Wednesday, September 6, 2017

Thiên văn học (3)

Thời Trung cổ

Thiên văn học của người Hồi giáo


Sau khi Vương quốc Hồi giáo Ả Rập hình thành và mở rộng lãnh thổ vào thế kỷ 8, thế kỷ 9, người Hồi giáo đã tiếp thu những thành tựu của nền văn hoá Byzantine, nơi gìn giữ tinh hoa của khoa học Hy Lạp cổ đại. Ngoài ra, họ còn tiếp cận kho tàng văn hoá, khoa học cổ đại thông qua Ấn Độ. Dưới triều đại của vua Al-Ma'mun (trị vì từ 813 đến 833), người ta đã xây dựng ở Baghdad một Viện Hàn lâm khoa học và một đài quan trắc thiên văn. Việc nhà bác học Thabit Ibn Kura (806 - 901) dịch tác phẩm đồ sộ của Ptolemy và đổi tên nó thành "Almagest" đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu thiên văn học của người Ả Rập. Từ cuối thế kỷ 10, đã hình thành những trung tâm khoa học trong thế giới Hồi giáo. Một "Nhà Tri thức" và một đài quan trắc trực thuộc triều đình được lập ra ở Cairo, nơi đây nhà thiên văn học Ibn Yunus (khoảng 950 - 1009) đã làm việc và để lại tác phẩm Hakimi Zij trong đó mô tả 40 trường hợp giao hội của các hành tinh và đưa ra bảng chuyển đổi giữa các loại lịch được dùng trong khu vực Trung Đông lúc bấy giờ... Tại Isfahan, nhà triết học, nhà thơ, nhà toán học đồng thời cũng là nhà thiên văn học Omar Khayyám (1048 - 1122) đã cùng một số nhà thiên văn học khác lập một đài quan trắc thiên văn lớn. Ông cũng đã cải cách lịch Hồi giáo thành Lịch Ba Tư, loại lịch mà sau một thời gian việc sử dụng bị gián đoạn khi những người Hồi giáo Chính thống nắm quyền ở Iran đã được dùng lại từ năm 1925. Độ dài của năm dương lịch được ông xác định là 365.24219858156 ngày, chính xác đến số thập phân thứ 6. Nền thiên văn học Hồi giáo mang đậm khuynh hướng quan trắc, họ đã học được cách chế tạo kính lục phân, kính tứ phân từ người Hy Lạp cũng như phát triển đĩa trắc cao thiên văn (astrolabe) để quan sát bầu trời.

Ngoài khu vực Trung Đông, vùng Trung Á cũng tồn tại những trung tâm thiên văn học của người Hồi giáo. Gazni (Afghanistan) là một trong số đó, nơi đây nhà bác học nổi tiếng Abū Rayhān al-Bīrūnī (973 - 1048) đã làm việc và để lại nhiều thành tựu. Di sản của nhà bách khoa này là gần 150 công trình nghiên cứu trong đó có hơn 40 tác phẩm về toán học và thiên văn học. Tác phẩm "Tường giải cơ sở của thiên văn học" và "Kitab al-Qanun al-Mas'udi" trình bày các bảng biểu thiên văn, danh mục các ngôi sao của ông hàng thế kỷ được dùng làm sách giáo khoa thiên văn chính trong thế giới Ả Rập. Ông cũng chế tạo một kính tứ phân với bán kính vòng cung 4m nhờ đó có thể nhìn thấy vị trí của Mặt Trời và các hành tinh với độ chính xác 2' đồng thời hoàn thiện kính trắc cao thiên văn, tính toán độ nghiêng của hoàng đạo so với xích đạo, ước lượng khoảng cách tối đa đến Mặt Trăng... Vào giữa thế kỷ 13, Marāgha một thành phố ở miền Bắc Iran cũng là một trung tâm thiên văn học, tại đây, nhà bác học Nasīr al-Dīn al-Tūsī (1201 - 1274) cùng các cộng sự đã làm việc tại đài thiên văn Rasad Khaneh xây dựng năm 1259. Trong số các dụng cụ quan trắc tại đây có chiếc kính tứ phân có bán kính vòng cung lên tới 6,5 m. Sau 12 năm lao động, ông đã lập được hệ thống bảng biểu về chuyển động của Mặt Trăng, Mặt Trời và các hành tinh đồng thời đưa ra danh mục các ngôi sao trong cuốn sách Zij-i ilkhani. Ở Samarkand (Uzbekistan), nhà thiên văn học Ulugh Beg (khoảng 1393/1394 - 1449) đã xây dựng một đài quan sát hình vòm có đường kính hơn 50 m và cao 35 m và chiếc kính lục phân Fakhri khổng lồ có bán kính của vòng cung tới hàng chục mét. Bản danh mục sao Zij-i Sultani của ông xuất bản năm 1437 mô tả vị trí của 992 ngôi sao, ông còn tính toán khá chính xác độ dài của 1 năm là 365 ngày 5 giờ 49 phút 15 giây.


Di tích đài thiên văn của Ulugh Beg tại Samarkand

Hình minh hoạ các pha của Mặt Trăngtrong tác phẩm Kitab al-Qanun al-Mas'udicủa Abū Rayhān al-Bīrūnī

Châu Âu


Thời Trung Cổ, châu Âu bận rộn tiến hành những cuộc thập tự chinh liên tiếp và miệt mài với giả kim thuật để biến kim loại thành vàng. Các học giả cũng hướng sang thế giới Ả Rập và những kiến thức thiên văn học được truyền bá ở châu Âu thông qua việc dịch thuật, biên soạn các tác phẩm từ tiếng Ả Rập sang tiếng Latin tạo tiền đề cho những bước phát triển có tính chất cách mạng trong giai đoạn Phục Hưng sau này. Johannes de Sacrobosco, trong tác phẩm De Sphaera đã trình bày những kiến thức cơ bản về hình học cầu mà cốt lõi là thiên văn toán học của Ptolemy cũng như những chú giải của các học giả Ả Rập. Một số người khác như Hermann of Reichenau... cũng tích cực chuyển tải những kiến thức khoa học nói chung cũng như hiểu biết, các dụng cụ thiên văn từ Ả Rập tới châu Âu. Cuối thế kỷ 14, trước Copernicus khoảng 200 năm, Nicole d' Oresme, trong một tác phẩm đã đi ngược lại quan điểm Trái Đất đứng yên của Aristotle và khẳng định nó chuyển động quay, tuy nhiên, ở cuối tác phẩm đó ông đã chối bỏ chính ý kiến của mình.

(còn nữa)
Wikipedia

2 comments:

  1. Chính các nhà thiên văn Arập đã sáng chế ra dụng cụ trắc địa - thiên văn vạn năng có tính cơ động, là đĩa trắc cao thiên văn. Không lâu sau đó, họ đã phát hiện sự không chuấn xác trong các bảng thiên văn của Ptoleme.

    (Bachkhoatrithuc.vn)

    ReplyDelete
  2. Và như thế, ở thời Trung CỔ, thế giới Arap đã đi trước Châu Âu về khoa học. Nếu không có những ảnh hưởng từ người Arap, có lẽ châu Âu còn phải chịu triền miên trong ngu tối lâu hơn.

    ReplyDelete