng minh Đường Lâm phải không xa Hà Tĩnh (và Chiêm Thành). Nếu Đường Lâm ở Sơn Tây thì tính theo địa lý, không lẽ lại chạy xa và tới một nơi hoàn toàn xa lại như thế. Cũng theo Tân Đường thư thì châu Đường Lâm phía tây nam giáp hai nước là Đường Minh và Chiêm Thành. Như vậy, ở đây xuất hiện hai châu Đường Lâm. Một châu ở tây nam Ái Châu, thổ tục giống Ái Châu, có thời gian xuất nhập với Ái Châu và một châu ở phía nam Hoan Châu, giáp với Đường Minh và Chiêm Thành. Trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, khó có thể xuất hiện cùng lúc hai địa danh giống nhau với quy mô tương đương nhau như vậy. Rõ ràng, một trong hai sử liệu là có vấn đề. Vấn đề sẽ được giải quyết khi xác định vị trí của Đường Lâm và Phúc Lộc (chua theo Lê Hải Nam).
Ở đây, vì không gian của một bài viết là khá hạn hẹp, chúng tôi xin không trích lại những tài liệu chỉ liệt kê châu Phúc Lộc như một trong số các châu của vùng Lĩnh Nam xưa như sách: Nguyên Phong cửu vực chí, quyển 10, Quảng Nam lộ; Văn hiến thông khảo, quyển 323 chỉ chép Phúc Lộc châu tam huyện (châu Phúc Lộc có 3 huyện); Khâm định tục Văn hiến thông khảo, quyển 333; Thái Bình ngự lãm; Mục lục nhị, Thái Bình ngự lãm, quyển 172, An Nam đô hộ phủ v.v...Tạm nêu ra ở đây để các bậc thức giả tìm đọc được dễ dàng.
[63] Ngoài ra, cũng phải tham khảo ý kiến của Đào Duy Anh, từ đó mở ra một hướng khác là đi tìm dấu vết Đường Lâm ở nơi có dòng dõi nhà Ngô ở Trảo Nha ( nay là thị trấn Nghèn, Can Lộc , Hà Tĩnh nay), nằm ở phía nam Hoan Châu, giáp với Đường Minh và Chiêm Thành (nên mới có ý kiến cho Đường Lâm ở vị trí Hà Tĩnh ngày nay). Xin tham khảo thêm bài viết nói về Ngô Quyền sinh ra và quê quán ở Can Lộc, Hà Tĩnh đăng trên báo Văn nghệ, Số 33 ra ngày 16-8 năm 1997. Tư liệu cổ: Ngô tướng công đường kí 吳 相 公 堂 記do Nguyễn Thuần Phu và Vũ Quang Đại soạn, niên đại Khánh Đức 3 (1651) ở nhà thờ họ Ngô, Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh.
No comments:
Post a Comment