Friday, April 12, 2019

ĐẤT NƯỚC TÔI

Bạn nói với tôi: chỗ nào chẳng có bất công, chỗ nào chẳng có người giàu kẻ nghèo, nơi nào chẳng có quan liêu, tham nhũng...Rồi tôi đi để biết và để thấy.
Nơi tôi đến không đâu xa, là láng giềng của mình: tôi mòn mỏi tìm kiếm người ăn xin bên đường, tìm bóng dáng những đứa trẻ, những cụ già, người khuyết tật với tấm vé số, những đoàn dân oan...nhưng tuyệt nhiên: không thấy!
- Tôi vào những quán ăn, chỉ biết chỉ chỏ những món ngon, và họ tính tiền cho tôi với giá rẻ mạt, rẻ hơn rất nhiều so với du khách nước ngoài, trót lỡ dại ăn uống và bị chặt chém ở Việt Nam.
- Tôi vào siêu thị: không cần phải gửi túi xách và thấy người ta ngồi lê la tán gẫu trong những khuôn viên dành cho khách nghỉ chân, họ ngồi trên những thảm cỏ xanh, những tấm trải sàn êm ái, con nít bò lê chung quanh...mà nhớ Việt Nam muốn khóc: siêu thị nước tôi kiếm một chỗ ngồi chắc còn hiếm hoi lắm.
- Tôi vào toilet: không phải trả một xu. Tất cả những nơi công cộng luôn có chỗ dành riêng cho người khuyết tật, cho trẻ nhỏ và người kiểm soát luôn miễn phí cho tôi lời chỉ dẫn lẫn nụ cười, họ chẳng tiếc đâu.
- Tôi chạy xe long nhong trên đường, kiếm mãi, tìm mãi không thấy bóng dáng cảnh sát công lộ. Chợt nhói đau nhớ cảm giác sợ hãi, giật nảy mình khi thấy bóng áo vàng trên đất nước mình từ xa. Nhớ mà nổi da gà, vừa giận lại vừa uất.
- Tôi vào thăm nhà những người bạn, họ giàu có thật. Tài sản ước tính sống trọn cả đời chẳng cần làm gì thêm nhưng tuyệt nhiên không thấy sự sa hoa kệch cỡm, không thấy những bàn, những ghế, những bộ tràng kỷ bằng gỗ quý, những sản vật cướp được của rừng...Bỗng thấy mắt cay xè nhớ lần đến thăm nhà người bạn làm công an ở Việt Nam. Bạn nói bạn không giàu có gì, chỉ khoe với tôi hàng trăm mẫu vật điêu khắc bằng gỗ quý loại 1 với giá hàng trăm triệu, hàng tỷ, chục tỷ một món. Nhiều quá tôi hoa cả mắt và muốn ngất trước bộ sưu tập, thú vui "không biết nên gọi là gì" của bạn.
- Tôi đi, lê la đến những hàng rong, quán xá ven đường. Không thấy ánh mắt sợ sệt, không có sự hốt hoảng, đột nhiên tháo chạy. Tìm mãi không thấy bóng áo xanh dọn dẹp lòng lề đường, tất cả là một trật tự vui nhộn. Bỗng thương ray rứt bà cụ bán rau bên đường nơi "tổ quốc": lưng bà còng gập sâu xuống lòng đường, lập cập run rẩy nhặt những bó rau rơi vãi, nước mắt ngắn dài và miệng hốt hoảng van xin người thanh niên đang giằng xé quanh gánh, thúng mủng quăng lên xe của đội trật tự đô thị: "bà xin con, bà neo đơn một mình kiếm sống qua ngày...bà xin..." Nước mắt tôi trào ra trong sự ngơ ngác của cô bán hàng. Cô ấy không hiểu. Tôi nhớ đồng bào tôi: xót xa...quay quắt...
- Tôi đi, đi để biết: không xã hội nào giống xã hội nào! Vào tận rừng sâu, vào chốn núi hoang sơ, giả vờ hỏi thăm nơi bán "thịt thú rừng.” Người ta nhìn tôi với ánh mắt căm hận vì câu hỏi ngớ ngẩn. Ăn thịt rừng ư? Bạn mọi rợ thế ư? Muốn vào tù ư?
- Tôi đi, đi để thấy đất nước mình đáng thương bội phần. Đi để thấy cái nền văn hóa hèn kém: kẻ trên bắt nạt kẻ dưới, người giàu khinh miệt người nghèo, người thắng chà đạp người thua...Đi để thấy cái nôi văn hóa Việt chỉ là thùng rỗng kêu to với những mùa lễ hội phù phiếm chụp giật, tranh giành, giẫm đạp lên nhau đôi khi chỉ vì miếng ăn, những hả hê, khát máu mọi rợ, tàn nhẫn trong tiếng cười với cái chết của thú vật...Thấy sự rỗng tuếch trong giao tế, nói một đằng làm một nẻo, điêu ngoa, xảo trá dưới mọi lớp bình phong...Thấy nản lòng cho một thứ văn hóa lai căng toàn những điều tồi tệ nhất.
- Tôi đi, đi để nghe tiếng thở dài trong trái tim mình, đi để tìm quên nỗi sợ hãi về một nước Việt tương lai trước mắt: Rừng đã cạn, biển đã chết, thực phẩm nhuốm đầy hóa chất, ung thư lan tràn vì lòng tham tận diệt lẫn nhau. Sự sống của vạn vật, của con người đang thoi thóp, bất lực, bất khả kháng khi phải chấp nhận đặt sinh mệnh và tương lai Tổ Quốc vào tay một nhóm người đứng đầu để rồi...Toàn đất nước ngơ ngáo, ngớ ngẩn, bàng hoàng nhìn nhau với những câu hỏi: vì sao và tại sao, sau bao năm "giải phóng" mà vẫn cùng khổ thế này? Vậy mà, vẫn lặng thinh và chấp nhận...
- Tôi đi để trốn chạy, đi vì ám ảnh cái quá khứ hào hùng với ngàn lời ca chống giặc ngoại xâm nhưng giặc đang ở khắp nơi mà chẳng ai hay biết...Nếu có biết cũng chỉ là thở dài nhìn nhau rồi mặc kệ...Đời ta ta lo. Mọi việc khác đã có Đảng và nhà nước lo...
- Tôi đi mà đau đáu với tin tức quê nhà, sao có quá lắm những trò hề, những chuyện khốn nạn không tưởng. Đi để thấy dân mình ôi sao thật tệ...Đến bao giờ mới có chuyện đổi thay???
Tôi đi, đi, và miễn cưỡng phải trở về, về hướng: MẶT TRỜI ĐEN.
Bạch Cúc

2 comments:

  1. Bùi Thị Nghi: Làm sao để mặt trời sáng lại đây?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bao giờ lũ nội tặc ko còn thì hết nạn, hết cảnh ngơ ngáo... tán loạn như bây giờ. Nhưng đến đó liệu đất nước này có còn ko ?

      Delete