Tuesday, June 13, 2017

Người Việt: GS. Nguyễn Tài Thu


Mấy năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nhìn các thương binh quằn quại vì đau do bệnh tật hoặc do vết thương gây ra, anh bộ đội của Trung đoàn Thủ đô Nguyễn Tài Thu cảm thấy thật đau lòng. Có cách gì giảm được cơn đau mà không phải dùng đến morphin, thứ thuốc giảm đau có thể gây nghiện, lại rất thiếu lúc đó?
Nghe nói phương pháp châm cứu của y học cổ truyền phương Đông có thể làm giảm đau, điều này thôi thúc anh bộ đội trẻ tìm hiểu và trở thành sinh viên khóa Y.52 của Trường Đại học Y khoa Việt Bắc. Khi được sang học ở TQ, Nguyễn Tài Thu đã đi sâu học tập và nghiên cứu lĩnh vực châm cứu.

Năm 1964, qua thực nghiệm trên chính cơ thể mình, BS Nguyễn Tài Thu đã xác định được những huyệt châm giảm đau và nghiên cứu châm tê để mổ.

Năm 1882, tại Pháp, với 6 cây kim châm ở chân và bụng, BS. Nguyễn Tài Thu đã giúp một sản phụ bị bệnh tim tự đẻ mà không phải mổ.
Năm 1983, sau khi đã được phong chức danh Giáo sư, ca mổ châm tê đầu tiên ở nước ngoài được tiến hành tại bệnh viện Giênôva; GS. Nguyễn Tài Thu (GS. NTT) châm tê, GS. Cariati - Giám đốc bệnh viện, nhà phẫu thuật nổi tiếng Italia mổ cho một bệnh nhân nữ 41 tuổi bị xơ gan chảy máu ở nhiều tạng phủ. Chỉ cần 8 chiếc kim châm ở chân, ca mổ kéo dài trong 8 tiếng và thành công đã đưa danh tiếng của GS. NTT lên tầm cỡ thế giới.

Từ sau tháng 4.1983, khi đã thành lập Viện Châm cứu (GS. NTT là Viện trưởng), châm cứu VN phát triển vượt bậc. Các bệnh viện Y học cổ truyền đã thành lập khoa Châm cứu do Viện Châm cứu chỉ đạo về chuyên môn. Phương pháp ''Tân châm'', sau là ''Mãng châm'' (dùng kim dài 20-30cm, kim to và châm liên kinh, liên huyệt) của GS được phổ cập đã rút ngắn được thời gian chữa bệnh cho các bệnh nhân bị liệt do tai biến mạch máu não, viêm não hoặc chấn thương sọ não v.v. giúp hàng chục ngàn bệnh nhân thoát khỏi cảnh liệt.

Năm 1985, GS. NTT được bầu là Chủ tịch Hội Châm cứu VN. Năm 1991, Hội Châm cứu VN gia nhập Liên hiệp hội Châm cứu Thế giới (WFAS) , tổ chức thuộc WHO của LHQ. GS.NTT được Đại hội WFAS bầu 2 nhiệm kỳ liên tiếp là Phó Chủ tịch, phụ trách KHKT. GS đã đi nhiều nước, hợp tác chữa bệnh và đào tạo cho 35 nước trên Thế giới và tổ chức thành công Hội nghị KHKT châm cứu Thế giới vào tháng 11.1999 tại Hà Nội.

(còn nữa)

Trích đăng từ bài Giáo sư Nguyễn Tài Thu, cây đại thụ của ngành châm cứu Việt Nam của Nguyễn Kim Hạt (KTNN No. 966)

No comments:

Post a Comment