“ Người Thanh-Nghệ-Tĩnh keo kiệt, cư xử thô lỗ, nóng nảy…”
“ Con đi học chớ có chơi với bọn Thanh- Nghệ -Tĩnh con nhé..”
“ Các Doanh nghiệp đua nhau tẩy chay lao động Thanh- Nghệ -Tĩnh…”
“ Bọn nó chó lắm..”
Tôi rất đau lòng khi vô tình nghe được, đọc được những câu nói, những đánh giá kiểu như thế trên xe bus hay trên những trang báo..
Ngày bé, tôi luôn háo hức khi nghĩ một ngày nào đó, tôi sẽ lớn lên, sẽ được ra thủ đô học tập. Thủ đô có Hồ Gươm, có phố cổ, có lăng Bác, có những con phố đêm sáng đèn tuyệt đẹp, và đặc biệt, tôi sẽ được gặp gỡ, học tập cùng bạn bè khắp mọi miền Tổ Quốc…Đâu có ngờ…
Mới đầu đi học, tôi có nghe một vài câu chuyện xa xôi về việc kì thị vùng miền, tôi không để tâm lắm vì tôi nghĩ chắc người ta cứ phức tạp hóa mấy vụ đánh nhau vớ vẩn thôi …Dạo gần đây, tôi nghe những câu chuyện từ những “nạn nhân” có thật của việc kì thị vùng miền, tìm hiểu thêm qua sách báo, internet, tôi mới thực sự sốc khi nhận ra kì thị vùng miền trở thành một trào lưu,một vấn nạn xã hội đang ngày càng trầm trọng. ĐỪNG XEM NHẸ VẤN ĐỀ NÀY !
Người ta nói người Thanh- Nghệ -Tĩnh bủn xỉn, hay đánh nhau, hay bảo vệ cho nhau, quậy phá trong nơi làm việc…Thậm chí còn có những người lập nhóm những người ghét dân Thanh-Nghệ -Tĩnh và suốt ngày chửi bới thô thiển, tục tĩu, có những doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai..còn thẳng thừng không nhận công nhân Thanh-Nghệ -Tĩnh, xóm trọ không cho Thanh-Nghệ-Tĩnh thuê, nhiều người còn cố tránh xa những con người vùng này như lánh người bệnh phong, bệnh hủi…
Có người từng chứng kiến cảnh gây lộn của người Thanh-Nghệ -Tĩnh, nhưng phần lớn còn lại chỉ ghét người 3 tỉnh này vì ….nghe người khác chứ chưa một lần tiếp xúc với họ. Các doanh nghiệp cũng truyền cho nhau những thứ được họ gọi là “ kinh nghiệm tuyển công nhân” theo kiểu cách tương tự. Thật là vô lí, thật nực cười và vô cùng bất công… Cái lối a dua, hùa theo, cách phán xét chủ quan, phiến diện, đánh đồng của họ đã khiến rất nhiều người Thanh-Nghệ -Tĩnh cảm thấy bị xúc phạm, nhiều lao động mất việc làm, rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi họ đã lặn lội đường xa, rời mảnh đất quê hương nghèo khó lên đường tìm miếng cơm manh áo để nuôi gia đình nhưng lại bị đối xử bất công, phải bán rẻ sức lao động, lại còn bị xúc phạm phũ phàng…
Phải, rất nhiều người dân Thanh-Nghệ-Tĩnh nóng nảy,hay bảo vệ nhau, hay quậy phá, tiết kiệm thái quá…nhưng những điều kiện khách quan đã khiến họ trở nên như vậy. Quanh năm phải oằn mình hứng chịu thiên tai, bão lũ, cái nắng gay gắt của mùa hè cùng gió lào rát bỏng khiến con người họ trở nên nóng nảy, hay gắt gỏng. Để chống lại sức mạnh tàn phá của thiên nhiên, họ phải cùng nhau hợp lực, giúp đỡ nhau để vượt qua những thời kì gian nan nhất của cuộc đời khi nhà cửa bị cuốn trôi, khi những đứa trẻ trở nên mồ côi sau một đêm giông bão…Trên mảnh đất cằn cỗi trơ sỏi đá ấy, để kiếm được đồng tiền, hạt gạo nuôi thân, họ đã phải trải qua những cuộc mưu sinh đầy gian nan và có phần nguy hiểm. Thế nhưng họ quật cường, họ không chịu khuất phục và cũng vì thế mà họ quý đồng tiền, họ tiết kiệm từng đồng xu, họ đau lòng khi thấy những đồng tiền mình chắt góp được bởi bao mồ hôi nước mắt bỗng chốc tiêu tùng trong một bữa tiệc xa xỉ hay một lần tham gia nhậu nhẹt cùng bạn bè (vì nể nang)…Cái đó bị coi là xấu xa, là đáng xấu hổ sao?
