Cụm từ "Hà Nội 36 phố phường" từ rất lâu đã quen thuộc với người Hà Nội và với đồng bào cả nước nhưng hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ này thì nhiều người chưa hiểu hoặc mỗi người lại hiểu theo cách khác nhau.Qua những tài liệu nghiên cứu về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của ông Nguyễn Vinh Phúc và nhiều tài liệu lịch sử mà tôi được đọc.Tôi muốn chia sẻ với quý vị, những người bạn có cùng đam mê yêu Hà Nội và thích tìm hiểu về Hà Nội để cùng hiểu rõ cụm từ này mà càng yêu Hà Nội nhiều hơn.
Một câu ca dao cổ:
"Hà Nội băm sáu phố phường .
Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng muối trắng tinh ....."
Hoặc một bài thơ, liệt kê 36 phố:
"Rủ nhau chơi khắp Long thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giày,
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Than,
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Ngang, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng Hòm,hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
Quanh đi đến phố hàng Da,
Trải xem phường phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền"
Câu ca dao đó, bài thơ đó nhiều người biết nhưng không chính xác. Vì để cho đủ con số 36 phố và cho bài thơ có vần điệu nên được phố nọ lại thiếu phố kia.(Chẳng thấy các phố cổ: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Mành, Hàng Quạt đâu). Hơn nữa, phố và phường là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
PHƯỜNG là gì?
- Là một tổ chức của một nhóm người làm cùng một nghề như phường chèo, phường múa rối, phường múa sư tử, phường thợ gặt, phường bốc vác ..... Những phường này di động nay đây mai đó theo nhu cầu hoặc thời vụ ở các địa phương.
- Là một phường nghề như phường thợ rèn, phường làm hàng mã, phường chế tác vàng bạc, phường thợ nhuộm vải .....Những phường này thường ở cố định một địa điểm gồm nhiều gia đình có quan hệ đồng hương, huyết thống, có cùng một nghề.
- Phường còn là một đơn vị hành chính tương đương với xã, dưới cấp huyện trên cấp thôn, trại.Ở nơi kinh kỳ đã đô thị hóa thì một phường có thể bao gồm nhiều phố. Thí dụ phường Đông Các có phố Hàng Bạc, Hàng Mắm, Hàng Giầy. Do vậy phường không thể ngang hàng với phố mà bao trùm lên các phố.
PHỐ là gì?
Là một từ Hán - Việt cổ có nghĩa là chỉ một địa điểm bán hàng có thể là một khoảng đất trống hay một ngôi nhà, một gian hàng, một sạp hàng mà ngày nay thường gọi là Ki-ốt để bán một mặt hàng nào đó ở ven một con đường có nhiều người qua lại.Thí dụ ngôi nhà bán Chiếu gọi là phố hàng Chiếu, ngôi nhà bán Muối gọi là phố hàng Muối ...Dần dần có nhiều ngôi nhà bán cùng một mặt hàng ken sát vào nhau thành một dẫy ở cả hai bên con đường dài hoặc ngắn. Đáng lẽ phải nói dẫy các phố hàng Chiếu, dẫy các phố hàng Muối, một dẫy nhiều cái phố bán cùng mặt hàng thì lại nói vắn tắt là phố hàng Chiếu, phố hàng Muối. Như vậy từ Phố không để chỉ một ngôi nhà bầy bán hàng nữa mà để chỉ cả một dẫy các ngôi nhà bán hàng liền kề nhau. Và từ Phố được sử dụng thoáng hơn đối với những con đường mà hai bên chỉ có nhà ở không bán thứ hàng gì. Phố đã trở thành một từ có nghĩa như Rue của tiếng Pháp, Street của tiếng Anh.
Do Phường và Phố có ý nghĩa khác nhau như vậy nên không thể gọi gộp với nhau được.
Có người lại cho rằng Hà Nội 36 phố phường là để chỉ khu phố có 36 con phố mà tên gọi bắt đầu bằng từ HÀNG. Hoàn toàn sai vì khi Hà Nội hình thành khu phố cổ thì vào tk XIX đã có khoảng 80 con phố mà tên gọi bắt đầu bằng từ Hàng.Từ tk XX đến nay do bị đổi tên hoặc bị sáp nhập vào nhau nên Hà Nội cũng còn có trên 50 phố mà tên gọi bắt đầu bằng từ Hàng.
