Bi kịch của triết gia Trần Đức Thảo
Cách đây 30 năm, ngày 28-4-1993, trước linh cửu của giáo sư Trần Đức Thảo, Trịnh Ngọc Thái, Đại sứ của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Paris, đã đọc một thông báo vừa được Hà Nội gửi qua, nguyên văn như sau:
“Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Tổng hợp cùng di quyến thương tiếc loan tin: Giáo sư Thạc sĩ Trần Đức Thảo sinh năm 1917 tại xã Phong Tháp, Từ Sơn, Hà Bắc, nguyên Đại diện Việt kiều tại Pháp, Ủy viên ban Liên viện Paris, thành viên ban Phụ trách Nghiên cứu Sử Địa, giáo sư Trường Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên viên cấp cao của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Huân chương Độc lập hạng nhì, đã nghỉ hưu, sau một thời gian lâm bệnh đã được Đại sứ nước ta tại Pháp tận tình chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, đã từ trần vào lúc 8 giờ 10 phút, giờ Paris tại bệnh viện Broussais Paris, hưởng thọ 76 tuổi. Lễ hỏa táng tại Paris ngày 28-4-93, lễ truy điệu giáo sư Thạc sĩ Trần Đức Thảo được cử hành lúc 10 giờ ngày 28-4-93 tại giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”.
Giáo sư Trần Đức Thảo là một nhà triết học nổi tiếng của Việt Nam. Theo cuốn “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”, học giả Hoàng Văn Chí kể rằng: Trần Đức Thảo là con cụ Trần Đức Tiến, một tiểu công chức tòng sự tại sở Bưu Điện Hà Nội. Lúc còn trẻ học ở Lycée Albert Sarraut, ông hết sức thông minh. Các thầy dạy ông, nhất là giáo sư Ner, đã phải kêu lên là không chấm nổi bài của ông. Ông đậu tú tài Pháp ban Triết học năm 1935. Năm sau, ông đậu đầu trong kỳ thi vào Trường Sư phạm École Normale Supérieure của Pháp. Sau đó, ông tốt nghiệp thạc sĩ Triết học và dạy tại Đại học Sorbonne.
Lúc đầu ông theo chủ nghĩa hiện sinh của Jean-Paul Sartre, nhưng từ năm 1946, ông thiên về chủ nghĩa Marx và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết: “Tôi là người nghiên cứu về chủ nghĩa Marx; tôi không phải là người Cộng sản, tôi không hề xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam” (khi ấy gọi là Đảng Cộng sản Đông Dương).
Trần Đức Thảo là một người yêu nước. Năm 1945, khi thực dân Pháp chuẩn bị trở lại Đông Dương, trong một cuộc họp báo, một ký giả Pháp đã hỏi ông:
“Nếu mai đây quân đội Pháp trở lại Đông Dương thì họ sẽ được dân chúng Đông Dương đón tiếp ra sao?” Ông đã trả lời không do dự: “Bằng những phát súng”.
Câu trả lời trên đã nói lên tâm tư của ông đối với đất nước và đã trở thành hiện thực. Quân đội Pháp đã phải đối đầu với cuộc kháng chiến của toàn dân Việt Nam, mở đầu với những phát súng ngày 23-9-1945 tại Sài gòn
Nhưng cũng vì câu trả lời này mà ông và một số thân hữu đã bị chính quyền của De Gaule bắt giam vào khám lớn La Santé trong 3 tháng. Khi còn trong tù, ông đã viết một bài báo có nhan đề “Về vấn đề Đông Dương” gửi đăng trên tạp chí Les Temps Modernes số ra tháng 2 năm 1946).
Năm 1950, dư luận đặc biệt chú ý tới 5 buổi tranh luận giữa Jean-Paul Sartre và Trần Đức Thảo. Cuộc tranh luận giữa hai triết gia nổi tiếng này đã được thỏa thuận trước là sẽ ghi lại và xuất bản, theo nguyên văn cuộc tranh luận giữa hai người, nhưng cuộc tranh luận đã đi đến chỗ gay gắt vì những bất đồng ý kiến quá sâu sắc. Việc xuất bản do đó bị ngưng lại và đưa đến việc thưa kiện giữa hai người. Vụ thưa kiện đang được tòa án thụ lý thì Trần Đức Thảo quyết định về nước trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Vì theo ông: “… Chiến tranh đã bùng nổ ngày càng căng thẳng… thế nên sau nhiều đêm suy nghĩ đắn đo, tôi quyết định bỏ hết để đi về”. Và ông đã về thật, bỏ hết quyền lợi vật chất và danh vọng. Những bạn bè thân thiết cho đây là một quyết định sai lầm vì liệu một nhà nghiên cứu triết học sẽ làm được gì trong bưng biền kháng chiến. Ông cũng đã nghĩ đến điều đó và ông tâm sự: “Nếu chuyến trở về này mà không làm được gì thì cuộc đời tôi kể như chết từ hôm nay”. Ông rời Paris đi Prague, thủ đô Tiệp Khắc, qua Moscow, Bắc Kinh, về Việt Bắc. Đó là thời điểm cuối năm 1951.
Nhà văn Tô Hoài kể về những ngày đầu của Trần Đức Thảo ở Việt Bắc:
“… Trần Đức Thảo ở Pháp về Việt Bắc… Trần Đức Thảo còn viết cả bài quy định giai cấp tiểu thương, tiểu chủ cho các nhân vật Thúc Sinh, Mã Giám Sinh trong Truyện Kiều. Trần Đức Thảo hồn nhiên, hăng hái bằng các sinh hoạt của anh lúc ấy. Thảo đem cho hết đồ Tây, Thảo mặc áo nâu, đi chân đất. Chúng tôi ngủ không màn, mặc dầu chúng tôi ở rừng đầu sông Lô, đêm đến muỗi nhiều như trấu. “Về muộn mà, tớ phải luyện tập gian khổ cho kịp với các cậu”. Trần Đức Thảo nói đứng đắn thế. Chẳng bao lâu, Thảo lăn đùng ra sốt rét xanh tái…” (Tô Hoài, Cát Bụi Chân Ai).
Nhưng cũng trong lúc đó, ông cũng choáng váng trước “hiện thực Marxist” mà ông tiếp xúc lần đầu tiên. Ông được giao cho những công tác lặt vặt và trái với chuyên môn. Năm 1953, ông được giao việc dịch các bài nói, bài viết của ông Trường Chinh, người lúc ấy đang được coi là lý thuyết gia số một của Đảng Cộng sản Đông Dương. Và cũng từ mùa hè 1953, ông trực tiếp tham gia cuộc “chỉnh huấn” dưới sự cố vấn của các cán bộ Trung Quốc. Quan điểm thịnh hành lúc bấy giờ của cuộc “chỉnh huấn” và “cải cách ruộng đất” ở vùng do Việt Minh kiểm soát là quan điểm hoàn toàn Maoist, rập khuôn Trung Quốc.
Về Hà Nội, Trần Đức Thảo được cử giữ chức Chủ nhiệm khoa Sử trường Đại học Hà Nội. Cuối năm 1956, một người trong nhóm “Nhân văn” là Nguyễn Hữu Đang (người đã dựng lễ đài Độc Lập tại Hà Nội năm 1945) đến gặp Trần Đức Thảo và nhờ ông viết bài. Ông nhận lời, và trên báo Nhân văn số 3, ngày 15-10-1956, có bài viết của ông có nhan đề “Nỗ lực phát triển Tự do, Dân chủ”. Tiếp theo đó là bài “Nội dung Xã hội và hình thức Tự do” trên “Giai phẩm mùa Đông”. Hai bài viết có tác dụng như hai quả bom nổ giữa lòng Hà Nội. Ngay lập tức ông bị cách chức, bị kiểm điểm cùng với tất cả những ai có liên quan đến “Nhân văn” và “Giai phẩm mùa Đông” như Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trương Tửu, Lê Đạt… Trần Đức Thảo nói riêng và nhóm “Nhân văn – Giai phẩm”.
Phạm Huy Thông, một trong những trí thức hàng đầu của miền Bắc lúc bấy giờ, đã viết bài: “Một triết gia phản bội chân lý: Trần Đức Thảo” đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 4-5-1958, lúc cuộc đấu tố bước vào thời kỳ cao điểm: “… Thật ra thành tích học thuật cũng như thành tích chính trị của Thảo ở Pháp trước đây, nhìn lại toàn là những thành tích bất hảo. Mất gốc rễ dân tộc, Thảo chỉ say mê với văn học Hy Lạp, với triết học duy tâm từ Platon đến Hegel với những phương pháp suy luận trừu tượng, hình thức. Trở nên môn đệ của Jean-Paul Sartre, Thảo đã tham gia những hoạt động văn hóa và chính trị phản động của nhóm Les Temps Modernes, do Sartre chỉ huy, nêu cao thuyết “hiện sinh– một thuyết phản động về triết học và chính trị, chủ yếu nhằm chống lại phong trào Cộng sản ở các nước phương Tây. Dưới chiêu bài hiện sinh, người ta thấy tập hợp đủ mọi hạng phá hoại, Tờ-rốt-kít vô chính phủ cùng mọi cở sa đọa về chính trị…” Nhưng nhà trí thức Phạm Huy Thông, một người từng du học ở Pháp, đã không dừng lại ở đó:
“… Ngay từ năm 1945, Thảo công kích những người đem tư tưởng Marxist truyền bá cho kiều bào, công nhân, cho rằng công nhân không có văn hóa, không tiếp thu được hay tiếp thu một cách máy móc thì nguy hiểm… Thảo phỉ báng chính sách ngoại giao của ta mà Thảo cho là đầu hàng, phản bội. Nói về Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946, Thảo đã phụ họa với bè lũ Tơ-rốt-kít chống lại chính phủ của ta và đã thốt ra những lời thóa mạ thô bỉ, rất hỗn xược đối với các lãnh tụ của ta… Bọn Tơ-rốt-kít đã có lần gây một vụ đổ máu thê thảm ở trại Ma-đát gần Marseille để đe dọa những kiều bào ủng hộ kháng chiến, khiến hàng chục kiều bào thiệt mạng, hàng trăm kiều bào bị tàn phế, thương tật. Nhiều người đã lên tiếng nói rằng không phải Thảo không có trách nhiệm gì trong vụ khiêu khích bẩn thỉu này…”
Sau khi nói xấu Trần Đức Thảo đủ điều, Phạm Huy Thông xoay ra “chụp mũ, quy kết chính trị” ông:
“… Mùa thu 1956, tưởng thời cơ đã đến. Từ số 3 trở đi, báo Nhân văn chuyển hướng sang chính trị một cách rõ rệt. Bài “Nỗ lực phát triển tự do, dân chủ” của Trần Đức Thảo được đăng trong số báo ấy, mở đầu cho sự chuyển hướng và được nhóm Nhân văn coi như cương lĩnh của mình… Trần Đức Thảo ở trong đại học và ở ngoài đại học lúc nào cũng lớn tiếng đòi trả chuyên môn cho chuyên môn, đòi trục xuất chính trị ra khỏi chuyên môn… Qua thư của Hoàng Cầm và nhiều tài liệu khác nữa, cho thấy đường lối chính trị của nhóm Nhân văn là do Trần Đức Thảo trực tiếp và chủ yếu vạch ra…”
Tố Hữu, người chỉ đạo công tác tư tưởng và văn hóa, văn nghệ thời bấy giờ, đã nhiều lần nhắc đến tên Trần Đức Thảo: “… Chúng vu khống Đảng ta là ‘chủ nghĩa Cộng sản phong kiến’ bóp nghẹt tự do, chúng vu khống những người Cộng sản là ‘người khổng lồ không tim’ chà đạp con người… xuyên tạc những quan hệ giai cấp trong xã hội, Trần Đức Thảo cũng đã cố tạo thế đối lập giữa lãnh đạo ‘kìm hãm tự do’ và quần chúng lao động ‘đòi tự do’… Tất cả những luận điệu của chúng rõ ràng không nhằm mục đích nào khác là chống lại lợi ích của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, kích thích chủ nghĩa cá nhân thối nát, tạo nên miếng đất tốt cho những hoạt động khiêu khích, phá hoại của chúng, hòng làm thất bại cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc…” (Tố Hữu, Báo cáo tổng kết cuộc tranh đấu chống nhóm phá hoại “Nhân văn – Giai phẩm” trong Hội nghị Ban chấp hành Hội Liên Hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam lần thứ III tại Hà Nội ngày 4-6-1958).
Đó không phải là lần nhắc đến tên Trần Đức Thảo duy nhất trong bài nói của Tố Hữu. Ở một đoạn khác, Tố Hữu nói:
“… Trần Đức Thảo cố bịa ra cái “hạt nhân duy lý”, là một hỏa mù cốt để xóa nhòa ranh giới giữa cái đúng và cái sai, giữa cách mạng và phản cách mạng…”
Và cuối cùng, Tố Hữu kết luận: “… Lấy đường lối văn nghệ của Đảng Lao động Việt Nam làm vũ khí chiến đấu, giới văn nghệ chúng ta hãy tiến lên tiêu diệt tận gốc đường lối văn nghệ phản động của nhóm Nhân văn – Giai phẩm”.
Số phận của nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” đã được định đoạt: mất quyền công dân, bị tuớc đoạt tất cả, bị cưỡng bức lao động ở một vùng quê. Nhiều năm sau, Trần Đức Thảo mới được trở lại Hà Nội, sống nghèo nàn với tài sản đắt giá nhất là một chiếc xe đạp cũ kỹ. Vợ ông, tiến sĩ Tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Nhất, đã ly dị ông để kết hôn với Nguyễn Khắc Viện, một người bạn thân của ông ở Pháp.
Trần Đức Thảo đã sống trong tăm tối, nghèo khổ cùng cực trong 30 năm. Sau khi ông Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền và đưa ra chính sách Đổi mới năm 1986, Trần Đức Thảo mới được viết trở lại. Lúc này ông đã già. Năm 1991, ông được cho qua Pháp ngắn hạn. Hết hạn, ông vẫn ở lại, sống vô cùng túng quẫn. Bị cúp tiền, ông lén nấu ăn lấy thì bị cúp gas, cúp điện. Thấy vậy, Hội Những Nhà khoa học Pháp (Société des Hommes de Sciences) để tỏ lòng ngưỡng mộ đã quyết định trợ cấp cho ông vô hạn định mỗi tháng 10.000 franc (2.000 USD). Nhưng ông vừa nhận được tấm ngân phiếu đầu tiên vào ngày hôm trước thì hôm sau ông qua đời (theo “Trần Đức Thảo, một trí thức lầm đường”).
Copy từ FB-Huỳnh Xuân Lộc
No comments:
Post a Comment