[Sử Việt] Ôn Như Hầu,
1. Nói chuyện mãi về chính trị gia, tướng lĩnh giết người như ngóe, tự nhiên thấy bất công, mặc dù chuyện đời phải có sống chết, chuyện tình phải có tay ba, tay tư mới hấp dẫn. Cũng muốn nói chuyện khoa học hay kinh tế. Hiềm vì lịch sử nước nhà vốn không có khoa học, kinh tế phong kiến đúng là kinh tế của bọn kiến, từa tựa như kinh tế mối hay kinh tế ong dựa trên công sức và số phận vô nghĩa của bọn thợ. Nói thêm bực mình. Vậy ta nói chuyện văn chương.
2. Tại sao lại chọn Ôn Như Hầu. Có ít nhất hai lý do. Lý do thứ nhất, thời Hầu còn sống, đất nước rối ren, nhưng nhân tài nở rộ. Chưa có thời nào rối ren như thời này, cũng như chưa có thời nào nhân tài nhiều như thời này. Để lại được danh tiếng trong một thời đại như thế không phải là chuyện dễ. Lý do thứ hai tức cười hơn, nhiều người không biết Ôn Như Hầu là ai. Không biết cũng không sao, biết nhầm mới đáng buồn. Có hai cái nhầm tức cười và cười ra nước mắt. Một loại nhầm Ôn Như Hầu với Ôn Hầu Lã Bố đời Tam Quốc bên Tàu. Loại kia thì thì thào như sợ công an nghe thấy "Không nhớ nhưng hình như là tên phản động nào đó, có vụ Ôn Như Hầu kinh thiên động địa thì phải." Kiến thức chung của xã hội như thế thì rất đáng nói rồi, còn hay gấp mấy nói chuyện ông Gió với ông Gấu nào đó.
3. Ôn Như Hầu tên là Nguyễn Gia Thiều, là nhà thơ trác tuyệt thế kỷ 18. Đây là một thời kỳ loạn lạc. Ngoài Bắc, chúa Trịnh mang tiếng phò vua Lê, nhưng kỳ thực mượn vua Lê làm bung xung để cai trị vì thấy chưa đủ sức tự lập. Khi nào bất mãn thì giết vua và giết thái tử như bỡn. Các lực lượng nổi loạn nổi lên như ong. Trịnh Tùng, Trịnh Kiểm giết vua, Trịnh Sâm giết Thái tử. Phía Nam, sau thời kỳ các chúa Nguyễn sáng cai trị, quyền hành rơi vào tay quyền thần, Tây Sơn nổi lên chia sẻ đất nước ra làm nhiều mảnh. Nói chung thế kỷ này đánh nhau không ngày nào yên, thế mà rất nhiều ông chịu khó làm thơ. Hình như thơ chỉ hay khi bụng đói, đầu óc nhốn nháo.
4. Ôn Như Hầu được phong Hầu vì mẹ ông là con gái chúa Trịnh Cương. Ông là cháu ruột chúa Trịnh Doanh. Nhưng đến đời Trịnh Sâm, Trịnh Tông, quan hệ họ hàng đã xa ông không còn được trọng dụng. Sau này Ôn Như Hầu cũng không làm quan với Tây Sơn hay nhà Nguyễn. Suốt đời bất đắc chí, nên Hầu buồn, văn chương trở nên trác tuyệt, nổi tiếng đương thời. Cho hay, văn nhân tài tử nếu không bị bọn gái thì cũng nên bị bọn chính trị cho lên bờ xuống ruộng mới ra thơ văn hay. Tuy nhiên thơ chữ Hán có hàng ngàn bài thất truyền gần hết. Hiện chỉ còn lại bài thơ dài là Cung Oán Ngâm Khúc đủ xếp ông vào hàng nhà thơ cự phách. Một bài thơ khác gần đây người ta cho là của Hầu là "Khóc thị Bằng" có câu tả nỗi nhớ hay nhất văn học Việt Nam
" Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hương"
Sở dĩ người ta ít nhắc tới Nguyễn Gia Thiều vì thời này, văn thơ hay rất nhiều. Và như thói quen, người ta bắt chước nhau nhắc tới "Truyện Kiều" và hai bản dịch "Chinh phụ ngâm" và "Tỳ bà hành", ở đó thơ Nôm lên đến đỉnh cao của hoàn mỹ và toàn bích.
5. Chúng ta hãy cùng đọc lại vài câu trong Cung Oán ngâm khúc để thưởng thức văn tài của Hầu.
Đoạn tả sắc đẹp của người con gái có viết
"Bóng gương lấp ló trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa!
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa!
Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình"
Người ta cứ theo nhau tán dương đoạn truyện Kiều tả Kiều và Vân là tuyệt bút, chứ theo ý tôi đoạn này tả mới hay, lại rất sexy. "Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa" quả là ghê gớm. Cảm giác say tình "Chìm đáy nước lờ đờ cá lặn", đúng thật. Đẹp mà không liên quan đến sex là cổ lỗ sĩ, vứt. Cụ Ôn Như Hầu sinh trước nhưng hiện đại hơn cụ Tố Như nhiều. Cũng có thể cụ Tố Như bị bó buộc với bản gốc khi diễn ca nên chưa thể phóng bút.
6. Bàn về chuyện đời cực kỳ triết lý sâu sắc
Kìa thế cục như in giấc mộng,
Máy huyền vi mở đóng khôn lường!
Vẻ chi ăn uống sự thường,
Cũng còn tiền định khá thương lọ là.
Đòi những kẻ thiên ma bách chiết,
Hình thì còn bụng chết đòi nau!
Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra!"
Liên hệ thân phận buồn thảm của con người với tiếng khóc chào đời rất hay và đắt. "Thảo nào khi mới chôn nhau. Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra." Rất ai oán, triết lý và hình ảnh "bưng đầu" quá mệt mỏi cho kiếp nhân sinh. Tôi thấy Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du cũng phụ họa lại nhiều ý tưởng của Cung Oán ngâm khúc.
7. Về sự đời phù vân, Văn Chiêu Hồn khó có đoạn nào ăn đứt được đoạn
Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu.
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.
Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ,
Đường thế đồ gót rỗ khi khu.
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh.
Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi!
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.
Đền vũ tạ nhện giăng cửa mốc,
Thú ca lâu dế khóc canh dài,
Đất bằng bỗng rấp chông gai,
Ai đem nhân ảnh nhuốm màu tà dương?
Rất hiếm người dám gọi "ông tạo" Thượng đế là "trẻ tạo hóa" như Hầu. Các hình ảnh và từ ngữ như "phong trần", "thân phù thế", "bể khổ, bến mê", "sóng cồn cửa bể", "mặt ghềnh", "sự đời", "tạo hóa", "tang thương", "màu tà dương", rất quen thuộc trong truyện Kiều.
8. Tả cảnh tang thương, điêu tàn thật cùng cực tuyệt tác
"Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ,
Quán thu phong đứng rũ tà huy.
Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau!
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì."
Đọc thơ Hầu mới hiểu được các ý "tà huy" trong Thơ Bùi Giáng sau này.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment