TẠI SAO VẪN CỨ CỐ "SỐNG CHUNG?"
Trong thời đại thông tin, ngày càng nhiều những chuyện gây ra tình trạng ''bỏ thì thương, vương thì tội'', rất khó xử được phát hiện và công khai rộng rãi. Tuy nhiên điều kì lạ nhất mà tôi nhận thấy là rất nhiều trong số những người trong tình trạng này vẫn chấp nhận muốn ở lại với mối quan hệ tồi tệ?
Khi phỏng vấn những người này, tôi nhận thấy một lý do chung nhất là: Họ không muốn đối mặt với nỗi đau khi phải chia tay người từng là người thân yêu của mình.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng khiến ta cảm thấy đau lòng khi rời xa người thân thuộc, tác động tâm lý của NHU CẦU GẮN BÓ là một yếu tố lớn trong số đó.
Nhu cầu gắn bó là bản năng tự nhiên và sơ khai của con người, nó thôi thúc ta thiết lập những mối quan hệ mật thiết nhằm tìm kiếm sự thỏa mãn về tình cảm và cảm giác an toàn – bao gồm cả quan hệ giữa cha mẹ con cái, vợ chồng, người yêu, bạn tri kỷ… Nhu cầu gắn bó giống như uống nước khi khát và ăn khi đói vậy, con người chúng ta đã được “lập trình” sẵn các bản năng sinh học cơ bản này từ khi mới chào đời.
Bên cạnh bản năng gắn bó, con người còn có bản năng trốn tránh. Bản năng này giúp chúng ta đảm bảo sinh tồn bằng cách né tránh những đau đớn, hiểm nguy. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cho thấy bản năng gắn bó có mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bản năng trốn tránh. Do đó, con người sẽ ưu tiên thỏa mãn bản năng gắn bó hơn so với bản năng né tránh.
Về bản chất, mối quan hệ gắn bó giữa nạn nhân và người gây ra sự tổn thương cũng có phần tương đồng với trẻ em bị cha mẹ ngược đãi. Những đứa trẻ sẽ không thể tự chọn cách rời xa cha mẹ nếu không có người thân khác thay thế (ví dụ như ông bà, họ hàng, người mà bé rất tin yêu). Trong khi đó, nếu trẻ có nhiều mối quan hệ thân thiết khác khiến trẻ yên tâm hơn – chẳng hạn như trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đập dã man, nhưng lại có ông bà rất thương yêu và chăm sóc cháu, trẻ sẽ chấp nhận (và muốn) ở bên ông bà.
Tương tự như vậy, những người cô đơn bị tổn thương thường tự nhủ: “Anh ấy sẽ thay đổi”, “Dù đau đớn nhưng tôi vẫn muốn ở bên cô ấy”, “Cô ấy còn rất nhiều điểm tốt”… Người ngoài nhìn vào thì thấy họ thật mù quáng. Thực chất, lúc này nạn nhân cũng giống những đứa trẻ bị cha mẹ ngược đãi mà vẫn chọn ở với cha mẹ vậy: bản năng sinh học đang thúc đẩy họ ưu tiên thỏa mãn cho bản năng gắn bó thay vì bản năng trốn chạy.
Nếu một người có nhiều mối quan hệ thân thuộc, nhiều chỗ dựa tinh thần, thì khi mất đi người yêu, họ vẫn có thể tìm đến bạn bè, gia đình… để chia sẻ và giảm thiểu tác động tiêu cực của bản năng gắn bó, nhanh chóng thích nghi với khoảng thời gian hậu chia tay nhờ các đối tượng gắn bó khác. Tuy nhiên, đối với những người không có nhiều mối quan hệ, họ phải chịu đựng sự cô đơn và gặm nhấm tổn thương một mình. Mất đi chỗ dựa tinh thần duy nhất, cả thế giới của họ như tan vỡ. Vì chỉ có người yêu là đối tượng gắn bó, không tìm được ai khác ở bên, nên dù đối phương có tồi tệ thì họ cũng vẫn cố bám trụ dẫu trong tiềm thức, họ biết rất rõ mình nên rời đi.
Ông Hứa Tiêu – Thạc sĩ Tâm lý học sức khỏe trực thuộc Viện Khoa học Tâm lý Trung Quốc từng đưa ra lời khuyên: “Tổn thương thể chất dễ thấy và dễ lành, nhưng tổn thương tâm lý thì chẳng ai thấy được. Những tổn thương ấy dần đầu độc nhân cách, suy nghĩ, lối sống của con người, tác động tiêu cực của chúng có thể kéo dài mãi mãi. Vì vậy, mỗi khi tình yêu tan vỡ, việc chia ly giống như một nhát đâm vào vết sẹo trong tâm hồn ta, khiến vết thương lại đau đớn, nhức nhối khôn nguôi.
Cách duy nhất để bước ra khỏi những mối quan hệ đầy độc hại này là ta phải tạo dựng được nhiều mối quan hệ lành mạnh, thân thiết khác xung quanh mình.”
Bạn thân mến, tôi hy vọng rằng mỗi con đường bạn đi đều suôn sẻ, mỗi người bạn gặp trên đời đều là người tốt, mỗi ngày của bạn đều yên vui. Mong rằng bạn có thật nhiều mối quan hệ thân thiết xung quanh, đủ để mỗi khi gặp người đối xử tệ với mình, bạn sẽ không bao giờ phải cân nhắc về việc nên rời đi hay ở lại.
CHUYỆN TÂM LÝ TRONG PHÒNG PHÁP LÝ
No comments:
Post a Comment