Sunday, January 12, 2025

Trở lại quê nhà (5) Thay đổi hay là chết

 (Tiếp theo)

Phản hồi bài trước của tôi, có bạn lạc quan cho rằng: „Việt Nam cứ vững bước tiến lên, ai than thở cứ than thở“. Hoặc ngược lại: „Cải cách gì cũng chằng hóa rồng được“. 

Lịch sử không đơn giản chỉ có trắng-đen.

Tình hình thế giới hiện nay đang đặt Việt nam trước những lựa chọn khác hẳn. Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraina nhằm vẽ lại đường biên giới là một cú sốc. Không chỉ lo ngại một hành động tương tự từ Trung Quốc, mà thái độ đối với Nga, nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Việt Nam cũng thay đổi. Một nhà báo trẻ ở Hà Nội nói: „Việc báo chí thiên vị cho Nga, chỉ đưa tin từ nguồn thân Nga không phải vì họ không biết là ai xâm lăng, mà vì những định kiến xấu với phương Tây ăn sâu lâu nay trong đầu. Nhưng vũ khí phương Tây sẽ dần thay thế hàng Nga và nguyên thủ ta đã bắt tay Zelensky rồi đó“.

Số phận bi thảm của Ukraina là bài học đắt giá cho những nước cùng chung số phận sống bên một đế quốc hung hãn. So với Việt Nam, Ukraina có tiềm lực mạnh hơn nhiều, nhất là công nghiệp quốc phòng, lực lượng trí thức và đội ngũ kỹ sư tin học. Ukraina có một hậu phương nông nghiệp bao la và quan trọng nhất là được cả một liên minh phương tây hậu thuẫn (Nhóm Ramstein hội tụ 50 nước ủng hộ Kiew). 

Bất chấp tất cả những thuận lợi đó, Ukraina vẫn  bị tàn phá tan hoang, 1/5 lãnh thổ bị mất, hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu người tha hương. 

Tổn thất này là do đất nước mạnh thứ hai trong liên bang Xô Viết đã ngủ quên hơn 20 năm, không cải cách kinh tế, xã hội, chỉ sống bám vào quan hệ kinh tế với ông bạn láng giềng. Sau khi tách ra khỏi Liên Xô, Ukraina vẫn copy Nga trong mọi việc, từ nền kinh tế đến cách tổ chức quân đội, công an, thậm chí đã trao vũ khí hạt nhân cho Nga. Còn gián điệp Nga thì nằm ở mọi ngõ ngách.

Có người coi những lỗi lầm đó do các chế độ thân Nga trước năm 2014 gây ra. Nhưng dù là ai thì họ cũng là người Ukraina. Lịch sử  sẽ chỉ nói là Ukraina bị mất Crimea và một phần Donbas năm 2014, chứ không nói là Ukraina nào. Trung Quốc cũng đã cướp của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988, không kể Việt Nam nào.

Nếu không mau chóng có một nền công nghiệp mạnh, một  thiết chế xã hội hiệu quả, nếu không có đủ đồng minh tin cậy, nếu không mau chóng thoát khỏi vòng cương tỏa của Nga và Trung thì cơ hội sống sót của Việt Nam khi Bắc Kinh gây hấn là bao nhiêu?

Nước Mỹ sau Trump I và trước Trump 2 đang đẩy thế giới vào trật tự „Cùi chỏ“, „Mạnh nuốt yếu“. Ý đồ nuốt chửng Canada, Panama và Groenland dĩ nhiên khuyến khích Putin khôi phục lại Liên Xô cũ, giúp Tập quyết tâm chiếm Đài Loan và các đảo Biển Đông. Thương mại xuất siêu sang Mỹ, bao năm qua đã góp phần đáng kể cho Việt Nam tăng trưởng, liệu có giữ được trước một tổng thống chỉ thích chơi „Áp thuế“? Đối với MAGA, đồng minh kiểu gì cũng chỉ là gánh nặng.

Cách duy nhất để không bị mạnh nuốt yếu là mình phải mạnh, phải thành một thế lực mà ai nhìn vào cũng phải nể. 

Vậy thì không thể cứ rung đùi ca ngợi tốc độ tăng trưởng 5%-6%/năm được mãi nữa. Đã đến lúc phải thoát nhanh khỏi cái cái bẫy „Thu nhập trung bình“ mà mãi mới đạt được. Mục tiêu tăng trưởng 2 con số đã chính thức được đặt ra. Việc Singapore trước kia nghèo hơn Sài Gòn, nay chạy xa tít mù tắp đã trở thành lời than thở chính thức. Thể chế chính trị tắc nghẽn xưa nay thường được gọi chệch là „cơ chế vận hành“, nay đã được thẳng thắn gọi đích danh để cải cách. Cỗ xe kồng kềnh, không hiệu quả, chỉ dựa vào cán bộ chuyên môn „đủ giỏi“ để tiến từ từ, nay trở thành bước cản. Kế hoạch tinh giảm bộ máy nhà nước, cắt bỏ nhiều cơ quan, tổ chức ký sinh, với hàng chục ngàn biên chế đã bắt đầu được thực hiện. Triển lãm „Quốc phòng Việt Nam“ tổ chức ở sân bay Gia Lâm tháng trước là một nỗ lực rõ ràng để quốc tế hóa và nội hóa vũ khí cho quân đội, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Hãng Embraer (Brazil) đem máy bay vận tải quân sự sang chào bán tại triển lãm quốc phòng Việt Nam

Những biểu hiện của nhận thức „Cải tổ hay là chết“ này là chính đáng và tạo hy vọng cho rất nhiều bạn bè mà tôi gặp. Nhưng điều đó không dễ. Sau gần 40 năm „đổi mới“ trong hòa bình, cải cách lần này thực chất là phá bỏ các rào cản do chính mình tạo ra. Vượt qua mình mới khó.

Ai cũng biết giao thông đô thị ở Việt Nam là sự hỗn loạn có một không hai. Bao nhiêu tiền đổ vào các hệ thống đường cao tốc, hầm chui, cầu vượt đều không có kết quả. Vậy mà kỳ diệu thay, chỉ một đêm sau khi ban bố mức phạt 6 triệu VND cho xe máy vượt đèn đỏ, trật tự đã được thiết lập. Nhưng bi kịch mới xuất hiện, nạn ùn tắc! Ùn tắc đến mức kinh hoàng (nguyên văn), nhiều hoạt động đình trệ. Người đi xe bỗng nuối tiếc tình trạng vô luật trước đây.

Ảnh trên báo Dân Trí về trật tự giao thông sang 01.01.2025 tại Hà Nội

Thì ra xưa nay ta đi lại được, tuy chậm, là nhờ cái mà du khách nước ngoài gọi là „Sự hỗn loạn hợp lý“. Hợp lý vì trong nền giao thông đó, hỗn loạn như vậy mới được việc. Nay cố gắng lập lại trật tự giao thông mong giảm thời gian chết trên đường, bớt khí thải v.v. mới té ra là hệ thống giao thông hiện hành phù hợp hơn với sự hỗn loạn, vô luật pháp. 

Tương tự, người ta chưa tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra trong ngành giáo dục, nếu việc dạy ngoài giờ và lạm thu các loại „Tiền bóng đèn“ bị cấm tiệt. Nhà nước chỉ nuôi giáo viên một phần, kiếm đâu ra phần còn lại từ dân?

Tương tự, đầu tư nhà nước sẽ đình trệ, nếu qui định đấu thầu hiện tại bị xóa bỏ. Dù thất thoát, nhưng luôn có một bên B nào đó đã được A ngầm cam kết cho thắng và dự án vẫn được giải ngân, công trình vẫn hoàn thành. 

Các ví dụ trên cho thấy: Lĩnh vực nào cũng vậy, sự „hỗn loạn hợp lý“ đã giúp cỗ máy không hiệu quả này hoạt động.

Giờ đây phải tiến nhanh, phải hiệu quả để khỏi bị tụt hậu, nhưng không đơn giản bỏ cỗ máy đó, mua cỗ máy khác. Đã đến lúc cần những người „rất giỏi“ điều hành, để tháo gỡ những gì các bạn „ít giỏi hơn“ để lại. 

Điều này không dễ, vì đầu tiên nó sẽ mâu thuẫn với chính sách cán bộ xưa, vì phải tát cạn cái hố trũng đạo đức mà tôi nêu trong phần trước.

Điều quyết định là xã hội phải sản sinh và đào tạo con người mới. Phạm Thanh Vân, sáng lập viên của „Dự án Đại Sự Ký Biển Đông“ nói với tôi trong một tiệm cà phê nhỏ. „Có nhiều con đường để canh tân đất nước. Nhưng không con đường nào thoát khỏi việc phải tạo ra một tầng lớp trí thức có trình độ sâu sắc, có phương pháp làm việc chuyên nghiệp“.

Tâm đắc vô cùng với Vân. Nhưng tôi băn khoăn một điều. Thanh niên Việt Nam hiện nay có nhiều không gian hơn để hoạt động, có nhiều nguồn thông tin để tìm hiếu hơn chúng tôi. Vậy mà xã hội vẫn thiếu nhân tài.  Năm 2010 tôi được vào thăm nhà máy Intel ở Khu công nghệ cao TPHCM cùng một số trí thức Việt kiều khác. Nhà máy này chủ yếu đóng vỏ chíp, kiểm tra và đóng gói chip. Cho đến nay, đầu tư 1,5 tỷ USD này của Intel vẫn không tạo ra kích thích nào khác cho công nghiệp bán dẫn nước nhà. Việt Nam thiếu những trí tuệ đủ sức xây dựng ngành này. Trong các ngành khoa học xã hội, sự thiếu hụt này còn trầm trọng hơn.

Trí tuệ cao cấp chỉ có được trong một nền giáo dục có đẳng cấp, được bảo vệ bằng tự do học thuật. Có bạn tiết lộ rằng: vụ tấn công đại học Fulbright là do tình báo Hoa-Nam giật dây [1]. Tôi không dám khẳng định điều đó, nhưng tin rằng dù do ai xui thì trong nước vẫn có rất nhiều kẻ sợ cách mạng mầu, sợ dù vàng nên mới có những bài báo cố tình nhầm lẫn “Tự do học thuật“ với „Diễn biến hòa bình“. 

Trở ngại lớn nhất cho những cố gắng cải cách chính là lực lượng âm binh đông như quân Nguyên.

Nhìn tấm hình ông Jensen Huang, chủ tịch Nvidia nhậu với Thủ tướng, tôi thầm mong hai ông tranh thủ lúc bù khú đã giải thích rõ sự nhầm lẫn tai hại nọ.

(Còn tiếp)

[1]https://fulbright.edu.vn/.../thu-ngo-tu-truong-dai-hoc.../

Nguyễn Xuân Thọ

Saturday, January 11, 2025

Cội nguồn của lạc thú và những ham muốn lành mạnh

 CẠM BẪY MANG TÊN HORMON HẠNH PHÚC - DOPAMIN

(bài viết khá dài, độc giả nên cân nhắc trước khi đọc. Hãy là người đọc khôn ngoan.)

