Tiền máu
Một năm người Hà Tĩnh gửi về quê tiền quy đổi trị giá 4000 tỷ đồng nhờ lao động xuất khẩu. Một dòng kiều hối cực lớn. Người Hà Tĩnh đi theo con đường này cực kỳ nhiều. Và họ cũng là tỉnh có lượng lao động trốn lại các nước khác rất lớn. Nên nhiều quốc gia đã đưa tỉnh này vào diện cấm nhận lao động xuất khẩu.
Hà Tĩnh, cũng như Nghệ An, Quảng Bình đều là những tỉnh trong dạng này. Quê nghèo, đất chó ăn đá gà ăn sỏi. Một phần nhỏ thoát cảnh khổ vi học giỏi. Phần còn lại thay vì chấp nhận ở lại quê hương cày cuốc thì tha phương cầu thực. Bởi ở quê thì có gì đâu mà ăn. Hà Tĩnh có Formosa, có FLC, có cả cái dự án chăn bò chết dấp của anh Bắc Hà của BIDV, có mỏ sắt Thạch Khê đầu tư 10 năm mà bốc hơi 2000 tỷ.
Thế nên dân tìm mọi cách ra đi. Họ không đi trong nước mà đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Đi từ Lào, Thái, Hàn, Đài, Nhật cho tới Anh, Đức. Cái gì cũng làm, làm thật không ổn thì làm chui, trốn ở lại.
Mà họ đi từ 1995, mở màn là xã Cương Gián, cùng huyện Nghi Xuân quê cụ Nguyễn Du. Dân Cương Gián đi cả nhà, cả làng, cả dòng họ. Người Cương Gián 1 năm gửi về quê 400 tỷ, nhà xây chật đất, nguy nga bề thế . Vào xã trông như vào phố thị.
Nhưng chỉ cần nhìn Cương Gián là đủ hiểu. Xã này ở nhà chỉ còn toàn ông bà già và trẻ con. Người lớn đi cả, hoặc đi một nửa. Cả xã có 200 cặp ly hôn. Còn trẻ con bỏ buông đó, nhiều đứa suốt ngày chơi bồi lêu lổng vì cha mẹ đi xa, ông bà già quản không được, thày cô bảo không nghe.
Đó là chưa kể nạn những ai đi về, có ít tiền vênh vang chơi bài chơi bạc cho hết tiền. Nghĩa là tiền có nhưng tan nát gia đình, con cái hư hỏng, tệ nạn bài bạc hút sách có cả. Nhiều nhà thành ra bại hoại phong tục. Nhiều làng quê đánh mất cả đất lề quê thói cổ truyền hàng ngàn năm tử tế tốt đẹp.
Nhưng nghĩ sao bây giờ? Trong cái cuộc đua rùng rùng làm giàu này, những kẻ có thế lực ở địa phương, ở nơi khác tới chả khó khăn gì có trong tay hàng loạt miếng đất to và rộng. Rồi quan hệ đổi chác làm giàu tỷ tỷ từ tham nhũng. Ai yếu thế thì mất sạch sành sanh.
Vậy thì cỡ con dân mạt rệp, học hành chả tới đâu, bần cùng hay đơn giản là không chịu thua ai thì mắc mớ gì mà không lao vào cuộc đua kiếm tiền. Dù là kiếm tiền cả bằng nghề trồng cần sa ở Anh là nghề thất đức và phạm pháp. Tới mức biết khổ sở, gian lao, biết có thể đổi mạng mà vẫn đi không chùn bước, không sợ hãi.
Một số người ngồi máy lạnh làm kẻ cắp công khai một nhát cướp không hàng ngàn tỷ. Còn những người dân nghèo khổ , hay ở đáy cùng hoặc chỉ là kẻ quyết đua kiếm tiền bằng mọi giá thì lao rừng vượt biển, trốn trong thùng xe tải, xe container lấy mạng đổi lấy tiền. Nếu qua được đi trồng cỏ thì cả ngày nằm trong hầm tối. Tiếng là sống ở châu Âu mà không biết bên ngoài cái trại cỏ đó nó có cái gì. Chỉ hùng hục lao vào kiếm tiền để đua ganh với cuộc sống.
Đồng tiền xương máu
Bi kịch này biết tỏ cùng ai?
Nguyễn Thị Bích Hậu
2019 Oct 27
Về bi kịch xh hiện nay, tôi ko thể biết hơn để có thể viết một cách xác thực như thế này. Nếu có thể đăng từng cảnh khó, chắc chắn ko chỉ có thế...!
ReplyDeleteBui Thuc Yen: Vì đâu nên nỗi? Đâu rồi vùng địa linh nhân kiệt?
ReplyDeleteHoa Nguyen: Thật đau sót!
ReplyDeleteNhiều người ko mảy may thương xót đồng loại.
DeleteDù hoàn cảnh khác nhau nhưng những người vượt biên đều giống nhau ở chỗ phải bỏ xứ mà đi.
Những người may mắn, sẽ phải trả nợ. Số tiền mà họ và gia đình phải vay mượn. cầm cố mới có được. Số khác, nếu khá giả hơn thì phải kiếm sống ngay khi đặt chân đến được Anh hay 1 nước khác. Phải làm những chuyện phi pháp hay ko thì cũng như nhau vì đều là những người nhập cư bất hợp pháp cả.
Đó mới là bi kịch chung của người Việt.