Thursday, September 7, 2023

Chân lý của tôi: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (5)

 Phần 2: Xứ ĐD thời kỳ 1911-1945

(tiếp theo)

Con đường Hồ Chí Minh & Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02-09-1945

NHÀ LÃNH ĐẠO BẬC THẦY

Thời điểm này cũng là một bước ngoặt lớn. Thế chiến thứ 2 nổ ra, người Nhật đã chiếm quyền kiểm soát ĐD mà không vấp phải bất cứ sự chống trả nào. Giới cầm quyền tại đây (hầu hết thuộc chính quyền Vichy) đã chấp nhận hợp tác với người Nhật. Bằng sự táo bạo và "ảo tưởng" tuyệt vời, HCM đã lợi dụng Thế chiến thứ 2 để tập hợp một liên minh những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người cộng sản VN để thành lập tổ chức gọi là Việt Minh (tức Mặt trận Độc lập).

Việt Minh đã phát triển một lực lượng du kích lên đến khoảng 10 nghìn người. Những "Người đàn ông mặc áo đen" này đã quả cảm chiến đấu chống lại quân Nhật trong rừng rậm và tạo nên nhiều thành công đáng kể.

Những hành động của HCM đã đưa ông trở thành là 1 nhà dân tộc chủ nghĩa của VN và là đồng minh của Hoa Kỳ chống lại người Nhật. Ông nói: 

❝Tôi đã là một người Cộng Sản, nhưng không còn nữa. Tôi là một người con của đất nước Việt Nam, và không là gì khác.❞

Năm 1942, các báo cáo cho thấy HCM đã đến Côn Minh theo đề xuất của các cố vấn quân sự Mỹ. Ông bị bắt tại đó bởi người của Tưởng Giới Thạch và bị cầm tù cho đến tháng 9/1943 trước khi được trả tự do theo yêu cầu (được cho) là của phía Mỹ. 

Trong quá trình được trả tự do, HCM đã hợp tác với một tướng lĩnh Quốc Dân Đảng (tướng Trương Phát Khuê) để thống nhất và tổ chức lại các nhóm người Việt lưu vong tại miền Nam TQ thành 1 khối thống nhất mà hệ quả của nó là vào năm 1944, HCM đã chấp nhận trở thành người đứng đầu của Chính phủ Cộng hòa Lâm thời VN. Chính phủ này tuy chủ yếu chỉ là hình thức trên giấy, nhưng nó đã cho phép HCM gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS). Vì vậy, khi Việt Minh tiếp quản Hà Nội năm 1945, trong đoàn tùy tùng của ông có mặt những sĩ quan quân sự cấp cao của Mỹ. Cũng trong giai đoạn này, ông đã lấy tên chính thức là Hồ Chí Minh*.

OSS chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu chọn từ net)

Đội Nai - OSS và Cơ hội bị bỏ lỡ 

Năm 1945, Đội Nai - OSS (Deer Team - Office of Strategic Services) đã nhảy dù xuống khu rừng già Kim Lũng, Tân Trào. Ở đây họ đã gặp Mr. Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) với nhiệm vụ huấn luyện Việt Minh cách sử dụng vũ khí bộ binh. Trong 2 tuần rưỡi, họ đã huấn luyện cho 85 người. Tất cả những người này đều thông minh, có học thức và trở thành hạt nhân của quân đội HCM.

Bộ phim tài liệu "Có một cơ hội bị bỏ lỡ" (đạo diễn Nguyễn Mộng Long) được thực hiện về Henry Arthur Prunier, một trong số 7 thành viên của Deer Team - OSS (DTO). Ông Henry từng học tại Đại học Berkeley và học tiếng Việt (sau khi gia nhập quân đội). Sau đó ông được Cục Tình báo Chiến lược (OSS) tuyển chọn và tiếp tục huấn luyện đặc biệt cho đến khi đến Texas học lớp huấn luyện cơ bản để chuẩn bị cho nhiệm vụ "tình nguyện đến Đông Dương". Sau đó, ông được chuyển đến Calcutta và bay đến căn cứ OSS tại Côn Minh. Đội DTO được thành lập ngày 16.05.1945 và chuẩn bị nhảy dù xuống căn cứ của Việt Minh vào tháng 8 cùng năm với nhiệm vụ mới.

