Saturday, December 23, 2023

Tìm hiểu về thế giới nhà Phật

 PHẬT PHỐI NGẪU 

“Ấy vậy mà Phật giáo Nepal có tạo tác một pho tượng gây ra nhiều tranh cãi thị phi vì liên quan đến tính dục. Pho tượng Phật miêu tả một người nam và một người nữ ở tư thế làm tình, có nhiều lý giải rằng đó phương pháp tu đặc biệt của những bậc du già thượng thừa trên vùng Hy Mã Lạp Sơn, thông qua tính dục để đạt tới sự chứng đắc giác ngộ… Quả thật nhìn pho tượng này hầu hết mọi người đều phê phán nặng nề. Tôi thật sự không dám lạm bàn gì về pho tượng cũng như phương pháp tu thượng thừa của các bậc du già. Ở đây chỉ nói về phong cách nghệ thuật của pho tượng qủa là thật táo bạo, độc đáo, rất đặc biệt, rất hiếm có thể nói là pho tượng Phật độc nhất vô nhị trên thế giới này” (trích từ Steven Nguyên).

Tôi nhớ cách nay mấy ngày, tôi có đọc một bài viết của anh Steven Nguyễn giải thích sự khác biệt về hình tượng Phật của các tông phái Phật Giáo; đặc biệt có đề cập đến hình tượng “Phật phối ngẫu” (hai vị Phật nam nữ ôm nhau); nhưng tác giả không dám bàn đến vì sợ nhiều phật tử “ném đá” do nghĩ đây là bức tượng phỉ báng PG chăng? mặc dù ta vẫn thường thấy các chùa mật tông Tây Tạng hay Nepal đều có thờ hình ảnh vị Phật “phối ngẫu” trong các chùa mật tông với khói hương nghi ngút. Vì thế, tôi mạo muội viết vắn tắt về đề tài này dù biết là đề tài khá tế nhị được chỉ dạy trong giáo lý của Phật Giáo mật tông.

Tôi cảm ơn tác giả đã giải thích rõ ràng về các hình tượng khác nhau thờ cúng tại các chùa nam tông, bắc tông hay mật tông. Thông thường, cách thờ cúng trong chùa ở các quốc gia, các tông phái PG cũng khác. Thí dụ, chùa VN, TH có chánh điện thờ Phật Thích Ca, phía sau là phòng thờ cúng hương lịnh với tượng Địa Tạng Bồ Tát. Chùa nam tông có chánh điện thờ Phật Tích Ca; đặc biệt có thêm phòng “sima” (giới luật) để chư tăng cùng làm lễ sám hối, tụng giới mỗi tháng. Chùa mật tông có chánh điện thờ Phật có hình tướng hiền như Thích Ca, các vị tổ mật tông như Liên Hoa Sinh, Tống Lạt Ba; phía sau thờ các vị Phật mật tông có hình tướng dữ, nam hay nữ như Phật Heruka hay Phật nữ Vajrayogini hoặc là Phật phối ngãu mà không phải bất cứ ai cũng có thể vào phòng thờ này vì đã gọi là mật thì không dành cho đại chúng.

Hầu như các vị tu sĩ PG nam tông hay bắc tông đều rất bất bình về hình tướng các vị Phật mật tông do nhiều sự ngộ nhận. Nơi đây không thể trình bày đầy đủ về giáo lý mật tông mà chỉ đề cập đến tượng Phật “phối ngẫu”. Có nhiều tông phái mật tông; đại khái chia làm hai gọi là mũ vàng và mũ đỏ (hay đen). 80% PG mật tông theo mũ vàng thuộc tông phái Gelupa có nghĩa là giới đức. Chư tăng thuộc tông phái giới đức thọ giới tỳ khưu (+250 giới) mà một trong đại giới là sống đời độc thân. 20% PG mật tông theo mũ đỏ thuộc các tông phái khác không có thọ giới tỳ khưu nên có thể lập gia đình, có con như người cư sĩ tại gia. Mặc dù Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng đầu các tông phái mật tông do ngài có thọ pháp (initiation) của các tông phái mật; nhưng trên thực tế, ngài là vị tu sĩ thuộc tông phái “giới đức” sống đời độc thân.

Vậy hình tượng Phật “phối ngẫu” là gì trong PG mật tông? đặc biệt là cho chư tăng thuộc tông phái giới đức sống đời độc thân? Theo PG nói chung, dù nam tông hay bắc tông, điều kiện “cần” và “đủ” để hành giả giác ngộ là thực hành đầy đủ 2 pháp “từ bi” và “trí tuệ” ví như con chim có hai cánh để bay. Từ bi thuộc về thế gian pháp, nhân duyên là chân lý tương đối (relative truth) cứu độ chúng sanh; đôi khi hiểu là pháp “phương tiện” tượng trưng cho “động” biểu tượng dương, nam. Trí tuệ thuộc về tâm, giác ngộ lý vô ngã, tánh không là chân lý tuyệt đối (absolute truth) nên có tính “tịnh” còn hiểu là âm, nữ. Nếu theo đạo Lão là lưỡng nghi (âm dương). Sự hợp nhất cả hai là trở về trạng thái ban đầu “thái cực” hay trạng thái an vui cực lạc Niết Bàn trong PG. Vì thế, hợp nhất “âm dương” diễn tả qua hình tượng “phối ngẫu”.

Phương pháp tu tập mật tông cũng khác với nam tông và bắc tông. Thí dụ, các tông phái PG thường áp dụng thiền chỉ (samadhi=concentration) và thiền quán (vipassana=meditation) thì mật tông vừa dùng pháp “phương tiện” (dương, nam) đưa "thần thức" di chuyển trên các mạch từ trên đầu và hạ bộ cùng vào nơi tim với trí tuệ tánh không (âm, nữ). Sự hợp nhất này làm cho hành giả đạt tới trạng thái cực lạc an vui Niết Bàn (great bliss) mà chỉ có người chứng đắc mới cảm nhận được. Phương pháp tu tập này có thể thực hiện được trong nhiều trường hợp. Thí dụ, lúc thiền, lúc ngủ và lúc chết. Đó là lý do mật tông PG có pháp thiền định lúc lâm chung dành cho hành giả tu theo mật tông mà nhiều người thường hiểu “Bardo” là “thân trung ấm” sau khi lâm chung. Thực ra, Bardo là “các giai đoạn thân-tâm thay đổi chuyễn tiếp” liên tục trong đời sống; kể cả khi chết hay sau khi chết và tái sanh. 

Tóm lại, hình tượng “Phật phối ngẫu” là “cụ thể hóa” khái niệm về sự hợp nhất của 2 chân lý tương đối (relative truth) và tuyệt đối (absolute truth); nói cách khác là hợp nhất “từ bi” và “trí tuệ”, là sự chứng đắc Niết Bàn, an vui cực lạc (great bliss). Hành giả muốn thực hành pháp này phải dự lễ truyền pháp (quán đảnh) “tối cao” gọi là du già tối thượng (highest tantra) từ một vị thầy có đầy đủ phẩm hạnh làm lễ quán đảnh với nhiều “nghi lễ phức tạp” qua nhiều ngày và thực hành 100% thời giờ tối thiểu ít nhất là 3 năm “nhập thất” thì mới gọi là có một chút hiểu biết, kinh nghiệm về sự tu tập “phối ngẫu” bằng không thì chỉ có tính cách tham dự cho biết qua nghi lễ hình thức bên ngoài có tính cách “cầu xin Phật gia hộ”.

Hau Dang Tan (Trang Văn Chương Miền Nam)

No comments:

Post a Comment