Chúng ta 100% đều thích làm những điều dễ chịu mang lại khoái cảm, thích nghe những lời muốn nghe, nhìn thấy điều muốn thấy. Chúng ta 100% yêu ghét buồn vui có lý và rất nhiều khi vô cớ. "Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn", cố nhà thơ Xuân Diệu đã viết câu như vậy. (Trích Mộ Khúc) [1]

Nếu ai đó nói vô cảm với khoái cảm, thích nghe chê là nói dối. Đừng chối bỏ những gì tự nhiên thuộc về humans. Bạn không phải là Thánh Nhân.

Nhưng có một điều cực kỳ quan trọng quyết định đến chất lượng sống của bất kỳ ai: đừng biến những thú vui, ham muốn lành mạnh, cảm xúc tự nhiên thành chất gây nghiện độc hại, đừng để chất dopamine ăn vào não. Nó có sức tàn phá khủng khiếp và điều quan ngại nhất là chúng ta không nhận ra điều này.

Nên dành thời gian tìm hiểu về endorphin.

Endorphin nghĩa là gì?

Tập ăn món ăn không yêu thích nhưng tốt cho sức khoẻ; kỷ luật chạy bộ mỗi sáng dù phải lê người ra khỏi chăn ấm; tập rèn thói quen đọc những nội dung không có tính giải trí nhưng cần thiết ...

Endorphin là biết làm những điều không yêu thích nhưng cần thiết hoặc cực kỳ cần thiết. Theo thời gian, vì lặp lại nhiều, cơ thể và trí não dần chấp nhận, dần quen và biến endorphin thành nhu cầu hàng ngày.

Người nghèo chìm đắm trong dopamine, người giàu lại theo đuổi endorphin . 

Hôm nay tôi nói cho bạn nghe về cạm bẫy Dopamine.

Bạn có biết lý thuyết ti núm giải trí là gì không? 

Lý thuyết ti núm giải trí được hiểu như sau:

Để đứa trẻ không khóc, thay vì cho uống sữa, người ta chỉ cần cho nó một núm vũ giả và nó sẽ lập tức yên lặng. 

Có một âm mưu khủng khiếp được xây dựng dựa trên lý thuyết này.

Năm 1995, các tỷ phú trên toàn cầu đã tập trung và thảo luận.

Họ nhất trí rằng sự phát triển toàn cầu hóa quá nhanh, khiến cho tầng lớp thấp liên tục vươn lên và gây áp lực lên lợi ích của người giàu. 

Làm thế nào để giữ cho người nghèo yên phận? Họ đã nghĩ ra một kế sách hiểm độc. 

Tôi có một đồng nghiệp học cùng tôi. 

Anh ấy tốt nghiệp từ Đại học Bách Khoa. 

Bố mẹ đều là công chức, chỉ số thông minh và cảm xúc đều cao hơn tôi. 

Bạn có biết chuyện gì đã xảy ra không? 

Có một thời gian, một khách hàng là con nhà giàu thường dẫn anh ấy chơi game. 

Chẳng bao lâu, anh ấy nghiện game, dùng hết vốn của công ty để nạp vào game, thậm chí bao gồm cả tiền đặt cọc của khách hàng. 

Ngày nào anh ấy cũng chơi game đến 3 giờ sáng và ngủ đến tận buổi chiều mới dậy. 

Trong khi tôi kiếm được khoản tiền đầu tiên, thì anh ấy đã sống ở quán net.  Suốt 2 tuần không ra ngoài, chỉ dựa vào đồ ăn nhanh và game để sống. 

Chi phí sinh hoạt đều là đi vay mượn. 

Thậm chí, anh ấy còn vay tiền để mua trang bị. 

Anh ấy đã tự tay hủy hoại cả một cuộc đời đầy tiềm năng. 

Trong một buổi tiệc khi say rượu, anh ấy đã nói rằng điều đáng sợ nhất không phải là sự nghèo khó, mà là những cám dỗ vô hình làm suy yếu ý chí của con người. 

Cuối cùng tự nguyện trở thành kẻ vô dụng, chấp nhận số phận nghèo khó. 

Bạn nghĩ rằng ti núm giải trí chỉ là trò chơi thôi sao? 

Có những thứ tàn nhẫn hơn như chương trình giải trí, tin tức lá cải, những câu chuyện không liên quan đến bản thân, và nhiều thứ khác nữa.

Có phải bạn cảm thấy mọi người xung quanh, kể cả bản thân, đều giống như bị điều khiển? 

Thậm chí gợi cảm, rượu, thuốc lá, câu lạc bộ đêm, và đủ thứ gây nghiện khác tràn lan khắp nơi, khiến tầng lớp thấp mất đi chí hướng trong những buổi tiệc say sưa.

Thực chất đằng sau những thứ tìm uống giải trí này là cạm bẫy Dopamine. 

Dopamine là chất hóa học tự nhiên được sản sinh khi cơ thể đạt được sự thoải mái tức thì.

Khi chơi game, ăn ngon, xem những thứ đẹp mắt, đó là sự hài lòng tạm thời tạo thành niềm vui ngắn hạn. 

Và chính sự phản hồi tức thì này dễ dàng làm bạn nghiện. Giờ đây, muốn hủy hoại một người vô cùng đơn giản. Mỗi ngày, cho họ xem những video ngắn bắt mắt, những cô gái xinh đẹp ngọt ngào gọi  trai, khiến bạn thấy phấn khởi. Những trận game kéo dài 20 phút sẽ liên tục kích thích, Dopamine khiến bạn tận hưởng cảm giác sảng khoái mỗi khi chơi. Bộ não liên tục bị kích thích, và thế là bạn bị nghiện. 

Trong khi tầng lớp thấp đắm chìm trong niềm vui từ Dopamine , thì người giàu đang làm gì? Họ lập kế hoạch, theo đuổi endorphin. Cơ chế sản sinh endorphin  trái ngược với Dopamine. 

Khi cơ thể trải qua đau đớn, não bộ sẽ tiết ra endorphin . Ví dụ như khi bạn chạy bộ buổi sáng, sau khi tập luyện và mệt mỏi, tuyến yên sẽ tiết ra endorphin giúp bạn vừa cảm thấy đau đớn nhưng cũng đầy hứng phấn. 

Từ đó tận hưởng sự thăng tiến bản thân. 

Trường kinh doanh Harvard từng thực hiện một cuộc khảo sát và phát hiện ra một hiện tượng trái ngược rõ rệt. Người nghèo càng thích theo đuổi Dopamine , thông qua đánh bài, xem phim, chơi game, ăn uống để tìm niềm vui tạm thời. Nhưng tầng lớp thượng lưu lại đam mê lối sống kỉ luật hơn, ăn uống thanh đạm , tập thể dục, lập kế hoạch và làm những việc có tính thử thách, liên tục khắc phục bản năng để đạt được niềm vui dài hạn. 

Người giàu không dùng ti núm giải trí để đầu độc con cái của họ. 

Steve Jobs không cho con dùng iPad. 

Cuối tuần họ chỉ ở nhà xem toán và lịch sử. Các nhà thiết kế game biết hết những chiêu trò trong game. 

Nhưng họ không bao giờ cho con cái tiếp xúc với game vì họ biết rõ các cơ chế trong game được thiết kế để làm người chơi nghiện. Khoảng cách giữa người với người không lớn, nhưng cuối cùng khoảng cách đó lại rộng hơn cả giữa người và động vật. Phần lớn mọi người đã trở thành ếch trong nồi nước sôi. Nếu muốn nổi vật, bạn phải luyện bản thân trong thời gian dài. Bí quyết thành công của Warren Buffett vô cùng đơn giản. Giữ thói quen sinh hoạt, liên tục học hỏi và phân tích thông tin tài chính hàng chục năm không ngừng. 

Một lần tập luyện sẽ không đem lại cho bạn cơ bụng tám múi. 

Đọc một cuốn sách không làm thay đổi nhận thức, nhưng kiên trì đọc hàng trăm, hàng ngàn cuốn sẽ giúp nâng cao tư duy. Niềm vui đích thực của cuộc sống đến từ endorphin.

TnBS (st)

(Bài viết tổng hợp)

Tác giả: Brandson

New Stoic

Cre: Triethoc & than hoc

Friday, January 10, 2025

Trở lại quê nhà (4): Sức ép của thay đổi

 Lần này vợ chồng tôi dành thời gian đi thăm khá nhiều nơi, kể cả lên Trường Sơn để thăm bà con nông dân đã gắn bó với tôi trong nhóm „Vườn rừng Cao Quảng“. Nhóm chúng tôi mừng vì đã giúp được họ về tài chính và khả năng tiếp cận với thị trường. Ngược lại bà con giúp chúng tôi hiểu được giá trị của rừng và các vấn đề liên quan đến „Chứng chỉ carbon“. Tôi sẽ viết về đề tài này sau. 

Chúng tôi đi qua Đồng Hới, qua Vĩnh Linh, Quảng Trị, Đông Hà, đến đâu cũng dừng lại cho vợ tôi thăm quan. Những địa danh bão lửa này tôi từng đi qua nhiều lần, nhưng giờ đây dừng lại vẫn thấy bồi hồi. Hai vợ chồng ra chân cầu Hiền Lương chụp ảnh để được sống lại cảnh anh Vận, chị Hoài 65 năm trước [1]. Chiếc loa nén Trung Quốc để gần đó nhắc tôi về cuộc chiến tranh tuyên truyền giữa hai hệ tư tưởng. Nam-Bắc đua nhau lắp hàng trăm chiếc loa nén công suất lớn dọc hai bên bờ sông, chĩa sang nhau, không ai chịu thua. Kết quả là dân ca Bắc bộ và cải lương Nam bộ phát hết công suất chỉ làm khổ lỗ tai dân chúng hai miền. Ngày xưa đánh nhau đành là vậy. Ngày nay cái loa phường đánh ai 🙂 ?

Dàn loa phóng thanh bên chân cầu Hiền Lương. Biểu tượng của cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc. Nguồn Dân Trí

Nếu chỉ quanh quẩn ở Hà Nội hay Sài Gòn, du khách sẽ bức xúc về các vấn nạn ô nhiễm, tiếng ồn, tắc đường... Việc Hà Nội, Sài Gòn luôn đứng đầu danh sách các đô thị ô nhiễm nhất hành tinh là điều khỏi phải bàn cãi. Nhà má tôi dùng một bộ lọc nước máy, kèm thêm vài cái ống lọc với lời khuyên sau 3 tháng thay một lần. Nhưng chỉ sau 4 tuần là máy lọc tắc tịt vì ống lọc bị chất bẩn bịt kín. Còn tắc đường gần như là căn bệnh vô phương cứu chữa. Rất nhiều cầu vượt, đường cao tốc được xây lên, nhưng tốc độ xây cao ốc khủng còn nhanh gấp đôi. Lượng xe máy, ô tô lưu hành cũng tăng nhanh diện tích đường. 

