ĐẲNG CẤP Ý THỨC của NGƯỜI VIỆT
Một người bạn nêu câu hỏi trong một nhóm mạng xã hội, đại ý: Tại sao người Việt chưa thể/không thể làm ra được một sản phẩm công nghệ cao cấp như, for example, động cơ máy bay? Và tại sao người Việt chưa có một tỷ phú công nghệ nào, ngoài những tỷ phú bất động sản và thương mãi - dịch vụ?
Đây là nội dung tôi tạm trả lời nhanh bạn ấy.
Cái động cơ máy bay, hay một sản phẩm công nghệ cao cấp nói chung, là kết quả của những tiền đề sau đây:
1. HOÀI BÃO: Sự muốn làm ra nó.
2. NĂNG LỰC: Khả năng có thể làm ra nó.
3. PHƯƠNG TIỆN: Sự đầu tư đủ để làm ra nó.
4. THỊ TRƯỜNG: Khả năng nó được sử dụng, hoặc thị trường sẽ tiêu thụ nó.
Mục 3 có thể khó khăn nhưng không phải là bất khả. Mục 4 khó xác định chính xác khi chưa có thành phẩm, nhưng có thể đánh giá được nếu có tầm nhìn chiến lược tốt. Chỉ có mục 1 và mục 2 phụ thuộc vào chủ quan con người.
Hãy thừa nhận đi: Rất ít người Việt có hoài bão và năng lực làm các việc lớn và khó ngang tầm công dân các quốc gia công nghiệp. Làm ra thật nhiều tiền thì chỉ với ý chí và kiến thức của nông dân cũng có thể làm ra. Nhưng làm ra một sản phẩm công nghiệp cao cấp đòi hỏi những người có ý chí đặc biệt, có sở học đặc biệt, có năng lực tổ chức và hợp tác trên nền tảng văn hoá công nghiệp. Tuyệt đại đa số người Việt, bao gồm chính các tỷ phú hiện hữu, đều không có sở học và văn hoá ở tầm vóc công nghiệp.
Người Việt có thể hiếu học, nhưng hầu hết đều không học hành đến đầu đến đũa, ngại thâm nhập hoặc không có khả năng thâm nhập thấu đáo những chuyên ngành khó. Tính chuyên môn cao (tính chuyên nghiệp) trong tri thức của tuyệt đại đa số người có học của dân tộc Việt là thấp.
Cuối cùng, ý thức xã hội của người Việt là ý thức tầm thành viên của thị tộc - bộ lạc. Có một công trình xã hội học đã phân chia trình độ phát triển ý thức của loài người ra 3 đẳng cấp: (1) thị tộc - bộ lạc, (2) tiền công nghiệp, và (3) công nghiệp. Dân tộc chúng ta mới chỉ đang ở đẳng cấp thấp nhất — đẳng (1). Người Việt có xu hướng co cụm, lựa chọn hợp tác và vun đắp lợi ích chủ yếu với thân nhân và thân hữu. Điều này luôn nhất quán từ bộ máy thể chế đến mọi địa vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Đông Quang Khải
No comments:
Post a Comment