Friday, May 28, 2021

ĐỘC TÀI SÁNG SUỐT

 Một ghi chép hiện thực

Tôi có một người bác là nông dân, ông chưa là gì khác ngoài nông dân. Nhưng ông không phải là một nông dân tầm thường: ông là một nông dân có ảnh hưởng, và ảnh hưởng của ông không hề nhỏ, ít nhất là trong phạm vi ngôi làng ông sống. Theo quan sát của tôi, ảnh hưởng của ông được xây dựng trên bốn phẩm chất: gia trưởng, khả năng lo kinh tế gia đình, khả năng sắp xếp công việc họ tộc, và hành ngôn.

Nếu ai đã từng sống ở nông thôn Việt Nam, người đó ắt hiểu rằng, người ta bắt buộc phải có ba phẩm chất đầu nếu muốn thành công và được nể trọng. Riêng phẩm chất thứ tư – hành ngôn, bác tôi nói, là phẩm chất mà không phải kẻ thô lỗ nào cũng hiểu được. Hành ngôn, theo quan điểm của bác tôi, là nói. Anh biết làm chủ gia đình, biết lo kinh tế, biết công việc họ tộc, tốt, nhưng chưa đủ, anh còn phải biết nói. Chính cái biết nói mới là cái nâng anh lên thành một con người đúng nghĩa. Vậy biết nói là thế nào? Theo bác tôi, biết nói bao gồm hai việc: nói cái đúng, và nói sao để ai nghe cũng phải công nhận là đúng.