Biết rồi khổ lắm nói mãi!

Nông thôn Việt Nam đem lại cho tôi bức tranh khác. Cuộc sống người dân được cải thiện nhiều. Điện và viễn thông về đến mọi nơi. Trước kia tôi về Gò Bồi đi thăm mộ ông bà phải lội ruộng cả cây số rồi leo cầu khỉ. Nay nông dân làm đường đất để chạy máy cày nên chỉ cần đi bộ vài trăm mét là ra đến nơi. Nét mặt các cháu bé ở vùng sâu, vùng xa như Cao Quảng cho thấy các cháu cũng có một tuổi thơ như trẻ em thành thị. Nhiều khu công nghiệp mọc lên tạo cơ cấu mới cho nông thôn. Nông dân ít bị phụ thuộc hơn vào giá nông sản.

Các cháu bé nông thôn nay đã được học hành và có cuộc sống văn minh.

Mạng lưới đường cao tốc và quốc lộ cũng được nâng cấp trông thấy. Quốc lộ 1a có nhiều đoạn 2 làn xe mỗi chiều, đó là chưa kể đường „Cao tốc Bắc-Nam“ hơn 2.300,00 km chạy dọc theo Đông Trường Sơn. 

Tuy nhiên lượng xe tải lớn trên các quốc lộ cũng như xung quanh các khu chế xuất ở Hà Nội, Sài Gòn chứng tỏ tốc độ công nghiệp hóa cao hiện nay khiến cho qui hoạch luôn chạy theo sau. Cùng với câu chuyện quy hoạch đô thị ( nghe khổ lắm mà cứ nói mãi) thì đây chính là một điểm nghẽn mà người ta nói đến.

Người ta coi qui hoạch lạc hậu là yếu kém của chính quyền, nhưng về cơ bản là sự vắng bóng của tri thức, của tính chuyên nghiệp. Thảo Điền ở Q2 Sài Gòn từ lâu được coi là „miền đất hứa“. Khi đến đó tôi thất vọng vì một khu đô thị mới, nhưng manh mún, chen chúc, ô nhiễm và sẵn sàng chịu ngập úng khi triều lên. Người giàu than phiền vì chỉ đi bộ cũng không tìm ra vỉa hè. Trong khi đó Phú Mỹ Hưng lại khác hẳn, đường ra đường, vỉa hè không bị lấn chiếm, nhà cửa ngăn nắp. Một số khu phố mới ở Quy Nhơn cũng vậy. 

Điều này chứng tỏ vẫn có người làm được, chỉ có điều là rất hiếm.

Thiếu người tài một phần là do không có nền giáo dục tự do. Vì thế tự do học thuật, tự do học đường là một đòi hỏi mà đã đến lúc các nhà lãnh đạo kỹ trị không thể bỏ qua.

Nhưng không trọng trí thức, không chịu sử dụng nhân tài mới là nguyên nhân chính cho bệnh chảy máu chất xám. Cũng vì „Cánh cửa đóng sập lại trước mặt một kỹ sư không vào đảng“ mà tôi phải ra nước ngoài lập nghiệp. Đó là thời của sự u muội duy ý chí. Đi dép lốp bay vào vũ trụ, quyết xây bằng được CNXH từ bèo hoa dâu.

40 năm sau, thời thế đã thay đổi. Khi đã chấp nhận xóa bỏ công hữu, phát triển kinh tế tư bản tư doanh, cho phép nhà tư bản lãnh đạo công nhân trong xí nghiệp, hầm mỏ mà vẫn giữ khư khư đặc quyền của đảng viên trong khu vực nhà nước thì quả là mâu thuẫn. Cái quy định vi hiến, bất thành văn nhưng ngự trị xã hội: „Chỉ đảng viên mới được giữ các chức vụ then chốt, mới được thăng tiến“ đã khiến những kẻ có máu tham tìm mọi cách chui vào đó để vụ lợi. Dù không phải tất cả đảng viên đều vụ lợi, nhưng chắc chắn rằng các vị trí để kiếm được lợi, để dễ tham nhũng đều do đảng viên nắm giữ. Việc đốt lò sẽ chỉ là một sự nghiệp vô ích, chừng nào cái hố trũng đạo đức đó không bị lấp.

Một cậu em là bác sỹ giỏi ở Sài Gòn chỉ thích làm chuyên môn, không khoái việc vào Đảng. Bệnh viện nhiều lần muốn kết nạp anh để đưa lên làm chủ nhiệm khoa, vì họ cần trình độ như anh ở vị trí đó. Anh chỉ ừ hữ bỏ ngoài tai. Nhưng khi biết kẻ kém và tệ hơn sẽ lên phụ trách mình thì anh chặc lưỡi cho xong. Năm ngoái anh được phong chủ nhiệm khoa. Mỗi người một cuộc đời, tôi mừng cho anh. Biết tôi về, anh đến thăm. Anh hối hận vì đã nhận làm quan.

- Áp lực quá anh. Mấy năm rồi nhiều người ở viện bị bắt, bị kỷ luật. Giờ ai cũng sợ bị biến thành củi nên không dám quyết gì cả. Vật tư không mua được, bênh nhân ùn tắc. Mình nhảy vô giải quyết. Nhưng mua đồ tốt thì đấu thầu xong bị tố mua đắt, mà mua đồ rẻ thì chỉ hại bệnh nhân.

Nhiều bạn làm doanh nghiệp cũng than phiền về sự đình trệ trong kinh tế ba năm qua, một phần vì hậu quả của Covid, nhưng phần lớn do „ở trên không dám làm gì cả“.

Nhà nước là một cỗ máy từ hàng vạn chi tiết. Nếu tất cả các bánh răng, dây xích, trục chuyền đều có chất lượng cao thì máy sẽ hoạt động tốt trong mọi hoàn cảnh. Nhưng nếu các chi tiết then chốt đều bị chiếm giữ bởi các linh kiện hoen rỉ thì chúng sẽ làm thất thoát năng lượng khi tăng tốc và kìm không cho máy chạy khi vướng mắc.

Khác với thời bao cấp, người tài giỏi như cậu em bác sỹ không việc gì phải bám vào nhà nước nữa. Cuộc cạnh tranh ở bên ngoài nhà nước cũng khốc liệt, nhưng chỉ dựa vào năng lực chuyên môn. Anh sẽ thoát cái bẫy đấu thầu và các cuộc họp hành liên miên. Nhưng nếu người tài luôn bị đào thải khỏi cỗ máy nhà nước đó thì xã hội không bao giờ qua khỏi những chỗ nghẽn. 

Bức tranh xã hội Việt Nam mà tôi thấy, không chỉ là màu đen, sáng, tối hay chỉ màu hồng. Có điều chắc chắn là nền kinh tế đã tiến khá xa.

Sau 1975, những sai lầm trong quản lý kinh tế, xã hội và hòa giải dân tộc đã đẩy lùi Việt Nam rất xa về phía sau. Theo Database.Earth [2] thì VN sau chiến tranh có GDP/ đầu người khoảng 200 USD. Năm 1990 con số này thấp hơn 100 USD vì mất toàn bộ viện trợ từ Liên Xô và Đông Âu. So với các nước láng giềng thì năm 1990 Việt Nam thua tất cả (xem đồ họa). Đến 2022 thì mức sống ở Việt Nam đã vượt qua Philippines và Ấn Độ, đang đuổi sát nút Indonexia. Đây là thống kê của các tổ chức quốc tế đưa ra, không bị ai bóp méo có dụng ý.

Mức sống của người Việt Nam bị suy giảm nặng từ 1986-1990 khi Liên Xô và Đông Âu sụp đỏ, cắt viện trợ. Sau chính sách mở cửa, mứcc thu nhập liên tục tăng cho đến nay Nguồn Database.earth.

Việt Nam sau cải cách vẫn tiếp tục mắc các sai lầm về thể chế mà vẫn có tốc độ phát triển cao hơn những nước láng giềng xưa nay vẫn theo chủ nghĩa tư bản. Vậy thì việc gì phải thay đổi?

Bảng tổng hợp mức thu nhập bình quân đầu người của một số nước Á Châu từ 1975-2022

Câu trả lời là nếu so sánh với Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore thì rõ ràng chúng ta tự kìm hãm nên bỏ mất rất nhiều cơ hội hóa rồng. Điều quan trọng là việc phát triển con người tụt hậu xa. Nếu không phá những yếu tố tự kìm hãm này thì Intel, Nvidia hay ai đó nhảy vào Việt Nam cũng chỉ tìm chỗ có nhân công đóng vỏ giá rẻ mà thôi.

Tôi ngắm nhìn tòa nhà sừng sững ở ngã ba Ngô Văn Sở / Quang Trung Hà Nội mà nghĩ đến một hình ảnh rất là Việt Nam.

Phía trên, thượng tầng của tòa nhà đang ngự trị Nhà Xuất bản Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật. Hạ tầng bên dưới là LPBank (NH thương mại cổ phần Lộc Phát). Sòng phẳng ra thì cái NXB phía trên sẽ không đủ nuôi sống nó. Ngân hàng, một cấu thành của CNTB đang nuôi số cán bộ ở tầng trên.

Tầng trên là của nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật. Tầng dưới cho LPBank thuê.

Để cho cả tòa nhà cùng sinh lợi là mục tiêu và cái giá của sự thay đổi. Nhiều người đã thấy rõ.

(Còn tiếp)

[1] Phim „Chung một dòng sông“ (1959) kể về tình yêu xuyên qua sông Bến Hải.

[2]  https://database.earth/economy/viet-nam/gdp-per-capita

Nguyễn Xuân Thọ

Thursday, January 9, 2025

Pháp luật & đời sống: Quy định về bản sao sổ đỏ

 Điều 18 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định về bản sao Giấy chứng nhận (sổ đỏ).

1. Bản sao Giấy chứng nhận được sao hoặc được quét từ bản gốc Giấy chứng nhận trước khi trao cho người sử dụng đất.

2. Đối với hồ sơ địa chính được lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa quét được bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp thì quét bản lưu Giấy chứng nhận đã cấp trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoặc quét bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, bao gồm:

a) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản màu trắng) được cơ quan có thẩm quyền ký để lưu theo quy định tại Quyết định số 24/2004/QĐ-BTNMT ngày 1.11.2004 và Quyết định số 08/2006/QĐ-BTNMT ngày 21.7.2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

b) Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (bản màu xanh) được cơ quan có thẩm quyền ký để lưu theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 5.7.1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị;

c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được sao để lưu theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21.10.2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19.5.2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

d) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do người sử dụng đất nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động;

đ) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

(copy từ Lao Động, ngày 06/01/2025)

Wednesday, January 8, 2025

Câp nhật v/v làm lại mẫu sổ đỏ

Khi nào người dân phải đi làm lại mẫu sổ đỏ mới từ năm 2025?

