Wednesday, March 22, 2023

Động lực & Hành động

 Phép màu của động lực nội tại

Trong cuốn sách Sao ta làm điều ta làm, Edward L. Deci dùng bốn từ để thách thức những niềm tin truyền thống về sự kiểm soát: Động lực nội tại. Ông cho rằng động lực tốt nhất phải là thứ động lực được xuất phát từ bên trong một người; và chính sự tự thúc đẩy này (thay vì động lực thúc đẩy từ bên ngoài) mới là trung tâm của sáng tạo, trách nhiệm, hành vi lành mạnh và thay đổi lâu dài.

Đến đây, chúng ta cần tin tưởng vào một giả định: Con người không phải là những cỗ máy chờ được lập trình hay những kẻ man đã chờ được thuần hóa, mà là những sinh vật luôn khám phá, phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. “Không phải vì họ bị ép buộc làm vậy, mà vì điều đó nằm trong bản chất của họ”, Deci cho hay.

Sự công nhận này về con người (được phát triển bởi nhà tâm lý học trẻ em Jean Piaget và một vài nhà tâm lý học tiên phong khác), là điều mà Deci và các đồng sự đặt cược vào, và là khởi điểm cho hệ thống lý thuyết của ông xoay quanh động lực con người.

Giả định trên có nghĩa rằng ta sẽ không lo nhân viên lười biếng nếu họ được thoải mái làm việc; hay không phải lo trẻ con sẽ trở nên hư hỏng nếu ta để chúng được là chính mình. “Sự phát triển không phải là thứ gì đó mà thế giới xã hội cần thực hiện cho một đứa trẻ”, Deci nói, “hơn thế, nó là thứ đứa trẻ chủ động làm, với sự hỗ trợ và nuôi dưỡng của thế giới xã hội”.

Xét trên phương diện thực nghiệm, một nghiên cứu của Deci trên một nhóm sinh viên chỉ ra rằng các kiến thức được lưu giữ bền bỉ hơn khi không có bài kiểm tra. Hoặc một nghiên cứu khác về vẽ tranh cho thấy rằng những bức tranh sáng tạo nhất đến từ những đứa trẻ không bị kiểm soát về kết quả.

Trong cuốn sách, tác giả cũng dành nhiều thời lượng làm rõ rằng việc được tự do, là chính mình, không bị kiểm soát… thì không đi kèm với sự vị kỷ, đơn độc, hay vô trách nhiệm. Theo lý giải của ông, nếu một người tự chủ và được là chính mình theo nghĩa đích thực, thì họ cũng trở nên gắn kết, thân thuộc hơn với môi trường xung quanh; và các hành vi của họ cũng có trách nhiệm và tốt đẹp hơn.

Cũng trong cuốn sách, Edward L. Deci đã nỗ lực làm sáng tỏ nhiều câu hỏi phức tạp xoay quanh việc khơi gợi động lực nội tại, như: Làm sao ủng hộ sự tự chủ mà không dễ dãi? Làm sao thể đặt ra những giới hạn nhất định trong trường học, công sở… mà không khiến người khác cảm thấy bất mãn?

“Ủng hộ sự tự chủ có thể khó khăn hơn là ép buộc, vì nó cần nhiều nỗ lực và kỹ năng”, Deci viết. Chẳng hạn, để khơi gợi động lực nội tại, những nhà quản lý, phụ huynh, giáo viên, bác sĩ… cần phải có “một sự trung thực đến tột cùng”, những kỹ năng giao tiếp tinh tế và cần xem nhân viên, con cái, học sinh, bệnh nhân… như các cá nhân bình đẳng thay vì những kẻ dưới quyền.

Có thể nói, Sao ta làm điều ta làm là cuốn sách cần thiết cho những ai mong muốn khuyến khích hành vi tốt đẹp nơi người khác. Cuốn sách này cũng hữu ích cho mọi cá nhân, những ai muốn “định vị và neo chặt cái tôi đích thực của mình giữa những đợt thủy triều đầy cám dỗ và có tính cưỡng ép của văn hóa hiện đại”.

Cre: Zing.

 “Sao ta làm điều ta làm”: Cuốn sách tâm lý học dành cho những phụ huynh, quản lý, giáo viên… và bất cứ ai muốn nuôi dưỡng sự tự chủ, sự phát triển chân thật nơi bản thân mình và người khác. Quyển sách chứa đầy hy vọng này cho biết những gì chúng ta có thể làm cho chính mình, cho con cái, nhân viên, bệnh nhân, học sinh… - và rộng hơn là cho xã hội.

1 comment:

  1. Khi đã có động lực, điều cần làm là chuẩn bị biến mong muốn thành hành động (hạnh phúc sẽ thuộc về những ai ko từ bỏ mục đích đã chọn: để biến ước mơ trở thành sự thật, ko sống trong ảo tưởng)!

    ReplyDelete