Duyên " tiền " định (2)
Trở lại với Hải. Anh vượt biên thành công . Đến được đảo và được vào đất Mỹ. Như bao người khác thời ấy . Đi học nghề rồi đi làm. Lấy vợ rồi sinh con. Lo nuôi vợ nuôi con. Khi tuổi hơn 50 thì người vợ bị ung thư , mất sớm. Goá vợ khi tuổi đời còn khá trẻ làm anh lưỡng lự. Ở vậy thì không thể mà lấy thêm lại lo lắng.
Anh về VN mỗi năm. Đã quên cô Ngọc từ lâu . Nhưng có vài lần lững thững trên mấy con đường khi xưa là chợ trời , anh chợt nhớ lại bao kỷ niệm. Rồi hình ảnh cái cô gái khi nghe anh hỏi mượn tiền. Chỉ biết lục túi gom góp chớ không một lời căn dặn ..." chừng nào anh trả ?". Cái người mà suốt một cuộc đời của anh, anh chưa gặp người thứ hai có tánh tình như vậy. Anh có ý đi tìm lại người xưa . Làm sao kiếm được người đã mấy chục năm không tin tức. Bóng chim tăm cá. Anh cầu trời cho mình gặp mặt một lần dù chỉ nói một lời cám ơn muộn màng. Nàng ấy bây giờ ra sao? Còn sống hay chết. Giầu hay nghèo?. Anh tự nhủ rằng nếu nàng... nghèo, anh sẵn sàng giúp đỡ.... Anh cứ đi lang thang trên đường mà lòng thầm nghĩ như vậy.
Cũng phải nói rằng với lứa tuổi 50 và sống ở nước ngoài, lại có trình độ văn hóa căn bản. Hải tương đối còn... đẹp trai và phong độ nhờ biết giữ gìn sức khoẻ. Lâu lâu về VN. Việt kiều Mỹ hiền lành lại độc thân, Hải được nhiều cô để ý. Có cả những người trẻ chưa lập gia đình. Cũng nhiều người mai mối đưa đẩy. Cuối cùng Hải cũng tìm được một ý trung nhân. Cô là một giám đốc công ty . Đã một lần đổ vỡ và đang sống với một cháu gái còn nhỏ. Cô tên Hương, thế hệ sinh vào những năm 80. Cha mẹ là những người có gốc gác làm lớn trong chính quyền. Đến với Hương, Hải cảm thấy vui vẻ vì sự trẻ trung và tự nhiên của nàng. Anh cũng cảm thấy trẻ lại. Có nhiều điều mà anh chưa được... hưởng. Chẳng hạn một tối đi bar cuồng loạn. Hay một cuộc ra Vũng Tàu chơi vào lúc nửa đêm... Chỉ có Hương mang lại cho anh những cuộc vui đó. Đôi lúc tỉnh giấc trong một khách sạn lộng lẫy và một người đẹp nằm thiêm thiếp bên mình. Anh chợt hạnh phúc và cũng biết nó thật ...mong manh , vì anh dư biết nếu mình không là một việt kiều thì không thể nào có diễm phúc ấy .
Một lần Hương lái xe đưa Hải đi ăn sáng . Nàng ghé một shop để mua vài hộp sữa cho cháu và cha mẹ của nàng. Muốn Hải đi cùng giúp nàng đem đồ lên xe vì cũng khá nặng.
Hải thấy một chị bán hàng... tròn tròn đang lúi húi. Ai đây ta? Trời ơi là Ngọc. Ngọc cũng ngước nhìn và nhận ra Hải dù đã mấy mươi năm. Hai người hỏi thăm qua lại , đến khi Hương nhắc là có việc gấp nên phải về. Hải nói sẽ trở lại.
Hải đi rồi, Ngọc thoáng giật mình. Sao lại có duyên gặp nhau nhỉ. Ngày xưa , đôi lúc nàng tiếc sao không đi theo Hải. Rồi lại an ủi rằng cái duyên chưa đến. Hôm nay gặp lại Hải bên một người phụ nữ đẹp khiến chị ngẩn ngơ. Rằng anh lúc nào cũng ngoài tầm với của chị. Chị biết xưa anh là người tốt. Người tốt đâu phải dễ kiếm. Chị nhủ thầm khi gặp lại ảnh mình sẽ làm sao.