Từ năm 2025, mẫu sổ đỏ (tức mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) sẽ áp dụng mẫu mới theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.

Mẫu sổ đỏ mới từ năm 2025

Sổ đỏ (hay sổ hồng) là tên gọi thông dụng để chỉ tên gọi chính thức của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cấp theo Luật Đất đai 2024.

Theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, mẫu sổ đỏ được cấp từ 1/1/2025 sẽ thực hiện theo mẫu mới, cụ thể:

Mẫu sổ đỏ mới này sẽ gồm một (01) tờ có hai (02) trang, in nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen, có kích thước 210 mm x 297 mm, có Quốc huy, Quốc hiệu, dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất", số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 08 chữ số, dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận (được gọi là phôi Giấy chứng nhận).

Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thể hiện các nội dung sau:

- Trang 1 gồm: Quốc huy, Quốc hiệu; dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ; mã QR; mã Giấy chứng nhận; mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:”; mục “. Thông tin thửa đất:”; mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất:”; địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận; số phát hành Giấy chứng nhận (số seri); dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”;

- Trang 2 gồm: mục “4. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất:”; mục “5. Ghi chú:”; mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:”; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận;

- Nội dung và hình thức thể hiện thông tin cụ thể trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo Mẫu số 04/ĐK-GCN của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.

Khi nào người dân phải đi làm lại mẫu sổ đỏ mới từ năm 2025?

Nếu người sử dụng đất thuộc các trường hợp dưới đây thì phải đi làm mẫu sổ đỏ mới từ năm 2025:

Trường hợp 1: Thuộc các trường hợp cấp đổi

Theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, các trường hợp phải cấp đổi Sổ đỏ gồm:

- Người sử dụng đất có nhu cầu đổi giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 01 tháng 8 năm 2024 sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

- Giấy chứng nhận đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;

- Giấy chứng nhận đã cấp chung cho nhiều thửa đất mà thực hiện cấp riêng cho từng thửa đất theo nhu cầu của người sử dụng đất và trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 7 Điều 46 Nghị định 101/2024/NĐ-CP;

- Mục đích sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đã cấp khác với mục đích sử dụng đất theo phân loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 và quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024;

- Vị trí thửa đất trên Giấy chứng nhận đã cấp không chính xác so với vị trí thực tế sử dụng đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đã cấp;

- Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng;

- Giấy chứng nhận đã cấp ghi tên hộ gia đình, nay các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình đó có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để ghi đầy đủ tên thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình;

- Thay đổi địa chỉ của thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận;

- Thay đổi kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu của thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất mà ranh giới thửa đất không thay đổi.

Trường hợp 2: Làm lại sổ đỏ mẫu mới do mẫu cũ được cấp trước đó đã bị mất

Thời gian cấp lại sổ đỏ đã cấp do bị mất là không quá 10 ngày làm việc, không tính thời gian niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận đã cấp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, thời gian đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng.

(Khoản 5 Điều 22 và Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP)

Copy từ Báo Thế giới & Việt Nam

Tuesday, January 7, 2025

Chuyện lớn chuyện nhỏ

 Để làm được những điều vĩ đại, chúng ta vừa phải mơ ước, vừa phải hành động.

— Anatole France

Khi mười tuổi, tôi đã nói với mẹ rằng tôi sẽ viết một cuốn sách. Thế là mẹ tôi liền gỡ vỏ nhựa bọc chiếc máy đánh chữ chạy bằng điện ra, đặt nó ở cuối bàn ăn rồi lặng lẽ rời khỏi phòng.

Vậy là tôi bắt đầu gõ: “Ngày xửa ngày xưa,...”. Rồi tôi dừng lại để nghĩ xem nên gõ gì tiếp theo. Sức nặng của nhiệm vụ to lớn này đè nặng lên người tôi. Tôi tưởng tượng ra một chồng giấy khổng lồ lả tả rơi xuống tấm khăn trải bàn màu trắng. Chồng giấy đó có dài tới một trăm trang không nhỉ? Nhưng tôi còn không thể hoàn thành được trang đầu tiên nữa kìa. Trời đất ơi, tôi không thể hoàn thành được ngay cả một dòng đầu tiên cơ. Bỗng nhiên tôi thấy ý tưởng chơi với các khối hình có vẻ hấp dẫn hơn. Thế là tôi lặng lẽ nhấc mình ra khỏi ghế và bỏ lại chiếc máy đánh chữ đang kêu vo vo trên bàn.

Nhiều năm sau, thỉnh thoảng tôi vẫn mắc phải sai lầm tương tự, và tôi cũng đã chứng kiến phần lớn những người sáng tạo đầy tham vọng mà tôi nói chuyện cũng mắc phải sai lầm đó. Khi bắt đầu làm một việc gì đó, tự nhiên chúng ta sẽ hình dung ra một điều gì đó to lớn và vĩ đại– ngay cả khi chúng ta không hề có chút kinh nghiệm nào.

Tôi gọi tình trạng này là "Pháo đài ngụy biện", bởi vì việc này giống như chúng ta tưởng tượng mình sẽ xây được một pháo đài khổng lồ, dù chưa từng đặt một viên gạch nào trong đời. 

Chúng ta muốn mở một nhà hàng có sao Michelin, nhưng chúng ta còn chưa làm được món bánh nachos bằng lò vi sóng. Chúng ta muốn viết một cuốn tiểu thuyết, nhưng chúng ta chưa bao giờ viết thứ gì dài hơn một email ngắn. Chúng ta muốn trở thành đạo diễn một bộ phim, nhưng chúng ta còn chưa từng đăng video về con mèo của mình lên Facebook.

Kết quả là, một trong hai điều sau sẽ xảy ra: Hoặc là chúng ta chỉ tưởng tượng mà không bao giờ bắt đầu, hoặc là chúng ta có bắt đầu nhưng lại khiến bản thân mình kiệt sức.

Để vượt qua "Pháo đài ngụy biện", bạn phải nhận ra rằng: Bạn thường mơ xa hơn khả năng hiện tại của bản thân. Đừng để ước mơ của chính bạn khiến bạn sợ hãi đến mức không thể bắt đầu, hoặc khiến bạn kiệt sức khi bắt đầu. 

Mơ về nhà hàng có sao Michelin, nhưng hãy bắt đầu bằng một bữa tiệc tối. Mơ về một cuốn tiểu thuyết, nhưng hãy bắt đầu bằng một câu chuyện ngắn. Mơ về một bộ phim điện ảnh, nhưng hãy bắt đầu bằng một bộ phim ngắn. Thay vì xây dựng một pháo đài, hãy bắt đầu từ một túp lều nhỏ.

Chúng ta không chỉ ước mơ vượt quá khả năng của mình. Đôi khi chúng ta cũng phóng đại số lượng thời gian chúng ta cần để bắt đầu ước mơ đó nữa. Điều này sẽ làm chúng ta trì hoãn mãi mãi. 

=====

Để đạt được những điều lớn lao, chúng ta cần kết hợp giữa khát vọng và hành động. Chúc bạn thành công!

Goc Nhin Alan

Bài viết: Trích sách Bắt đầu để chiến thắng của Tác giả David Kadavy

Monday, January 6, 2025

Vui cùng chiến thắng của ĐT: Vô địch ASEAN Cup - 2024

 🎉🇻🇳 Chia sẻ những khoảnh khắc chứng kiến trận thắng và hòa cùng không khi vui mưng đội tuyển VN vô địch Asean Cup _ Nha Trang 05/01/2025 ⚽️🏆 Sharing moments of witnessing a victorious game and joining in the joy of the Vietnamese soccer team winning the Asean Cup _ Nha Trang January 5, 2025 ✅



Nguyen Tibor (GÉPÉSZ.vidi72)

Sunday, January 5, 2025

Chung kết ASEAN Cup - 2024: VN đánh bại Thái Lan cả 2 trận cuối cùng

 Ko có Xuân Son, VN vẫn chiến thắng với 2 bàn cách biệt

TPO - Việt Nam đã đánh bại nhà đương kim vô địch Thái Lan với tỷ số 3-2 ở trận chung kết ASEAN Cup ngay trên sân Rajamangala ở Bangkok. Chiến thắng này làm nức lòng NHM nước nhà và cũng khiến giới mộ điệu khu vực phải ngả mũ thán phục.

Trong bài viết về hành trình đăng quang của ĐT Việt Nam, ESPN đã dùng những từ ngữ mạnh nhất để miêu tả: “Kết quả 5-3 trước Thái Lan giúp Việt Nam đòi nợ thành công trước Thái Lan sau khi thua ở chung kết AFF Cup 2022. Và họ cũng khiến tuyển Thái Lan ôm hận vì họ không giành được danh hiệu vô địch lần thứ 3 liên tiếp.

Trước giải, Việt Nam được cho là ứng cử viên sáng giá nhất vì họ tự tin mang theo đội hình mạnh nhất. Nhưng vào giải, họ vẫn phải vượt qua nhiều nghịch cảnh để có thể vươn tới đỉnh cao.

Nghịch cảnh đến từ những khó khăn ở hành trình đăng quang, đặc biệt là việc thiếu chân sút chủ lực Xuân Son ngay đầu trận chung kết. Xuân Son chắc chắn là cầu thủ có ảnh hưởng nhất của đội. Khi Việt Nam vắng anh, tinh thần của người Thái Lan cũng hưng phấn hơn. Nhưng rồi Việt Nam vẫn vượt khó thành công để giành chiến thắng cuối cùng”.

Tờ Makan Bola của Malaysia miêu tả đây là chiến dịch xuất sắc của Những chiến binh sao vàng. “Việt Nam nâng cao chức vô địch ASEAN Cup 2024 sau màn trình diễn xuất sắc trên sân Rajamangala. Họ đã đánh bại đương kim vô địch Thái Lan đầy thuyết phục để lần thứ 3 nâng cúp”.

Trong khi đó, tờ Bharian của Malaysia nhận xét: “Trên chảo lửa Rajamangala, tuyển Việt Nam chứng minh đẳng cấp và tinh thần tuyệt vời. Họ cho thấy rằng ngôi địch ASEAN Cup 2024 là hoàn toàn xứng đáng”.

Tương tự là tờ Suara của Indonesia: “Việt Nam đã thể hiện tinh thần và phong độ đầy kinh ngạc. Họ đã mất chân sút chủ lực Xuân Son từ sớm. Nhưng họ chứng minh cho CĐV thấy khi mất đi Xuân Son, Việt Nam vẫn là một tập thể gắn kết và mạnh mẽ và chiến thắng dành cho họ là không thể xứng đáng hơn”.

