The X-File of History: Đây là một tài liệu hiếm rất thú vị do một ký giả người Mỹ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đăng trên một trong những tờ báo quan trọng, uy tín nhất lịch sử nước Mỹ — tờ New York Times. Và sở dĩ nó đặc biệt là bởi lẽ bài báo được đăng ngay sau khi Bác qua đời (ngày 04 tháng 9 năm 1969), trong thời điểm cuộc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt nhất. Bài viết có tựa đề: HỒ CHÍ MINH: NGƯỜI ĐÃ THÀNH CÔNG TRONG VIỆC HÒA NHẬP CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN
— Kỳ 1 —
Trong các nhà lãnh đạo của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh gây được sự chú ý hơn cả về tính nhẫn nại và kiên trì. Chính ông là người đã dành trọn cuộc đời để theo đuổi mục tiêu giành độc lập cho Việt Nam và đã thành công trong việc hòa nhập chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc.
Từ thuở thiếu thời, ông Hồ đã luôn đi tìm sự đồng thuận cho con đường tự do của Việt Nam thoát khỏi chế độ thuộc địa của Pháp. Ông kiên trì qua nhiều năm dù cơ hội đạt được mục tiêu ấy có vẻ như thấp đến mức vô lý. Cuối cùng, với thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ vào năm 1954, Hồ Chí Minh đã thành công trong việc theo đuổi lý tưởng của mình. Không những vậy, Điện Biên Phủ còn đánh dấu một kì tích của chiến thuật du kích, sau 9 năm kể khi ông Hồ được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau sự phân chia tạm thời tại vĩ tuyến 17 bởi Hiệp định Geneva năm 1954 cũng như sự cứng rắn hơn bao giờ hết khi Hoa Kỳ dành sự ủng hộ cho Ngô Đình Diệm ở miền Nam, ông Hồ đã lãnh đạo các đồng chí của mình ở miền Bắc chống lại những cuộc tấn công của quân đội Mỹ. Trong cuộc chiến này, thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh lân cận đã liên tục bị máy bay Mỹ ném bom.
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng chính là nguồn cảm hứng cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc, hay còn gọi là Việt Cộng, trong các hoạt động ở miền Nam. Đây là cuộc xung đột lâu dài, đẫm máu và tốn kém chống lại chế độ Sài Gòn và các đồng minh của Mỹ.
Tại cuộc chiến mà Hoa Kỳ ngày càng trở nên sa lầy, đặc biệt là sau năm 1964, ông Hồ đã khéo léo duy trì một sự cân bằng tinh tế trong mối quan hệ của mình với Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Những nước cộng sản với cùng hệ tư tưởng này đã sẵn sàng trở thành những hậu phương cung cấp thực phẩm và hàng hóa chiến lược cho ông Hồ. Đó là thước đo về khả năng ngoại giao tài tình của ông Cụ khi tạo được các điều khoản hữu hảo với tất cả các bên.
NHỎ NGƯỜI VÀ MẢNH KHẢNH
Không chỉ đối với 19 triệu người ở phía Bắc vĩ tuyến 17, mà còn với hàng triệu người khác thì hình dáng Hồ Chí Minh hiện lên với vẻ ngoài nhỏ nhắn, mảnh khảnh, làn da ngăm đen cùng với khuôn mặt khắc khổ, chòm râu phất phơ dưới cằm, gò má trũng sâu và một đôi mắt ngời sáng. Trông ông giống như một tộc trưởng, một George Washington của quốc gia mình. Mặc dù tên của ông không gắn liền với bất cứ quảng trường công cộng, các tòa nhà, nhà máy, sân bay hay đài kỷ niệm nào, nhưng sức hút của ông Cụ cũng như tình cảm mà người dân dành cho ông là điều không phải nghi ngờ.
