(tiếp theo)
Stephan từng biết đến Sài Gòn như một Hòn ngọc Viễn Đông và anh bị thành phố này quyến rũ ngay khi đặt chân đến, dù trong buổi hoàng hôn của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa. Chiều ngày 27.4, thành phố vẫn yên tĩnh, bất chấp các tin chiến sự, tin thay đổi nội các, các lệnh giới nghiêm, được Đài phát thanh liên tục phát đi. Cảnh sát vẫn điều hành các ngã tư, mọi mệnh lệnh từ trên xuống vẫn thi hành nghiêm túc.
Khách sạn Caravelle đề nghị người nước ngoài phải nộp ảnh để làm giấy tạm trú theo lệnh thiết quân luật. Tại một tiệm chụp ảnh bên kia đường, Stephan bị thôi miên bởi ánh mắt của một cô gái đang nhìn mình. Xuân, cho đến lúc này vẫn còn là xướng ngôn viên đài truyền hình Sài Gòn của VNCH, đang chờ chụp ảnh để làm visa xuất ngoại. Bố mẹ Xuân, chủ một hãng bào chế, đã thoát khỏi thành phố bằng trực thăng và đang chờ cô ngoài tàu sân bay. Vì vướng mấy chương trình lên sóng nên giờ cô mới lo đến việc xuất ngoại.
Xuân có cảm tình ngay với chàng trai Đức đang thì thầm với chủ tiệm bằng giọng Pháp rất êm. Cô nghĩ đến chiếc xe VW của Đức, vừa dễ thương vừa rất đáng tin cậy mà cô dùng lâu nay. Tình yêu sét đánh! Chiếc xe VW màu trắng bỗng trở thành phương tiện vận chuyển của Stephan trong hơn hai tháng sau đó, với Xuân trong vai trò tài xế, thông ngôn và trợ lý đạo diễn. Xuân tìm thấy ở Stephan chàng hiệp sỹ của đời mình và cô sao nhãng những cố gắng xuất cảnh, yên tâm phụ giúp chàng trong mọi hoạt động. Lúc đầu, Stephan không biết Xuân là người của đài Truyền Hình Sài Gòn, còn Xuân chỉ biết anh là phóng viên Tây Đức chứ đâu ngờ là anh làm việc cho những người cộng sản đang bao vây thành phố.
Trong phim, Stephan tự nhận mình là người cộng sản, nhưng trong thực tế các thành viên IK không chấp nhận đảng Cộng sản Đức (DKP). Mặc dù cùng chia sẻ với nhau các quan điểm thiên tả: chống chiến tranh Việt Nam, chống bóc lột các nước thế giới thứ ba, chống lại trật tự kinh tế TBCN, nhưng IK rất ghét mối liên hệ chặt chẽ giữa DKP với nhà nước CHDC Đức. Đối với trí thức thiên tả, nhà nước XHCN ở miền Đông là biểu tượng của nền chuyên chế, độc tài. Stephan lại tìm thấy trong những chàng trai, cô gái Việt Cộng đội mũ tai bèo, quấn khăn rằn cầm AK47 hình ảnh của một cuộc chiến tranh giải phóng, vì tự do, chống lại chuyên chế.
Ngày 28.4, số ít ỏi phóng viên nước ngoài còn ở khách sạn Caravelle quyết định chuyển sang khách sạn Continental, nơi có đông người phương tây hơn, để tạo thành một căn cứ nhỏ bảo vệ lẫn nhau. Buổi tối, Xuân và Stephan không dám ngủ trong phòng khách, mà thường chui vào phòng tắm không có cửa sổ để tránh đạn lạc. Khách sạn Continental dùng lưới thép bọc toàn bộ các cửa sổ và chặn cửa ra vào bằng hàng rào thép để tránh bị tấn công. Tại đây Stephan gặp các phóng viên Đức đang ở lại Sài Gòn:
1. Börries Gallasch, phóng viên tạp chí Tấm gương (Der Spiegel). Sáng 30-4-1975, mặc dù “sợ đến run cả hai đầu gối”, Borries Gallasch vẫn tìm cách “lọt” vào bên trong dinh Độc Lập, và sau đó trở thành phóng viên nước ngoài duy nhất chứng kiến thời khắc lịch sử ở Đài phát thanh Sài Gòn.