Copy từ net (TPO)

Saturday, January 4, 2025

Trở lại quê nhà 2024 (3): Những cuộc gặp gỡ muộn

 (tiếp theo)

Mỗi lần về nước tôi đều tranh thủ gặp gỡ bạn bè, ôn lại các kỷ niệm xưa. Chúng tôi về Hà Nội đúng dịp „Ngày nhà giáo Việt Nam“ nên vợ tôi rất bận rội. Có đến 3 lớp học sinh cũ, rồi trường Ngô Sỹ Liên mời vợ tôi dự các cuộc gặp mặt. Các bạn học cũ còn rủ vợ tôi đi thăm các thầy cô từ cấp một, cấp hai. Người Việt vô địch thế giới về việc giữ gìn các mối liên hệ xưa. Người Tây thua xa chúng ta về việc họp lớp, gặp gỡ tổ hưu, hội trường v.v. Các thầy cô giáo Đức nói như vậy mỗi khi chúng tôi về thăm trường cũ ở Königs Wusterhausen. Đây có lẽ là một yếu tố giúp xã hội gắn kết được trước những vấn nạn mà người ta vẫn kêu là „Suy đồi đạo đức“, „Băng hoại xã hội“. Những cuộc gặp gỡ phi vụ lợi này giúp con người sống bền với những ký ức xưa. 

Gặp gỡ các bạn học ở CHDC Đức thời 1967-1971 Nguyễn Thu Đức. Trần Văn Thái, Hien Nguyen Lanminh Bao

Nhưng xung quanh ngày 20.11 tôi cũng nhận ra cảnh người ta hối hả, chen chúc đi mua quà, cảnh các cửa hàng hoa „cháy hàng“. Mạng xã hội bị quá tải bởi các hoạt động „tri ân“. Đây là mặt trái của bức tranh, là khúc nổi của vấn nạn „Suy đồi giáo dục“. Nguyên nhân đến từ nhiều phía: Thể chế, đạo đức làm thầy và nếp sống của cha mẹ. Cùng các căn bệnh nhờn thuốc khác như „Mua quan, bán chức“, „Kinh tế chùa“, „Kinh doanh sức khỏe“… chúng đang gặm nhấm sức lực của toàn xã hội.

Ở Hà Nội vài hôm, tôi được nghe về lễ kỷ niệm „70 Năm Tập Kết Ra Bắc“. Là đứa con theo mẹ tập kết ra Bắc năm 1955 trên chiếc tàu Kilinski của Ba-Lan, tôi đã kể chuyến đi đầy sự cố này trong bài viết: Chuyến Tàu Tập Kết [1]. Giờ đây tôi buồn vì người ta chỉ nhắc đến cuộc „Tập kết ra Bắc“ của 150.000 người kháng chiến, mà không dành một chữ nói về số phận của hơn một triệu người Bắc di cư vào Nam cùng thời gian đó. Phải chăng cuộc di cư đó không tồn tại trong lịch sử nước nhà? Hay họ di cư ngược chiều nên không phải là đồng bào? Tôi mong những người di cư vào Nam, nếu còn sức, hãy viết về sự kiện đó để lịch sử không bị xóa nhòa.

Tàu Ba-Lan, Liên Xô chở bộ đội kháng chiến tập kết ra Bắc, trong khi tàu Pháp, Mỹ chở đồng bào di cư vào Nam. Hai dòng người di dân trong thời gian 300 ngày sau hiệp định Geneve 1954

Đợt này tôi cũng may mắn gặp được những người mà tôi tìm kiếm lâu nay. Đáng kể nhất là em Ngọc, vợ của Chính, bạn học từ thời niên thiếu. 

Bạn bè gọi hắn là "Chính Té" vì hắn lẩn nhanh như chạch. Mỗi khi phải làm cái gì mất công, Chính đều „té“. Năm 1970 Chính đi bộ đội, vào Nam. Hết chiến tranh Chính trở về, người ốm yếu xanh rớt vì sốt rét và bệnh gan.  Từ một tay thanh niên nhanh nhẹn, hóm hỉnh, Chính chỉ còn sống như một cái bóng. Ở tầng một nhà 26 Trần Hưng Đạo có một cô bé mà Chính gọi là Bé Ngọc. Ngọc học cùng em gái tôi, bé nhỏ, ít nói, hay chạy theo mấy anh em chúng tôi để bắt ve, hái sấu. Một hôm Ngọc khóc hu hu chạy về báo tin là anh Chính bị bọn khác đánh, để chúng tôi ra giải cứu.

Giờ đây Bé Ngọc đã làm cho Chính muốn sống. Thời kỳ Chính ở trong Nam, Ngọc vẫn lên tầng trên chăm sóc  bà Khảm, mẹ Chính. Giờ thì nàng chăm sóc anh bộ đội phục viên sốt rét, trầm cảm. Tình yêu đó đã thổi hơi ấm giúp Chính gượng dậy. Họ cưới nhau và Ngọc sinh cho Chính một bé gái, đặt tên Ngọc Linh. Không có của hồi môn, không có nghề nghiệp ổn định, nhưng họ hạnh phúc. Gặp tôi, Chính chỉ kể về Bé Ngọc. 

Năm 2003 tôi về thăm nhà, gặp Chính ngồi chữa đồ điện ở phố Lý Thường Kiệt, đối diện Thư viện Khoa học Trung ương. Chủ nhà thương anh thương binh, cho ngồi ngoài cửa, không lấy tiền. Lần nào đi qua tôi cũng ghé nói chuyện và rủ đi uống nước. Vậy mà vài năm sau về, nghe tin bạn đã ra đi vì bạo bệnh. Còn Ngọc thì lâu lắm, phải đến 40 năm nay tôi chưa gặp.

Không chỉ găp may, mà phương châm „Cứ tìm rồi sẽ thấy“ đã giúp tôi tìm thấy chị Giao, chị ruột Chính. Chị lấy chồng, vào Huế từ năm 1975. Đã có lần chị ra Bắc, về 14 Lý Thường Kiệt thăm ba má tôi. Khi đó tôi đang ở Đức nên không gặp chị. Má tôi trước khi mất có kể như vậy, nhưng hồi chị ra Hà Nội chẳng ai có điện thoại cả.

Ngay sau khi có số điện thoại của chị Giao, tôi gọi cho chị. Chị òa khóc nức nở kể từ chuyện cái áo dài má tôi tặng chị ngày cưới, cho đến những cái phiếu mua gạo nhà tôi không dùng hết mang sang cho mẹ chị. Tôi hứa khi vào Huế sẽ đến thăm chị để còn tâm sự nhiều.

Ngay sau khi check in khách sạn ở Huế chiều 26.11, vợ chồng tôi đi ngay taxi đến thăm chị Giao. Anh đã mất từ lâu, chị ở với hai người con trai. Chị cảm động lắm. Bà già 85 tuổi cứ nhắc đi, nhắc lại những kỷ niệm cũ, từ chiếc áo dài đến cái tem gạo, rồi đến thằng Chính xấu số. Chị cho tôi số điện thoại của cháu Ngọc Linh.

Lát sau tôi liên lạc được với Ngọc. Khi Chính còn sống, cuộc sống của hai vợ chồng đã khó khăn rồi. Sau khi Chính ra đi, cuộc đời của Ngọc còn gian truân hơn nữa. Tôi tiếc là đã rời Hà Nội, nhưng hứa lần sau về sẽ đến thăm em.

Cách đây vài năm tôi ngồi cà phê với Châu, một chuyên gia đầu ngành về Răng-Hàm-Mặt (RHM), trưởng khoa ở Viện RHM phố Tràng Thi. Hắn kể rằng một hôm Chính mang tiền và quà đến nhà để xin cho con gái vào làm ở viện RHM. Châu mắng: „Mày cất tiền, mang quà về, để hồ sơ lại đây. Việc của tao thì tao phải lo“.

Bây giờ Ngọc kể thêm: Ngọc Linh không học y nên vào bệnh viện chỉ làm công việc văn phòng. Cháu chán quá nên một thời gian sau xin thôi việc, chuyển ra ngoài làm nghề dạy học ngoại ngữ.

Tiếc cái suất làm việc ở viện RHM, Chính đến xin cho Hoa, con gái anh Đài mới học y tá ra trường, vào làm thế. Anh Đài (em chị Giao, anh của Chính), bệnh tật, đau yếu nên gia đình rất khó khăn. Châu đồng ý cho Hoa vào thế chỗ của Ngọc Linh. Rồi Châu đào tạo cháu thành một y tá trưởng hàng đầu ở Viện.

Cháu Lộc, em trai của Hoa cũng thất nghiệp dài dài. Biết vậy, Châu xếp cho cậu sinh viên đại học dở dang vào làm bảo vệ cho viện. Rồi hắn cho Lộc đi học khóa kỹ thuật viên. Giờ đây Lộc ngồi làm răng giả trong xưởng của Viện.

Thằng Châu con nhà nòi, học giỏi có tiếng,  thành đạt, nhìn đời bằng nửa con mắt. Nhưng không vì thế mà hắn quên bạn bè.

Rồi chúng tôi đến thăm một bạn gái từng học phổ thông với tôi. Hồi đó tôi khoái bạn bởi cặp mắt sáng và giọng hát truyền cảm. Bố bạn là cán bộ cao cấp nên năm sau bạn sang Quế Lâm (TQ) học. Năm 1976 tôi đã đến thăm bạn trong tòa biệt thự của ông cụ ở trung tâm An Cựu, có bộ đội canh gác.

Thế nên lần này tôi ngạc nhiên khi đến một căn nhà nhỏ trong một hẻm vắng ở ven thành phố. Căn nhà đơn sơ, nhưng bài trí ngăn nắp và sạch sẽ đến từng chi tiết. 

Sau khi bố mất, bạn đã trải qua một cuộc đời vất vả, chứ không hề như tôi nghĩ về thanh thế gia đình bạn. Rồi bạn phải bỏ Huế, theo chồng vào Nha Trang sinh sống. Người chồng sao nhãng. Mọi gánh nặng trùm lên vai bạn, nuôi ba đứa con. Không việc làm, không hộ khẩu, không nơi bấu víu.

Bỗng một hôm một ông cán bộ già tìm đến đến chỗ trọ, hỏi đúng tên bạn và tên ông cụ. Ông nói là ngày xưa cùng hoạt động với bố bạn. 

Làm sao ông biết là con gái bạn ông đang sắp chết đuối và tìm ra nó thì không rõ. Nhưng ba hôm sau bạn được nhận vào làm tại sở thương nghiệp Khánh Hòa. Tuy chỉ là cái phao nhỏ trong cả cuộc đời chìm nổi, nhưng bạn không bao giờ quên.

Trưa ngày 27.11 chúng tôi hẹn gặp một số đồng nghiệp ở đài Truyền hình Huế năm 1975. Các bạn Nguyễn Văn Hảo và Thai Binh Nguyen  đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này rất chu đáo. Cái đài truyền hình gọn nhẹ, xinh xắn ngày trước ở ngã ba đường Hà Nội/Lý Thường Kiệt đã biến mất, nhường chỗ cho một tòa nhà đồ sộ, cao ngật ngưỡng. Bạn bè đã tụ tập đông đủ. Có những người mà đúng là sau gần 50 năm mới gặp lại. Tay bắt mặt mừng, hỏi nhau đủ chuyện. 

