1. Trong giáo trình "Nhập môn CNTT" HK1, niên học 2021-2022, tại FIT-DNU, tôi nói với sinh viên đại ý: Thế hệ chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm về nghiên cứu. Tôi may mắn tự tổng hợp thành được chút kỹ năng nghiên cứu sau 15 năm học tập và phải 30-40 năm mới có thể nói là tạm được. Rất nhiều người, kể các các nhà khoa học giỏi ở thế hệ tôi cũng phải 20-30 năm mới bắt đầu có thói quen nghiên cứu.
2. Ngày nay, việc nghiên cứu rất dễ dàng nhờ các công cụ mới, rất mạnh mẽ và tiện lợi. Sinh viên FIT-DNU được làm quen với kỹ năng nghiên cứu ngay từ HK1, năm thứ nhất. Xu thế chung là sau này, tất cả mọi người đều sẽ biết nghiên cứu. Nghiên cứu sẽ trở thành kỹ năng thông thường cho mọi người, chứ không phải là một thứ năng lực đặc biệt, đặc quyền hay độc quyền của các GS, TS.
3. Tôi có may mắn được làm việc ở những nơi việc nghiên cứu được coi trọng, nên coi nhu cầu nghiên cứu là hiển nhiên mà quên đi một việc: ở rất nhiều nơi người ta thần tượng hóa việc nghiên cứu, cho đó là độc quyền của những người rất giỏi, nghiên cứu để trưng bày, để khoe, để đòi hỏi được tôn trọng. Ở những môi trường đó sinh viên không dám nghĩ tới nghiên cứu, chủ yếu là do thầy không có thói quen nghiên cứu, không thấy nghiên cứu là thiết thực. Có thầy cô khoe với tôi về việc nghiên cứu như báo cáo thành tích, và có vẻ chưng hửng khi tôi tiếp nhận rất thản nhiên "Tốt cho thầy cô". Có lẽ tôi sẽ phải kiên nhẫn dạy thêm cho cả thày và trò: Nghiên cứu là gì và nghiên cứu có ích lợi gì, cho ai?
4. Trước hết, nghĩ tới nghiên cứu, người ta cứ nghĩ ngay đến Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn. Nếu thế thì đến lúc nào thành Ngô-Đàm-Vũ hãy nói đến chuyện bi bô nghiên cứu. Thực ra, nghiên cứu là một thao tác có thể bắt đầu từ tiểu học. Hãy quan sát một trẻ hoạt động theo lối nghiên cứu sẽ khác hẳn một trẻ hoạt động vô ý thức. Những trẻ hoạt động vô ý thức sẽ không có tương lai, ít ra về mặt trí tuệ. Và chúng ta, những người lớn phải chịu trách nhiệm về điều đó. Một anh bạn tôi, chuyên đào tạo năng khiếu trẻ em cho biết trình độ nhận thức trung bình của trẻ Việt Nam 5 tuổi mới có thể bằng trình độ của trẻ em 3 tuổi ở các nước phát triển. Tôi thực sự sốc với nhận xét này, vì nó đúng và trái với niềm tin của chúng ta là trẻ Việt thông minh. Trẻ Việt tuy không thông minh đặc biệt, nhưng chắc vốn không dốt. Có thể cách dạy trẻ của gia đình và nhà trường Việt có vấn đề. Các vị phụ huynh đang cố nhồi sọ trẻ có thể đang tước đi các cơ hội của các con.
5. Nghiên cứu bắt đầu bằng các câu hỏi. Trẻ nào cũng có bản năng hỏi. Bản năng này dần dần mất đi do người lớn nhồi sọ, đè nén, coi thường và áp đặt, làm chúng mất đi bản năng hỏi, để học tích cực. Nhỏ thì bị bố mẹ quát "hỏi ngu", "hỏi gì mà hỏi lắm thế". Lớn lên, trong cơ quan những người hỏi nhiều bị coi là hâm. Thế đã may, Sếp rất ghét những nhân viên nhiều chuyện, hỏi nhiều bị coi là thách thức, chống đối. Lâu ngày người Việt quên cách đặt câu hỏi tại sao mọi sự lại cứ như thế và tại sao chúng ta lại nghèo, lạc hậu. Hành vi đẻ ra số phận là như thế, khó có thể trách ông trời.
6. Một sự thật là sinh viên đại học Việt Nam không biết đặt câu hỏi. Thậm chí, tại các hội thảo quốc tế, chất lượng các câu hỏi của các nhà khoa học Việt Nam cũng rất kém, dường như để khoe với mọi người là tôi cũng biết vấn đề này kia. Các câu hỏi này chủ yếu dưới dạng "Cái này là cái gì? Gà nặng trung bình bao nhiêu lạng? Nhiệt độ bề mặt của mặt trời là bao nhiêu?" Ngày nay, các câu hỏi về "sự thực" chỉ là vấn đề bấm chuột, kết quả chính xác và đầy đủ hơn một giải thưởng Nobel rất nhiều. Bản thân các cuộc thi "hành trình lên đỉnh Olympia" được coi là thước đo của trí tuệ Việt Nam, toàn là các câu hỏi mang tính "sự thực" mà con người không thể đua với các cỗ máy tìm kiếm, mà cũng không nên cố gắng máy móc hóa tư duy để đua làm gì.
7. Nghiên cứu thực chất là học tích cực. Đặt câu hỏi, tìm tòi thông tin, tháo lắp, đọc, phân tích, viết, kể lại, thấy được bản chất, trình bày, thuyết phục người khác, lập luận, tranh cãi, sáng tạo và ứng dụng trong những tình huống khác nhau. Ngày nay, có rất nhiều công cụ, khiến các quy trình này hết sức dễ dàng.
8. Cái học ngày nay cũng khác đi. Ngày nay không ai đánh đố "Cái này là cái gì?" hay "Đoán xem?", trừ phi đào tạo thầy bói. Vì thế dạy cũng phải khác. Dạy ngày nay không phải là nhồi kiến thức để học trò ghi nhớ mà phải dạy trò cách học. Đó chính là nghiên cứu.
9. Nghiên cứu không phải là yêu cầu cao mà là tất yếu, như đọc, nói, viết vậy. Muốn vậy, trước hết thầy cũng phải rèn luyện khả năng nghiên cứu. Việc thầy viết được 2-3 bài báo tầm thường hay có chút giá trị không quan trọng, bằng việc thầy thấm thía được ý nghĩa thực sự của nghiên cứu đối với tương lai của học trò và truyền thông điệp đó cho trò. Quá trình này không hề khó với trò, nhưng là một thách thức thực sự với thầy, không chỉ đối với năng lực mà cả đối với đạo đức và trách nhiệm của nghề dạy học.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment