ĐIỀU GÌ ĐẶC BIỆT Ở TƯỚNG GIÁP?
Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện nhỏ trong đám tang của đại tướng. Khi VTV1 tường thuật trực tiếp đám tang hôm ấy. Họ đã mời hai nhà sử học tới cùng bàn luận. Một trong những câu chuyện được kể lại hôm đó, tôi vẫn nhớ, là câu chuyện này:
“Một hôm, giữa rừng Trường Sơn. Những người lính nghe được một tin đồn là tướng Giáp đã bị bom Mỹ giết. Thế là, cả binh đoàn bật khóc. Những người chỉ huy nghe tin, vội đến để trấn an tinh thần binh sĩ, rằng đó chỉ là tin đồn nhảm. Chuyện sau này được kể lại với tướng Giáp theo cách của một câu chuyện cười. Nhưng tướng Giáp lại không cười. Ông rưng rưng, và hỏi lại “Anh em phản ứng như thế thật à?”
Câu nói chân phương ấy đã toát lên cái tính cách đã làm nên con người của tướng Giáp từ những ngày đầu: rất thương yêu binh sĩ.
Chính tình yêu thương này, sẽ quyết định cho chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Bạn có thể không tin. Nhưng tôi sẽ chứng minh cho các bạn điều này.
Tôi sẽ kể cho các bạn về Điện Biên Phủ, theo cái cách khác với những gì các bạn được nghe trước giờ.
Đầu tiên trả lời hai câu hỏi:
Vì sao lại chọn Điện Biên Phủ?
Cứ điểm Điện Biên Phủ là một lòng chảo, xung quanh có núi bao bọc. Pháp chọn nơi này, hòng bảo vệ Lào (như bảo vệ một phần Đông Dương), thứ hai, có thể từ trên đánh xuống, đi tìm Việt Minh và diệt. Và cuối cùng: nơi này không chỉ có vựa lúa, mà còn là …vựa thuốc phiện (chi tiết này mới được tiết lộ gần đây). Một vị trí không chỉ có ý nghĩa về chiến tranh, mà còn khá đắc địa để buôn lậu và làm giàu.
Vì sao các bạn hay nghe câu Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”?
Câu này là do Pháp rêu rao đấy. Tổng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương là Navarre , muốn xây dựng nơi này thành cứ điểm như thế, nhằm thu hút và dồn tất cả quân chủ lực Việt Minh về một chỗ. Hòng diệt một lần cho gọn. Nôm na là “kéo lưới bắt cả đàn cá”.
Chiến lược của Navarre nghe qua thì không sai. Vấn đề còn lại chỉ là ai thắng ai bại trong trận đánh này?
Về lực lượng, quân Pháp tại thời kỳ cao điểm lên tới khoảng 16.000 người. Còn Việt Minh? 55.000 người. Tức là gấp 3,5 lần. Với lực lượng thế này, đồng thời được thêm sự hỗ trợ của pháo Kachiusa từ Nga và vũ khí của Trung Quốc viện trợ. Thượng tướng Vi Quốc Thanh, trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã quyết định dùng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”. Sử dụng chiến thuật biển người, ào lên mặt trận, tấn công dồn dập, quyết san bằng cứ điểm.
Các bạn xem các bộ phim Trung Quốc như Tam Quốc Diễn Nghĩa chứ? Không thì Anh Hùng Xạ Điêu hay Thần Điêu Hiệp Lữ. Chiến dịch công thành ở những điểm dễ thủ khó công là những chiến dịch cực kỳ … nướng quân. Từng lớp từng lớp ào lên thành chết như rạ. Quân càng đông, lại càng lợi thế. Đặc thù tấn công phá đồn của Trung Quốc có văn hóa tới cả nghìn năm. Người Tàu họ không tiếc mạng binh sĩ. Vi Quốc Thanh khi tư vấn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” cũng xác định tư tưởng như thế. Bởi vì trong chiến dịch này, Việt Minh đóng vai trò phá đồn. Có nghĩa chỉ là sự tiến hóa của chiến dịch ngày xưa.
Vấn đề là? Ai đứng bên kia đồn. Quân Pháp. Mà Pháp có 2 thế kỷ về pháo binh. Khi Napoleon tạo nên cách mạng cho quân đội Pháp, ông đã đưa Pháo binh lên thành một nghệ thuật. Khả năng pháo binh của Pháp rải ngược xuống từng đoàn quân xông lên của Việt Minh là rõ rành rành. Việt Nam chắc chắn sẽ bị thiệt hại … cực kỳ nặng.
Một điểm khác nữa, Navarre và bộ chỉ huy quân sự Pháp, cùng các chính trị gia ở Paris chưa bao giờ mất niềm tin về chiến thắng của Pháp tại ĐBP. Vì sao họ có niềm tin vững chắc như thế?
Hãy đi tìm lại con người Navarre, và ta sẽ biết một sự thật về người đàn ông này. Tinh tế, cứng rắn, sâu sắc khó đoán. Đấy là những gì người ta nói về Navarre. Còn nữa, Navarre là một trùm về tình báo. Ông đã tạo dựng nên một sự nghiệp về tình báo, và rất tin vào chính mình. Tôi tin rằng, chiến lược của Vi Quốc Thanh và các cố vấn Tàu nằm trong tính toán và thu thập tin tức của Navarre.
Nhưng trong tin tức của Navarre, không có cái tên Võ Nguyên Giáp. Đối với ông ta (Navarre), Võ Nguyên Giáp giống như bao nhiêu kẻ tướng quân thuộc địa khác. Chỉ đi theo và đá bồi. Võ Nguyên Giáp không như Vi Quốc Thanh. Võ Nguyên Giáp không muốn đồng bào bị chết sạch trong trận đánh này. Tướng Lê Trọng Tấn từng bảo, nếu không có sự thay đổi của tướng Giáp, chúng tôi đã không có mặt ở chiến tranh chống Mỹ.
//
Vậy chiến lược của tướng Giáp là gì? Chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh”, sang “đánh chắc tiến chắc”. Câu này thực ra chỉ là kiểu chơi chữ nghe cho vui tai thôi chứ nói đùng đùng vậy anh em sao tưởng tượng ra nổi cái hay của tướng Giáp. Chính xác là chiến lược mới của tướng Giáp tựa tựa với cách quy hoạch xây dựng “bóc múi bưởi”. Hãy tưởng tượng Điện Biện Phủ như một quả bưởi. Vi Quốc Thanh dùng cả một nắm đấm để bóc bưởi. Bưởi nát nhưng tay cũng nhoe nhoét, và ăn cũng chẳng được. Còn Võ Nguyên Giáp bóc từ từ, ông bóc từ vỏ, sau đó tách ra từng múi, từng múi, cho đến khi quả bưởi đó chẳng còn gì. Đấy là chiến lược “đánh chắc, tiến chắc”.
Pháo được kéo ra khỏi trận địa, rồi sau đó, bao vây dần dần, mỗi ngày tấn công một ít, khiến cứ điểm thu hẹp lại. Trong đó, chiến thắng quan trọng nhất là cô lập được sân bay Điện Biên Phủ, khiến mọi tiếp tế không quân hầu như bị rã đám. Phần còn lại chỉ còn là thả dù.
Navarre nghỉ hưu năm 1956. Trong năm đó ông cho xuất bản cuốn Agonie de l'Indochine, một tác phẩm phân tích nguyên nhân thất bại của Pháp tại Đông Dương. Qua đó cho thấy vì sao người Pháp tửong niệm tướng Giáp dù mình là kẻ bại. Trong hồi ký Navarre khẳng định: "Nếu tướng Giáp tiến công vào khoảng 25 tháng 1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông ta đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông ta tạm ngưng tiến công."
Hãy vỗ tay cho tướng Giáp. Hãy hiểu rằng người Thanh Nghệ Tĩnh, lính Thanh Nghệ Tĩnh xem tướng Giáp có công tái tạo là vì thế.
Trong buổi gặp gỡ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara năm 1997, tướng Chester Cooper của phía Mỹ đã nói: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục”. Như tôi đã nói ở trên, tôi sẽ chứng minh cho các bạn thấy tinh thần yêu thương binh sĩ dưới quyền của tướng Giáp là con đường dẫn lối cho thiên tài quân sự của tướng Giáp.
Hãy cùng so sánh với các vị tướng khác nhau.
Lê Trọng Tấn, cánh tay trái của tướng Giáp. Trước cách mạng, từng thuộc không quân Pháp và nhập ngũ vào lực lượng lính khố đỏ. Chỉ huy quân đội Anh tại thế chiến II, ngài Montgomery học ở trường Quân sự Hoàng gia tại Sandhurst. “Cáo sa mạc” Rommel học ở trường Thiếu Sinh Quân tại Danzig. Đại tướng Cao Văn Viên của VNCH, tốt nghiệp Thủ khoa với cấp bậc Thiếu úy t tại trường Võ bị Địa phương ở Vũng Tàu. Còn tướng Giáp, trước khi thành tướng ông là ai? Là giáo viên dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội. Lịch sử đã cho ông một tinh thần yêu nước theo chân các bậc tiền nhân. Đại tướng cho rằng, sự gặp nhau giữa quân sự và sử học là phải tôn trọng lịch sử, dù cho là sự thật cay đắng, đau xót, phải xem xét sự vận động biện chứng của nó. Học sinh của ông mô tả rằng: ông có thể vẽ lên bảng đen sơ đồ từng trận đánh của Napoléon, ông sôi nổi kể về Công xã Paris, về cái chết của những nhà Cách mạng như Danton và Robespierre, "ông không chỉ là nhà sử học đơn thuần, ông còn là một trạng sư say mê, luôn bênh vực tính chính nghĩa của lịch sử".
Không ai đào tạo tướng Giáp, ngài là đại tướng của nhân dân, của lịch sử, và của tình yêu dân tộc.
//
Võ Nguyên Giáp trong vô thức, đã đi theo bóng hình của Trần Hưng Đạo. Những tiết dạy lịch sử, đã thấm vào trong lòng tướng Giáp tinh thần của Trần Hưng Đạo. Napoleon có thể là người mà tướng Giáp muốn đi theo nhất. Nhưng, Trần Hưng Đạo mới là người mà tướng Giáp gần giống nhất.
Trần Hưng Đạo khi nhìn Yết Kiêu đứng chờ bên sông đã nói “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi.” Câu nói ấy, cho thấy Trần Hưng Đạo rất coi trọng tính mạng binh sĩ, và yêu thương người dưới quyền. Tướng Giáp khóc cho Lê Trọng Tấn, cho Hoàng Văn Thái cũng mang cái tinh thần chim hồng hộc ấy.
Tình yêu binh sĩ, không muốn nướng họ trong một chiến lược đã khiến ông quyết định rút hết quân đội, pháo binh ra khỏi vị trí, lùi thời điểm tiến đánh, tạo ra bước ngoặt cho thắng lợi Điện Biên Phủ. Chiến dịch mùa xuân 1975, được ông vạch ra cũng xử lý mọi việc rất gọn gàng, chứ không đẫm máu như bao chiến dịch khác. "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Binh bại như núi lở, càng nhanh thì hòa bình càng đến nhanh, và máu xương càng ít dần.
Điểm giống nhất giữa hai người, đấy là trong giai đoạn ông phải làm bên kế hoạch gia đình. Rất nhiều người tức giận. Người ta nói rằng “Chỉ cần anh Văn hô một tiếng, quân đội sẽ làm tất cả vì anh”. Vậy mà cũng như Trần Hưng Đạo bỏ qua lời trăn trối “Con không vì cha lấy được thiên hạ, cha dưới suối vàng không nhắm được mắt”. Người thống chế đó đã im lặng, làm tròn phận sự của một chính trị gia thời bình, tránh cho dân tộc một đoạn mất mát.
"Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước". Tướng Giáp cũng như Trần Hưng Đạo, cũng cố gắng gửi gắm tâm tư trong thời bình. Nhận ra vấn đề về giáo dục, ông đề xuất cải cách từ năm 2004. Năm 2008 ông can ngăn việc mở rộng Hà Nội. Năm 2009 ông viết liên tiếp ba bản kiến nghị can ngăn việc khai thác bô-xit ở Tây Nguyên. Xin lỗi tình yêu. Cả gầm trời này, ai hiểu Tây Nguyên quan trọng bằng tướng Giáp chứ? Chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975 thành công, chính vì tướng Giáp chọn Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đánh đầu tiên đấy.
4/10/2013, Đại tướng mất. Người là biểu tượng anh hùng ca cuối cùng của một thời đại anh hùng của dân tộc. Thời đại ấy máu xương, có thể mất mát, nhưng đó là một thời đại sinh ra một vị tướng thiên tài, mang cốt lõi của tình yêu nhân dân trên một tấm gương lịch sử.
PS:
Tôi viết bài này khi nhà giáo Văn Như Cương ra đi sáng nay (9/10). Khắp facebook, người người nhắc về ông với những lời lẽ đẹp nhất. Cuộc đời của những con người cống hiến cho xã hội, cho nhân dân, cho đất nước, sẽ không bao giờ bị phụ trong ngày nằm xuống.
“Dân không thờ sai ai bao giờ.”
SG 9/ 10/ 2017
4 năm đám tang của Đại Tướng
Tác giả: Dũng Phan
No comments:
Post a Comment