Găp nhau trước cửa đài Truyền Hình ở Huế, Ai Hoa Hoang, Thai Binh Nguyen, Nguyễn Văn Hảo

Tôi gọi ngay cho anh Vũ Chí Đạo, cựu phó giám đốc đài truyền hình Huế thời VNCH. Anh là dân Bắc di cư, cháu nhà văn Vũ Hoàng Chương, được đào tạo kỹ thuât truyền hình ở New Zealand. Anh còn dạy thêm môn Vật Lý ở Viện Đại học Huế. Tôi nhớ hồi tháng 5.1975, cả anh Từ Tôn Sa, nhà báo, cựu giám đốc đài truyền hình Huế của VNCH cũng đến gặp đài. Đương nhiên anh không được nhận vì là dân tuyên truyền. Chị Trang, vợ anh Đạo cũng là xướng ngôn viên của VNCH. Chị thuộc dòng dõi trâm anh ở Huế, đẹp nền nã và rất khéo tay. (Năm 2006, khi tổng thống Bush đi thăm Việt Nam, chị được chọn nấu món ăn Huế để đãi ông.) Nhưng chị cũng không được tiếp tục làm việc ở đài.

Anh Đạo may mắn được nhận làm lưu dung cùng với khoảng 10 nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ. Anh hay tâm sự với tôi. Sau khi tôi đi khỏi Huế anh cũng vào Sài Gòn sinh sống, mất liên lạc. Nhờ viết bài „Ký ức Huế 1975“ [2], chúng tôi tìm được nhau.

Lần này tôi gọi mãi mà anh không nghe. Tôi phải gọi cho chị Trang, nhờ chị mở Zalo cho anh. Cả bọn mừng rỡ nhìn thấy một ông già ốm yếu, râu tóc bạc trắng nhưng vẫn cố vui vẻ chào, nhắc tên anh Thái, em  Ai Hoa Hoang. Một cuộc gặp gỡ rất cảm động nhưng ngắn ngủi trên mạng. Vài hôm sau, tôi vào đến Quy Nhơn thì nhận đươc tin anh Đạo qua đời. Không ngờ video chat đó là dịp cuối cùng mấy anh em gặp nhau.

Anh Đạo và chị Trang trong những năm 1980 (Nguồn FB của anh Đạo)

(Còn tiếp)

Friday, January 3, 2025

Cập nhật thực lực của đội tuyển

 Nói cho thật lòng về bóng đá Việt Nam, 

    1. Tất nhiên là tôi mừng về chiến thắng của đội tuyển. Tôi cũng là người thực tế và lý trí, nên cũng thấy 2-1 là vừa tầm. Thậm chí có không vô địch tôi cũng mừng cho ngôi á quân của đội tuyện. Và tôi vẫn cổ vũ cho đội tuyển trong trận chung kết tới ở Thái.

     2. Tuy nhiên, có lẽ cũng phải thật lòng với bóng đá Việt Nam. Mọi tình yêu đều phải thật lòng mới có thể để cảm xúc thăng hoa. Trước tiên, tôi cảm thấy lối chơi của đội tuyển chưa thuyết phục. Phải công bằng mà nói nhìn chung ta chưa bằng Thái. Trận hôm qua tôi có cảm giác Thái chưa tung hết sức. Hai con át chủ bài của Thái cuối trận là Suphanat và Supachok, cuối trận mới vào. Các cầu thủ khác đều đá rất dè dặt, cẩn thận. Lối đá của họ có phong cách hơn ta. 

     3. Nói đến phong cách lại là một câu chuyện dài. Đội tuyển của ta không có phong cách nổi trội như thời Park Hang Seo. Tất nhiên, không thế trách ông Kim, vì phong cách đó đã được ông Trousier phá hủy hoàn toàn vì cái tôi của ông ta. Phải nói hành trình của chúng ta tại giải này tương đối dễ dàng. Trước khi có Xuan Sơn, lối chơi của chúng ta không thật sự sắc nét, nếu không muốn nói là lúng túng. Kết quả cũng không có gì nổi bật, thắng Lào (OK, tôi không nhớ VN không thắng Lào từ bao giờ), Indo (chơi sân nhà, thắng tối thiểu một đội Indo không thực sự mạnh như các giải trước), Phillipines (hòa, khá vất vả). Sau khi có Xuân Sơn, chúng ta có trận gặp Myanmar khá tưng bừng do các cá nhân tỏa sáng, chúng ta thắng Sing cũng tương tự. Các đội này đều yếu hơn hẳn ta. 

     4. Tuy vậy, cách đá của ta cũng không có bài bản gì thú vị.  Chưa biết quan điểm của ông Kim là gì ngoài chuyện xoay tua tối đa để giữ thể lực. Nhưng có thể đó là lý do mà ta không có phong cách. Thời ông Park không phải trận nào cũng thắng, nhưng có phong cách rõ và rất cảm xúc. 

     5. Nếu chúng ta thua Thái Lan trong trận tới chỉ là á quân tôi thấy vẫn hài lòng về kết quả. Trừ Xuân Son, trong đội của Thái có 6-7 người tầm cỡ Hoàng Đức hay Quang Hải. Họ có thắng ta cũng xứng đáng. Tuy nhiên tôi vẫn mong đội nhà thắng. Biết đâu. Tuy hàng hậu vệ bây giờ mong manh không bằng thời còn Quế Ngọc Hải, Đình Trọng nhưng nếu Xuân Son may mắn có thể quyết định trận đấu.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Thursday, January 2, 2025

Nếu đổi

 TRÊN ĐỜI CHẢ CÓ GÌ MIỄN PHÍ, NGAY CẢ KHI NÓ ĐƯỢC GHI MIỄN PHÍ.

1. Để trở thành một người có trải nghiệm khôn ngoan, ta đều cần đánh đổi.

2. Đánh đổi bằng công sức, đánh đổi bằng thời gian, đánh đổi bằng trí tuệ. Đôi lúc, tiền bạc cũng không thể mua được trải nghiệm.

3. Có khi, ta còn phải trải qua đau khổ, mệt mỏi, thất vọng để lĩnh hội.

4. Nếu bạn thất bại trong học tập hãy để cảm xúc buồn bã dạy bạn rằng con đường đến với cái chữ chưa bao giờ dễ dàng.

5. Nếu bạn thất bại trong công việc hãy ghi nhớ nỗi đau thất bại, khắc cốt lỗi sai ở bản thân, sửa đổi và vươn lên.

6. Nếu bạn thất bại chuyện yêu đương thì hãy hiểu một điều: Trái tim tan nát là để mình yêu sao không ngu. Tình cảm đôi lứa chẳng phải lúc nào cũng hạnh phúc như những câu chuyện cổ tích.

7. Đâu phải ai sinh ra cũng đã thông minh, trải đời, cư xử khéo léo. Tất cả đều được trui rèn qua thời gian, qua sự việc. Nắng mưa bão bùng cũng là yếu tố giúp ta mạnh mẽ hơn.

8. Trên đời này chả có gì là miễn phí ngay cả khi nó được ghi là miễn phí

Một người mãi thu mình sợ nọ sợ kia thì chỉ có thể đọc những đạo lý qua sách vở. Một người dám bước ra đời, hiên ngang và chịu đựng gian khổ mới có thể trưởng thành.

TnBS

Monday, December 30, 2024

Vợ

VỢ LÀ GÌ? 🙂 

ĐỊNH NGHĨA VỀ VỢ 

❤ 

Vợ là quả ớt chín cây,

Đỏ tươi ngoài vỏ nhưng cay trong lòng,

Vợ là một đóa hoa hồng

Vợ là sư tử Hà Đông trong nhà.


Vợ là nắng gió mưa sa,

Vợ là giông tố phong ba bão bùng,

Nhiều người nhờ vợ nên ông

Nhiều anh vì vợ mất không cơ đồ.


Vợ là suối những nguồn thơ

Vợ là cả những giấc mơ vơi đầy,

Vợ là một chút men say

Là nước hoa bưởi thơm ngây ngất lòng.


Vợ là một áng mây hồng

Vợ là hoa hậu để chồng đắm say,

Vợ là khối óc bàn tay

Vợ là bác sĩ tháng ngày chăm ta.


Vợ là nụ, vợ là hoa

Vợ là chồi biếc, vợ là mùa xuân,

Vợ là tín dụng nhân dân

Vợ là kế toán giải ngân trong nhà.


Vợ là biển rộng bao la

Vợ là hương lúa đậm đà tình quê,

Vợ là gió mát trưa hè

Vợ là hơi ấm thổi về đêm đông.


Vợ là chỗ dựa của chồng

Nhiều anh dám bảo vợ không là gì?

Khoan khoan hãy nghĩ lại đi

Vợ quan trọng lắm không gì hơn đâu.


Nghìn năm con tạo xoay vần

Đàn ông sợ vợ muôn phần khôn ngoan.

Đàn ông nịnh vợ thì sang

Đàn ông chê vợ tan hoang cửa nhà.


Mấy lời nhắn nhủ gần xa

Làm chồng phải biết vợ là trời cho!


Người Sài Gòn (St)

Sunday, December 29, 2024

Ra Bưu điện, ghé đường sách

 Cầm trên tay phiên bản Hoàng Tử Bé do Trác Phong dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, tôi hy vọng đây là cuốn sách dịch hay nhất tác phẩm kỳ lạ của một ''tác giả kỳ lạ''*, người đã viết và tự minh họa cho cuốn sách trước những cảnh hoàng hôn khi đuổi theo ánh nắng cuối ngày trong căn nhà ở Long Island, New York.

Tôi thích ấn bản này, phần vì nó trung thực với nguyên bản từ mẫu bìa, kiểu chữ cho đến khổ sách và giấy in. Phần còn chưa rõ hẳn có lẽ ẩn trong từng câu chữ dù đến nay đã có nhiều phiên bản ra đời ở VN kể từ 1966, tác phẩm nổi tiếng nhất của Saint - Exupéry, cuốn sách Pháp được dịch và đọc nhiều nhất trên thế giới này vẫn cần 1 bản dịch trác tuyệt mà người VN vẫn chưa có ai dịch được. Tôi cho rằng: thế hệ ấy lẽ ra phải cùng thời với tác giả, những người thuộc tầng lớp ''vàng'' am hiểu văn học Pháp và nhận thấy Hoàng Tử Bé quá đỗi đáng yêu, rất thi vị nhẹ nhàng và cũng vô cùng sâu sắc bởi cuốn sách này là 1 trong những cuốn sách hay nhất dành cho trẻ con mà nhiều người lớn tìm đọc.

