Doanh nhân đi kiện!
Giám đốc công ty xây dựng cười ngất khi tôi khuyên ông kiện đối tác ra tòa để đòi nợ hai tỷ đồng.
"Có thằng nợ tao hai tỷ, mày đòi được tao cho mày một nửa", chú tôi một hôm nói. Tôi hồn nhiên hỏi: "Sao chú không kiện ra tòa, án phí mất có mấy chục triệu". Ông cười, như chê tôi sinh viên năm cuối đại học Luật Hà Nội mà ngây thơ quá.
Sau này, ra trường, tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp, tôi mới biết, hệ thống tư pháp của Việt Nam không giống những gì chúng tôi được học trong trường và càng không giống những gì được viết trong luật. Để có thể đòi được hai tỷ đồng, người ta có khi còn mất nhiều hơn một nửa.
Nguyên do chủ yếu là từ những phiền phức, rào cản không thể gọi tên dẫn đến sự kéo dài lê thê của các thủ tục tố tụng. Từ nộp đơn đến thụ lý đơn kiện, tống đạt đến hòa giải, sơ thẩm đến phúc thẩm; rồi khi có bản án, người thắng kiện phải tiếp tục nộp đơn xin thi hành án, xác minh tài sản, kê biên, thẩm định giá, đấu giá... Mỗi giai đoạn lại đi kèm những rủi ro như: tòa yêu cầu bổ sung hồ sơ, tòa tạm đình chỉ vụ án, viện kiểm sát kháng nghị, cơ quan thi hành án không xác minh được tài sản, chính quyền địa phương không hỗ trợ kê biên, thẩm định giá không chính xác, đấu giá không thành, vân vân.
Có những yêu cầu của tòa án khiến nhiều người sửng sốt như yêu cầu nguyên đơn phải cung cấp bản sao có công chứng giấy đăng ký kinh doanh của bị đơn. Thử hỏi, làm gì có ai cho người khác mượn giấy đăng ký kinh doanh đi công chứng để người ta kiện mình? Hay việc cơ quan thi hành án yêu cầu người thắng kiện phải tự tìm xem người thua kiện có tài khoản ở ngân hàng nào, có bao nhiêu tiền.
Trong vô số nguyên nhân dẫn đến sự quan liêu và chây ì của "con voi tư pháp", tôi cho rằng có cả sự lười nhác, tắc trách, vô cảm của cán bộ thi hành pháp luật cho đến tâm lý nhũng nhiễu để vòi tiền.
Chú tôi có thể không hiểu hết được mọi thủ tục và những zích zắc trên, nhưng với đầu óc nhạy bén của dân kinh doanh, ông thừa biết tốt hơn không nên sa chân vào mê trận đó. Khoản nợ hai tỷ của ông đến giờ vẫn chưa đòi được. Nhưng hệ lụy của nó lớn hơn hai tỷ gấp nhiều lần. Chú tôi không bao giờ thi công mà không có tạm ứng đầy đủ nữa. Và rất nhiều công trình bị kéo dài thời gian thi công gây các tổn hại khác cho doanh nghiệp, trong khi đáng ra họ có thể làm ăn hiệu quả hơn rất nhiều. Không chỉ chú tôi, hàng trăm, hàng ngàn công ty xây dựng khác đã và sẽ phải kinh doanh theo cách đó. Nó trì kéo sự phát triển của nền kinh tế.
Trong một khảo sát của VCCI đối với các doanh nghiệp tại TP HCM năm 2017, khi được hỏi: "Nếu có tranh chấp thì doanh nghiệp khởi kiện ra tòa không?", 90% các doanh nghiệp FDI nói "không", 9% nói "có" và 1% "sẽ cân nhắc". Tỷ lệ này ở khối doanh nghiệp dân doanh trong nước là 41%, 28% và 31%. Nguyên nhân lớn nhất khiến các doanh nghiệp này không lựa chọn tòa án khi có tranh chấp là do thủ tục kéo dài. 58% doanh nghiệp nêu lý do này.
Mỗi năm, ngành tòa án xét xử khoảng 400 ngàn vụ án. Trong đó tranh chấp kinh doanh thương mại chỉ chiếm khoảng 4% - khoảng 16 ngàn vụ. Do đó, có vẻ như chuyện hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh chưa bao giờ là mục tiêu trọng tâm giữa những bề bộn của ngành tòa án.
Nhưng để xã hội vận hành, nền kinh tế phát triển, người dân và doanh nghiệp bắt buộc phải giao kết hợp đồng. Và chúng ta chỉ tôn trọng hợp đồng khi biết rằng nếu một trong các bên tham gia những khế ước này bất tuân cam kết thì tòa án và cơ quan thi hành án sẽ đứng ra xử lý, bảo vệ người bị thiệt. Doanh nghiệp cũng sẽ chỉ bỏ tiền đầu tư làm ăn kinh doanh để tạo giá trị cho mình và xã hội, đầu tư vào sáng chế, vào sở hữu trí tuệ nếu họ tin chắc rằng: bất kỳ ai xâm phạm quyền tài sản của họ đều sẽ bị tòa án can thiệp, phải đền bù.
Tôi có người bạn đang quản lý một trường tư thục. Chị có tiền, có nhân lực, có kinh nghiệm và muốn đầu tư xây dựng một bộ bài giảng riêng cho học sinh của trường. Chị đến gặp tôi và đặt câu hỏi: "Thế nếu giờ có người ăn cắp bộ bài giảng của chị thì chị phải làm gì?". Tôi nói: "Chị có thể đi kiện". "Kiện có hiệu quả không, có nhanh không, có tốn kém không?", bạn tôi chất vấn. Tôi đành phải thành thật rằng, "kiện rất mất thời gian, tiền lót tay không biết bao nhiêu mà kể, mà có khi cũng chẳng thành công". Tỷ lệ thu hồi tiền của cơ quan thi hành án vô cùng thấp, chỉ là 32% số tiền có khả năng thi hành. Nói cho dễ hiểu, nếu chị thắng kiện, tòa án yêu cầu đối thủ bồi thường cho chị 100 triệu đồng, đối thủ có tiền, có tài sản, thì cơ quan thi hành án cũng chỉ thu hồi được 32 triệu đồng.
Chị im lặng. Đến bây giờ, dự án làm bộ bài giảng của chị vẫn gác lại. Nhiều học sinh của chúng ta đã mất cơ hội tiếp cận tri thức theo cách tiến bộ hơn chỉ vì không ai đứng ra bảo vệ người đầu tư tạo ra tri thức đó.
Trong thế giới ngày nay, không quốc gia nào có thể đưa kinh tế đến trình độ cao mà không có một hệ thống tư pháp nhanh, hiệu quả và tin cậy. Điển hình trong khu vực là Singapore. Hệ thống tư pháp của nước này được đánh giá là nhanh nhất thế giới với mức độ tin cậy, khả năng có thể dự đoán (của doanh nghiệp và dân chúng với tư pháp) rất cao. Uy tín đó góp phần quan trọng kéo người làm ăn khắp nơi đổ về quốc đảo, như bước đệm để với tay sang các nước trong khu vực.
_________
Theo: Chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức | VnExpress
No comments:
Post a Comment