Tân thủ tướng Úc Anthony Albanese là ai?
Như tôi dự báo hôm qua, đảng Lao động đã thắng cử và Úc đã có Thủ tướng mới tên là Anthony Albanese (dân chúng quen gọi thân mật là "Albo"). Ông này có một cuộc đời đáng ngưỡng phục và rất đúng với nghĩa ‘người lao động’.
Trong bài diễn văn đắc cử, tân thủ tướng Albo nói: "Tôi muốn nước Úc tiếp tục là một quốc gia không có giới hạn hành trình cuộc đời của bạn, bất kể bạn sống ở đâu, bạn theo tôn giáo nào, bạn thương ai, hay bạn mang họ gì." [1].
Tại sao ông lại đề cập đến vùng miền, tôn giáo và họ? Tại vì những yếu tố đó có liên quan đến cuộc đời của ông.
Ông Anthony Albanese tự hào rằng ông là người thủ tướng đầu tiên của Úc không xuất thân từ Anglo-Saxon. Ông sanh ra trong một gia đình mà thân mẫu là người gốc Ái Nhĩ Lan (Maryanne Ellery) và thân phụ là người gốc Ý (Carlo Albanese). Thoạt đầu, đọc qua họ của ông tôi (và nhiều người khác) nghĩ rằng ông là người gốc Albania (một quốc gia nhỏ ở Âu Châu). Thân phụ ông làm tiếp viên trên tàu thuỷ, nơi ông gặp và yêu cô Maryanne Ellery, lúc đó là hành khách trên chuyến tàu đi Anh. Bà Ellery mang thai Anthony, trong khi đó ông Carlo Albanese thật ra đã có vợ ở Ý (và ông chưa bao giờ định cư ở Úc).
Anthony Albanese sanh ngày 2/3/1963 (tức non 60 tuổi) và không có thân phụ. Lúc đó, thân mẫu ông nói rằng cha ông đã qua đời vì một tai nạn xe hơi. Mãi đến 14 năm sau, bà mới nói thật cho Anthony biết rằng thân phụ ông vẫn còn sống và đang ở bên Ý. Qua bạn bè trong giới chánh trị và doanh nghiệp, Anthony lúc đó đã là một chánh trị gia thành danh và đầy quyền thế tìm lại cha mình vào năm 2009, và lúc đó ông phát hiện là mình có 2 người em cùng cha khác mẹ. Lần gặp đó, Anthony kể lại, rất ư là cảm động:
"Ông ấy đi đến tôi và mở rộng vòng tay ôm tôi. Đó là một thời điểm rất thống thiết. Chúng tôi khóc nhiều lắm, và chúng tôi nói chuyện trong nhiều giờ. Tôi nghĩ ông ấy đã quá rộng lượng với tôi. Chúng tôi nhận ra rằng cuộc đời này rất phức tạp, và người Ý đã quen với khái niệm đó."
Thân mẫu ông qua đời năm 2002, thọ 65 tuổi. Thân phụ ông cũng đã qua đời năm 2014.
Trước khi bước vào chánh trường, Anthony Albanese đã trải qua một cuộc đời đầy khó khăn và thách thức. Thân mẫu ông làm nghề quét dọn (cleaner) và rất nghèo. Nghèo đến nổi phải ở trong nhà do chánh phủ trợ cấp. 'Nhà chánh phủ' là những khu nhà do chánh phủ xây dựng để giúp đỡ cho những người không có khả năng mua nhà. Ông và mẹ ở trong một 'nhà chánh phủ' như thế ở một vùng lao động nghèo thuộc thành phố Sydney.
Do đó, trang web của Đài truyền hình ABC chạy cái tít "From public housing to Prime Minister" (từ nhà chánh phủ thành thủ tướng).
Tuy nghèo, nhưng mẹ ông quyết chí không để cho con mình bị thiệt thòi. Anthony Albanese lớn lên theo học ở một trường trung học Công giáo, và sau khi tốt nghiệp trung học ông theo học kinh tế tại Đại học Sydney. Ông là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp trung học.