Những phố Hàng bị mất đi là: phố Hàng Hài nay là đoạn đầu Hàng Bông, Hàng Mụn là Hàng Bút, Hàng Bừa và Hàng Cuốc gộp thành Lò Rèn, Hàng Lọng là đoạn đầu Lê Duẩn, Hàng Bột là Tôn Đức Thắng, Hàng Chè là đoạn đầu Đinh Tiên Hoàng, Hàng Giò là đoạn đầu Bà Triệu, Hàng Kèn là đoạn Bà Triệu từ Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Du, Hàng Đàn là đoạn giữa Hàng Quạt, Hàng Màn là đầu Hàng Giầy, Hàng Lam là đầu Hàng Ngang, Hàng Lờ là cuối Hàng Bông, Hàng Nâu là Trần Nhật Duật, Hàng Tiện là đầu Hàng Gai, Hàng Sơn là Chả Cá, Hàng Đẫy là Nguyễn Thái Học, Hàng Mã dưới và Hàng Mây thành Mã Mây, Hàng Trứng là cuối Hàng Mắm, Hàng Gạo là Đồng Xuân, Hàng Thêu là cuối Hàng Trống, Hàng Sắt là cuối Thuốc Bắc, Hàng Bông thợ nhuộm là Thợ nhuộm, Hàng Bông đệm và Hàng Bông Cửa quyền cùng với Hàng Bông Lờ nhập lại là Hàng Bông.
Có một số phố mang tên Hàng như: Hàng Bột, Hàng Cháo, Hàng Bún, Hàng Chuối, Hàng Đẫy, Hàng Lọng, Hàng Cỏ và một ngõ: Hàng Thịt không nằm trong khu phố cổ. Nhưng ngược lại, có những phố, ngõ không mang tên Hàng lại nằm trong khu phố cổ như: Cầu Gỗ, Cầu Đông, Chợ Gạo, Nhà Hỏa, Cổng Đục, Tố Tịch, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến.....
Thế thì con số 36 ở đâu ra ?
Vào thời Lê kinh thành Thăng Long gọi là phủ Phụng Thiên gồm hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận mỗi huyện có 18 phường,tổng cộng là 36 phường. Trong suốt ba thế kỷ nhà Lê,Thăng Long vẫn giữ nguyên sự phân định hành chính như vậy.
Sang đầu TK XIX nhà Nguyễn đổi Thăng Long là phủ Hoài Đức. 1831 đời vua Minh Mạng thành lập tỉnh Hà Nội gồm có 239 phường thôn, trại.Đến giữa TK XIX đời vua Tự Đức Hà Nội lại chỉ còn 153 phường, thôn, trại.
Như vậy con số 36 chỉ liên quan đến 36 phường của Thăng Long thời Lê còn chẳng liên quan gì đến Hà Nội. Một lý giải khác về con số 36 là theo tín ngưỡng Á Đông con số 36 mang ý nghĩa Tài Lộc. Sách binh thư của Tôn Tử có 36 kế, đánh cờ có 36 nước, điệu hát Cửa đình có 36 giọng, Quan họ Bắc Ninh có bài 36 tiếng chim. Bên cạnh đó lại chịu ảnh hưởng của văn học, thơ ca với những tác phẩm nổi tiếng viết về "Hà Nội 36 phố phường" của Thạch Lam, Tô Hoài. Nhưng thực tiễn lịch sử cho biết cụm từ "Hà Nội 36 phố phường" chỉ mang tính ẩn dụ, ước lệ để chỉ Khu phố trung tâm của Hà Nội bao gồm toàn bộ Quận Hoàn kiếm,một phần Quận Hai Bà Trưng và một phần Quận Đống Đa ngày nay. Vì là ước lệ lại có từ lâu đời nên cụm từ "Hà Nội 36 phố Phường" chúng ta vẫn đang sử dụng là để nói đến khu trung tâm bao gồm các phố cổ, phố cũ của Hà Nội mà thôi chứ không có ý nghĩa về số học cho một cấu trúc đô thị.
VietCuong Sarraut khảo cứu và biên tập
No comments:
Post a Comment