Ông được mọi người gọi là "Bác Hồ", một cái tên được sử dụng trong báo chí Bắc Việt thời đấy. Trong thời gian cuộc chiến chưa leo thang như thời gian sau này khiến ông bị giới hạn bởi các vấn đề về an toàn và nhiệm vụ chỉ huy, ông Cụ thường xuyên đến thăm các làng mạc và thị trấn. Theo một cách giản dị, ông đặc biệt thích ghé thăm trường học và trò chuyện với lũ trẻ. Những người phương Tây biết ông đều bị thuyết phục rằng, dù cho bất kể những mưu kế, chiến lược của Hồ Chí Minh trong các vấn đề chính trị có lớn đến đâu, thì ông luôn là người gần gũi giản dị khi bày tỏ cảm xúc của mình đối với những người dân bình thường.
Quả thực, sự nổi tiếng cá nhân của ông Hồ là như vậy và nó thường được thừa nhận, thậm chí bởi nhiều kẻ thù chính trị của mình, rằng Việt Nam sẽ được thống nhất dưới sự lãnh đạo của ông nếu có cuộc bầu cử toàn quốc như cam kết tại Geneva. Vì vậy, các vùng lãnh thổ của miền Nam Việt Nam đã được Mặt trận Giải phóng Dân tộc kiểm soát hiệu quả bất chấp sự hiện diện của hàng trăm ngàn lính Mỹ.
Thông minh, tháo vát và tận tụy, dù đôi khi là vô tình, ông Hồ đã tạo ấn tượng tốt đối với nhiều người có cơ hội tiếp xúc với mình. Một trong số đó là Harry Ashmore thuộc Trung tâm Nghiên cứu về các thể chế Dân chủ và là cựu biên tập viên của báo Arkansas Gazette.
Harry Ashmore và William C. Baggs — biên tập viên của tờ Miami News — là một trong số những người Mỹ cuối cùng đã có dịp tiếp xúc với ông Hồ khi họ đến thăm Hà Nội vào đầu năm 1967.
"Hồ Chí Minh là một người đàn ông lịch sự, nhã nhặn, tinh tế một cách nhẹ nhàng và không có tính cách cay độc." — Ashmore nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Tại buổi gặp mặt, ông Hồ đã mặc bộ đồ trắng cao cổ đặc trưng của mình, được gọi là cu-nao (đây là từ giữ nguyên theo cách diễn đạt của tác giả. Cá nhân chúng tôi nghĩ nó có nghĩa là "áo gụ"), và đôi dép cao su hở mũi. Ông hút nhiều, loại thuốc lá Salems do Mỹ sản xuất.
THÀNH THẠO TIẾNG ANH
Cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ của họ bắt đầu bằng tiếng Việt với một thông dịch viên nhưng nhanh chóng chuyển sang tiếng Anh. Ashmore đã rất ngạc nhiên bởi sự thông thạo tiếng Anh của ông Hồ, và càng ngạc nhiên hơn nữa khi biết đó chỉ là một trong nhiều ngôn ngữ (Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga...) mà ông có thể sử dụng thành thục.
Trong một khoảnh khắc, Hồ Chí Minh đã gợi cho Ashmore và Baggs nhớ lại rằng ông từng ở Hoa Kỳ. "Tôi nghĩ rằng tôi hiểu người Mỹ" — ông nói. "Và tôi không hiểu làm thế nào họ có thể tham gia trong cuộc chiến này. Liệu Nữ thần Tự do có đứng trên đầu nàng ấy không?"
Đây là một câu hỏi tu từ mà ông Hồ cũng đặt ra cho những người Mỹ khác trong nỗ lực chỉ ra những gì trong tâm trí họ là một sự mâu thuẫn: một dân tộc thuộc địa đã giành được độc lập cho mình bằng đấu tranh cách mạng lại đi đàn áp một dân tộc thuộc địa khác để ngăn chặn họ mưu cầu độc lập.
Kiến thức của ông Hồ về lịch sử nước Mỹ rất sắc sảo, và ông đã tận dụng nó vào mùa Hè năm 1945 khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông nhớ lại nội dung Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, nhưng không phải theo kiểu chính xác từng từ. Trong một nhiệm vụ quân sự cùng với người Mỹ (ở đây, có lẽ ý tác giả là thời điểm Việt Minh cộng tác với nhóm OSS của tình báo Hoa Kỳ thời điểm trước 1945), Hồ Chí Minh đã cố gắng hỏi xin một bản sao của bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ. Và khi không ai có thể cung cấp nó, ông đã nhờ các quân nhân diễn giải nó theo hồi ức của họ.
