Sunday, November 22, 2020

3, 7 đường học

 Sáng nay thấy bà con cãi cọ trên mạng xem cho con học loại trường nào thì thành công. Học chuyên, học trường công, trường tư hay trường quốc tế thì thành công nhỉ? Đi du học thì vào trường oách xà lách hay trường thường thì thành công?

Túm lại cái này cãi nhau tới Tết Congo cũng chả hết cãi. Là vì thành công hay không nó có ba, bảy đường khác nhau. Và thành công của từng đứa con cũng khác nhau. 

Nhìn vào lớp trung học của mình là thấy. Vài bạn xưa học dốt nhất lớp nay rất thành công. Là vì các bạn ra trường một cái chả học lên gì hết. Hồi đó 1 lớp có vài bạn đậu đại học thôi, còn lại học cao đẳng, trung cấp và đi làm ngay. Nên các bạn này ra trường là đi buôn. Nói thẳng như vậy cho vuông. Và 17-18 tuổi đã lao vào thương trường, bắt đầu từ buôn bé ngoài chợ, ngoài vỉa hè cho tới khi buôn to bán nhớn. Và vì nếu không lao vào chăm chỉ buôn bán thì lấy gì mà cạnh tranh với đời khi học vấn không cao, thành ra các bạn thành công. Còn 1 số bạn học đại học, thì chủ yếu làm thuê, ít ai làm chủ. Và có lãnh lương cao đi nữa nhưng các bạn đã làm thuê thì không giàu có như các bạn đi buôn được rồi. Song đời sống cũng thoải mái, gia đình con cái phương trưởng.

Tóm lại, bài toán ở đây chỉ là may đo thôi. Có cháu thì học trường công hay trường chuyên sẽ thành công. Có cháu thì nên vào trường tư hay trường quốc tế mới thành công. Có cháu vào trường oách thì thành công mà có cháu chỉ học trường bình thường cũng thành công vang dội.

Làm gì có công thức như nhất cho mọi học sinh. Chỉ là cha mẹ phải lo tìm hiểu xem con mình là ai, năng lực thế nào, nó mong muốn gì và cha mẹ có hỗ trợ hay hợp tác với con được hay không. Từ đó tìm ra con đường định hướng phù hợp nhất cho con, cho điều kiện và túi tiền của gia đình.

Cái gì phù hợp thì sẽ bền vững và có thành tựu. Còn cái gì ở mức quá thấp hay quá cao thì đều có thể làm hỏng con. Một là cho nó chơi nhiều thành lười biếng. Và hai là áp lực quá nó cũng hóa rồ. Và đứa nào hợp đi làm thì cho đi làm, đứa nào hợp đi buôn thì cho đi buôn, đứa hợp học hành cao lên thì cho nó học cao lên. Nếu hợp là sẽ có thành công tùy sức của nó và công cha mẹ đầu tư vào nó.

Vấn đề là có bao nhiêu cha mẹ bỏ công ra suy nghĩ, tìm tòi, định hướng theo 1 con đường phù hợp  nhất cho con mà thôi. Vì nhiều nhà vẫn chạy theo phong trào, ai làm gì thì làm theo nấy cho đỡ phải nghĩ. Hoặc là một số khác chỉ cho con cơm ăn 3 bữa quần áo mặc cả ngày, sáng chở đi tới trường chiều rước về, còn lại thì con tự bơi trong trường, tới đâu thì tới được đâu thì được.

Gặp may thì cũng có con mà cha mẹ bỏ bẵng hay lo lắng rất ít mà nó vẫn thành công. Nhưng cái này ít thôi, hiếm lắm. Đa phần là do cha  mẹ phải nát đầu nghĩ cách và cố gắng không ngừng tìm đường cho con đi. Và làm sao để nó tự đi được sau khi đã có các kỹ năng tự lập và tự học.

Nguyễn Thị Bích Hậu

4 comments:

  1. Hoàng Quôc Thành
    Gần đúng thôi . Với thị thành thì đúng , còn ở thôn quê thì chưa .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hoàng Quôc Thành, tác giả cũng xác nhận là ko có công thức chung.

      Delete
    2. Hoàng Quôc Thành
      Nguyễn Cao Bình XH là một thực thể biến đổi ko ngừng , tư tưởng của con người cũng phải thay đổi theo , ko có gì là bất biến . Đây là định lý của triết học nha . Nên 1 vấn đề sẽ có nhiều cách giải quyết , vấn đề là sao tìm ra cách giải tốt nhẩt , cái này khó a . Ta còn dốt về giải quyết vấn đề lắm . Bàn về vụ này hơi rối rồi . Hẹn dịp khác nói thêm .

      Delete
    3. Hoàng Quôc Thành, rối và khó là hẳn rồi. Để đến đích ko chỉ có 1 đường, và đường ngắn nhất ko chắc là nhanh nhất. VN ko có đường nên phải tìm thôi!

      Delete