Friday, December 27, 2024

Trở lại quê nhà 2024 (2): Rào cản vô hình

 Tháng 11 vừa qua hai vợ chồng tôi đóng cửa công ty, nhờ các con trông hộ căn nhà để đi về Việt Nam 5 tuần. Trọng tâm của chuyến đi là về Sài Gòn giỗ má tôi lần thứ ba. Người ta gọi đám giỗ năm thứ ba là mãn tang, với tôi thì cái tang má không không bao giờ mãn. Ngoài ra vợ tôi cũng muốn đi thăm một số nơi mà tôi luôn gắn bó, rồi về quê Gò Bồi, Qui Nhơn thăm mộ tổ tiên.

Cũng như nhiều lần trước, tôi mua vé Vietnam Airlines (VNA) để bay một mạch, bất kể những than phiền về hãng hàng không nhà nước này. Tuổi già khiến tôi ngại những đường bay có nối chuyến của Qatar hay Turkish, mặc dù trong thời gian Corona tôi đã chứng kiến sự ưu việt của họ. 

Cả hai chuyến đi và về (VN 36 và VN31), máy bay đều bán hết vé mà 90% là khách nước ngoài. Thêm vào đó, việc VNA mở thêm nhiều đường bay sang châu Âu (riêng ở Đức đã có hai điểm đến là Frankfurt và Munich) chứng tỏ một bước tiến lớn của nó. Do đó việc hãng này luôn kêu lỗ có một uẩn khúc lớn phía sau. 

Mặc dù các cô tiếp viên đều rất lẽ phép và hòa nhã, nhưng tính chuyên nghiệp của đội ngũ bay từ lâu nay vẫn dậm chân tại chỗ. Điều được góp ý nhiều lần nhưng không hề suy suyển là cách nói tiếng Anh tùy tiện của đội bay. Có lẽ du khách đã thuộc lòng nội dung các câu chào và thông báo của phi công nên dù các anh nói gì, người ta cũng chỉ đoán ra, chứ để hiểu thì hơi khó. Chuyến bay nào do phi công nước ngoài lái, người nghe cảm thấy dễ chịu hơn. Cả phi công và tiếp viên luôn hãnh diện gọi VNA là thành viên của SkyTeam và điều này không sai. Chỉ có điều cái tên Vietnam Airlines luôn bị phát âm sai thành Vietnam Airlies. (Việt Nam e lai xờ, bỏ phát âm chữ N trong Airlines).

Từ tiếng loa dưới sân bay đến các lời chào của phi công, của tiếp viên đều khiến tôi bức xúc khi nghe cái từ Airlies có tính nhục mạ này. Trong tiếng Anh, line là đường, Airlines (số nhiều) là hãng hàng không. Còn lie là nói dối. Khi bỏ chữ N đọc là Air(lies) thì có nghĩa là “những lời nói dối trong gió”. Đã vài lần tôi giải thích điều này với các cô tiếp viên. Lúc đầu các cô không hiểu, nhưng khi dùng giấy bút giải thích thì các cô đều cười vui vẻ, đồng ý. Rồi có một cô nói: “Chú nói đúng quá, nhưng tất cả mọi người đều nói vậy, sửa khó lắm”.

Có thể người ta cho là tôi chẻ chữ, nhỏ nhen. Nhưng câu nói của cô tiếp viên chứng tỏ sức ỳ của đám đông, của một hệ thống. Vietnamairlines dù có bị đọc sai thành kiểu gì vẫn là một hãng bay của người Việt mà tôi lựa chọn. Chắc chắn nhiều bộ óc thông minh ở đó thừa hiểu nghĩa của „Lines“ và „Lies“.  Nhưng việc gì phải thay đổi, khi cả đám đông và hệ thống chấp nhận sai lệch đó? Điều này cùng những cái chặc lưỡi khác góp phần làm cho VNA có quyền lỗ khi đường bay vẫn cứ mở rộng.

Các sân bay Việt nam, dù là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phù Cát, Phú Bài hay Đồng Hới đều sạch sẽ, ngăn nắp. Đông hay vắng tùy thuộc vào địa điểm và mùa du lịch. Điểm ưu so với các sân bay phương tây là có nhiều nhà vệ sinh hơn. Ở sân bay Đức thì các lão già có vấn đề tiền liệt tuyến sẽ vất vả hơn để tìm nhà vệ sinh. Có lẽ điều này nằm ở đặc điểm mà từ bé tôi đã được nghe: ”Người Việt ăn nhanh, đi chậm, hay cười và hay đái vặt” 🙂 .

Sân bay Ta còn hơn Tây ở trình độ chặt chém. Một chai nước Lavie mua lẻ bên ngoài chỉ khoảng 7.000 VND mà bên trong bán 2 hoăc 3USD (50.000-75.000 VND), quả là bậc thầy. Mọi thứ đều đắt hơn bên ngoài vài lần. Tất nhiên giá đó chỉ để cho ai thừa ngoại tệ không biết làm gì. Điều này khiến các cô bán hàng bên trong sân bay luôn ngồi ngáp dài, mắt không rời smartphone. Thấy bóng người đi qua là các cô mời lấy lệ, vì cũng thừa biết khó mà câu được cá. Tôi đặt vấn đề hạ giá xuống để bán được nhiều hàng hơn thì một cô nói: 

-Chú ơi giá thuê mặt bằng và các chi phí trong này cao lắm ạ. Cháu làm ở đây đã đổi chủ nhiều lần, vì họ không trụ được.

Chắc chắn có nhiều ông quan thấy được vấn đề và cũng mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ trong sân bay. Nhưng thay đổi nếp suy nghĩ đã ăn sâu vào hệ thống sẽ rất khó. Việc gì phải khổ sở, nếu đám đông chấp nhận sự vô lý này?

Tuy mỗi lần đi xa là một lần phải đối phó với nhiều trở ngại. Dù mất đi các tiện nghi và nhịp sống cần thiết cho tuổi già, nhưng tôi luôn hạnh phúc khi trở về quê nhà, được gặp gỡ người thân, bạn bè và được sống với nhiều kỷ niệm cũ. Cuộc đời chỉ có giá trị nếu biết sống với ký ức.

Vợ chồng tôi về thăm xóm nhà 14 Lý Thường Kiệt mà tôi đã sống suốt 20 năm. Ngôi nhà này giờ đây là một tụ điểm ăn uống tấp nập. Một nửa cho công ty “Phở Lý Quốc Sư” thuê, nửa còn lại là quán cơm Vinh-Thu nổi tiếng Hà Nội. Trong khi sự ồn ào và mất vệ sinh của các cửa hàng khiến nhiều người không sống nổi, phải chuyển đi thì chúng lại tạo điều kiện sống cho vài gia đình trong xóm (người thì bán nước chè, kẻ cho thuê phòng ăn, kẻ trông xe đạp). Anh chị tôi già nua ốm yếu, không chịu nổi khói bụi của các bếp than và tình trạng ẩm ướt do nước rửa bát váng mỡ suốt ngày đọng trên sân nên cũng phải dọn đi. 

Ngày anh chị còn ở đó, tôi hay về nghỉ và đêm đêm vẫn nghe lũ chuột đùa nghịch trên các chồng bát đũa mà trưa hôm sau các công chức quanh đó vẫn vui vẻ dùng để lùa cơm vào dạ dày.

Chúng tôi chọn lúc quán ăn nghỉ để đến thăm hai gia đình còn trụ lại ở đây. Họ là những người nghèo, không có điều kiện mua nhà chỗ khác và chỉ còn cách dựa vào quán cơm để kiếm thêm chút ít. Trước kia những hộ này chỉ ở trong diện tích của gầm và trần cầu thang, che chắn bằng gỗ. Nay các “căn hộ” vài mét vuông đó vẫn vậy và họ cơi nới thêm một số diện tích nhỏ ở khu vực nhà tắm và vệ sinh khi xưa kia để ở và cho các cháu từ nông thôn lên làm quán ăn thuê. 

Các anh chị nay đã ngoài 80, già nua và ốm yếu, nhưng vẫn nhớ đến chú Thọ, cô Châu, những người từng chia sẻ với họ những khó khăn thời bao cấp. Chị Thảo, nay chắc chỉ còn nặng dưới 30kg, lưng còng, lê đến bắt tay tôi, luôn miệng nói: “Trời ơi, sao mà chú giống ông thế. Ông hiền lắm!”. 

Anh Thấu thì đã liệt giường cả mấy năm nay. Còn chị Thấu vẫn có nụ cười hơi mếu, để lộ thêm hàm răng móm mém. Chị ôn lại với chúng tôi những kỷ niệm về hai cậu con tôi. Cả hai gia đình này nay chỉ sống bằng đồng lương hưu nhỏ nhoi. Nhỏ ở mức quá ít để sống, nhưng quá nhiều để chết đói.

Qua tâm sự, tôi biết là cái xóm nhỏ luôn quí mến nhau khi xưa, nay đang chia rẽ nặng nề.

Khu nhà rộng 600m² này, nằm giữa khu vực đất vàng của thủ đô, đang trở thành mục tiêu của nhiều đại gia. Họ muốn mua trọn toàn bộ khu nhà để xây một cái gì đó thật đắt giá. Đương nhiên là họ thương lượng bí mật với tất cả 11 hộ ở đây. Trong khi những người nghèo coi đây là cơ hội duy nhất để đổi đời thì những gia đình khác coi món tiền khủng cho thuê cửa hàng là lý do để đưa ra cái giá mà không ai mua nổi. Một số diện tích sân chung nay bị tranh chấp một cách khốc liệt. Bao nhiêu cuộc họp có mặt và vắng mặt người mua đều thất bại. Ai cũng đổ tội cho các hộ khác. Không ai còn ưa ai nữa.

Người ta hay than: “Ngày xưa sống có tình người, chứ bây giờ…”. Không phải ngày xưa con người tử tế hơn với nhau. Vẫn những con người đó, mảnh đất đó nhưng nay sự cào bằng vật chất đã biến mất. Nó biến mất nhưng tạo cho một số người cơ hội để giành sự giàu có từ những kẻ yếu. Người ta tranh thủ sự buông thả của pháp luật để giành giật, hàng xóm bất hòa, anh em chia rẽ.

Vợ chồng tôi vẫn quí mến tất cả mọi người như xưa nên đề nghị tổ chức một cuộc gặp gỡ thân mật toàn bộ cư dân cũ. Ai nghe tôi mời cũng rất mừng, tuy đều không tin rằng sẽ có đông người đến.

Thật không thể ngờ là cuộc họp mặt lại đông vui như vậy. Tôi nói: “Anh Thanh yếu quá rồi, cứ thuê xe tắc xi đến quán, em sẽ trả tiền cho anh cả đi lẫn về”. Nhưng anh vẫn đi bộ hai cậy số đến dự và tự đi bộ về. Tất cả mọi người đều tay bắt mặt mừng, vì xưa nay chưa bao giờ gặp nhau trong hoàn cảnh như vậy. 

