1. Có lẽ tôi có thiên hướng về xã hội nhiều hơn. Tôi luôn quan tâm tới con người, sau đó là về các tổ chức xã hội, trong đó doanh nghiệp có vẻ đơn giản nhất. Tìm hiểu về con người và cấu trúc xã hội luôn làm tôi thấy vui sướng và lý thú.
2. Thật không may (hoặc may), tôi lại theo nghề nghiệp phải nghiên cứu nhiều về tự nhiên, rồi CNTT. Tôi làm việc không đến nỗi tồi, nhưng tôi chỉ thấy trách nhiệm như một chuyên gia, không thấy niềm vui như khi đọc sử, ngôn ngữ, tâm lý và xã hội học. Thực ra nắm được quy trình học thì làm việc gì cũng được.
3. Tư duy Toán học giúp tôi phát biểu các bài toán một cách hình thức theo nhiều cách. Tư duy Vật lý, cho phép tôi nhận thức sự vật có phương pháp. Tư duy CNTT giúp tôi tách mọi bài toán thành các bài toán đơn giản hơn và tích hợp cái đơn giản thành những điều thần kỳ.
4. Phát biểu bài toán một cách hình thức theo nhiều cách cho ta sự liên tưởng giữa nhiều vấn đề không liên quan mà đôi khi lời giải một bài toán khó chỉ vì nó khoác một cái áo phi hình thức quá dày, trong khi lột bỏ chiếc áo đó, lời giải sẽ vô cùng đơn giản. Nhìn sự vật có phương pháp trước hết là tách được các hiện tượng khỏi bản thể khi nhận thức, thấy được cấu trúc của sự vật và chỗ đứng của mình trong vũ trụ (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Tách mọi bài toán thành bài toán đơn giản hơn là sự nhận thức, tích hợp cái đơn giản thành điều thần kỳ chính là hoạt động thực tiễn.
5. Kết hợp các tư duy này tôi luôn có một mô hình bản đồ của mọi sự vật để tìm hiểu nó. Muốn tìm hiểu sự vật nào tôi thường sử dụng một mô hình tách nó thành các thành phần. Số thành phần không quan trọng, đó chỉ là những mảnh cắt, nhưng tôi cho rằng chỉ 3-7 thành phần mới dễ tiếp thu và hiệu quả. Cắt đôi thì quá tầm thường và không thấy được động lực, mặc dù phép biện chứng hoặc thuyết âm dương, logic đều cắt đôi. Các thành phần nhỏ lại có thể cắt tiếp thành 3-7 mảnh đến vô cùng. Học hay nhận thức là việc phân tích mọi sự vật cần nhận thức thành một sơ đồ cây 3-7. Khi làm hay sáng tạo , từ cây 3-7, chúng ta sẽ dựng lại sự vật.
6. Đối với tôi số 3 là con số lý tưởng. Có lẽ do tôi không thích nhị nguyên. Bộ ba thần tượng của thần thoại Ấn Độ, có Visnu là thần chủ về kiến tạo, bảo vệ, Shiva là thần hủy diệt. Đó là hai mặt của mọi sự vật có Sinh và có Diệt. Tuy nhiên, thần Brahman là động lực phát triển, điều hòa, phối hợp giữa vòng quay Sinh-Diệt. Không có Brahman sẽ không có cuộc sống. Tôi nghĩ logic người Ấn Độ hơn hẳn logic nhị nguyên của chúng ta ở chỗ đó. Đạo Thiên Chúa cũng có 3 ngôi, Phật giáo cũng rất nhiều số 3: Tam Bảo, Tam Thế.
7. Bên cạnh đó, có một khái niệm rất quan trọng mà tôi học được từ CNTT là view (góc nhìn). Với mỗi một view chúng ta có thể cắt sự vật theo cách khác nhau. Vì thế đơn giản nhất là sử dụng 3 view, mỗi view sẽ cắt sự vật thành 3 ngôi. Đó là bản chất của mô hình 3-3-3 tôi đã từng dạy cho nhiều khóa sinh viên.
8. Trước hết là mô hình tổ chức, được đưa vào để phân tích Kiến trúc doanh nghiệp. Kiến trúc doanh nghiệp thường được phân tích rất phức tạp, rất khó triển khai và phổ biến. Tôi sử dụng 3 view: Hoạt động, Thể chế và Nguồn lực. Sự thực, nếu chúng ta xây dựng bất kỳ tổ chức nào, xã hội hay doanh nghiệp, chúng ta đều quan tâm đến 3 vấn đề tương ứng với 3 view này: phải thiết lập được các hoạt động, các thể chế và có được các nguồn lực. Hoạt động của tổ chức sẽ tiếp tục chia thành đối ngoại, đối nội và xây dựng tiềm lực.
Thể chế gồm cơ chế, quy chế và thiết chế (tam chế). Nguồn lực gồm nhân lực, quy trình và tài sản (hạ tầng, tiền và thương hiệu). Tất nhiên các thành phần sẽ vận động tương tác với nhau rất dễ theo dõi và phân tích.
9. Tương tự chúng ta sẽ có một mô hình về năng lực cá nhân. Cũng chẳng cần tìm đâu xa, có thể nhìn con người theo 3 view: Tri thức, Kỹ năng và Đức tính theo mô hình KSA ( A nhiều người dùng Attitude nhưng tôi thích dùng Ability hơn, thậm chí Virtue). Cũng có thể sử dụng một mô hình khác mà tôi hay dùng hơn là Trí-Đức-Lương (năng) (TĐL)
Trí năng là năng lực tư duy, Đức năng là năng lực cảm hóa, Lương năng là năng lực thị phi. Tư duy tốt thì biết phân biệt lợi hại. Cảm hóa tốt thì biết phân biệt tốt (đẹp) xấu. Thị phi tốt thì biết phân biệt phải trái. Trí năng và Đức năng nhiều khi xung đột, gây ngộ nhận. Trí năng khách quan nhưng nhiều khi vô cảm. Đức năng dễ thuyết phục nhưng nhưng cảm tính đôi khi mù quáng. Lương năng có thể điều hòa giữa hai mặt, do đó quan trọng hàng đầu nhưng bị coi nhẹ nhất. Con người không có Lương năng không thể thành công (Tôi không quan niệm thành công phải chỉ gắn liền với Tiền bạc hay Danh vọng)
10. Dựa trên 3 view chúng ta lại có thể tách năng lực con người thành 3 phần theo 3 cách khác nhau. Tùy theo chọn mô hình KSA hay TĐL chúng ta sẽ phân tích tiếp tục thành các mô hình 3-3-3. Chi tiết sẽ bàn sau vào dịp khác.
11. Phân Tích như vậy để làm gì? Kiến trúc doanh nghiệp là để xây dựng doanh nghiệp, đảm bảo tính tương hợp, qua đó tránh xung đột hệ thống, ứng dụng công nghệ dễ dàng. Kiến trúc năng lực con người chắc chắn để hiểu và đào luyện năng lực cho họ.
12. Mô hình 3-3-3 KSA sẽ có ích khi đi dạy người khác một môn học cụ thể, mô hình 3-3-3 TĐL có lẽ sẽ có ích cho cả một cuộc đời, một chương trình học và cho sự tu thân của mỗi cá nhân.
No comments:
Post a Comment