Tuesday, October 3, 2023

Con đường dẫn đến giải thưởng Nobel

 GIẢI NOBEL CHO NỮ KHOA HỌC GIA ĐÃ GÓP PHẦN "CỨU VÃN NHÂN LOẠI"

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao Giải thưởng Nobel về Sinh lý học/ Y học năm 2023 cho GS. Karikó Katalin cùng đồng nghiệp của bà, GS. Drew Weissman người Mỹ, vì đã tạo ra nền tảng y học dựa trên công nghệ mRNA, cho phép phát triển nhanh chóng và ứng dụng trong thực tế các vaccine mới, như vaccine kháng lại virus Corona.

Nhà nghiên cứu người Hungary 68 tuổi, sống và làm việc tại Mỹ từ năm 1985, đã nhiều lần gặp những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua tại quê hương Hungary và "vùng đất mới" Hoa Kỳ, nhưng vẫn luôn kiên định với đề tài nghiên cứu của mình, đã chính thức ghi tên mình vào lịch sử khoa học.

Sau GS. Szent-Györgyi Albert ("cha đẻ" của vitamin C, 1937) és Kertész Imre (văn hào khắc họa một cách "thần sầu" thảm cảnh Holocaust, 2002), GS. Karikó Katalin là người thứ ba nhận được giải thưởng khoa học danh giá này trên cương vị công dân Hungary, đồng thời bà cũng là phụ nữ Hung đầu tiên đoạt giải Nobel.

Thư ký Ủy ban Nobel, ông Thomas Perlmann, cho biết ông đã có dịp nói chuyện với cả hai nhà nghiên cứu qua điện thoại trước khi thông báo quyết định lịch sử này. Cả hai tân khôi nguyên của Giải Nobel Sinh lý học/ Y học đều không khỏi xúc động, và rất vui vẻ nhận giải. Trong trao đổi, bà Karikó Katalin kể lại có những khoảnh khắc kịch tính trong sự nghiệp nghiên cứu của bà, trong số có khoảnh khắc bà chuyển từ Mỹ sang Đức vào năm 2010.

Cách đây vài năm, tên tuổi của GS. Karikó Katalin thậm chí còn không được nhiều người biết đến ngoài các đồng nghiệp trong chuyên môn hẹp của bà, nhưng đến năm 2021, bà đã trở thành một biểu tượng toàn cầu khi các loại vaccine "thế hệ mới" dựa trên nền tảng công nghệ mRNA được nhắc đến trên cửa miệng người dân toàn thế giới trong cơn bão của đại dịch Covid-19.

Kể từ đó, càng ngày bà càng nhận được nhiều giải thưởng khoa học danh giá liên tiếp, trong số đó phải kể đến hàng loạt giải thường được ví như "sân trước" của Giải Nobel, như Giải Horwitz của Đại học Columbia (giải thưởng khoa học danh giá nhất nước Mỹ), Giải Albany, Giải Breakthrough với số tiền thưởng cao nhất, hay Giải Lasker được trao cho những phát triển trong lĩnh vực lâm sàng.

Chính vì vậy, GS. Karikó Katalin và GS. Drew Weissman đã là các ứng cử viên sáng giá cho hai giải Nobel về Sinh lý học/ Y học và Hóa học ngay từ năm 2021, khi các vaccine ngừa virus Corona dựa trên công nghệ mRNA trở nên phổ biến, và trong năm sau đó, 2022. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là liệu Ủyban Nobel, thường là khá bảo thủ, có chấp nhận ngoại lệ trong trường hợp này hay không.

Bởi lẽ, mặc dù ý tưởng ban đầu của Alfred Nobel là công nhận những thành tựu khoa học vĩ đại nhất của năm trước, nhưng trên thực tế, Ủy ban Nobel thích chờ đợi hàng chục năm - thậm chí nhiều thập kỷ - hơn là trao ngay những giải thưởng được coi là cao quý nhất của đời sống khoa học. Không ai biết liệu lần này, sẽ có ngoại lệ hay không vì tác động xã hội đáng kể, cũng như những triển vọng khoa học to lớn được mở ra bởi phát kiến mRNA.

Chỉ chờ 3 năm để tưởng thưởng một công trình khoa học từng góp phần "cứu vãn nhân loại" theo nhận định của truyền thông quốc tế, là ngoại lệ của Ủy ban Nobel, và đây là điều có thể hiểu được. Những năm tháng đại dịch đặt ra thách thức chưa từng có đối với khoa học quốc tế, và việc phát triển nhanh chóng vaccine kháng virus Corona là một thành công lớn lao, cho dù không thể chấm dứt ngay lập tức dịch bệnh.

