Con đường xưa nhất Sài Gòn
Đường Tự Do (sau 1975 là đường Đồng Khởi), vào thời Pháp thuộc mang tên Catinat và ít lâu trước đó gọi là đường số 16. Con đường này đã có từ thời nhà Nguyễn khi lập thành Gia Định. Đầu con đường giáp với bờ sông Bình Giang (Sài Gòn), từng là nơi vua nhà Nguyễn đến nghỉ ngơi và… tắm (Bến Ngự). Dân chúng hầu như ai cũng biết đến con đường này. Đó là nơi sinh hoạt của giới thượng lưu Sài Gòn.
Có rất nhiều tài liệu và hình ảnh về đường Catinat qua các thời kỳ do người Pháp và người Mỹ ghi lại đủ biết con phố này rất ấn tượng như thế nào! Tác giả Nguyễn Tiến Quang tại Pháp ghi nhận: “Pallu de la Barrière, một trong những người Pháp đầu tiên, đã miêu tả con đường số 16 này vào năm 1861, như sau: “Du khách đến Sài Gòn nhìn thấy bên hữu ngạn con sông một đường phố mà hai bên bị đứt quãng bởi những khoảng trống lớn. Phần lớn nhà cửa làm bằng cây lợp lá cọ ngắn; số khác ít hơn, làm bằng đá. Mái nhà lợp bằng ngói đỏ làm vui mắt và tạo được cảm giác yên bình…”. Tính cách quan trọng của con đường Catinat thể hiện ở chỗ nó được thực dân Pháp sử dụng làm trung tâm của bộ máy thuộc địa.
Theo một số sử liệu, Catinat là tên một Thống chế Pháp sinh năm 1637 và mất năm 1712, phục vụ dưới thời vua Louis XIV. Giữa thế kỷ XIX, Pháp lấy tên Catinat đặt cho một chiếc tàu chiến từng tham gia trận đánh Sài Gòn năm 1859 và dựa vào chi tiết này, De La Grandière đặt cho con đường số 16 tên Catinat (trường hợp tương tự cũng xảy ra với rạch Thị Nghè, được Pháp gọi là Arroyo d’Avalanche).
Năm 1864, Nha Giám đốc Nội vụ (Direction de L’Intérieur), người dân đương thời gọi là “Dinh Thượng Thơ”, được xây dựng, nhìn ra đường Catinat, phía đối diện dinh Thủy sư Ðề đốc. Viên chức lãnh đạo cơ quan này, xét về mặt cai trị, chỉ xếp sau Thống đốc Nam Kỳ, trực tiếp chỉ huy các tham biện Pháp và quan lại Việt Nam cấp huyện, phủ, đốc phủ sứ. Ðầu thập niên 1880, ngay trên lộ trình con đường chạy qua, mọc lên ngôi nhà thờ Notre Dame, về sau được cư dân Sài Gòn gọi là Nhà thờ Ðức Bà hay Vương Cung Thánh Ðường. Sau lưng nhà thờ là đường Norodom, lấy tên ông hoàng xứ Cambodge (Campuchia) đến thăm Sài Gòn vào đầu năm 1867, nhân cuộc đấu xảo canh nông đầu tiên tổ chức tại đây.
Năm 1886, Pháp khởi công xây trụ sở Sở Bưu chính và Viễn thông (nay là Bưu điện) trên khu đất đối diện với mặt tiền nhà thờ, nằm giữa con đường Catinat và đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). Cuối đường Catinat, có một tháp nước cao, được xây dựng năm 1878 nhằm cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Tuy nhiên, đến năm 1921, với sự phát triển của dân cư, tháp nước này không đáp ứng được yêu cầu nên bị đập bỏ. Ngày 1-1-1900, nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố) được khánh thành trên giao lộ đường Bonard (nay là Lê Lợi) và Catinat, trở thành nơi biểu diễn thường xuyên của những đoàn hát từ phương Tây đến.
Ðường Catinat thuở ban đầu kéo dài tới đường Mayer (Hiền Vương/Võ Thị Sáu). Khi qua giao lộ với đường Norodom (Thống Nhất/Lê Duẩn) thì gọi là Catinat prolongée (Catinat nối dài). Sau khi Pháp đặt tháp nước và thành lập quảng trường Thống chế Joffre thì đoạn đường này mới đặt tên lại là Blancubé và Garcerie. Cuối cùng đường Catinat còn dài 630 mét, từ đầu đường Bến Bạch Ðằng đến Vương Cung Thánh Ðường là kết thúc.
Trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, xuất bản năm 1909, tác giả Nguyễn Liên Phong miêu tả đường Catinat như sau:
“Nhứt là đường Ca-ti-na
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh,
Bực thềm lót đá sạch tinh,
Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều,
Máy may mấy chỗ quá nhiều,
Các tiệm tủ ghế dập dìu phô trương,
Ðồ sành, đồ cẩn, đồ đương,
Ðồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi…
Nhà in, nhà thuộc, nhà chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son (xoong),
Phong lưu cách điệu ai bằng,
Ðường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa,
Thứ năm, thứ bảy, thứ ba,
Với đêm chúa nhựt hát nhà hát Tây…”.