Các cháu Khanh Linh Pham, cháu Phạm Tố Loan, cháu Hà nay đã thành đạt quyết không cho chú Thọ trả tiền bữa cơm thịnh soạn và chầu cà-phê ấm cúng. Có gia đình bất hòa đến mức anh em không muốn gặp nhau, nay đều có mặt. Tuy bố mẹ không nói chuyện với nhau, nhưng cô đã hỏi thăm cháu. Tôi nghe cô cháu tâm sự thì biết là tình cảm gia đình vẫn đó, chỉ chưa có dịp nào để vượt cái rào cản vô hình.

Một cậu em nói: "Nay mai anh chị sẽ về Đức, nhưng có lẽ chúng ta ở lại nên thường xuyên gặp nhau như thế này."

-Có khi nhờ thế mà lại bán được nhà – Tôi nói đùa.

Tất cả cười giòn giã.

(còn tiếp)

Nguyễn Xuân Thọ

Thursday, December 26, 2024

Gặp gỡ cuối năm

 Ngày cuối cùng trong năm chia tay với Cao Nguyên tại An CaFe _ Đà Lạt 26/12/2024 ✈ Last time in the year in the Central Highland at An CaFe _  Dalat 26 Dec 2024.

Nguyen Tibor (Gépész.Vidi72)

Wednesday, December 25, 2024

Cuộc đời và những giai thoại ngắn ngủi

 Óc thực tế

1. Thành nghỉ việc nhanh chóng sau 2 tháng làm sale ở 1 DN. Thành tìm việc khác, chỗ dăm ba tháng, chỗ 1 năm, rồi nghỉ vì cùng 1 lý do là "không thích", "không thấy đam mê". Em chỉ làm công việc mà mình yêu thích, mình đam mê, em chỉ có thể nói chuyện được với người hợp gu- Thành khẳng định. 40 tuổi, một căn nhà nhỏ và một chiếc xe ô tô, 2 cái Thành mong muốn nhất, đều chưa có. Nhưng cơ hội kinh doanh nào thì Thành cũng chỉ làm 1 thời gian ngắn là bỏ, vì thấy hết thích, hết yêu.

2. Năm lớp 6, tui được học tiếng Anh bài bản. Năm đó trường đột phá với việc mời 1 cô giáo không có bằng cấp sư phạm về dạy. Cô từng làm cho cty dầu khí của Mỹ trước 75, nói y chang Mỹ. Cô sửa phát âm và đánh tui muốn gãy tay, ngày nào 2 bả vai tui cũng bầm tím vì bị đánh. Thời đó, GV đánh HS là bình thường, cha mẹ thấy thầy cô đánh thì về còn đánh thêm. Khi phát âm miết không được chữ có phụ âm fr và sp, tui chán ghét môn tiếng Anh cực kỳ, ghét cô giáo, chống đối ra mặt, học đối phó. Nhưng sau đó tui nghĩ, ghét vầy là tự thiệt thòi, mình ngu quá, không có tiếng Anh sao ra thế giới bên ngoài được. Và quyết tâm học, bắt đầu bằng mọi từ vựng in trong phía sau cuốn sách, từ chữ a/an. Vì kỷ luật và chăm chỉ mà từ từ tui nói được Anh lưu loát, năm lớp 10 là trò chuyện được khách Tây đi du lịch VN. Sau này học tiếng Trung, chữ có phụ âm đầu là z, c tui mất mấy năm mới đọc ra âm gần giống, viết chữ Hán tới lui cả trăm lần mới nhớ mặt chữ, nản lắm, nhưng chưa hề có ý định bỏ cuộc, đã theo cái gì là tới tận cùng, vì biết nó mang cho mình nhiều cái lợi. Tới bây giờ, tui chưa bao giờ có đam mê ngoại ngữ, chỉ là thấy cần thiết, PHẢI HỌC. Tương tự vận động, cũng đau nhức, cũng mệt sau khi tập, tui không hề đam mê thể dục thể thao gì, nhưng vì cần thiết cho sức khoẻ mình, thì tui TẬP. Thế thôi. 

Khi ra đời, đi làm việc, có những đối tác củ chuối lắm, cho làm bạn trà dư tửu hậu thân thiết thì không bao giờ, nhưng tui vẫn tươi cười nịnh nọt, vẫn vui vẻ để làm ăn. Tui nghĩ, ai cũng phải bật mode "không cảm xúc", hễ còn lợi ích kinh tế thì vẫn cứ phải duy trì quan hệ đó. Ghét một người mà vẫn làm việc được với họ mới đáng nói. Ghét 1 ngành học mà mình vẫn tốt nghiệp được mới hay, chứ bỏ học ngang thì ai cũng làm được, đơn giản là sáng nay mình không đi học nữa, là xong. Ghét một công việc mà mình vẫn làm kết quả tốt thì mới giỏi. 

Ai học được trúng ngành mình thích, tìm đúng được việc mình đam mê, sống chung được với người mình có feeling thì coi như là có may mắn. Nhưng cảm xúc nó là trạng thái, 1 lúc nào đó nó sẽ hết, cái 10 năm trước - mình yêu mình thích mình đam mê - bây giờ có còn đâu? Nhưng vì còn lợi ích, thì vẫn cứ phải thực hiện. Sau này tui mới biết đó là ÓC THỰC TẾ. Tui cũng có bạn văn chương, viết hay hơn tui nhiều, nhưng họ có cảm hứng mới viết. Tui không vậy. Khi rảnh rỗi được thì viết, ví dụ ngồi trên máy bay, không ngủ được thì bật máy tính ra. Khi thấy cần viết thì PHẢI VIẾT. Rồi chữ nghĩa nó cũng xuất hiện. 

3. Tui viết văn viết chương là cái các bạn đang thấy. Nhưng cái tui chiếm nhiều thời gian hơn là làm ăn, có tiền mới giúp được người khác, mới chỉ đường cho người khác đi đúng được. Tui thấy học hay làm hay bất cứ cái gì cũng đều có kết quả tốt nếu mình chuyên tâm vào, không care cảm xúc trồi sụt thất thường của cơ thể.

*Đó là nội dung tui chia sẻ hôm nay, người nào note lại được ý tui muốn truyền tải thì còm và vào nhóm sinh hoạt, cùng nhau học ngoại ngữ, cùng nhau buôn bán mần ăn kiếm tiền, cùng nhau đi rong chơi khắp thế giới. Hình tui chụp ở Anh khi trên tàu lửa. Này là hồi 20 năm trước, thời máy chụp hình số mới ra.

TnBS

Tuesday, December 24, 2024

Hiện tại là cơ hội thay đổi

 🎯 Nếu bạn đi quả đủ đau thương, đủ mệt mỏi và khó khăn, dần dần bạn sẽ trở nên cứng cỏi hơn. Nếu bạn còn thấy buồn, khó chịu hay tức giận vì những chuyện nhỏ nhặt thì thực ra, bạn chưa trưởng thành.

  🎯 Lo lắng cho tương lai, luôn nghĩ về quá khứ là cách tốt nhất để hủy diệt hiện tại. Con người luôn băn khoăn vì những điều chưa tới, hoài niệm về những điều đã qua mà quên mất, hiện tại là cơ hội duy nhất để thay đổi cuộc sống.

 🎯 Cứ làm tốt, tập trung vào mục tiêu của mình, lo nghĩ nhiều làm chi cho mệt thân. Không thích thì nói "Không", thích thì nói "Có". Đừng cố gượng ép bản thân. Đừng cố làm vừa lòng người khác. Tôn trọng bản thân và suy nghĩ của mình.

TnBS

Monday, December 23, 2024

Giới hạn cuối cùng

Lần thứ nhất, anh ấy toàn tâm toàn ý yêu bạn không hối tiếc.

Lần thứ hai, bạn làm tổn thương anh ấy, nhưng anh ấy vẫn lựa chọn yêu bạn.

Lần thứ ba, anh ấy trân trọng và yêu nhiều hơn trước.

Nhưng nếu trải qua ba lần như vậy, thì bạn sẽ không còn thấy anh ấy nữa. Bởi đó là giới hạn cuối cùng của anh ấy rồi.

TnBS

Sunday, December 22, 2024

Sống cho có cái hồn cái cốt

 KHÔNG SỚM THÌ MUỘN, BẠN CŨNG PHẢI NGỘ RA CHÂN LÝ CUỘC ĐỜI NÀY

1. Mọi khổ đau của con người, đều là sự cười nhạo cho sự bất lực của bản thân.

2. Đời người chỉ có 900 tháng, hãy sống sao cho không có gì để hối tiếc.

3. Không ch*t được thì phải sống, mà đã sống thì phải cho ra h.ồ.n người.

4. Nếu không chịu cố gắng thì một năm sau ta vẫn chỉ như bây giờ, chỉ là già đi mà thôi.

5. Vấp ngã mà không đứng lên được, tính đợi người khác d.ẫ.m lên sao!

6. Đừng chọn sống an nhàn vào những năm tháng còn có thể chịu khổ được.

7. Nếu không thể làm ba mẹ tự hào, vậy hãy để họ bớt lo lắng đi cũng được.

8. Hôm nay đọc sách, ngày sau bạn đếm tiền.

9. Đừng quên năm đó bạn từng là nhà vô địch.

10. Tôi không dám nghỉ ngơi, vì tôi không có tiền gửi ngân hàng. Tôi không dám kêu mệt, vì tôi còn chưa làm ra được thành tựu gì. Tôi không dám nghỉ ngơi, vì tôi còn phải sống. Tôi có thể từ bỏ việc lựa chọn, nhưng tôi không thể chọn cách từ bỏ. Vậy nên, kiên cường, đấu tranh là lựa chọn duy nhất của tôi.

11. Học cách tự cười vào bản thân sẽ giúp bạn thoải mái hơn.

12. Nếu không cố gắng, người khác muốn kéo tay bạn lên cũng chẳng biết tay bạn đang ở chỗ nào.

13. Có lẽ bạn cho rằng một buổi tối bạn học được 50 từ mới đã là giỏi, mà không biết người ta đã qua hết cấp này tới cấp khác. Có lẽ bạn cho rằng mỗi ngày bạn phải đi làm 8 tiếng đã là mệt mỏi muốn chết, mà không biết rằng có những người phải làm hai công việc từ sáng sớm tới đêm khuya. Thế giới này chưa bao giờ thiếu người biết cố gắng, chỉ thiếu người có thể kiên trì tới cùng.

14. Bạn chỉ có một cuộc đời, đừng lãng phí thời gian cho những kẻ bạn không ưa.

15. Nếu đã không mang theo ô thì phải cố mà chạy cho nhanh… Đằng sau không ai chống lưng thì tuyệt đối không thể ngã xuống được! Nếu đã không mang theo ô thì phải cố mà chạy cho nhanh…

16. Những người xinh đẹp hơn bạn còn cố gắng nhiều hơn bạn.

17. Cố gắng và hối hận, cái nào đau đớn hơn?

18. Tôi buồn vì không có giày để đi, cho đến khi tôi gặp người thiếu cả đôi chân.

19. Ba năm gặm bánh mì dù sao cũng hơn ba mươi năm gặm bánh mì.

TnBS (St)