TRI ÂN
Trong cuốn MÙA HÈ ĐỎ LỬA, Đại uý Nhảy dù - Nhà văn Phan Nhật Nam mô tả “những người lính Cộng quân” bị cấp trên xiềng chân vào súng máy và bắt phải tử thủ giữ chốt.
Tôi hỏi một trung tướng, cựu chiến binh Quảng Trị ngày ấy về chuyện này, anh cười:
- Cũng không phải tự nhiên họ viết vậy đâu. Ngày ở Quảng Trị lính có câu “chốt là chết!”, nhưng anh em đâu có ai từ chối lên chốt . Đặc biệt mấy ông tiểu đoàn địa phương K3, K8 Quảng Trị lỳ lắm, họ bám trận địa tới mức phía bên kia cho là chỉ khi người lính bị xích chân vào súng mới đánh kiểu như vậy. Anh gặp mấy ông K3, K8 mà tìm hiểu.
- Cũng không phải tự nhiên họ viết vậy đâu. Ngày ở Quảng Trị lính có câu “chốt là chết!”, nhưng anh em đâu có ai từ chối lên chốt . Đặc biệt mấy ông tiểu đoàn địa phương K3, K8 Quảng Trị lỳ lắm, họ bám trận địa tới mức phía bên kia cho là chỉ khi người lính bị xích chân vào súng mới đánh kiểu như vậy. Anh gặp mấy ông K3, K8 mà tìm hiểu.
Tôi có dịp ngồi trao đổi một buổi với các cựu binh K8 ở nhà anh Bường tại thị xã Đông Hà. Câu chuyện của họ không giống những gì tôi được xem trên phim hay ti vi. Họ kể những ngày 16/9 (ngày mất Thành) hàng năm, những anh em còn sống cũng muốn tập hợp để ôn lại kỷ niệm nhưng không có điều kiện. Buồn lắm. Không ai trong số họ tham gia “Hội chiến sĩ Thành cổ QT 1972” vì “Hội này do một thằng không phải bộ đội, chưa từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ làm chủ tịch. Mấy chục ngàn hội viên (lấy đâu ra lắm thế ?) nhìn lạ hoắc, đa phần chả liên quan gì đến chiến dịch Quảng Trị 1972. Chúng nó chỉ lợi dụng những người như chúng tôi để trục lợi.”
Tôi nghe mà ngạc nhiên. Nghĩ chắc các anh bức xúc chuyện gì đó nên nói quá lên thôi. “Hội Chiến sĩ Thành cổ QT 1972” do Bộ Nội vụ chỉ đạo thành lập, sao Bộ sơ xuất thế được.
Tôi hỏi đại tá Trần Ngọc Long, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, trung đoàn 48, người duy nhất còn sống trong 6 người có mặt tại cuộc họp ở Dinh Tỉnh trưởng đêm 15/9, bàn về việc quyết định tử thủ hay rút khỏi Thành cổ khi Thuỷ quân lục chiến đã chiếm được 3 trên 4 góc Thành. Ông cho biết “Đa phần anh em E48, E95, K3, K8... những đơn vị trực tiếp chiến đấu trong Thị xã và Thành cổ QT 81 ngày đêm đều không tham gia cái hội này. Chủ tịch Lê Xuân Tánh không phải là quân nhân, trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành không phải là dân quân du kích, không liên quan gì đến cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Gần đây Tánh còn bịa ra chuyện hội này đã cất bốc được hơn 400 bộ hài cốt liệt sĩ Quảng Trị, báo cáo lên tận thủ tướng. 4/4 Phó Chủ tịch, 16/17 Ban Thường vụ, 50/59 Ban Chấp hành của hội đều không phải quân số của các đơn vị trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu thuộc quyền chỉ huy của Ban Chỉ huy Bảo vệ Thành cổ QT. Ngày nay những người trực tiếp trong 81 ngày đêm còn mấy đâu, vậy mà cái hội của họ có tới hơn 30 ngàn hội viên.”
Hôm nay, ngày 27/7, chúng ta tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước. Việc tưởng nhớ là cần thiết, nhưng thiết nghĩ việc tri ân những người còn sống cũng rất cần. Nghĩ cũng buồn khi đến một cái hội để những người lính gặp gỡ nhau cũng bị người ta trục lợi.
P/S: Người trong ảnh là đại tá Trần Ngọc Long.
No comments:
Post a Comment