2. Dietrich Mummende, phóng viên ảnh của nhật báo Thế giới (Die Welt), trong phim còn được gọi là Dieter. Sáng 30.4 Dieter cùng đi với Stephan ra xa lộ Biên hòa để quay phim các phòng tuyến chống cự của quân lực VNCH. Nhưng trên đường ra, cả hai chỉ chứng kiến các đoàn xe chở bộ đội Bắc Việt tiến vào thành phố. Khi quay lại Sài Gòn, Stephan chỉ kịp quay cảnh chiếm tòa nhà Hạ Nghị viện.
3. Klaus Liedke. Tạp chí Ngôi sao (Stern), sau này Klaus trở thành Tổng biên tập tạp chí National Geographic tiếng Đức.
4. Một nhân chứng khác là Tiziano Terzani (gốc Ý), phóng viên thường trú báo Tấm Gương (Spiegel) thì có vợ con, thuê nhà ở ngay trong thành phố nên không ở khách sạn. Trong quá trình làm việc sau này, Stephan và Tiziano cũng nhiều lần trao đổi với nhau. Tiziano Terzani là người đã quay những thước phim về chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập.
Tất cả họ, không ai biết Stephan đang làm việc cho „Việt Cộng“, cả „Việt Cộng“ cũng vậy. Trong các cuộc chiến tranh, phóng viên ngoại quốc luôn có ý thức bảo vệ nhau, vì cùng chia sẻ một số phận. Khi hoạn nạn, họ hay giúp đỡ nhau, dù quốc tịch nào, khuynh hướng chính trị nào. Trong mấy ngày đó, chiều nào họ cũng gặp nhau ở quán bar khách sạn Continental, đẫm mồ hôi và bụi đường. Ai cũng mừng là còn sống. Chiều nào họ cũng rủ nhau uống những „cốc bia cuối cùng“, vì không biết ngày mai có còn cơ hội nữa không. Tuy nhiên khi trở về cuộc sống hòa bình, họ cũng cạnh tranh và ganh tỵ với nhau.
Stephan kể là một phóng viên Đức phải về nước trong tuần thứ hai của tháng 5. Vì rất thân anh ta nên Stephan nhờ mang toàn bộ số phim ảnh về cho tổ chức IK. Tất nhiên đó là những tư liệu rất quý, đắt hơn vàng, nhưng giá của chúng sẽ giảm từng ngày một. Phóng viên nọ về Đức, chờ bán hết các tư liệu của mình mới điện cho IK ở Köln đến nhận.
Không biết có phải vì yêu cuộc chiến tranh giải phóng của „Việt Cộng“, vì yêu một người con gái của phía bên kia và luôn có nàng bên mình như một tấm bùa hộ mệnh mà Stephan luôn cảm thấy vững tin trong tác nghiệp, không hề cảm thấy sợ hãi khi tiếp xúc với binh lính từ cả hai bên.
Người yêu, trợ lý đạo diễn, phiên dịch, lái xe của Stephan
Người phương Tây còn kẹt lại tại Sài Gòn lúc đó biết dân chúng rất ghét người Mỹ, coi là bọn phản bội, đẩy họ vào tình thế này. Ai cũng lo một vụ tàn sát người Mỹ có thể xảy ra. Cả Xuân và Stephan đều chuẩn bi câu cửa miệng: „Người Đức! Không phải Mỹ!“ để phòng khi bất trắc. Nhưng trong suốt hơn hai tháng, chưa bao giờ họ phải thốt ra câu này.
