Sunday, March 27, 2022

Sức mạnh và câu chuyện của Kachiusa

 CHA ĐẺ PHÁO KATYUSHA - CUỘC ĐỜI ĐẦY BI THẢM CỦA MỘT NGƯỜI UKRAINE THỜI KỲ XÔ VIẾT

Nghe đến cái tên Kachiusa, chúng ta thường nghĩ ngay đến bài hát Nga nổi tiếng nói về một cô gái đang mong chờ người yêu đi chiến đấu nơi xa. Thế nhưng, cái tên Kachiusa còn là tên của một loại vũ khí huyền thoại của quân đội Hồng Quân Liên Xô, một loại tên lửa huỷ diệt trong chiến tranh thế giới thứ 2. Cha đẻ của nó, tên lửa Kachiusa, là kỹ sư Goergy Langermak lại có cuộc đời vô cùng bi thảm. Ông bị xử bắn trước khi chiến tranh diễn ra 3 năm. Không những thế, công trình nghiên cứu của ông còn bị đồng đội ngang nhiên cướp trắng.

Goergy tên đầy đủ là Georgy Erikhovich Langermak, sinh năm 1898, tại vùng Luhansk, thuộc Ukraine ngày nay. Ông có cha là người gốc Đức, mẹ là người Thụy Sĩ. Sau khi sinh sống nhiều nơi, họ chuyển đến vùng Luhansk và lấy quốc tịch Nga. Georgy may mắn được ăn học tới nơi tới chốn với tốt nghiệp trung học xuất sắc và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Dù đã thi đậu vào khoa ngôn ngữ của một trường Đại học nhưng thật không may, năm 1916 ông bị xung quân cho quân đội Nga Hoàng. Khi cách mạng tháng 10 nổ ra, Georgy đang phục vụ quân đội tại Phần Lan (Có tài liệu nói ông đang học sĩ quan pháo binh tại Estonia). Năm 1918, Georgy giải ngũ để đến thành phố cảng Odessa sinh sống và nỗ lực cho ước mơ trở thành nhà ngôn ngữ học. Không may cho ông, Odessa lại là chiến trường khốc liệt giữa quân trắng (Bạch vệ) và quân đỏ (Hồng quân). Cuối cùng, hồng quân giành chiến thắng và công bố lệnh tổng động viên Odessa. Một lần nữa Georgy lại phải vào quân đội. Tham gia hồng quân, do chiến đấu giỏi ông được kết nạp đảng Bolshevik nhưng là đảng viên cũng không giúp cuộc đời ông tránh được cái kết bi thảm. Đầu năm 1920, Georgy bị khai trừ đảng do ông lấy vợ và lén tổ chức hôn lễ trong nhà thờ.

Là người có tài năng, ông được cử đi học ở học viện quân sự và tốt nghiệp năm 1928. Ra trường, 5 năm sau ông đã là viện phó viện khí động học Liên Xô. Những năm tháng miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho ra đời tên lửa Kachiusa sau này. Kachiusa được giới thiệu lên cấp trên từ trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng phát, ban đầu nó là thiết bị phóng đơn giản gắn trên xe tải không gây ấn tượng lắm. Nhưng khi bắn thử một loạt, tất cả đã phải kinh ngạc và quyết định sản xuất được đưa ra một ngày trước khi người Đức đưa quân vào biên giới Liên Xô (21/06/1941). Vài giờ trước chiến tranh, Stalin ra lệnh sản xuất hàng loạt.

Ban đầu, Kachiusa sản xuất trong tuyệt mật và có tên gọi là BM-13 (chữ BM là viết tắt từ tiếng Nga có nghĩa là cỗ máy chiến đấu, còn 13 chỉ số nòng roket trên mỗi bệ phóng). Đơn vị đầu tiên được trang bị 7 bệ phóng BM-13 vào ngày 4/7/1941 tại Osa thuộc Belarus khi chiến đấu cho kết quả vượt ngoài mong đợi. Khi quân Đức chiếm Osa, phía Liên Xô phóng rocket BM-13 san phẳng mọi thứ khiến tư lệnh quân Đức là Franz Halder viết trong nhật ký “người Nga đã sử dụng một loại vũ khí mà chưa từng được biết đến”. BM-13 có thể tàn phá vì nó có thể đẩy đi 4,3 tấn thuốc nổ trong 7 giây và bao trùm một khu vực rộng lớn. Hỏa lực của thứ vũ khí này có thể ngang với hoả lực của 70 khẩu pháo hạng nặng thời đó cộng lại. Bên cạnh đó BM-13 có thể nhanh chóng di chuyển đi sau khi khai hoả. Sau khi chứng minh được ưu thế trên chiến trường, đồng loạt các đơn vị tên lửa BM-13 ra đời và trở thành biểu tượng của Hồng quân trong đại chiến thế giới lần 2. Một điều khá thú vị là sau đó BM-13 được đặt tên là Kachiusa, tên một bài hát rất nổi tiếng thời đó để đặt tên thay thế. Còn người Đức thì gọi Kachiusa với cái tên “Organ của Stalin” vì nó giống chiếc ống hơi khổng lồ của chiếc đàn Organ trong nhà thờ.

Trở lại câu chuyện của Goergy Langermak. Năm 1937 ông cùng nhóm nghiên cứu được trao giải thưởng cấp nhà nước cho công trình. Nhưng chỉ một tuần sau đó, ông bị bắt vì bị quy chụp làm gián điệp cho người Đức và bị xử bắn một năm sau đó. Sau khi Goergy bị xử bắn thì Andrei Kostikov một sĩ quan dưới quyền ông nghiễm nhiên ngồi vào ghế của ông và tự nhận mình là cha đẻ của phát minh tên lửa Kachiusa. Mãi đến thập niên 1980, một ủy ban đặc biệt mới được thành lập để điều tra về Kostikov và kết tội ông ta đã âm mưu hãm hại và đẩy Goergy Langermak vào chỗ chết để cướp công. Năm 1991, Goergy được phục hồi danh dự, cấp bằng sáng chế tên lửa Kachiusa và truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động Liên Xô.

Lê Huỳnh Phương Thảo

No comments:

Post a Comment