Bên cạnh những thử thách như sức khỏe toàn cầu và khôi phục cuộc sống bình thường, uy tín của khoa học đã bị đe dọa ghê gớm trong thời đại tràn lan những thông tin thất thiệt, phản khoa học, và cả thế giới theo dõi tin tức về vaccine với sự hồi hộp và quan tâm mà có lẽ trước đây chưa từng có. Đột phá khoa học, nền tảng của loại vaccine mới đã được tạo ra nhờ nghiên cứu bền bỉ trong vài chục năm trước đó của GS. Karikó Katalin.

Cho dù vaccine "thế hệ mới" kháng virus Corona hẳn nhiên là một lý do khiến GS. Karikó Katalin "đăng quang" lần này, nhưng sự công nhận của Ủy ban Nobel không chỉ nhờ vaccine mà còn vì nữ khoa học gia đã đặt nền móng cho việc ứng dụng rộng rãi công nghệ mRNA vào dược phẩm. Bản thân bà Karikó Katalin, mặc dù được trao giải Nobel ở hạng mục Sinh lý học, Y học, nhưng trước hết vẫn coi mình là một nhà hóa học:

“Bây giờ đột nhiên mọi người đều trở thành những nhà dịch tễ học, nhưng tôi thì không. Tôi là một nhà hóa sinh hiểu rõ về mRNA”, bà từng phát biểu với mạng telex.hu vào tháng 5/2021, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành dữ dội. Và Giải Nobel lần này là phần thưởng xứng đáng cho chặng đường dài 47 năm, từ khi Karikó Katalin nghe lần đầu về khả năng ứng dụng trong y tế của công nghệ mRNA khi đang là sinh viên tại Đại học Tổng hợp Szeged.

Trong quãng thời gian gần nửa thế kỷ ấy, GS. Karikó Katalin đã không biết bao nhiêu lần phải đối mặt với những cay đắng, nghiệt ngã của công việc nghiên cứu khoa học, khi bà bị sa thải, bị giảm lương (có những lúc, lương ở labor của bà không bằng lương người lao động ở tiệm ăn nhanh McDonalds), bị cười cợt, khinh thị, coi thường khi hầu như không ai tin vào tương lai của phát kiến của bà.

Tròn 10 năm trước, Karikó Katalin đã có một quyết định "để đời". Sau khi đơn xin lại vị trí làm việc tại Đại học Philadelphia (nơi trước đó bà bị cho thôi việc) bị từ chối với lý do bà... chưa đạt trình độ đại học, năm 2013, bà đã trở lại Châu Âu, đầu quân cho BioNTech, một công ty bị coi là vô danh ở Đức - do nhà miễn dịch học người Thổ Nhĩ Kỳ Uğur Şahin đứng đầu - và bị chế nhạo vì đến một trang chủ tử tế cũng chưa có.

“Sự thừa nhận, như mọi người đều biết, không hiện diện trong cuộc sống của tôi, nhưng nó không khiến tôi bận tâm nhiều đến thế. Tôi đã có khoảng thời gian thực sự vui vẻ khi không được thừa nhận, rằng điều tôi làm là quan trọng. Tôi giống như Cassandra, có thể nhìn thấy tương lai nhưng không làm sao thuyết phục người khác về điều đó", bà chia sẻ với một ký giả, đồng thời là bạn học cũ, tháng 3/2022.

Thế giới sẽ còn nhớ đến thời điểm lịch sử 8/11/2020, khi giới khoa học chứng tỏ được rằng vaccine "thế hệ mới" trên cơ sở công nghệ mRNA - sản phẩm của 2 công ty BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) có tác dụng kháng virus Corona -, GS. Karikó Katalin đã "ăn mừng" với một gói sô-cô-la nhân lạc. "Nếu ở lại Hungary, có lẽ chúng tôi sẽ trở thành những nhà nghiên cứu tầm thường, hay phàn nàn", bà tâm sự.

"Có lẽ chúng tôi đã sáng tạo được nhiều hơn (ở nước ngoài) vì cuộc sống của chúng tôi là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để sinh tồn và được công nhận", cuộc đời và sự nghiệp của GS. Karikó có thể là một tấm gương và truyền cảm hứng cho những ai muốn đạt được thành quả lớn lao, bất kể trong lĩnh vực gì và từ xuất phát điểm ra sao!

*

Cá nhân mình đã qua 2 năm chờ đợi, cứ đúng vào đầu tháng Mười, cho tin vui này. Hôm 20/10 vừa qua, mình có nhắn tin hẹn bà sẽ gặp gỡ trong buổi ra mắt cuốn hồi ký (hay tự truyện) về cuộc đời bà sẽ diễn ra vài hôm nữa, và nói vui "và lại một tháng Mười nữa đến...". Bà thả tim, nhưng thật tình mình không nghĩ đến chiến thắng lần này của bà như là trong 2 năm qua. Ủy ban Nobel thường có những quyết định "không ai ngờ được"!

Nhưng rốt cục, cái gì cần đến, theo mình, đã đến. Chúc mừng bà Kati, chúc mừng nước Hung, dân Hung!

Nguyễn Hoàng Linh

No comments:

Post a Comment