      Nói về Chủ tịch HCM, Henry Prunier thuật lại: "lúc mới đến, ông chưa thể gặp ngay Mr. Hồ, bởi lúc ấy Mr. Hồ bị bệnh sốt rét và một số bệnh nhiệt đới khá nặng. Quân y sĩ Paul Hoagland của DTO đã điều trị cho ông bằng ký ninh với một phác đồ thuốc trị liệu và sau đó, tình hình đã khá hơn một chút. Khi tôi gặp ông ấy, ông ta chỉ có da bọc xương. Tuy nhiên, ông có cặp mắt sáng. Đôi mắt của ông rất sáng, và rất thông minh. Tôi thực sự thoải mái khi trò chuyện với ông ấy. Ông ấy nói được tiếng Anh. Nhưng tôi với ông ấy trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp. Tiếng Việt của tôi không đủ để trò chuyện (dù đã được học 3 năm và đảm nhiệm vai trò phiên dịch của DTO). Khi tôi nói là tôi ở Massachusetts, ông đã vui vẻ nói về chuyện này bởi vì ông từng có thời gian ở Boston. Trong thực tế, ông đã ghi chú lên sổ văn phòng của Parker House, vốn là khách sạn nổi tiếng tại Boston. Ông đã có thời gian ở Boston nhưng lưu lại ở New York lâu hơn..."

      Bộ phim như "những trang hồi ký" làm sáng tỏ quá khứ của Henry với những ý kiến, bài viết của một số nhà nghiên cứu sử học, nhà báo, cựu chiến binh... trong và ngoài nước về những khởi đầu trong quan hệ Việt Mỹ. Đặc biệt là cuộc phỏng vấn đại tá Archimedes Patti nói về chính sách của Mỹ đối với VN năm 1945. Patti từng phụ trách Ban ĐD thuộc Pháp của OSS, là người đứng đầu phái bộ tiền trạm OSS đến Hà Nội vào tháng 8.1945 và tiếp xúc mấy lần với Chủ tịch HCM. Patti được coi là một trong số những "người trong cuộc" hiểu biết rất nhiều tình hình lịch sử VN.

     Có hai vấn đề chính được đặt ra trong phim:

      1. Trong lịch sử quan hệ Việt Mỹ, từng có sự hợp tác và tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa OSS với Việt Minh trong thời kỳ chống phát xít Nhật. Nhưng tại sao DTO đã sớm rút đi và những bức thư của Chủ tịch HCM gửi chính phủ Mỹ, trong đó có nội dung chủ yếu "...Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ"; thế nhưng Tổng thống Truman đã không trả lời bất cứ văn bản nào.

      2. Vì sao người Mỹ lại ủng hộ Pháp chiếm lại ĐD? Lẽ ra, VN đã không bị đẩy vào thế đối đầu với Pháp mạnh hơn mình gấp trăm lần và sau đó với chính người Mỹ mạnh gấp ngàn lần!

Tuy nhiên, với góc nhìn chiến lược từ kinh nghiệm Đông Dương, ông Patti nhận định:

  ..."Chúng ta đã có HCM. Chúng ta đã có Việt Minh. Chúng ta đã nắm vấn đề ĐD. Nhưng vì lý do bất chấp logic mà hôm nay chúng ta đã nhận ra rằng, chúng ta đã ủng hộ người Pháp trong cuộc chiến mà chính họ còn gọi là "la sale guerre" (cuộc chiến bẩn thỉu). Chúng ta đã gánh 80% chiến phí cho người Pháp và sau đó 100% cho cuộc chiến giữa Mỹ và VN."

      Henry Prunier từng bị chỉ trích vì cho rằng: "lẽ ra không nên để xảy ra cuộc chiến tranh với Việt Nam". Claude Berube cũng tán thành quan điểm này: "Rất tiếc cho Henry Prunier đã bị chỉ trích trong khi ông lại có cái nhìn hết sức độc đáo về những người lãnh đạo cuộc chiến chống Mỹ. Đó chính là cơ hội bị bỏ lỡ."

 Chủ tịch HCM (chọn từ net)

Những ngày tháng 8

Ngày 14/8, tiếng súng chiến tranh lặng im trên toàn châu Á. Nhật đã đầu hàng và tướng Mc Carthur bay đến vịnh Tokyo để ký kết các điều kiện đầu hàng với Hoàng gia Nhật bản trên chiến hạm Missouri. Từ các căn cứ địa của mình trên vùng rừng núi Tân trào, Việt minh (VM) bắt đầu hành động. Ngày 16, cùng ngày với Đại hội quốc dân, các đơn vị của Võ Nguyên Giáp (VNG) do nhóm Con Nai hộ tống bắt đầu tiến xuống phía Nam, hướng về Hà Nội. Lác đác tại một số vùng nông thôn Bắc bộ, nơi nạn đói và lụt lội đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trong nửa năm đầu, dưới sự chỉ đạo của các hội VM địa phương, nông dân đã nổi dậy cướp chính quyền, phá kho thóc và thành lập các Uỷ ban giải phóng nhân dân địa phương.

Ở Hà Nội, rạng sáng chủ nhật, ngày 19/8. Dòng người từ các huyện Thanh trì, Thường tín, Phú xuyên, cuồn cuộn đổ vào thành phố hoà cùng với công nhân, sinh viên, tiểu thương và các công chức tò mò, bắt đầu tụ tập trước quảng trường Nhà hát Lớn. Đàn ông mặc áo nâu, đi dép cao su, đàn bà áo nâu, chít khăn mỏ quạ, đi giày cỏ. Rợp trời cờ đỏ sao vàng. Cuộc diễu hành bắt đầu bằng phút mặc niệm các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Dàn nhạc chơi giai điệu mới "Đoàn quân Việt nam đi", các lãnh đạo VM tuyên bố lệnh Tổng khởi nghĩa. 

Đoàn người chia làm nhiều ngả chiếm Bắc bộ phủ, Dinh Toàn quyền, Trụ sở bảo an và các địa điểm quan trọng khác. Họ hầu như không gặp sự chống đối nào, ngoại trừ một chút khó khăn ở Bắc bộ phủ. Sau khi đàm phán, quân Nhật tuyên bố sẽ không can thiệp. Uỷ ban cứu quốc bù nhìn hoàn toàn bị tan rã. Đến cuối ngày, toàn bộ thành phố đã nằm trong tay quân khởi nghĩa. Đoàn diễu hành đi khắp các phố hát vang những bài ca cách mạng và hô khẩu hiệu đòi độc lập dân tộc. Chắc chắn là rất ít người trong số họ hiểu VMlà ai và tại sao lại có thể đại diện cho dân tộc. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Thế giới đã kết thúc và viễn cảnh ĐD ko còn người Pháp cũng đủ để vui mừng.

Tình hình miền Trung và ở Huế diễn biến chậm hơn do không có vùng giải phóng như ở Bắc bộ để huy động lực lượng. Ngày 21/8, Hà Nội gửi điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Nhà cách mạng, nhà thơ trẻ Tố Hữu được phái vào Huế để phát động phong trào. Sáng 22/8, hơn 100,000 người tụ tập trước cửa Ngọ Môn để chứng kiến Uỷ ban khởi nghĩa chiếm chính quyền mà không gặp phải sự kháng cự nào của quân Nhật.

Nam bộ là vùng tiến triển khó khăn hơn. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, tất cả các lãnh đạo Đảng hoặc chết hoặc đang ở trong trại giam. Vì mất liên lạc với TW, sau khi trốn khỏi nhà tù, Trần Văn Giàu (TVG) đã xây dựng lực lượng lại từ đầu. Xứ uỷ Nam kỳ quyết định hành động theo chỉ thị của Hội nghị 6 năm 1939, kêu gọi chuẩn bị lực lượng để tổng khởi nghĩa. TVG tập trung vào khu đô thị Sài gòn - Chợ lớn, cùng lúc xây dựng phong trào tại các vùng nông thôn. 

Ngày 14/8, Nhật chuyển giao quyền lực. Thừa cơ, ngày 16, khi Sứ thần của Bảo đại là Nguyễn Văn Sâm chưa đến nơi, các phần tử dân tộc không cộng sản lập ra Mặt trận Quốc gia Thống nhất, chiếm lấy chính quyền. Cũng lúc đó, ngày 14 TVG đã họp các đồng chí của mình để chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 20, sau khi nghe tin Hà Nội thành công, TVG đã yêu cầu Mặt trận Quốc gia từ chức vì quá dính líu với Nhật, chắc chắn sẽ không được Đồng minh chấp nhận. Giàu thông báo chỉ có VM mới được sự hỗ trợ hoàn toàn của Đồng minh. Đang hoang mang, Mặt trận lại được tin Bảo Đại đã gửi điện đề nghị Hà Nội lập chính phủ cộng hoà thay thế Trần Trọng Kim, cả hội vội vàng giải tán. Ngay lập tức Giàu thành lập Uỷ ban Nam bộ do chính ông làm chủ tịch, triệu tập cuộc họp Xứ uỷ, quyết định khởi nghĩa vào ngày 25. 

