Sunday, September 19, 2021

Bài mở đầu: Lâm Giang Tiên

 Mở đầu tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa là một bài từ tên là Lâm Giang Tiên, mỗi lần đọc tới lại thấy cảm khái, bùi ngùi, chảy nước mắt. 

      Tác giả của bài từ là Dương Thận, sinh sau La Quán Trung ngót một trăm năm, vào đời Minh. Thành thử nhiều người suy đoán bài từ này của La Quán Trung, mà người đời sau gắn lầm cho Dương Thận. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất đoan chắc Lâm Giang Tiên là của Dương Thận, do ông có một loạt các bài từ sử luận trong một tác phẩm gọi là "21 sử đàn từ" trong đó có Lâm Giang Tiên, về văn phong, ý tứ đều tương hợp với nhau. 

      Sự thực đến đời Thanh, nhà phê bình Tam Quốc là Mao Tôn Cương mới đưa Lâm Giang Tiên vào đoạn đầu Tam Quốc Diễn nghĩa nó phù hợp đến nỗi người ta cho rằng Mao Tiên sinh đã " thêm mắt cho rồng". Tôi thấy hình ảnh này không phù hợp lắm. Bản thân Tam Quốc Diễn nghĩa đã hay không cần Lâm Giang Tiên.       

       Bản thân Lâm Giang Tiên là một bài thơ khá mộc mạc, ý tứ và hình ảnh đều đã có đâu đó. Trong thơ Trung Quốc cũng có tới chục bài nổi tiếng cùng tên là Lâm Giang Tiên. Tuy vậy được đặt vào đầu bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, bài thơ như một viên ngọc thô chưa ai biết, bỗng trở nên óng ánh, triết lý cao siêu, vừa xúc động lạ thường.

         Bài này được phổ nhạc khá hay trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa. Thực tình tôi xem phim khá lớt phớt mà chỉ nghe bài nhạc. Có cảm giác giống như một điệu hát vỗ mạn thuyền của một người lính già, cảm khái hoài cổ, có cảm giác bát ngát sóng vỗ xung quanh, bài hát bay lên, tan vào không trung. Nhưng khi đọc bài thơ tôi lại có cảm giác khác, chậm rãi, nho nhã, buồn man mác, triết lý hơn và không có vẻ hào hùng, chỉ mang tâm sự chua xót nhiều hơn. Vì vậy tôi liên tưởng tới Tháp Rùa ở Hồ Gươm. Bản thân Tháp Rùa khá mộc mạc, nhưng nó phù hợp với Hồ Gươm đến mức nó trở thành kiệt tác. Nếu đặt một công trình nghệ thuật phức tạp, tuyệt mĩ ở đó chưa chắc hay.

       Bất giác đọc lại và diễn ca Lâm Giang Tiên cho đúng nhịp điệp và tâm sự của nó, mặc dù nhiều cao thủ đã dịch rất hay. Vì dịch là cách thưởng thức tốt nhất. Tôi cố gắng giữ số chữ, thể và vận, hy vọng giữ được hơi thở và nhịp tim của bài từ.

Nguyên văn:

臨江仙

滾滾長江東逝水,

浪花淘盡英雄。

是非成敗轉頭空。

青山依舊在,

幾度夕陽紅。

白發漁樵江渚上,

慣看秋月春風。

一壺濁酒喜相逢。

古今多少事,

都付笑談中。

Phiên âm:

Lâm giang tiên

Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,

Lãng hoa đào tận anh hùng.

Thị phi thành bại chuyển đầu không.

Thanh sơn y cựu tại,

Kỷ độ tịch dương hồng.

Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,

Quán khan thu nguyệt xuân phong.

Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.

Cổ kim đa thiểu sự,

Đô phó tiếu đàm trung.

Dịch nghĩa:

Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông,

Sóng bạc đầu cuốn hết thảy mọi anh hùng.

Đúng sai, thành bại cũng chuyển thành không.

Núi xanh vẫn y nguyên ở đó,

Bao lần bóng tà dương chiếu hồng.

Ngư tiều tóc bạc trên bến sông,

Đã quen nhìn trăng thu, gió xuân.

Một bầu rượu đục vui tương phùng.

Cổ kim biết bao chuyện,

Đều gửi vào trong tiếng cười.

Diễn ca:

    Trường giang về đông cuồn cuộn chảy

    Sóng xô cuốn sạch anh hùng

    Thị phi thành bại thoắt hư không

    Núi xanh còn như cũ

    Mấy độ tịch dương hồng 

    Ngư tiều đầu bạc trên bến nước

    Dãi dầu thu nguyệt xuân phong 

    Một bầu rượu nhạt vui tương phùng

    Cổ kim bao nhiêu chuyện 

    Gửi vào chuyện thung dung

Lệnh Lỗi Dương

No comments:

Post a Comment