Cái nóng nảy, cương cường của con người Bắc miền Trung luôn đi kèm với sự thẳng thắn ,thật thà, ý chí sắt đá không dễ khuất phục. Con người nơi đây không ưa thích sự nịnh bợ, quanh co, hoa lá trong giao tiếp hay sự nhún nhường, nhượng bộ trong ứng xử, có lẽ vì thế mà họ không được lòng nhiều người và bị coi là thô thiển. Đứng trước khó khăn thử thách, họ không mấy khi nhụt chí bởi họ là những con người từng trải,ý chí của họ đã được tôi luyện ngay từ trong bụng người mẹ mang thai đập đá, trèo đèo, lội suối., hơn ai hết, họ ý thức được rằng nếu họ bị khuất phục, họ không thể tồn tại.
Ý chí quật cường ấy đã bao lần ghi danh trong lịch sử qua những chiến công hiểm hách của những vị anh hùng bất tử Lê Lợi, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Trần Can…đặc biệt là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của quần chúng lao động trên toàn thế giới Hồ Chí Minh… Đó mãi là những bản anh hùng ca bất diệt của hàng ngàn thế hệ, những người con xứ Thanh-Nghệ-Tĩnh đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Con người Thanh-Nghệ -Tĩnh tôn trọng sự công bằng, họ dám đứng lên đấu tranh khi họ bị bóc lột sức lao động, khi công sức của họ bị rẻ rúng,và vô hình dung, họ bị coi là những phần tử phá rối trong doanh nghiệp, và họ bị tẩy chay trong tuyển dụng.
“ Người xứ Thanh-Nghệ -Tĩnh đoàn kết, hay bảo vệ nhau, đi đâu cũng hội đồng hương”…bạn không thích điều đó ư? bạn nghĩ điều đó là tiêu cực hạn chế ư? Chỉ khi người ta lợi dụng sự đoàn kết ấy cho những hành động sai lệch thôi bạn ạ. Nhưng phần lớn, tính đoàn kết đã phát huy tác dụng đúng chỗ, nó mang sự giúp đỡ, mang những buổi gặp mặt thân tình, mang cả quê hương đến với họ nơi chốn đất khách quê người, giúp họ được ấm lòng, được san sẻ, được cảm nhận những tình cảm thân thuộc đã ăn sâu vào máu, vào từng thớ thịt của họ.
Có thể bạn không may mắn khi đã gặp phải những người xấu từ xứ Thanh-Nghệ-Tĩnh nhưng xin đừng vì một vài người mà đánh giá gần 1/10 dân số Việt Nam là xấu xa. Thật ra, ở đâu cũng có người xấu, người tốt. Tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt trông thấy những “ nam thanh, nữ tú” Hà Thành buông những lời chửi thề tục tĩu nơi công cộng. Họ hồn nhiên buông thõng những câu nói không thể lọt tai mà không chút ngượng ngùng, nó trở thành những câu cửa miệng của một lớp người luôn tự hào là “ Tràng An thanh lịch” . Rồi biết bao vụ đâm thuê chém mướn giết người man rợ khắp nơi chả ai thèm để ý, nhưng hễ có một vụ người Thanh-Nghệ-Tĩnh ăn cắp hay đánh lộn thì y như rằng trở thành chủ đề cho các cuộc “hội thảo” ở chợ búa, quán trà đá vỉa hè hay thậm chí là trong công sở…
Với nhiều bạn trẻ hiện nay, sự cảm tính luôn chiếm một phần lớn trong thái độ yêu ghét một thứ gì đó: Đã ghét cái gì thì nhìn đâu cũng thấy xấu. Đó là cách nhìn nông cạn, phiến diện của những con người sống hời hợt, thiếu suy nghĩ. Rất mong các bạn suy nghĩ sâu xa, toàn diện một chút. Tất cả chúng ta là người một nhà, các thế hệ cha anh đã biết bao hy sinh xương máu để giành độc lập cho Tổ Quốc, để đất nước thống nhất, nhân dân 3 miền Bắc Trung Nam được sum vầy, thế mà chúng ta lại phụ lại sự hy sinh ấy, chia rẽ kì thị vùng miền, thử hỏi thế có đáng không? Mảnh đất bắc miền Trung là khúc ruột không thể tách rời của Tổ Quốc Việt Nam, con người bắc miền Trung là thành viên không thể thiếu trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đoàn kết, hùng cường.
Nhân đây, để không phải chịu cảnh “ con sâu làm rầu nồi canh” , rất mong các bạn là người con của xứ Thanh- Nghệ -Tĩnh hào hùng, hãy cố gắng gìn giữ và phát huy những tinh hoa truyền thống tốt đẹp và loại bỏ dần những thói hư tật xấu của mỗi cá nhân.
Tôi viết bài này dựa trên sự hiểu biết của người con mảnh đất bắc miền Trung nhưng đứng trên lập trường khách quan của người con của dân tộc Việt Nam với một nỗi niềm đau đáu: mong sao cho những việc đáng buồn như thế này đừng bao giờ xảy ra đối với một đất nước mà triệu triệu đồng bào đã cùng nhau vượt qua bao sóng gió trong lịch sử dựng nước và giữ nước như đất nước Việt Nam mình.
Cao Huy Bình (Đại học Dược Hà Nội)
No comments:
Post a Comment