Hình như có một thuyết định mệnh rằng cái gì của mình, thì chắc chắn sẽ là của mình. Nhiều người tin thuyết này nên cứ an nhiên tự tại. Chuyện gì đến sẽ đến. Duyên số mà. Có duyên tự khắc nó đến. Không duyên sao mà giữa cả triệu người, lại có một người đi ... mua sữa để khiến hai người gặp nhau. Nhưng đôi khi có duyên mà không có... phận. Hay gọi là có phần ( số ) . Nên cái duyên nó trôi mất tiêu. Duyên là do trời định nhưng phận phải do mình. Để xem Ngọc thay đổi phận mình như thế nào nhé.
Chị có kể thêm về nghề buôn bán mà chị đang làm. Mới đầu là mua sữa trôi nổi trên thị trường. Thí dụ như mua quà biếu. Một ông nọ nằm viện. Ai cũng mang sữa đến biếu. Ông cũng chỉ uống được vài hộp. Sữa không thể để quá date nên tự khắc nó phải ra... chợ. Rồi khi kinh tế Saigon phát triển, mức tiêu thụ những thực phẩm có sữa gia tăng. Bánh kem chẳng hạn. Hồi xưa đâu biết sinh nhật là cái quái gì. Bây giờ mỗi tuần phải dự vài đám mà đám nào cũng một chiếc bánh bự chảng. Nó khiến chị chỉ là buôn bán nhỏ, trở thành buôn bán lớn. Gọi là bán sỉ. Mấy chị ở chợ hùn nhau nhập sữa bột từ khắp nơi trên thế giới. Đem về phân phối. Nó biến chị từ cái cô xách chiếc honda đi lòng vòng kiếm hàng và kiếm khách. Giờ thành ... bà chủ với một số công nhân và cả xe tải. Nói gặp thời thì cũng đúng nhưng nắm được thời cơ cũng phải có kinh nghiệm và bản lãnh.
Buôn bán là một nghệ thuật. Tại sao cả một dãy phố đều bán một loại hàng và giá cả như nhau ( phá giá là chơi bẩn ). Làm sao để mình đông khách hơn các tiệm khác là một cuộc cạnh tranh sống còn. Lúc này trình độ văn hóa và cách ứng xử là một lợi thế ,cộng với trực quan bén nhậy. Chị kể khi gặp một khách viếng cửa tiệm, làm thế nào khiến khách phải mua chút đỉnh mới được. Mặt hàng sữa rất dễ. : - Chào anh( chị ). Mới đến tiệm em lần đầu thì mua một em .... tặng thêm một nghe. Đi nơi khác hỏi giá đi rồi quay lại em. ...Hộp sữa nào gần hết date thì đem tặng còn hơn bán rẻ hay bỏ đi. Cứ vậy mà số lượng khách tăng dần.
Có khách thì cũng phải giữ khách. Giữ được khách do giá cả mà cũng do sự tin tưởng. Chị phải kiểm tra hàng hóa thường xuyên. Nguồn gốc và phẩm chất . Không cẩn thận mua phải hàng đã bị pha trộn thì sao?. Thời buổi thật giả lẫn lộn. Bán phải sữa giả làm con nít không... lớn thì tu mấy kiếp cũng không hết tội. Thế nên chị nói rằng làm chủ rất vất vả và chuyện này không thể nhờ ai khác. Tui hỏi là sao chị biết sữa bị trộn bột hay không. Chị nói mình phải biết phân chất nếu lô hàng lớn( nhờ các phòng lab quen biết). Nhưng lâu năm trong nghề, giờ chị chỉ cần nếm trong miệng là biết. Thế nên không ai thay thế được là vậy. Và đôi khi ta thấy một cửa tiệm nhộn nhịp khách ra vào. Ta muốn mở một tiệm bán cùng mặt hàng để cạnh tranh. Nhưng không phải có tiền hay có thế lực là được. Nó tuỳ thuộc rất nhiều điều kiện. Và Ngọc, giờ giàu có. Điều đó không phải tự nhiên mà có.
Hương thì sao? Cô là thế hệ 8x. Khi cô lớn lên thì những cái đau khổ của một thời , mà người dân cả hai miền nam bắc từng chịu đựng,nó đã vào quá khứ. Kinh tế không chỉ là quốc doanh hay hợp tác xã , mà tư doanh đã được công nhận.