Qua miêu tả trên, ta thấy hình ảnh nhộn nhịp của phố Catinat đã hoàn chỉnh từ những năm đầu của thế kỷ 20, nếu so với các con phố thương mại trung tâm như Charner (Nguyễn Huệ) Bonard (Lê Lợi). Ngoài những khách sạn, nhà hàng có từ thuở ban đầu, tạo nên một hình ảnh Á Ðông, từ năm 1954 về sau, các văn phòng, hiệu buôn, khách sạn, nhà hàng bắt đầu thay đổi hình dạng theo kiểu kiến trúc tân thời, không còn lưu lại nét cổ xưa riêng biệt.
Giới văn phòng, văn nghệ sĩ, thương gia đã làm nên cái trục “văn hoá không tên” qua ba địa điểm café, nhà hàng thường lui tới. Ðó là Givral – La Pagode – Brodard, khó phai mờ trong ký ức của những người Sài Gòn.
Một là nhà hàng Givral ngay góc đường Tự Do và Lê Lợi. Xưa kia nguyên là tiệm thuốc Tây đầu tiên ở Sài Gòn. Cũng theo tài liệu của Nguyễn Tiến Quang, tiệm khai trương năm 1865, chủ nhân là Lourdeau, sau làm Xã trưởng Sài Gòn (1870). Ít lâu sau, hiệu thuốc được giao lại cho Holbé, tiến sĩ dược khoa, một nhân vật khá nổi tiếng của đất Sài Gòn xưa, từng làm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (Conseil colonial de la Cochinchine). Holbé từng điều chế ra một loại biệt dược có tên “Gouttes Holbé” dành cho những tay nghiện á phiện cai nghiện. Về sau, nhà thuốc Tây về tay Renoux, rồi Solirène và mang tên vị chủ nhân này trong một thời gian dài, trước khi bị thay thế bởi nhà hàng Givral.
Nhà văn Văn Quang (Nguyễn Quang Tuyến) ghi lại hồi ức của mình: “Givral đông nhất và đáng kể nhất vào mỗi buổi sáng. Phóng viên trẻ thường tụ tập ở nhà hàng này vì nó ở ngay trước trụ sở Hạ nghị viện, các ông dân biểu thường ra ngồi giải lao tại đây và “thảo luận” đủ thứ chuyện bên lề. Và chuyện bên lề bao giờ cũng hấp dẫn hơn chuyện trong nghị trường. Chuyện “bí mật quốc gia, chuyện phe nhóm, gia nô và không gia nô, chuyện tình bà nghị ông nghị…” cứ nghe mấy ông này là có đủ tin giật gân trong ngày. Cánh phóng viên thường bắt mối rất chặt chẽ với các ông bà dân biểu và nghị sĩ thượng hạ nghị viện. Thật ra họ có quyền lợi hỗ tương: anh cho tôi tin, báo tôi yểm trợ lập trường của anh. Trong số những phóng viên, ngoài người Việt Nam còn có một số phóng viên người Mỹ, Pháp từ khách sạn Continental trước mặt ghé sang. Hoặc cũng có một số phóng viên người Việt làm cho các đài truyền hình, truyền thanh nước ngoài săn tin tại đây”.
Hai là nhà hàng La Pagode nằm ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do. Nhiều người rất nhớ khung cảnh của nhà hàng cà phê La Pagode mà mình lui tới. Nhà văn Văn Quang nhớ lại: “Khách hàng của La Pagode hầu hết là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là tụ tập lại đây. Tất nhiên cũng ngồi thành nhóm. Những ngày đầu tôi thường đi cùng Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư và đến đây thường gặp các anh Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Mặc Thu, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo, Phạm Ðình Chương, Tạ Quang Khôi, Viên Linh, Nguyễn Ðạt Thịnh, Phạm Huấn, Anh Ngọc, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Ðình Toàn…”.
Cuối cùng là quán café Brodard nằm ở góc Tự Do – Nguyễn Thiệp. Bên kia đường là vũ trường Tự Do của ông Cường lùn và chị “tài pán” Nhựt. Bà chị này hành nghề cai quản các em từ vũ trường Ritz Hà Nội vào Nam. Ở đây lại đông vui vào những buổi sáng muộn và buổi tối khi “gà lên chuồng”. Nơi lui tới của những “dân đi chơi đêm” Sài Thành. Những “anh hùng hảo hớn” như Khê – Thăng Long Xích Thố, anh em ông Kim đầu bạc, Kính Tennis, Chương Marine cũng lui tới ngồi tán chuyện giang hồ. Các đại gia, tiểu gia thời đó không nhiều, chỉ vỏn vẹn một số ông dược sĩ, doanh nhân có xế bốn bánh đủ để chở các em đi ăn đêm.
TN.
Nguồn: Ly Lê
No comments:
Post a Comment