NGHỊ ĐỊNH 72, GIẾNG LÀNG MÔNG PHỤ & TƯ DUY “1.0”
Rất thất vọng về chất lượng văn bản pháp quy của mấy nhiệm kỳ gần đây nhưng phải đến khi đọc Dự thảo Nghị định 72 về “Quản lý dịch vụ internet & Thông tin trên mạng” mới có cảm giác, “Đất nước” dường như không còn nằm trong thứ tự ưu tiên của các nhà ban hành chính sách.
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông[TT & TT] đã từng cứ mở miệng ra là “bốn chấm không”[4.0] nhưng tư duy trong Dự thảo này lại không khác “một chấm không”[1.0] là mấy.
Số [digital] không chỉ là một ngành kinh tế, là xu hướng mà còn là một hệ sinh thái, hơn nữa nó là hệ sinh thái toàn cầu. Làm chính sách mà chỉ nhìn thấy trong hệ sinh thái ấy dăm kẻ “lợi dụng MXH” để “nói xấu chế độ” thì không những không thể lành mạnh không gian mạng mà còn phương hại đến kinh tế, đánh mất cơ hội của dân chúng và làm mờ mịt hơn tương lai đất nước.
Thật ảo tưởng khi định góp ý với những người soạn thảo những kiến thức căn bản về luật pháp, về quyền tài sản [trên nền tảng số] của người dân, về ranh giới quan hệ hành chính, quan hệ dân sự.
Không hề đánh giá tác động chính sách lên hệ sinh thái số mà người dân, doanh nghiệp đang làm ăn, kinh doanh, không chỉ trong nước mà cả với thế giới, những người “dự thảo” chỉ nhăm nhe khai quật những công cụ như của “thời kỳ đồ đá” để buộc các nền tảng công nghệ gỡ bài, để dễ xâm nhập vào tài khoản của công dân mạng.
Tướng Nguyễn Mạnh Hùng không nhận ra điều khác biệt [trong di sản] giữa ông và những người tiền nhiệm trong ngành viễn thông. Họ có thể không trực tiếp sản xuất tên lửa hay dựng nên Viettel. Họ tạo điều kiện để ông tạo ra Viettel. Họ xả thân để cạy cửa, đục bỏ những đoạn tường mục, để dân chúng trong các thành trì có thể bước ra thay vì nỗ lực bịt lại những lỗ thông hơi trong cái thành trì ấy.
Họ mở ra còn ông thì loay hoay nhốt lại.
Ông Hùng cho thấy rất rõ sai lầm, rủi ro của việc đưa hai ngành phát triển công nghệ thông tin với kiểm soát báo chí vào một “tay”.
Tôi tin là khi quyết định kết nối Việt Nam với phần còn lại của thế giới, các nhà lãnh đạo không hình dung hết mức độ dữ dội của internet như nó đã diễn ra. Nhưng, nhìn lại sau gần ba thập niên internet, cả chính quyền và người dân đều trưởng thành hơn chứ không hề suy yếu đi.
Nhìn từ góc độ cá nhân, cho dù luôn bị tấn công mạng, những điều tốt đẹp mà một thường dân như tôi nhận được luôn nhiều hơn những điều xấu xa, bịa đặt.
Quyền được thông tin và thông tin của người dân là cốt lõi để một quốc gia thịnh vượng. Làm chính sách thì đừng nghĩ tới việc có thể hưởng lợi từ đấy các thứ “quyền rơm…” do mình cài cắm vào. Ai cũng có lúc về hưu. Một ông bộ trưởng thông tin phải lấy làm xấu hổ khi đi ép Youtube, Facebook chặn tài khoản, gỡ thông tin… chứ không phải trưng chúng ra như thành tích.
Cũng không phải là những cái vỗ vai của cấp trên hay những lời cám ơn của quan lại đồng triều khi giúp họ gỡ bỏ vài thông tin khó chịu. Rồi có ngày anh phải thu lu trong phòng lặng, không vâng dạ, không thưa gửi, một mình đối diện với di sản của mình.
Ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, có một cái giếng cổ. Năm 2021, có một đoàn làm phim về đã tự ý tô trát và vẽ một cách rất “đồng cốt” lên thành giếng để quay phim. Theo người dân ở đây, sau khi báo chí phản ánh, các chuyên gia bảo tồn của Nhật đã tức tốc quay lại đưa ra các phương án khôi phục. Nhưng, đại diện nhân dân ở đó nói thôi, sự phá hoại ấy cũng là một chứng tích.
Quyết định của dân làng Mông Phụ làm tôi nhớ, người Đức sau Thế chiến thứ II cũng đã không xóa những dòng chữ mà Hồng quân viết bậy lên nhà Quốc hội. Đấy cũng là lịch sử. Chỉ là, nên có một cái bia đá ghi tên của Đoàn làm phim và người ra quyết định lòe loẹt hóa cái giếng ấy.
Không biết Mông Phụ rồi có làm bia đá không nhưng chắc chắn những người dùng não trạng “1.0” làm chính sách can thiệp vào thời đại “4.0” sẽ được nhắc tên trên bia miệng.
Nhưng, đọc văn bản, thấy cái cách mà các nhà soạn thảo Nghị định 72 ở Bộ TT & TT đang tiếp cận thì bia đá hay bia miệng, với họ, không phải là vấn đề.
Với đất nước mới là vấn đề.
Chắc chắn đã và sẽ có thêm không ít kẻ khai thác không gian số để “nói xấu Đảng và lãnh đạo”; nhưng không gian số còn là nơi làm ăn kinh doanh của người Việt Nam, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả với toàn cầu. Do đó, không thể coi đây là chuyện “nội bộ” của Bộ TT & TT. Hy vọng, Thủ tướng, các lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành sẽ không để cho những “bộ óc 1.0” làm phương hại tới lợi ích của người dân, phương hại tới tương lai đất nước.
Trương Huy San
No comments:
Post a Comment