Cha của Hương là một y tá bộ đội. Là một người thức thời. Ngay năm 75 ông dám biếu thủ trưởng một chiếc honda do cha ruột trước đó đã cho ông.
Ông nội của Hương di cư vào nam năm 54. Để lại cha với bà nội lại Hà Nội. Ông ấy vào nam , lấy vợ khác và có vài đứa con. Năm 75 cha con gặp nhau. Được người cha nhắn rằng bớt lý tưởng đi để nhìn vào thực tế. Và cha nàng đã nghe theo, tìm mọi cách để tiến thân. Gia tài chỉ một chiếc xe quý nhưng ông sẵn sàng " hối lộ " để tìm một suất đi học.
Ông thủ trưởng của cha Hương có món quà quá sức tưởng tượng , nên gởi ông đi học khoá y sĩ nào đó mà chỉ người trong ngành mới biết. Cộng với lời phê rất tốt làm nền tảng cho sự tiến thân sau này.
Rồi ông thành y sĩ cho một bệnh viện bộ đội. Chẳng mấy chốc nghe đâu lại được đi " chuyên tu " , trở thành " bác sĩ " hồi nào không hay. Chức vụ cuối cùng là giám đốc một bệnh viện lớn. Dưới tay mình là bao nhiêu bác sĩ " thứ thật ". Mỗi năm tiền quà biếu của nhân viên nhiều lắm.
Mẹ của Hương là một nữ điều dưỡng. Là con của một ông lớn trong ngành Y . Hai người lấy nhau khi ông mới chỉ là y sĩ quèn. Có thể nhờ vậy mà ông được chuyên tu để thành bác sĩ "thần tốc " cho môn đăng hộ đối chăng? Con đường tiến thân của ông quả thật là vù vù. Nay ông bà đã về hưu. Nhưng trong thời gian còn tại vị, ông kịp mở một công ty cung cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện và trao cho vợ chồng Hương làm giám đốc.
Công ty của Hương chuyên nhập nhũng máy móc y tế hiện đại , cung cấp cho cho các bệnh viện của cả nước. Vì vậy cô luôn được lời mời của các công ty lớn ở Mỹ ,Anh ,Pháp... . Vợ chồng cô đi nước ngoài như đi chợ. Và ta cũng hiểu rằng không phải dễ mà bán được hàng cho bệnh viện. Nó là một mớ bòng bong chằng chịt mà chỉ những người trong ngành mới biết. Có điều lợi nhuận của họ là đồng tiền xương máu của bệnh nhân. Vì giá cả của nó phải được " thổi " lên gấp nhiều lần.
Vợ chồng Hương chia tay sau vài cuộc ghen tuông gì đó. Anh mau chóng có vợ khác. Riêng Hương, đàn ông đến với cô cũng nhiều nhưng không được cô tin tưởng.
Trong một lần đi Đài Loan du lịch , chuyến đi đó cô gặp Hải. Anh về VN nhưng quá cảnh ở xứ Đài. Sẵn tiện anh book tour đi chơi mấy ngày. Hai người có nói chuyện và hỏi thăm sơ sơ. Hương mến Hải vì sự thành thật . Hải tâm sự là từ hồi trẻ , vượt biên rồi lấy vợ. Chỉ biết cắm đầu đi làm nuôi vợ nuôi con. Đến khi gần cuối cuộc đời, mọi mùi vị ăn chơi đều không biết. Nay được quyền chỉ nghĩ đến thân mình, Hải hối hả... "gỡ vốn". Hương cười lớn. Chưa bao giờ nàng được nghe một lời tâm sự như vậy. Chớ Hải mà " nổ " với nàng là hỏng kiểu rồi. Từ chỗ có cảm tình ban đầu. Về Saigon hai người hẹn nhau đi chơi. Sau này nghe nói Hải cũng mời mẹ con Hương qua Mỹ chơi. Nàng cũng thích cuộc sống xứ này. Nhưng có điều công việc kinh doanh của nàng vẫn tốt nên nàng hơi e ngại. Hải cũng biết vậy nên hai người giữ tình bạn mà hơi " sâu " chút. Giờ mỗi lần về VN, hai người sống với nhau như vợ chồng.
( còn tiếp )
Jimmy Nguyen Nguyen (Trang Văn chương Miền Nam)
No comments:
Post a Comment