Trong lúc tranh cử, ông cựu thủ tướng Scott Morrison có nói một câu làm cho công chúng Úc không hài lòng, nếu không muốn nói là xúc phạm. Đại khái, ông Morrison nói rằng ông ngưỡng phục ông Albanese, người lớn lên trong khu 'nhà chánh phủ' và ông đã không bao giờ quên cái gốc của mình. Rồi ngay sau đó, ông Morrison nói rằng để làm cái công việc của thủ tướng, với một xuất thân như ông Albanese thì rất khó có thể điều hành quốc gia và nền kinh tế. Cách nói của ông Morrison được xem là một kiểu "khen đểu" và hạ nhục đối phương, và càng làm cho công chúng mất cảm tình với ông Morrison, một người thuộc giai cấp trung lưu.
Anthony Albanese tham gia hoạt động chánh trị khá sớm. Ngay từ thời sinh viên, ông đã tham gia đảng Lao Động và từng là một quan chức nghiên cứu của đảng dưới thời Thủ tướng Bob Hawke. Năm 22 tuổi, Anthony được bầu làm thủ lãnh Young Labor (những đảng viên Lao Động trẻ tuổi).
Năm 1996, ông được bầu vào Quốc hội. Năm 2007, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ phát triển chánh phủ địa phương và bộ trưởng cơ sở hạ tầng và giao thông. Năm 2013 ông trở thành Phó lãnh đạo đảng Lao Động và Phó Thủ tướng. (Ở Úc, chỉ có 1 Phó Thủ tướng). Sau 2013 đảng Lao Động thất cử, và năm 2019 lại thất cử, thì ông được bầu làm người đứng đầu đảng Lao Động cho đến nay. Năm nay, ông sẽ trở thành Thủ tướng ở tuổi 59.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một minh chứng cho câu nói 'có công mài sắt, có ngày nên kim'. Ông Albanese xuất thân từ giai cấp lao động thật sự, lớn lên trong tình thương của bà mẹ đơn thân với đầy khó khăn. Ông không có những yếu tố mà Việt Nam hay đề cập đến như 'con ông cháu cha' hay 'con cháu các cụ cả'. Ông đi lên bằng tài năng cá nhân và viễn kiến. Về viễn kiến của người lãnh đạo, ông nói:
"Chánh trị gia thiếu viễn kiến để lãnh đạo cộng đồng trên những vấn đề lớn như giao thông công cộng thường che giấu sự bất động của họ bằng cách đổ thừa cho người khác khi bị chỉ trích."
Nhưng tài năng vẫn chưa đủ, mà còn phải có môi trường. Môi trường ở đây là thể chế dân chủ và môi trường xã hội Úc. Nếu ông sống trong một thể chế phi dân chủ thì chắc chắn sẽ không có một ông Anthony Albanese làm thủ tướng. Cuộc đời của ông là cả một bài học những gia đình thuộc giai cấp lao động: đó là cần phải đầu tư cho giáo dục. Cuộc đời của ông Anthony Albanese chính là minh hoạ cho câu nói lừng danh của Nelson Mandela:
“Giáo dục là cỗ máy lớn của phát triển cá nhân. Qua giáo dục, người con gái của một nông dân có thể trở thành bác sĩ, người con trai của một thợ hầm mỏ có thể trở thành giám đốc mỏ, một người con của một gia đình nông dân có thể trở thành tổng thống của một quốc gia lớn."
Từ bài học cá nhân, Anthony Albanese đã nhìn thấy vai trò của giáo dục cho tương lai của một quốc gia, khi ông tuyên bố rằng:
"Nếu chúng ta cạnh tranh trong thế kỉ này, chúng ta phải cạnh tranh bằng trí tuệ."
Câu này cũng rất đúng cho Việt Nam.
[1] “I want Australia to continue to be a country that no matter where you live, who you worship, you would love, or what your last name is, that places no restrictions on your journey in life.”
No comments:
Post a Comment