Vì vậy, bản tuyên ngôn của ông bắt đầu bằng: "Mọi người đều được sinh ra bình đẳng. Họ được ban tặng bởi Đấng Tạo Hóa những quyền không thể thay đổi được; trong đó có quyền Sống, Tự do và mưu cầu Hạnh phúc." Sau khi giải thích rằng điều này có nghĩa là "tất cả các dân tộc trên trái đất đều bình đẳng từ khi sinh ra, tất cả mọi người đều có quyền sống, được tự do và hạnh phúc", ông Hồ tiếp tục diễn đạt bằng cách của mình, thể hiện những nguyện của người dân Việt Nam và tuyên bố độc lập.
GẦN GŨI VÀ THÂN THIỆN
Ngoài người Mỹ, ông Hồ đã thổi bùng lên "ngọn lửa" với nhiều người khác đã tiếp xúc với ông qua nhiều năm.
"Đặc biệt đáng yêu và thân thiện" là mô tả của lãnh đạo Ấn Độ Jawaharlal Nehru.
Paul Mus, nhà nghiên cứu phương Đông người Pháp, đã tiến hành nhiều cuộc nói chuyện với ông Hồ vào năm 1946 và 1947, đã tìm thấy ông là "một nhà cách mạng vô biên và không thể tha hoá, một vị thánh."
Một chỉ huy hải quân Pháp đã quan sát một hành khách Việt Nam mảnh khảnh trên tàu trong 3 tuần, đã kết luận rằng ông Hồ là "một người đàn ông thông minh và quyến rũ, cũng là một người duy tâm, hoàn toàn cống hiến tất cả cho lý tưởng mà ông ta đã lựa chọn" và một người có "đức tin ngây thơ trong các khẩu hiệu chính trị xã hội đang được in nhan nhản trên mọi ấn phẩm của thời đại chúng ta."
Hồ Chí Minh là một người Cộng sản rất thực dụng, một người ưa làm hơn là lý luận. Các phát biểu và bài viết của ông đã được tổng hợp trong bốn cuốn "Những tác phẩm được chọn của Hồ Chí Minh" được phát hành tại Hà Nội từ năm 1960 đến năm 1962.
Bernard B. Fall — một tác giả người Mỹ sống ở Việt Nam — đã xuất bản tuyển tập này dưới tiêu đề "Con đường cách mạng Hồ Chí Minh". Chúng là những tài liệu được diễn đạt hết sức đơn giản và rõ ràng, hầu hết đều có tính chính trị và gần như không thể bổ sung vào nội dung của học thuyết Mác-xít.
Giống như Mao Trạch Đông, một nhà lãnh đạo cộng sản khác, ông Hồ cũng sáng tác thơ và một số được xem là khá ảnh hưởng. Một trong những bài thơ của ông, được viết khi ông là tù nhân của những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc vào năm 1942-43, được gọi là "Thu Dạ":
Trước cửa lính gác bồng súng đứng,
Trên trời đám mây tàn bay bên vầng trǎng;
Lũ rệp bò ngổn ngang như xe tǎng,
Đàn muỗi lúc tụ lúc tán như máy bay;
Lòng nhớ cố quốc cách xa nghìn trùng,
Giấc mộng vấn vương mối sầu mới như vạn mối tơ;
Vô tội mà ở tù đã một nǎm nay,
Già này hoà nước mắt viết thơ tù.
Trước cửa lính canh bồng súng đứng,
Trên trời trǎng lướt giữa làn mây;
Rệp bò ngang dọc như xe cóc,
Muỗi lượn hung hǎng tựa máy bay;
Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ,
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay;
ở tù nǎm trọn thân vô tội,
Hoà lệ thành thơ tả nỗi này.
