Wednesday, March 23, 2022

Từ Chiến dịch Quân sự Đặc biệt đến chiến trường giữa Đông và Tây

 Ai thắng ai ?

Cuộc xung đột Nga - Ukraine từ một cuộc chiến nhỏ trở thành một cuộc chiến lớn, và một cuộc chiến chớp nhoáng, đã biến thành một cuộc chiến kéo dài. Trong tuần thứ tư của cuộc chiến Nga-Ukraine, cả hai bên đi vào bế tắc; và cuộc chiến trở thành cuộc tranh giành ý chí của cả hai bên.

Ngay khi cuộc chiến bắt đầu, không ai ngờ rằng sức kháng cự của quân đội Ukraine lại mạnh mẽ đến như vậy; cuộc chiến lúc đầu, vốn được tính bằng giờ, trở nên tính bằng ngày, thì sau đó lại được tính bằng "tuần".

Cái gọi là chiến tranh nhỏ là cuộc chiến có giới hạn, cuộc chiến có mục tiêu, thời gian, phương tiện đều trong giới hạn “hạn chế”. Khi quân đội Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, mục tiêu của chính phủ Nga là "phi quân sự hóa" Ukraine.

Moscow muốn dựa vào lợi thế sức mạnh vượt trội của quân đội Nga, nhằm đánh bại chủ lực của quân đội Ukraine trong thời gian ngắn và làm tan rã ý chí kháng cự của Ukraine.

Tuy nhiên đến ngày thứ ba của cuộc chiến, quân đội Nga đã không đạt được mục tiêu trên chiến trường và không chiếm được thành phố lớn nào trên 100.000 dân.

Ngày 28/3, Nga và Ukraine tiến hành "vô điều kiện" vòng đàm phán đầu tiên, tức là cuộc chiến xuất hiện "đổi màu", từ chiến tranh hạn chế, thành chiến tranh tuyệt đối, từ chiến tranh chớp nhoáng sang chiến tranh kéo dài.

Việc xây dựng Quân đội Nga trong những năm qua, vẫn thiên về những đơn vị bộ binh cơ giới hạng nặng; về mặt logic, nó phù hợp với địa hình của đồng bằng Đông Âu. Nhưng quá trình đô thị hóa, đã làm thay đổi hình thái chiến trường.

Chiến trường đô thị không cho phép xe tăng phát huy ưu thế hỏa lực. Quan niệm tác chiến của quân đoàn cơ giới của quân đội Nga, vẫn là tư tưởng quân sự dưới thời Liên Xô, hơn là phù hợp với không gian chiến trường, trong điều kiện của công nghệ thông tin.

Công tác bảo đảm hậu cần và tình báo quyết định cục diện chiến trường, nhưng Quân đội Nga hầu như không có lợi thế về mặt này; đặc biệt là hệ thống chỉ huy lạc hậu.

Trong những năm qua, cả quân đội Nga và Ukraine đều đã tiến hành cải tổ quân sự quy mô tương đối lớn, cuộc chiến này cũng là một phép thử đối với kết quả cải cách quân sự của cả hai bên.

Sự “bất đối xứng” đầu tiên là sức mạnh quân sự và tinh thần của chiến trường Ukraine. So sánh sức mạnh quân sự giữa Nga và Ukraine là không cân xứng; tiềm lực sức mạnh quân sự của Ukraine không mấy lạc quan, cả về số lượng và chất lượng đều trong tình trạng bị quân đội Nga đè bẹp.

Chính hoàn cảnh và nhận thức bất đối xứng này, khiến mục tiêu chiến tranh của Nga được đặt ra là nhanh chóng "phi quân sự hóa" Ukraine. Tuy nhiên “bất đối xứng” giữa quân đội Nga và Ukraine trước chiến tranh, đã nhanh chóng bị phá vỡ sau khi chiến tranh bắt đầu, do Ukraine nhận được sự hỗ trợ của nhiều nước phương Tây.

Sau khi Ukraine cầm chân được cuộc tấn công kéo dài ba ngày của quân đội Nga, thái độ của NATO đối với Ukraine đã thay đổi mạnh mẽ và cung cấp một lượng lớn hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt là tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, cùng các loại vũ khí cá nhân; những vũ khí này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho quân đội Nga.

Mới đây nhất, vào ngày 16/3, Mỹ đã bổ sung thêm 1 tỷ USD viện trợ vũ khí cho Ukraine; bên cạnh các loại vũ khí chống thiết giáp và chống tăng, Mỹ đã bổ sung các máy bay không người lái tấn công tự sát tiên tiến.

Sự “bất đối xứng” giữa NATO và Nga cũng đã làm thay đổi sự “bất đối xứng” giữa Nga và Ukraine, dẫn đến một trạng thái cân bằng bất ngờ đã xảy ra: Ukraine đã trở thành “cỗ máy xay thịt”, để NATO tiêu hao nước Nga.

Các vũ khí tiên tiến của Mỹ và NATO sẽ được sử dụng ở chiến trường Ukraine, và cuộc chiến Ukraine đã trở thành "bãi thử" cho các loại vũ khí tiên tiến của cả phương Tây lẫn của Nga.

Yếu tố bất đối xứng thứ hai là sự “bất cân xứng” về kinh tế giữa phương Tây và Nga. Rõ ràng là xét về mặt này, Nga hoàn toàn thua thiệt so với phương Tây, nhất là khi càng ngày, Moscow càng bị cấm vận nặng nề.

Từ khi Liên Xô tan rã, vũ khí hạt nhân và đường ống dẫn khí đốt, đã xây dựng nên hình ảnh mạnh mẽ của Nga, đặc biệt là so với EU; nhưng hai "vũ khí" này phần lớn đã bị tê liệt.

Cân bằng răn đe hạt nhân đã được hình thành giữa NATO và Nga. Nếu vũ khí hạt nhân thường xuyên được đưa ra làm công cụ răn đe, đồng nghĩa với việc Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào hòa bình toàn cầu và thậm chí là sự sống còn của con người.

Về khí đốt, Đức đã ngừng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 và EU đã quyết định loại bỏ năng lượng của Nga vào năm 2027, để không còn phụ thuộc vào Nga. Anh và Mỹ thậm chí đã ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga và cân nhắc ngừng nhập cả uranium, nguyên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân.

Trong một loạt lĩnh vực như tài chính tiền tệ, công nghệ cao, thương mại và đầu tư, Nga không phải là “đối thủ” của phương Tây. Hiện tổng kinh tế của Nga chỉ bằng vài phần mười so với các nước phương Tây, và đang trong tình trạng “bất đối xứng” nghiêm trọng.

Như vậy, dù cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có kéo dài thêm, sẽ rất khó để có thể kết thúc bằng một chiến thắng tuyệt đối cho bất cứ bên nào. Chỉ có đàm phán, mới là con đường dễ nhất và ít tổn thất nhất, dành cho Nga và Ukraine nói riêng, cũng như châu Âu và thế giới nói chung.

Tiến Minh

1 comment:

  1. Sau khi ko thể đánh nhanh thắng nhanh, phần thắng đang tuột khỏi tay Putin.
    Kết cục tuyệt đối là khó đạt được cho cả đôi bên. Đánh gục Nga là chuyện ko tưởng. Tổn thất thì Ukraina nhận đủ.

    ReplyDelete