Wednesday, January 12, 2022

Trao đổi: Đề xuất về cách làm việc hiệu quả và khoa học

 Cơ chế phối hợp trong khoa học công nghệ,

      1. Trong bóng đá chúng ta hay nói "phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi". Trong phát triển KHCN, chúng ta có thể nói "tài chính là nhất thời, phối hợp là mãi mãi". 

      2. Chúng ta có tiền để làm KHCN không? Trước hết, không có cũng phải có, bởi chúng ta không còn cửa nào khác, tất cả các cơ hội lừng khừng về KHCN đều đã bị Covid cuốn trôi. Chúng ta thiếu tiền vì chúng ta vô cùng lãng phí. Chúng ta thiếu tiền vì chúng ta chưa nghĩ đến chuyện làm gì đã nghĩ đến tiền.

      3. Sắm một chiếc xe ô tô thiếu 4 bánh không thể chạy được sẽ là lãng phí. Không ai bảo đó là hành động tiết kiệm được đầu tư vào 4 bánh xe. Thực tế chúng ta đang làm chuyện đó, mọi nơi mọi chỗ. 

     4. Rất nhiều đầu tư thiết bị đắt tiền đang đắp chăn, không được khai thác chỉ vì không có phụ kiện thay thế, nhân viên kỹ thuật vận hành, tiền điện để chạy. Tôi đã tận mắt trông thấy các dây chuyền máy móc tự động đắp chăn nhiều năm do không có tài liệu sử dụng. 

     5. Có 3 cơ chế phối hợp chủ thể trước hết cần phải có ngay hành lang pháp lý bắt buộc:  

       - Phối hợp viện- trường - doanh nghiệp 

       - Phối hợp quân sự - dân sự 

       - Chia sẻ tài nguyên và nguồn lực 

      Nếu nói chính sách thì đều có cả. Nhưng thực tế chỉ ở mức khẩu hiệu. Quan trọng nhất là cơ chế và phải bắt buộc.  

    6.  Phối hợp chủ thể vẫn chưa đủ, phải có cơ chế phối hợp cho các dự án, chương trình. Tôi không tin ở các chương trình, chiến lược theo lĩnh vực như vật lý, toán học, hóa học, thậm chí AI, vi mạch. Ngày nay không có sản phẩm nào thuần túy của một ngành cả.  Nếu chúng ta xây dựng các sản phẩm bằng cách tích hợp các kết quả từ các đề tài, ngành riêng rẽ, chi phí, giá trị nỗ lực sẽ vượt quá việc mua chính sản phẩm đó. Các chương trình chiến lược, dự án phải đủ lớn và có mục tiêu cũng như danh mục sát với các bài toán kinh tế xã hội. Còn XYZ sẽ cung cấp giải pháp gì cho bài toán ABC thì phải do các nhà khoa học đề xuất và hậu kiểm.

    7. Vì thế chiến lược AI, chương trình vi mạch, không có nghĩa lý gì cả. AI, vi mạch bán cho ai, nhân lực ở đâu ra. Ngược lại, AI, vi mạch có giải quyết được bụi mịn ở Hà Nội, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, năng suất lao động thấp, công nghiệp phụ trợ không hình thành được, vệ sinh thực phẩm, giải cứu nông phẩm,... hay không? Chắc chắn là có thể. Muốn vậy, phải có các chương trình lớn như 

        - KHCN  phát triển cộng đồng 

        - KHCN  dẫn đầu công nghiệp 

        - KHCN  an ninh quốc phòng 

    Đó là thông điệp tại buổi nói chuyện hôm qua cùng các anh Phạm Thế Long và Nguyễn Quân.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

4 comments:

  1. Cái lề thói làm ăn kiểu Phan Đình Dinh/Đinh Đức Thiện là kiểu mẫu của chế độ/cơ chế lâu nay khó xoay chuyển bởi cái đà càng ngày càng chẳng ra thể thống gì, dù chính sách có thế nào cũng vậy. Ngay cả cái cách chống dịch VH mới đây cũng chẳng khác gì.
    Vấn đề nằm ở chỗ: khinh thường vai trò của tầng lớp trí thức, bỏ qua mọi ý kiến khác với quan điểm độc đoán và lề lối nhà binh từ thời chiến tranh, cho rằng "bên thắng cuộc" sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề, ko có việc gì khó!
    Nhưng sự thật là sau 1975, từ vài chuyển đổi tạo sự chuyển biến do ảnh hưởng "đổi mới"/Perestroika, đến nay căn bệnh bất trị của VN vẫn là nói 1 đằng làm 1 nẻo, đó là chủ nghĩa ngoại lệ và "Thách thức đối với VN không phải là chuyện diễn giải chính sách nhưng thường là ở chuyện thực hiện các chính sách đã được thông qua." (Thomas J. Vallely, 2014)
    Cái gì đang là sự cản trở và gây nên tình trạng trì trệ hiện nay?

    ReplyDelete
  2. Thời gian là thứ quý nhất!
    Nhưng chính quyền đang bỏ mặc thời gian.
    Nguồn lực về con người là nguồn lực lớn của VN cũng đang bị bỏ phí.

    ReplyDelete
  3. Tiếu lâm đại hội ĐCSVN
    Mình đã kể chuyện sau cho nhiều bạn nước ngoài. Bọn chúng bảo trong cảnh khốn nạn thế mà chúng mày vẫn vẽ ra được chuyện cười, thì chẳng gì có thể cản được chúng mày.
    Số là ngay sau đại hội V của ĐCSVN cuối tháng Ba 1982, mình đích thân nghe chuyện tiếu lâm sau tại Học viện chính trị quân sự ở Hà Đông (tất cả bọn có bằng phó tiến sĩ trở lên trong quân đội phải qua học ở đó gần 1 năm), nay ghi lại để mua vui:
    ---
    Thỏ bị sói truy đuổi trong rừng. Mệt lả, nó khóc. Thần hiện lên.
    - Vì sao con khóc?
    - Sói nó sắp ăn thịt con rồi. Không biết cách nào trốn thoát.
    - Hãy chạy đến bờ sông; biến thành cá; bơi qua sông; biến lại thành thỏ và con thoát được con sói.
    Thỏ mừng quá. Chạy. Chạy đến bờ sông. Rồi lại khóc, thánh hiện lên lần nữa.
    - Vì sao con khóc?
    - Sói nó sát đến nơi, nhưng mãi con không biết biến mình thành cá để bơi qua sông.
    Thần khoát tay: Đấy là việc của nhà ngươi, ta chỉ vạch ra ĐƯỜNG LỐI thôi!
    Nguyễn Quang A

    ReplyDelete
  4. Tôi vẫn nghĩ VN sẽ thành công hơn thế. VN đã phát triển dưới sức của mình. VN đã có thể, và đến giờ vẫn còn tiềm năng để thành công – nhưng tự các bạn quyết định là không muốn thành công như vậy. Và điều đó làm tôi thất vọng.
    (Thomas J. Vallely)

    ReplyDelete