Quảng trường trước mặt khách sạn Continental luôn xuất hiện các toán binh sỹ VNCH mệt mỏi rã rời, nét mặt vô vọng, nhưng trang bị đến tận răng, tiểu liên cầm tay, lựu đạn quanh hông. Đám phóng viên ngoại quốc nấp ở bên trong hàng rào thép nhìn ra sợ hãi, chỉ sợ đám lính vô kỷ luật, không còn gì để mất kia dùng súng chống tăng phá hàng rào thép để vào khách sạn trả thù. Nhưng chẳng lần nào điều đó xảy ra. Binh lính lại kéo đi. Stephan kể là ngày 29.4, khi trực thăng còn quần đảo trên bầu trời, có một thanh niên Mỹ không biết say rượu hay hoảng loạn, cứ cởi áo, đứng múa may quay cuồng trước nhà thờ Đức Bà. Stephan sợ cậu ta sẽ bị người Việt xúm lại đánh hội đồng (Lynch), nhưng không.
Từ tối 29.4 và sáng 30.4, trước khi xe tăng của bộ đội chủ lực tràn vào Sài Gòn, Stephan đã nhìn thấy Biệt động nội thành của Việt Cộng xuất hiện vài nơi. Trên trời trực thăng vẫn tiếp tục di tản người ra khỏi thành phố, nhưng các „Việt cộng“ này chỉ ngước nhìn lên, không hề nghĩ đến chuyện bắn hạ, dù việc đó dễ như trở bàn tay. Trong những lúc quay phim giao tranh, mỗi khi Stephan xuất hiện, dù là lính Cộng hòa hay Việt Cộng, chẳng ai quan tâm đến anh, ai làm việc nấy. Binh lính Cộng hòa rất oán ghét các tướng lĩnh vô trách nhiệm, bỏ mặc họ cho số phận để leo lên trực thăng tháo chạy. Súng trong tay nhưng họ chỉ nhìn theo máy bay chửi đổng. Không ai còn thiết đổ máu nữa!
Kể đến đây, Stephan trầm ngâm: Từ khi bước chân đến Việt nam, tớ đã cảm thấy một dân tộc khao khát hòa bình. Cuộc chiến tranh tàn bạo nhất thế kỷ 20 kết thúc êm như một điều thần kỳ chính vì ý nguyện của tất cả những người trong cuộc. Cả một dân tộc đã nhận ra rằng đến lúc phải thôi bắn giết! Điều thần kỳ này không phải do đám chính trị làm nên, không hề vì thắng lợi của cách mạng, chẳng phải vì bọn cường quốc đánh cờ trên lưng Việt Nam, chẳng phải vì ai bán đứng ai cả. Hãy nhìn về nước Đức. Chiến tranh được kết thúc bởi sự đầu hàng của một bên, bằng sự căm thù của bên kia, bằng hiệp định của tứ cường đã bi thảm ra sao? Chắc cậu còn nhớ đến nạn hãm hiếp hàng trăm ngàn phụ nữ Đức(1), đến những cuộc hành quyết lính Đức đào ngũ do SS thực hiện sau ngày 8.5 chứ(2)?
Đây quả là một nhận định mới về 30.4 mà tôi chưa được nghe từ người Việt Nam nào.
Köln 11.4.2018
(Còn tiếp)
(1) Năm 1945 binh lính xô viết đã hãm hiếp hàng trăm ngàn phụ nữ Đức ở các vùng họ chiếm đóng. Sự việc này bị bưng bít cho đến sau 1990 mới được công khai trên báo chí Đức và châu Âu http://www.deutschlandfunkkultur.de/grausame...
(2) Hitler tự sát ngày 30.4.1945, ngày 8.5. nước Đức đầu hàng vô điều kiện. Nhưng ở nhiều nơi trên toàn châu Âu, các sỹ quan SS cuồng tín vẫn đi bắt lính Đức đào ngũ về để xử tử ngay tại chỗ. 5 thanh niên Đức đào ngũ bị tử hình cuối cùng vào ngày 10.5.1945 tại Na-Uy.
No comments:
Post a Comment