(Người dịch đã lấy bản gốc thay vì bản dịch tiếng Anh của tác giả bài báo)
Sự nổi lên của ông Hồ không phải là một câu chuyện được viết đầy đủ. Ngược lại, chi tiết của nó tại một số điểm quan trọng là không thể xác thực. Điều này dẫn đến việc tình báo Pháp đã đưa ra một giả thuyết có đến hai Hồ Chí Minh sau khi so sánh hình ảnh trước và sau của ông Hồ.
Một lý do đáng tin cậy giải thích cho nghi ngờ đó là bởi ông Hồ sử dụng khoảng một chục bí danh khi hoạt động, mà trong đó Hồ Chí Minh chỉ là một. Giải thích khác là sự bí ẩn của ông Hồ khi tiết lộ thông tin tiểu sử của mình. "Anh biết đấy, tôi là một ông già, và một ông già thì thích giữ bí mật của mình," — Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với ông Fall. Bằng ánh mắt thích thú, ông tiếp tục, "Chờ cho đến khi tôi chết. Sau đó, anh có thể viết về tôi như tất cả những gì anh muốn". Tuy nhiên, Fall đã thuật lại rằng, trước khi rời Hà Nội, ôngđã nhận được một bản tóm lược ngắn gọn không dấu diếm về cuộc đời của ông Hồ, "rõ ràng là được gửi theo lời dặn của "ông già" ấy".
Mặc dù có sự minh bạch (tuy giới hạn) của ông Hồ, nhưng Fall thực sự đã có một mối liên hệ mật thiết với nhà lãnh đạo Việt Nam. Fall nhớ lại ông đã cho nhà lãnh đạo Việt Nam xem một bản vẽ tay chân dung Hồ Chí Minh, được vẽ bởi vợ mình. "Oh, tuyệt quá. Trông rất giống tôi", ông Cụ vui vẻ. Sau đó, ông lấy một bó hoa đưa cho và bảo: "Hãy tặng bó hoa này cho cô ấy, nói với cô ấy bức vẽ rất đẹp và hôn lên hai má cô giúp tôi."
Mặc dù có một số điều không chắc chắn về ngày sinh của ông, nhưng bằng chứng đáng tin cậy nhất cho thấy ông sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại Kim Liên, một ngôi làng ở tỉnh Nghệ An thuộc miền Trung Việt Nam. Nhiều nguồn cho biết tên thật của ông như Nguyễn Ái Quốc (tức người yêu nước họ Nguyễn). Tuy nhiên, Wilfred Burchett, một phóng viên sinh ra ở Úc, người hiểu rõ ông Hồ, tin rằng (và hiện giờ nó được chấp nhận) rằng tên khai sinh của ông là Nguyễn Tất Thành.
Ông được cho là con út trong số ba người con trong gia đình. Cha của ông chỉ khá giả hơn một chút so với nông dân trồng lúa trong vùng, nhưng rõ ràng ông là một người quyết tâm, vì ông đã đậu các kỳ thi và có một công việc trong chính quyền phong kiến ngay khi Pháp cai trị.
Là một người theo chủ nghĩa dân tộc, cha của ông Hồ đã từ chối học tiếng Pháp, ngôn ngữ của những kẻ chinh phục đất nước mình, và gia nhập các hội bí mật chống Pháp. Thuở thiếu thời, chú bé Hồ đã có kinh nghiệm ngầm đầu tiên trong vai trò người đưa tin của cha mình trong mạng lưới chống Pháp. Ngay sau đó, cha ông mất việc và trở thành một thầy lang, chuyên chữa bệnh theo cách truyền thống của phương Đông.
Mẹ của ông Hồ được cho là có nguồn gốc nông dân, nhưng ông không bao giờ nói về bà.
… [ Còn tiếp ] …
© Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón đoàn nhân sĩ, trí thức người Mỹ (năm 1967)
© Bài của ký giả ALDEN WHITMAN, đăng trên New York Times (năm 1969)
© Bản dịch của Hube See Less
No comments:
Post a Comment