Đây là một ví dụ về hành ngôn của bác tôi: Năm nào vào ngày giỗ họ, bác tôi cũng dành một mâm cơm đặc biệt cho các bậc “huynh trưởng” và các bậc “thức giả”. Các bậc huynh trưởng ở đây dĩ nhiên là các cụ già cả, còn các bậc “thức giả”, theo cách nói của bác tôi, là những đứa con cháu học hành đỗ đạt hoặc kinh doanh giàu có. Nam nữ không phân biệt, bác tôi cho bình đẳng tất. Và cũng để thể hiện sự bình đẳng, bác tôi cho phép tất cả nói năng thoải mái, không cần phải e ngại phép tắc gì. Trong những ngày ấy, người ta có bao nhiêu chuyện để nói, mà ai cũng muốn nói cả, không thể kể ra hết được. Nhưng thật lạ, trong họ nhà bác tôi, người ta có nói gì thì rốt cuộc tàn rượu cũng quay ra nói chuyện chính trị. Mà những câu chuyện thường cứ lặp đi lặp lại: ông nào lên, ông nào xuống, dây nọ, cánh kia, bao giờ chú vào Đảng, sắp tới bác có lên được cục phó không, chú đại tá chưa nhỉ, cô vừa ở Sài Gòn ra có tin gì không, chú ở Hà Nội thấy tình hình thế nào, liệu có thay đổi gì không. Thằng X chạy chức mất mấy trăm triệu, thằng Y ăn một lúc mấy miếng đất, thằng Z chẳng hiểu làm gì tự nhiên trong mấy năm có mấy cái biệt thự ở Hà Nội, lại về làng bỏ hẳn ra 1 tỉ làm công đức. Tôi là đảng viên đây, nhưng tôi nói thật, còn cái Đảng này thì còn thối nát! Ôi, sao chú lại nói thế, mất quan điểm chết. Quan điểm cái gì? Tôi không nói sai, thối nát đầy ra đấy, từ trên xuống dưới, đâu cũng ăn, thằng giàu thì càng giàu, thằng nghèo thì càng nghèo, cái gì cũng tiền, học tiền thày cô, bệnh tiền bác sĩ, không tiền thì chết, xã hội chủ nghĩa cái gì? Nhà dột từ nóc dột xuống. Dạ, thế thì phải làm gì ạ? Làm cái gì? Chẳng làm gì cả, kệ xác chúng nó, tôi chán rồi. Chú nói thế không được, ai cũng chán như chú thì xã hội này thế nào, phải làm gì chứ! Làm gì? Tôi nói thật, nước này chỉ có cách đa đảng may ra mới cứu vãn được. Như Hàn Quốc, Đài Loan ấy! Thôi, thôi! – bác tôi cười vang, khoát tay – đủ rồi nhé, cho tôi xin các vị! Các vị nói như thế đều không được cả. Thứ nhất, nói mọi thứ đều thối nát là không đúng. Thối nát là thế nào? Thối nát so với cái gì? Nói gì thì nói, trước đây các vị chỉ mong tới bữa có đủ cơm ăn, nhà anh nào oách lắm thì có cái xe đẹp Tàu, có cái đài măng xông, thế là nhất chứ gì? Còn bây giờ thì thế nào? Thịt cá đầy, thích ăn gì thì ăn, quần áo đầy, thích mặc gì thì mặc, nhà anh nào cũng tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, thích mua thì mua, thiếu cái gì? Các vị có công nhận với tôi rằng cuộc sống bây giờ khá hơn ngày trước không nào? Dạ, nhưng…Không nhưng cái gì cả! Đã đành vẫn còn nhiều người nghèo, nhưng đầu tiên các vị phải công nhận với tôi là cuộc sống khá hơn đã. Đúng không nào? Mà như thế tức là phải công nhận cái Đảng này nó tài chứ. Tài thì nó mới làm được như thế chứ. Thế thì tại sao cứ bảo nó thối nát được? Nói thế là không đúng, không thuyết phục, không nghe được. Thứ hai, bây giờ các vị nói chuyện đa đảng. Quan điểm của tôi là chẳng có gì phải sợ nói chuyện đa đảng cả, thế giới bao nhiêu nước người ta đa đảng đấy, thì tại sao mình phải sợ nói. Nói cứ nói, cho nói thoải mái, không việc gì phải cấm. Cấm dân nói là ngu. Nhưng đa đảng liệu có tốt hơn không? Cứ nhìn châu Phi đấy, rồi Phillipin đấy, rồi bây giờ là Thái Lan đấy, loạn đấy. Đa đảng liệu có tốt hơn không? Sao có những nước đa đảng mà vẫn đói? Sao Trung Quốc không đa đảng mà vẫn giàu nhanh thế? Cho nên, tôi nói rằng không phải cứ đa đảng mới tốt. Các vị có công nhận với tôi như thế không? Dạ, nhưng… Không nhưng gì cả, đã rõ ràng như thế, sao các vị cứ lý sự cùn mãi. Các vị phải công nhận với tôi thế đã. Tóm lại, nói Việt Nam cần đa đảng cũng không đúng, không thuyết phục. Rồi, bây giờ tôi nói đến vấn đề thứ ba: chúng ta cần làm gì? Tôi nói thật, vấn đề này tôi đã suy nghĩ rất lâu rồi, nát óc ra rồi. Việt Nam cần cái gì? Tôi nói các vị đừng giận, đặc biệt là các bạn trẻ, Việt Nam hiện tại chẳng cần đa nguyên đa đảng gì sất, chẳng cần cách mạng cam với cách mạng màu gì ráo. Việt Nam bây giờ không cần Gorbachev, không cần Havel. Việt Nam cần Lý Quang Diệu, cần Tưởng Giới Thạch, không có thì Bắc Chung Hy hay thậm chí Đặng Tiểu Bình cũng được. Hay như Putin cũng không dở. Tôi nói thẳng: Việt Nam hiện tại không cần dân chủ, Việt Nam hiện tại cần độc tài! Chỉ độc tài mới trị được, dân chủ thì loạn. Tại sao tôi nói thế? Thực ra, tôi không ghét gì dân chủ cả. Dân chủ là rất tốt. Rất nhân bản. Rất văn minh. Dân chủ mà được như Mỹ, như Nhật, như Hàn Quốc thì tốt quá đi chứ. Nhưng tôi là người thực tế, các vị ạ. Tôi luôn nhìn vào thực tế: dân mình thu nhập GDP đầu người bao nhiêu? Dân trí của mình thế nào? Đấy, các vị cứ nhìn khắp mặt làng này xem, có mấy người hiểu dân chủ là gì? Hay họ chỉ hiểu dân chủ là bừa bãi, là tùy tiện, là thích làm gì thì làm? Là lý lẽ xuôi ngược gì đều được cả? Các vị có công nhận với tôi như vậy không? Thế nên, tôi nhắc lại: Việt Nam cần độc tài! Bây giờ các vị lại hỏi rằng: độc tài thì thế nào? Liệu có như cải cách ruộng đất không? Hay lại tem phiếu, lại hợp tác xã? Không khéo lại thành Bắc Triều Tiên, Cuba, Miến Điện thì làm thế nào? Tất nhiên, ý tôi không phải những kiểu độc tài như thế! Độc tài mà ngu xuẩn thế thì độc tài làm gì? Tôi nói độc tài ở đây là độc tài sáng suốt. Độc tài sáng suốt là để diệt tham nhũng, là để làm trong sạch bộ máy chính quyền. Độc tài sáng suốt là để dân sống có kỉ cương, tôn trọng pháp luật. Độc tài sáng suốt là để cho dân được nói thẳng nói thật, và phải nghiêm khắc trừng trị những kẻ bịt miệng dân. Độc tài sáng suốt là để có dân chủ, vì sớm muộn  đất nước này cũng phải có dân chủ.