Biểu tình trước cửa Phủ Khâm sai (Bắc bộ phủ) ngày 19-8-1945

Trước giờ phút lịch sử

VN trở thành thuộc địa của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ 19. Trong Thế chiến thứ hai, Đế quốc Nhật Bản đã thay Pháp chiếm đóng VN từ năm 1940. Khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh giữa năm 1945, VM có cơ hội lớn để chiến thắng và cơ hội này đã được VM tận dụng.

Sáng ngày 26 tháng 8 năm 1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, HCM đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam**. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, HCM mời một số người đến góp ý cho bản Tuyên ngôn độc lập do ông soạn thảo. Ngày 31 tháng 8 năm 1945, ông bổ sung thêm cho dự thảo Tuyên ngôn độc lập và đến 2 tháng 9 năm 1945, ông đọc bản Tuyên ngôn độc lập trong cuộc mít tinh trước hàng chục vạn quần chúng, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuối tháng 8 năm 1945, HCM lo chuyện tác động đến các lãnh đạo của phe Đồng Minh theo hướng công nhận nền độc lập của VN, cũng như chuyện ông phải nắm quyền lực nhà nước hoặc phải tự thể hiện bản thân như là biểu tượng dân tộc của sự thống nhất và tự quyết. HCM đã lựa chọn một cách tiếp cận hoàn toàn khác với các vua, chúa trước đây của VN khi ông trực tiếp đọc bản Tuyên ngôn chứ không cần thông qua 1 bên trung gian nào đó. Điều này cũng khác hẳn với Đế quốc Việt Nam, bên đã không triệu tập một buổi đọc bản Tuyên ngôn độc lập có sự tham gia của quần chúng. Còn lễ thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại, cựu hoàng dường như không được mời nói chuyện trước công chúng cho đến lúc đọc lời tuyên bố thoái vị đầy cảm xúc trước đám đông ở cổng Ngọ Môn tại Huế vào ngày 30 tháng Tám. Cái cách HCM đọc bản tuyên ngôn cũng phảng phất nét tương đồng với không khí lộng lẫy và hoành tráng của các buổi lễ chính trị tại Tây Âu, Mỹ và Liên Xô. HCM đã lựa chọn quảng trường Puginier, sau này được gọi là quảng trường Ba Đình, một nơi rộng rãi không bị các chướng ngại vật che khuất tầm nhìn nhằm đủ chỗ chứa lượng khán thính giả càng nhiều càng tốt dù chỉ có vài ngày thông báo. Đối với đồng bào Công giáo, ngày hôm đó cũng là ngày “Lễ hội những người tử vì đạo Việt Nam” của Công giáo, tưởng niệm những người đã chết vì đức tin của mình, đặc biệt vào thế kỉ 19, nên các nhà thờ ở Hà Nội buổi sáng đó tràn ngập người tham dự thánh lễ. Việc lựa chọn ngày 02/09 của Hồ Chí Minh còn nhằm gắn kết chính quyền mới với phía Giáo hội Thiên chúa giáo. Các linh mục sau buổi lễ của mình đã cùng các giáo dân hướng về Quảng trường Ba Đình để tham dự buổi lễ. Những nhà sư trụ trì ở những ngôi chùa cũng làm tương tự vậy. Các giáo viên trang bị còi hay loa dẫn đầu đám trẻ con hát những bài ca cách mạng. Đám thanh niên đặc biệt chú ý đến cách những lá quốc kì đỏ rực mà những nhóm thiếu nữ đang cầm tương phản với những chiếc áo dài trắng tinh khôi.

Nhà 48 Hàng Ngang, HN (chọn từ net)

(còn nữa)

(*): Trích từ bài HỒ CHÍ MINH: NGƯỜI ĐÃ THÀNH CÔNG TRONG VIỆC HÒA NHẬP CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN của ALDEN WHITMAN, đăng trên New York Times (1969). Dịch giả: Hube

(**): Tổ chức này được thành lập ngày 03-02-1930 Từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Cửu Long (Hong Kong, TQ), dưới sự chủ trì của NAQ, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở VN là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng VN tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội.

No comments:

Post a Comment