*

Trên đây là câu chuyện của bác tôi, một người nông dân. Với tất cả lòng kính trọng trước bác, tôi đã cố gắng hết sức để có thể kể câu chuyện một cách chân thật nhất, tuyệt đối không màu mè, thêm bớt. Tuy nhiên tôi phải thừa nhận rằng, do khả khả năng hạn chế, tôi chỉ có thể thuật lại những lời bác nói chứ không thể miêu tả được cử chỉ, giọng điệu và thần thái của bác khi bác hành ngôn. Bạn phải ở đó, phải nghe bác tôi nói, phải nhìn bác được đám đông vỗ tay tán thưởng như thế nào, bạn mới hiểu hết được.

Bác tôi có phải là một trường hợp cá biệt không? Thực ra, như tôi đã nói, bác tôi là một người nông dân có ảnh hưởng. Hành ngôn của bác tạo ra một từ trường ảnh hưởng không nhỏ quanh bác. Nhưng tôi không nghĩ bác là một hiện tượng đặc biệt. Tôi đã đi nhiều nơi, từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… tới Bình Dương, Đồng Tháp, tôi đã gặp rất nhiều người như bác. Bác không cá biệt, tôi nghĩ, bác có khi còn là điển hình.

*

Chia tay talawas, tôi cũng rất muốn trả lời ba câu hỏi mà talawas đặt ra, nhưng tôi không biết phải bắt đầu thế nào. Vậy xin gửi tới câu chuyện trên như một lời tri âm. Việc diễn giải câu chuyện đó như thế nào, xin dành cho các cuộc tranh luận ở những diễn đàn khác. Hẳn chúng ta sẽ còn gặp nhau.

Hà Nội, 2.11.2010

© 2010 Đinh Bá Anh

3 comments:

  1. Tính gia trưởng, độc đoán, là khí chất của 1 ông vua ko ngai. Và nếu đó là những biểu hiện thuộc về quyền năng/sức mạnh từ sự tinh anh thì ko nghi ngờ gì nữa, chính là sự độc tài sáng suốt.

    ReplyDelete
  2. Đinh Bá Anh là người diễn đạt rất thoải mái và chuẩn xác. Đó là cách hành văn của anh. Tuy nhiên, chữ đèn hay chữ đài trong bài, nếu nói là khiếm khuyết/lỗi cũng chẳng quan trọng lắm, bởi thông điệp mà anh muốn diễn giải đều lồ lộ ra cả rồi.

    ReplyDelete
  3. Chúng ta cần 1 sự lãnh đạo sáng suốt, đó phải là 1 nhu cầu chính trị rõ ràng.
    Có nhiều cái đang ảnh hưởng và tác động đến khuynh hướng này, thậm chí là gần như khống chế tất cả. Nhưng, chưa có dân chủ, cũng phải đi đến như các nước văn minh nhất bằng cái đường của mình chọn, để đến cái đích hiển nhiên bằng 1 đoạn quá độ khác. Về nguyên lý, ko khác lắm trong nguyên tắc lãnh đạo ở xứ nông dân đông như ta nếu so với thời kỳ chiến tranh nhân dân trước đây.
    Và cụ thể, từ cách thức của Lý Quang Diệu, tôi nhận thấy: nhanh hay chậm, với thành phần nông dân đông đảo và các thủ lĩnh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng, tương tự (nếu so với thành phần hơn 70% người Hoa ở Sing) cách của Lý Quang Diệu, VN cần 1 thể chế phải độc tài, nhưng sáng suốt.
    Đáng tiếc, ngay từ những năm 1950, thể chế đó đã hình thành, nhưng ko có cơ hội thực hiện...
    Nếu điều đó xảy ra, có lẽ VN hiện nay đang là 1 Đài Loan thứ 2 ở châu Á, ko phải 1 nước lệ thuộc và yếu hèn như thế này?

    ReplyDelete